I. THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
3. Các mối quan hệ của cơ quan hành chính trong công tác giải quyết khiếu nại,
Các mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, mà về cơ bản có thể chỉ ra ba yếu tố sau:
- Yêu cầu bảo đảm quyền của công dân, quyền con người trong hoạt động hành pháp
hay quản lý hành chính nhà nước - lĩnh vực trực tiếp và thường xuyên liên quan đến các quyền đó;
- Yêu cầu bảo đảm uy tín, hiệu lực, hiệu quả và tính pháp quyền của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước với các đặc điểm riêng.
Trên cơ sở đó, chúng ta xem xét các mối quan hệ sau đây của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính:
3.1. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan quyền lực nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Như đã nói ở trên, theo một cách phân loại, bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay về cơ bản được chia thành bốn hệ cơ quan: hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước (bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp), hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, hệ thống Toà án nhân dân, hệ thống Viện kiểm sát nhân dân. Trong hệ thống bộ máy Nhà nước ta, với việc tổ chức theo chế độ tập quyền thể hiện ở nguyên tắc tập trung dân chủ thì hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước có thể được xem là xương sống của bộ máy Nhà nước. Trong mối quan hệ với hệ thống cơ quan hành chính, chức năng, nhiệm vụ cơ bản của giữa hai hệ thống cơ quan này là:
- Các cơ quan quyền lực nhà nước tổ chức và ra các cơ quan hành chính có thẩm quyền chung tương ứng: Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp. Thông qua các luật, Quốc hội quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp;
- Các cơ quan quyền lực nhà nước có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các cơ quan hành chính nhà nước có nhiệm vụ trình và báo cáo về hoạt động khiếu nại, tố cáo của mình.
- Đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước khi nhận được khiếu nại, tố cáo thì nghiên cứu, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì yêu cầu người có thẩm quyền xem xét, giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết;
- Khi phát hiện có vi phạm pháp luật thì yêu cầu người có thẩm quyền chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm.
Mối quan hệ trên đây giữa cơ quan hành chính nhà nước với hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước được thể hiện trong các quy định cụ thể đối với các cơ quan Quốc hội, Uỷ ban thường vụ đại biểu Quốc hội, ng vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân trong Luật Khiếu nại, tố cáo.
3.2. Mối quan hệ giữa các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước với Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân
Mối quan hệ này được thực hiện căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại cơ quan trong hệ thống bộ máy Nhà nước được chia thành bốn hệ thống như nêu trên.
Trong mối quan hệ với các cơ quan này, theo chức năng, Toà án nhân dân thực hiện việc giải quyết đối với các khiếu nại hành chính sau khi không được cơ quan hành chính giải quyết sau khi thụ lý trong thời hạn nhất định, nhưng người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại đến cơ quan hành chính nhà nước cấp trên hoặc khiếu nại được giải quyết, nhưng người khiếu nại không đồng ý mà khiếu kiện đến toà án. Trong mối quan hệ này, Toà án nhân dân thực hiện việc kiểm tra và xử lý về tính hợp pháp của quyết định hay hành vi hành chính (trong trường hợp khiếu nại không được cơ quan hành chính nhà nước
giải quyết trong thời hạn luật định) hoặc quyết định giải quyết khiếu nại bị khiếu kiện.
Thực chất, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước và Toà án thể hiện một ý nghĩa có tính thời đại: sự kiểm tra của tư pháp đối với hành pháp thể hiện một đặc trưng rõ rệt của nhà nước pháp quyền nói chung, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. Bởi lẽ, nói một cách đơn giản, nhà nước pháp quyền là nhà nước trong đó quan hệ giữa nhà nước và công dân là quan hệ qua lại bình đẳng về quyền và nghĩa vụ pháp luật. Bản chất của nó là bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với Viện kiểm sát nhân dân là mối quan hệ tố tụng trong quá trình xét xử vụ án hành chính, trong đó, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình xét xử với cơ quan hành chính nhà nước với tư cách là đương sự, người tham gia tố tụng. Như vậy, sau khi Hiến pháp 1992 được sửa đổi vào cuối năm 2001, Viện kiểm sát nhân dân không còn thực hiện sự kiểm sát đối với hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước (từ cấp bộ trở xuống) nữa.
Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trên đây được cụ thể hoá thành các quyền và nghĩa vụ trong Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành qua các quy định về thụ lý đơn kiện, xét xử, qua các chế định chứng cứ, giám định, bào chữa…
3.3. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội
Mối quan hệ trên đây thể hiện điều mà trong các xã hội hiện đại và tiến bộ gọi đó là
“quyền lực nhân dân”. Trong mối quan hệ này, công dân thông qua các tổ chức chính trị - xã hội của mình chủ yếu là thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước trong bộ máy Nhà nước, trong đó bộ phận đặc biệt quan trọng là hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Trong chế độ chính trị nước ta, các tổ chức chính trị - xã hội gồm Mặt trận và các tổ chức thành viên như: Công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội cựu chiến binh…
Trong mối quan hệ kể trên, vai trò cr các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện tính xã hội trên các phương diện sau đây:
- Khi nhận được khiếu nại, tố cáo thì nghiên cứu, chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Được người giải quyết khiếu nại, tố cáo xem xét, giải quyết và trong thời hạn quy định được thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết đó thì kiến nghị cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết và được trả lời trong thời hạn định.
- Kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo;
3.4. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với các cơ quan kiểm tra Đảng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Trong nền chính trị Việt Nam, với sự xác lập địa vị lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam thì mối quan hệ giữa chính trị và hành chính có nét đặc thù rõ rệt. Điều đó phản ánh bản chất giai cấp của nền hành chính nhà nước Việt Nam. Theo đó, các phương thức thực hiện sự lãnh đạo đối với nền hành chính được thừa nhận chung:Đảng vạch ra đường hướng, chính sách xây dựng, tổ chức và vận hành cũng như phát triển của nền hành chính nhà nước, đề xuất để các cơ quan quyền lực nhà nước bầu các đảng viên vào các vị trí then chốt trong hệ thống hành chính nhà nước, tham gia vào việc bố trí, sắp xếp vào các vị trí công tác trong các cơ quan hành chính nhà nước, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng…
Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Đảng vào nền hành chính nhà nước không thể là sự bao biện làm thay hay can thiệp sâu vào hoạt động của các cơ quan hành chính hoặc khoán trắng của các tổ chức Đảng đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Điều đó mất đi tính năng động hay độc lập tương đối vốn có, yêu cầu về chuyên môn của quản lý hành chính nhà nước, do đó, làm yếu đi nền hành chính. Thực ra, trong lịch sử hoạt động và phát triển của nền hành chính nhà nước nước ta, vấn đề thực hiện sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước luôn là vấn đề cần được điều chỉnh bởi sự ngả nghiêng giữa hai thái cực sai lầm hoặc là can thiệp sâu hoặc khoán trắng cho các cơ quan hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước. Cho nên, nguyên tắc chung là cần tránh hai thái cực nêu trên cần được các tổ chức Đảng áp dụng một cách đúng đắn trong từng trường hợp cụ thể.
Đó là nền chung xác lập mối quan hệ giữa các cơ quan kiểm tra Đảng và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Trong mối quan hệ này cần xác định rõ các vấn đề có tính nguyên tắc sau đây:
- Cơ quan kiểm tra Đảng không phải là cơ quan nhà nước, do đó, không thể trực tiếp kiểm tra hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã hoạt động như thế nào (trong đó có hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo) dù với tư cách là một bộ phận của cơ quan Đảng - cơ quan lãnh đạo hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Giữa hai cơ quan không có mối quan hệ phụ thuộc, trên dưới.
- Sự kiểm tra của cơ quan kiểm tra Đảng được thực hiện thông qua kiểm tra hoạt động của các đảng viên của Đảng nắm giữ các vị trí khác nhau trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng muốn nhận biết các đảng viên của Đảng đã hoạt động, thực hiện trách nhiệm đảng viên của mình trong cơ quan hành chính nhà nước như thế nào thì cần phải có thông tin và đánh giá tình trạng chung hoạt động quản lý của cơ quan hành chính và trong các vụ việc quản lý hành chính cụ thể (được quan tâm cần thiết) được thực hiện đã diễn ra và có kết quả như thế nào.
- Kiểm tra và xử lý các sai sót, vi phạm kỷ luật Đảng hoặc vi phạm pháp luật trong hệ thống hành chính nhà nước đối với các đảng viên của Đảng công tác trong bộ máy hành chính nhà nước là công việc độc lập đối với việc xử lý, sai sót của cơ quan hành chính nhà nước. Cơ quan kiểm tra Đảng không kiểm tra, không chỉ thị đối với cơ quan hành chính nhà nước mà chỉ đối với đảng viên của mình trong mối quan hệ giữa tổ chức Đảng và đảng viên.
- Về mối quan hệ giữa kiểm tra nhà nước và kiểm tra đảng, hiện tại, giữa các cơ quan này không có mối quan hệ hoạt động được thể chế hoá. Nhưng giữa kiểm tra nhà nước và kiểm tra Đảng, giữa kinh tế của cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan kiểm tra Đảng có mối quan hệ mật thiết. Khi cơ quan kiểm tra Đảng phát hiện vấn đề sai sót, vi phạm pháp luật thì cơ quan hành chính nhà nước có thể tiến hành việc xử lý kỷ luật Đảng một cách độc lập. Nhưng đối với các cơ quan hành chính nhà nước, khi xác định vụ việc có thật, sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý vi phạm trong quan hệ pháp luật, với tư cách là của cơ quan nhà nước đối với cán bộ, công chức của mình. Và, ngược lại, khi cơ quan hành chính nhà nước phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật thì qua cơ quan kiểm tra Đảng, cũng có thể dẫn đến kỷ luật của cơ quan Đảng đối với người vi phạm là đảng viên.