1. Một số vụ về khiếu nại, tố cáo.
1.1. Vụ khiếu nại, tố cáo của ông Phan Diêu:
Ông Phan Diêu (trú tại 18/7/379 Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách gia đình liệt sĩ và người có công cho cha là cụ Phan Thiện, mẹ là cụ Nguyễn Thị Châu cùng gia đình. Theo hồ sơ giải quyết đơn khiếu tố của ông Phan Diêu của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, nội dung ông Diêu khiếu tố và việc xem xét giải quyết của các cơ quan thẩm quyền tỉnh Quảng Nam như sau:
1- Ông Phan Diêu tố cáo bà Hồ Thị Chức man khai là vợ liệt sĩ Phan Thiện, mẹ liệt sĩ Phan Cọi để hưởng chế độ thân nhân hai liệt sĩ. Ông Phan Diêu khẳng định chỉ có mẹ của ông là bà Nguyễn Thị Châu là người duy nhất có quyền thừa hưởng chế độ của ba liệt sỹ (Phan Thiện, Phan Cọi và Phan Thị Bích).
Các kết quả thẩm tra xác minh đều xác định bà Hồ Thị Chức là vợ thứ hai của liệt sỹ Phan Thiện, là mẹ đẻ của liệt sỹ Phan Cọi nên việc bà Hồ Thị Chức hưởng chế độ thân nhân hai liệt sỹ là đúng quy định. Bà Nguyễn Thị Châu là vợ thứ ba của ông Phan Thiện, là người có công nuôi liệt sỹ Phan Cọi nên bà Châu cũng là thân nhân của hai liệt sỹ.
Nhưng do bà Châu chết từ năm 1970 nên không thực hiện chế độ cho bà là đúng quy định.
Đối với trường hợp bà Châu nuôi liệt sỹ Phan Thị Bích, do không đủ thời gian theo quy định nên không được công nhận là người có công nuôi liệt sỹ.
2- Ông Phan Diêu tố cáo bà Hồ Thị Chức man khai ông là con của bà. Tại bản xác nhận nhân thân liệt sĩ Phan Thiện, bà Chức khai ông Diêu là con liệt sĩ Phan Thiện là đúng.
3- Ông Diêu cho rằng địa phương dựng hồ sơ để ông Tôn Tìm hưởng công nuôi liệt sĩ Phan Thị Bích.
Liệt sĩ Phan Thị Bích là con ông Phan Phùng (em ruột ông Phan Thiện) với bà Nguyễn Thị Kỹ. Khi ông Phan Phùng mất, bà Kỹ lấy ông Tôn Tìm (1954) và cùng ông Tôn Tìm nuôi Phan Thị Bích đến năm 1965 (11 năm). Vì vậy, ông Tôn Tìm đủ điều kiện để được xác nhận có công nuôi liệt sĩ Phan Thị Bích. Bà Nguyễn Thị Châu có thời gian nuôi liệt sĩ Phan Thị Bích từ năm 1966-1968, không đủ điều kiện công nhận là người có công nuôi liệt sĩ.
4- Ông Phan Diêu tố cáo bà Hồ Thị Chức là Đảng viên quốc dân Đảng. Tuy nhiên, qua xác minh của cơ quan có thẩm quyền, bà Hồ Thị Chức chỉ là người dân bình thường, không làm gì cho địch.
5- Ông Phan Diêu cho rằng bà Chức hưởng chế độ thân nhân liệt sỹ Phan Thiện và Phan Cọi nhưng không lo việc bia mộ. Theo xác minh của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Nam thì bà Hồ Thị Chức khi còn sống vẫn luôn có trách nhiệm với phần mộ các liệt sỹ.
6- Việc ông Phan Diêu đề nghị chuyển hồ sơ liệt sỹ Phan Thiện, Phan Cọi và Phan Thị Bích ra Hà Nội để ông thờ phụng.
Theo quy định của việc quản lý hồ sơ liệt sỹ, việc chuyển hồ sơ liệt sỹ do thân nhân có trách nhiệm đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục và di chuyển.
- Đối với hồ sơ liệt sỹ Phan Thiện: Khi còn sống, bà Hồ Thị Chức thờ phụng, nay bà đã chết, bà Phan Thị Sửu tiếp tục thờ phụng (Bà Sửu là con gái của ông Thiện và bà Chức). Bà Sửu đã đồng ý chuyển cho ông Phan Diêu thờ phụng. Vì vậy, ông Phan Diêu cần đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam làm thủ tục di chuyển.
- Đối với hồ sơ liệt sỹ Phan Cọi: (Hiện do bà Phan Thị Sửu thờ phụng) Do bà Sửu với liệt sỹ Phan Cọi là anh em cùng cha, cùng mẹ; nên nếu ông Diêu có nguyện vọng di chuyển thì phải thoả thuận với bà Sửu. Nếu có sự thoả thuận trong gia đình thì việc di chuyển mới thực hiện được.
- Về liệt sỹ Phan Thị Bích: Hiện nay, việc thờ phụng liệt sỹ Phan Thị Bích do ông Tôn Thất Thám (em cùng mẹ khác cha với liệt sỹ Phan Thị Bích) đảm nhiệm. Ông Tôn Thất Thám đã có đơn uỷ quyền thờ cúng liệt sỹ Phan Thị Bích cho ông Phan Diêu. Ông Phan Diêu đã thực hiện việc di chuyển và thờ phụng liệt sỹ.
Hiện nay, bà Hồ Thị Chức đã từ trần nên Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam ra quyết định thôi hưởng chế độ trợ cấp. Đơn ông Diêu có tố cáo cán bộ địa phương vì tiền làm sai chính sách nhưng việc tố cáo của ông Diêu chỉ nêu chung chung mà không có căn cứ, chứng lý cụ thể.
Những nội dung ông Phan Diêu khiếu tố đã được Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam xem xét, Văn phòng Tỉnh uỷ có văn bản số 60/CV-TH ngày 24/7/1997 trả lời đơn của ông Phan Diêu.
Đến năm 2004, ông Phan Diêu gửi nhiều đơn đến các cơ quan tiếp tục khiếu tố với các nội dung đã được Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Nam xem xét.
Thực hiện quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam đã giao cho Thanh tra Sở xem xét lại toàn bộ các nội dung ông Diêu khiếu tố.
Căn cứ báo cáo số 75/BC-XM ngày 11/11/2004 của Thanh tra Sở, ngày 12/11/2004, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam ra Quyết định số 229/LĐTBXH-TTr giải quyết các nội dung ông Phan Diêu khiếu nại và Quyết định số 230/LĐTBXH-TTr xử lý các nội dung ông Phan Diêu tố cáo.
Không đồng ý với các quyết định giải quyết của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam trên đây, ông Phan Diêu tiếp tục khiếu tố. Thực hiện thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu tố của công dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã giao cho Thanh tra tỉnh xác minh. Sau khi có kết quả báo cáo của Thanh tra tỉnh, ngày 30/9/2005, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3668/QĐ-UBND bác đơn khiếu tố của ông Phan Diêu và công nhận Quyết định số 229 và 230 ngày 12/11/2004 của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam là đúng chính sách.
Quá trình xem xét việc giải quyết của tỉnh Quảng Nam đối với đơn của ông Phan Diêu, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã kiểm tra các tình tiết hồ sơ liên quan đến những nội dung ông Phan Diêu khiếu tố và thấy rằng việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Nam là đúng quy định của pháp luật.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng cũng đã có rất nhiều văn bản thông báo, trả lời cho các cơ quan chức năng: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội khó XI, XII. Tuy nhiên, đến nay đến các ngày lễ, kỳ họp Quốc hội, các cơ quan, đại biểu Quốc hội chuyển đơn của ông Phan Diêu đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết như vậy là không đúng quy định.
1.2. Vụ khiếu nại của ông Phạm Công Khách.
Ông Phạm Công Khách- trú tại xã An Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nguyên là bệnh binh 2/3 khiếu nại Quyết định số 886/QĐ-UB ngày 20/8/2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc bị cắt trợ cấp bệnh binh 2/3, xác định đây là quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức giải quyết khiếu nại của ông Khách.
- Căn cứ theo hồ sơ bệnh binh của ông Khách, ông Khách sinh năm1954, nhập ngũ tháng 4/1972, xuất ngũ tháng 2/1975 (2 năm 11tháng tuổi quân, trong đó có 1 năm, 7 tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam), khi ra quân được Trung đoàn 153 cấp giấy mất sức lao động 51% từ tháng 1/1975.
- Tháng 3/1979, Ty Thương binh Xã hội Thái Bình cho ông Khách đi giám định lại sức khỏe (kết luận ông Khách mất sức lao động 61%).
- Tháng 9/1979, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình ra quyết định cho ông Khách hưởng trợ cấp mất sức lao động 61% ( bệnh binh 2/3).
Sau khi ông Khách bị tố giác giả mạo giấy tờ, ngày 20/8/2001, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình ra quyết định cắt trợ cấp bệnh binh 2/3 của ông Khách. Tuy nhiên, việc cắt bệnh binh 2/3 đối với ông Khách là đúng vì Nhà nước không quy định cho quân nhân mất sức lao động giám định lại sức khỏe để nâng hạng mà theo quy định thì sau 2 năm ra quân, quân nhân về mất sức lao động phải đi kiểm tra lại sức khỏe nhằm mục đích cho hưởng tiếp trợ cấp mất sức lao động (nếu sức khoẻ không bình phục) hoặc cắt chế độ (nếu sức khỏe bình phục). Nhưng gần 4 năm sau Ty Thương binh Xã hội tỉnh Thái Bình mới cho ông Khách đi giám định sức lao động để nâng hạng bệnh binh từ 3/3 lên 2/3 là sai quy định.
Xét thực tế, ông Khách có thời gian công tác ở chiến trường sau khi xuất ngũ được Trung đoàn 153 xác định mất sức lao động 51%. Vì vậy, theo cơ chế chính sách vẫn có thể chuyển cho ông Khách hưởng bệnh binh 3/3 nhưng ông Khách không chấp thuận và Uỷ ban nhân tỉnh Thái Bình đồng ý.
Việc hòa giải không thành. Ngày 03/01/2006, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có Công văn số 02/LĐTBXH-TTr đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp đối thoại gồm đại diện của Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội ,Thanh tra Bộ, Phòng Nội vụ huyện Kiến Xương và đại diện Uỷ ban nhân dân xã An Bình họp thảo luận để bàn việc giải quyết dứt điểm việc khiếu nại của ông Khách.
Ngày 16/3/2006, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ra Quyết định số 364/QĐ-LĐTBXH công nhận Quyết định giải quyết khiếu nại số 886/QĐ- UB ngày 20/8/2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình về việc cắt trợ cấp bệnh binh 2/3 của ông Phạm Công Khách.
1.3. Vụ khiếu nại của ông Lê Văn Vĩnh ở xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Nội dung sự việc:
- Ông Lê Văn Vĩnh nhập ngũ 1978, xuất ngũ 1982, năm 1992 ông Vĩnh có đơn đề nghị được hưởng trợ cấp thương tật 42%, vì ông cho rằng đã nộp hồ sơ thương binh cho Phòng Tổ chức xã hội huyện Thạch Thất nhưng Phòng đánh mất. Trong đơn ông Vĩnh viết rằng: Năm 1982, ông bị thương, điều trị và được Viện Quân y Quân khu khu 9 giám định mất sức lao động do thương tật là 42%. Sau khi các đơn vị quân đội có văn bản trả lời là ông Vĩnh chưa được giám định thương tật, Hội đồng Giám định y khoa Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) và Hội đồng Giám định y khoa Trung ương giám định cho ông Vĩnh năm 1998 có tỷ lệ 21%, ông đề nghị hưởng từ khi bị thương (1982).
Quá trình giải quyết khiếu nại của ông Vĩnh đã được nhiều cấp, nhiều ngành xem xét giải quyết (Cục Chính sách Quân khu 9, Cục Chính sách Bộ Quốc phòng, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân tỉnh). Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã xem xét và có kết luận cuối cùng:
- Không có cơ sở để xác định ông Vĩnh đã được Viện Quân y Quân khu 9 giám định thương tật 42%.
- Thương tật của ông Vĩnh được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) và Hội đồng Giám định y khoa Trung ương giám định. Thời điểm hưởng từ ngày có giám định là đúng quy định.
Tuy Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có kết luận như trên nhưng ông Vĩnh vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại đến Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) đã tổ chức buổi đối thoại tại Hội trường Uỷ ban nhân dân huyện Thạch Thất, thành phố Hà Tây. Tham dự buổi đối thoại khoảng 60 đại biểu: Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Nhà nước (nay là Thanh tra Chính phủ), Hội Cựu chiến binh, các cơ quan có liên quan của tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), huyện Thạch Thất, xã Kim Quan và một số cá nhân có liên quan.
Sau cuộc đối thọai, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ra thông báo cuối cùng. Đến nay ông Vĩnh đã chấm dứt khiếu nại.
2. Bài học kinh nghiệm.
Qua 3 vụ khiếu nại, tố cáo nêu trên của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết, bài học cần rút ra trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là:
- Cần sửa đổi các quy định về chức năng của tổ chức và cá nhân có thẩm quyền giám sát theo hướng người khiếu nại phải gửi đơn đến đúng người có thẩm quyền giải quyết. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn thì không nên chuyển đơn mà trả lại đơn, đồng thời hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến đúng người có thẩm quyền giải quyết hoặc lưu đơn để theo dõi và đôn đốc việc giải quyết. Việc giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại chỉ nên tập trung vào một số vụ việc khi phát hiện có sai lầm của người giải quyết. (Cụ thể từ vụ khiếu nại, tố cáo của ông Phan Diêu).
- Quá trình xác minh, thu thập chứng cứ cần phải chính xác, cụ thể: Như bài học rút ra về việc giải quyết khiếu nại của ông Phạm Công Khách là: do có sơ xuất trong việc quản lý bệnh binh thời kỳ 1975-1980 của Ngành Thương binh Xã hội Thái Bình nên khi giải quyết khiếu nại của ông Khách phải xác minh hàng chục cơ quan và cá nhân liên quan của tỉnh và ông Phạm Công Khách.
- Ý kiến của các cấp, các ngành ở địa phương trong quá trình đối thoại là rất quan trọng. Cụ thể vụ khiếu nại của ông Lê Văn Vĩnh:
Việc kết luận về những vấn đề có liên quan đến quân nhân thì ý kiến của các cơ quan Bộ Quốc phòng là quyết định. Sau khi có yêu cầu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Quân khu 9 đã kiểm tra tất cả hồ sơ quân nhân được giám định tại các viện của Quân khu và kết luận ông Lê Văn Vĩnh chưa được giám định thương tật và đã cấp lại giấy chứng nhận quân nhân bị thương cho ông Lê Văn Vĩnh.
Qua đối thoại, ông Lê Văn Vĩnh thấy rất nhiều ý kiến đồng tình với kết luận của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, phản đối việc cố chấp của ông Lê Văn Vĩnh (nhất là ý kiến của các cán bộ địa phương và những quân nhân ở địa phương ở hội cựu chiến binh).