Những mặt làm được và chưa được trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về nhà ở

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 301 - 305)

IV. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT RIÊNG VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG LĨNH VỰC ĐẤT ĐAI

5. Những mặt làm được và chưa được trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về nhà ở

a) Về pháp luật: cơ bản đã đồng bộ, đầy đủ làm cơ sở để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, trong pháp luật của chúng ta không quy định giải quyết đối với các trường hợp oan sai, vì vậy mặc dù qua giải quyết nhiều cấp, đúng pháp luật những người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, việc khiếu kiện có thể hết thế hệ này đến thế hệ khác.

Ví dụ: quy định thế nào là nhà vắng chủ đã được quy định rất rõ, nhưng nhiều trường hợp người dân sợ chiến tranh bỏ chạy sau khi trở về nhà đã do quân quản đang ở, sau đó bàn giao cho người khác ở và việc đòi nhà tiếp tục từ đó đến nay không được giải quyết và quy định của Nghị quyết 23/NQ đến nay không giải quyết.

Trường hợp một số gia đình bị cải tạo sai, một số cơ quan mượn nhà của dân, rồi sau đó được hợp thức hoá bằng một quyết định quản lý sai pháp luật (thời điểm quản lý) việc đòi nhà kéo dài nhiều năm không trả nay pháp luật lại quy định không trả.

Nhà ở là mồ hôi nước mắt của cá nhân, đó là quyền được pháp luật công nhận, mặt khác vấn đề cải tạo họ là oan sai do cách làm thiếu hiểu biệt hoặc cố tình của một số cá nhân có thẩm quyền nhưng không được xem xét trả lại sự công bằng, điều này là không ổn. Trong lịch sử Việt Nam từ thời phong kiến đến thời kỳ cải cách ruộng đất, cái oan sai của con người đều được các triều đại, được Đảng và Bác Hồ minh oan, như các nước xung quanh ta như Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác đều xem xét trả lại sở hữu nhà ở cho người dân do chiến tranh tàn phá, do các chính sách cải tạo, oan sai, vì vậy trong tình hình đất nước ta hiện nay, với xu thế hội nhập, nhà nước là của dân, do dân, vì

dân vì vậy cũng sớm điều chỉnh lại pháp luật để lấy lại công bằng cho những người oan sai, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

b) Về Thủ trưởng cơ quan quản lý

Mặc dù Trung ương Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại của nhân dân, nhiều Thủ trưởng của các Bộ Ngành từ các cấp cơ sở từ Tỉnh đến huyện cũng đã chấp hành đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại của nhân dân. Những năm gần đây đã tổ chức giải quyết được nhiều vụ khiếu kiện phức tạp bảo vệ được quyền lợi của nhân dân và lợi ích của Quốc gia, tuy nhiên trong thực tế còn nhiều bất cập:

- Nhiều nơi việc tổ chức tiếp dân để gọi là tiếp theo pháp luật nhưng hình thức, hiệu quả thấp, tiếp dân không không giải quyết cụ thể từng việc, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài và phức tạp hoá vụ việc, bộ phận tiếp dân thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu quyền lực giải quyết, vì vậy việc tiếp dân không có hiệu quả.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp Bộ, cấp Tỉnh, cấp huyện ít khi trực tiếp tiếp dân.

Vì vậy, không hiểu được tình hình thực tế, không hiểu được sự vất vả của những cán bộ trực tiếp tiếp dân. Vì vậy thiếu thông tin về pháp luật và thực tế. Một số hiểu biết rõ pháp luật và thực tiễn nhưng không dám phát biểu quan điểm đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước khi bàn đến những vấn đề này. Chính vì vậy, một số cán bộ khi nghỉ hưu quay lại chì trích chính những vấn đề trước đây mình tham gia hoặc trực tiếp giải quyết, quyết định. Bởi những khiếu kiện của dân về nhà ở là oan sai thực sự, điều đó rơi vào ai, trong hoàn cảnh là những người bình thường thì đều bức xúc; không thể lấy sự hy sinh xương máu của một dân tộc để so với những bức xúc cụ thể của từng người dân ở từng vụ việc nhất định.

- Ở một lúc, một nơi nào đó thủ trưởng cơ quan tiếp dân còn tỏ ra quan liêu, hách dịch. Chính vì vậy, sinh ra khiếu kiện gay gắt, đông người.

- Ở một số điạ phương có tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, có trường hợp việc trả lại sở hữu nhà cho người dân là hoàn toàn phù hợp với pháp luật và đạo lý, nhưng để bảo đảm “an toàn” cho mình nên ra Quyết định bác đơn của nhân dân nên cơ quan Trung ương giải quyết sao thì thực hiện vậy.

- Một thực trạng chung hiện nay trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là khiếu kiện đông người chúng ta thường dùng quyền uy của chính quyền, của pháp luật, những tìm hiểu đánh giá rõ nguyên nhân đó để ra các giải pháp có hiệu quả, trong giải quyết đôi khi thành kiến giữa người có tiền với người nghèo, giữa người dân tộc thiểu số với người kinh, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác mà không khách quan, tự do đối thoại để tìm ra cách giải quyết, khi vụ việc trở lên lớn thì lại quy kết do cầm đầu xúi dục, do diễn biến hoà bình hoặc một lí do nào đó là những suy nghĩ có hại trong tiếp dân, trong giải quyết khiếu nại tố cáo.

- Nhiều nơi chính quyền làm sai rõ ràng, nhưng không chịu nhận khuyết điểm, sửa sai xin lỗi nhân dân công khai, mà còn bao che cho những kẻ làm sai trái, đồng loã với tội ác gây bức xúc trong nhân dân.

- Ở một số vụ việc cụ thể, người đứng đầu chính quyền địa phương làm sai, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân, người dân khiếu nại, tố cáo còn bị trù dập, người dân phải nhiều lần ra cơ quan trung ương được cơ quan trung ương giải quyết ra Quyết định giải quyết, có trường hợp Thủ tướng Chính phủ có ý kiến phải giải quyết nhưng về địa phương không giải quyết gây khó khăn cho người dân, căn bệnh “trên bảo dưới không nghe” đang hoành hành, đây là căn bệnh trầm kha cần phải “giải phẫu”. Về nguyên tắc, những người đó phải bị xử lý kỷ luật thích đáng, bồi hoàn những thiệt hại về vật chất tinh thần cho dân;

nhưng ngược lại người dân vẫn oan trái, vẫn tiếp tục đi kiện và anh ta vẫn ngang nhiên

ngồi trên ghế và thậm chí lên cao hơn, một hệ thống tổ chức mà để những người như vậy thì làm sao giải quyết được khiếu nại, tố cáo có hiệu quả.

- Ở một số việc cụ thể thông thường, trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân người có thẩm quyền giải quyết thiếu cân nhắc cả về pháp luật, đạo lý, và quyền lợi của người dân, lợi ích của quốc gia... Ví dụ: một căn nhà của người dân xây dựng bằng mồ hôi nước mắt, vì tội yêu cách mạng người ta cho anh mượn để ở, để làm việc; sau đó lại được hợp thức hoá bằng một quyết định quản lý trái pháp luật, người dân đi đòi nhiều năm không trả, với cái nhà đó lại bằng cách này cách khác bán cho người đang ở theo Nghị định 61/CP với giá rẻ như cho. Trong trường hợp này người dân mất nhà, đất nước không được gì, mà kẻ khôn ngoan, lợi dụng chiếm đoạt tài sản của dân lại được pháp luật bảo hộ, điều này nếu rơi vào bất kỳ ai, cương vị nào thì cũng không thể nào chịu nổi. Chính vì vậy, sự khiếu kiện, tố cáo bức xúc là đương nhiên không bao giờ chấm dứt.

Tôi muốn nhấn mạnh cách nhìn nhận, đánh giá một vụ khiếu kiện đông người có tổ chức và dân đến bạo loạn, đó là vụ khiếu kiện, nổi loạn của đồng bào dân tộc Tây Nguyên cách đây không lâu. Phải thừa nhận đây là cuộc bạo loạn có tổ chức bên ngoài nhúng tay vào; nhưng bản chất từ ban đầu không phải là như vậy, bởi vì đất rừng Tây Nguyên, đồng bào Tây Nguyên là nơi nuôi dấu cán bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong những năm tháng nghèo đói nhất họ đâu dám phá rừng để ăn, mà họ coi rừng là cuộc sống, là nơi phòng ngự quyết định thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống mỹ và chống pháp. Khi hoà bình trở lại, sự xa cách giữa cán bộ các cấp với nhân dân trở nên phổ biến, đồng bào 6 tháng ăn củ mì, ở giữa rừng mà nhà ở thì xiêu vẹo, lớp học xiêu vẹo thiếu bàn ghế, ốm đau thiếu thầy thuốc và thuốc, rừng thì bị tàn phá, nông lâm trường mọc lên như nấm, mục tiêu là phá rừng, đồng bào hết đất canh tác và môi trường sống. Trong khi việc phá rừng Tây Nguyên kéo dài nhiều năm, trên quy mô lớn nhà nước không thu được bao nhiêu, nhưng toàn quốc xuất hiện nhiều “đại gia” do thu lời từ rừng Tây nguyên;

sự bất công bằng đó đồng bào Tây Nguyên đã phải chịu đựng hơn 20 năm; sự thuỷ chung và lòng tin vào Đảng mất dần, họ không biết theo ai, tin vào ai? đây mới là nguyên nhân sâu xa để kẻ thù lợi dụng, nắm lấy đồng bào và có cuộc bạo động ở Tây Nguyên. Bài học tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân là đây; vụ khiếu kiện của nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đã cho chúng ta bài học. Mỗi một vụ khiếu kiện dù to hay nhỏ chính quyền các cấp phải coi như một “đốm lửa” và “đốm lửa” đó phải được dập tắt bằng các phương thức giải quyết đúng pháp luật, công khai minh bạch, bảo đảm lợi ích của dân;

không thể để nhiều “đốm lửa” sẽ hình thành một đám cháy lớn hay một rừng lửa.

- Luật Khiếu nại, tố cáo đã sửa đổi và quy định tương đối đầy đủ, pháp lệnh cán bộ công chức đã được ban hành trong một thời gian khá dài, hệ thống pháp luật Việt Nam những năm gần đây đã được Quốc Hội ban hành rất nhiều nhưng mới chỉ dừng lại ở mức luật xử lý dân mà chưa xử lý quan, đó chính là nguyên nhân gây khiếu nại tố cáo phức tạp.

c) Đối với người làm công việc trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Đối với người tiếp dân của các cơ quan thuộc Bộ, Ngành tuy rất vất vả nhưng nắm được công việc, việc đề xuất giải quyết thường nhanh gọn. Đề nghị nhà nước nên có chính sách cụ thể, có thể cho những người tiếp dân thường xuyên 50.000đ đến 100.000/1ngày tiếp dân để họ có sự chịu đựng tiếp công dân.

- Đối với tổ chức tiếp dân của Chính phủ như hiện nay (Cục Tiếp dân) không có hiệu quả, lý do người tiếp dân không hiểu hết pháp luật của các ngành và lĩnh vực, thông thường chuyển đơn và việc giải quyết chậm. Nhiều trường hợp có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng họ vẫn khiếu kiện và cơ quan lại chuyển đơn; vị vậy họ có cơ sở khiếu kiện tiếp. Mặt khác việc tiếp và giải quyết phải khẳng định đó là tránh nhiệm của các cấp, cấp nào giải quyết “muốn yên dân” thì phải xử lý không thể để tình trạng đùn đẩy. Hiện nay, những ngày họp Quốc hội, hội họp lớn của Đảng và Nhà nước nhân dân thường

khiếu kiện đông người, các cơ quan tiếp dân hết sức vất vả để đưa dân về Tỉnh. Về nguyên tắc, nếu ở trong cuộc họp đó có ông Bí thư hoặc Chủ tịch Tỉnh thì các đồng chí này phải nghỉ họp để về tiếp công dân, khi nào tiếp công dân ổn định thì đi họp, làm như vậy mới rõ trách nhiệm. Tình trạng hiện nay, đôi khi một vụ việc khiếu kiện cũng do một cơ quan Quốc hội mời họp để giải quyết hoặc Thủ tướng mời họp để giải quyết; thực tế đây là những trường hợp may mắn mà các đồng chí biết đến, trên thực tế có hàng trăm trường hợp tương tự, liệu các đồng chí có thể tổ chức họp để đảm bảo công bằng hay không? Trong luật khiếu nại, tố cáo đã quy định thời hạn giải quyết, nhưng tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài không thấy xử lý cá nhân nào, cấp nào, chính vì vậy tất cả đổ dồn về Trung ương, Trung ương chuyển Tỉnh và cá nhân tiếp tục khiếu kiện, các cấp cứ “im lặng”.

Tôi cho rằng trách nhiệm cao nhất, công việc mang tính trọng tâm nhất của người đứng đầu các cấp chính quyền, các cơ quan là vấn đề “yên dân” và tiêu chuẩn đó phải được đặt lên hàng đầu. Mặc dù, pháp luật quy định về người đứng đầu phải tiếp công dân, nhưng không có chế tài gì đối với họ. Vì vậy, họ có tiếp thì rất hình thức hoặc không bao giờ trực tiếp tiếp dân.

Nhiều trường hợp người dân không thích những cán bộ bình thường tiếp mà họ cần gặp lãnh đạo cao nhất, nếu các đồng chí thấy rõ tầm quan trọng của việc tiếp dân và nhận lời tiếp ngay, gặp trực tiếp giải quyết an ủi, động viên thì sự bức xúc của người khiếu kiện sẽ giảm và đôi khi khiếu kiện chấm dứt. Người tiếp công dân ngoài việc có trình độ hiểu biết về pháp luật nhưng cái cần hơn là phải có “tấm lòng” phải coi việc đó là việc của chính nhà mình, của người thân mình thì cách giải quyết sẽ làm hết trách nhiệm và việc đó có tác động lớn làm cho người khiếu kiện cũng dễ thông cảm và hết bức xúc.

d) Về quy trình xử lý đơn thư

Vấn đề quy trình xử lý không quan trọng, chỉ cần quy định về thẩm quyền và trách nhiệm cùng với chế tài đối với những người đứng đầu cơ quan trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhân dân khi việc giải quyết đó sai pháp luật mà khi khiếu kiện đến cấp có thẩm quyền giải quyết khác với quyết định ban đầu. Việc quy định về quy trình xử lý đơn thư không thật sự cần thiết để quy định chung cho tất cả, vì mỗi ngành, mỗi cấp có đặc thù riêng, có cách làm riêng vấn đề là đúng pháp luật và đúng thẩm quyền quy định.

Khiếu nại, tố cáo là một hiện tượng xã hội, ở bất kỳ một quốc gia nào, một thể chế chính trị nào đều phát sinh khiếu nại, tố cáo; thậm chí ở nước nào nền dân chủ càng cao thì khiếu nại, tố cáo càng nhiều, thậm chí còn có nhiều cuộc biểu tình. Việc giải quyết vấn đề này là phương pháp giải quyết của từng quốc gia, nhưng phải trên nguyên tắc công khai, dân chủ và đối thoại, người dân kiện ai thì người đó phải chịu trách nhiệm công khai và đối thoại trước tiên, làm được như vậy, thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả.

Mặt khác, những vấn đề thực sự bất công bằng đối với quyền lợi của nhân dân thì luật pháp cũng phải thay đổi kịp thời theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội./.

THỰC TRẠNG KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 301 - 305)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(663 trang)