1. Tình hình về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong những năm vừa qua.
1.1. Về công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
Theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước tại TP.Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài việc tiếp dân đến khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ cũng tiến hành việc phân loại, xử lý và chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, hàng năm Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra trách nhiệm và hướng dẫn các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố về tổ chức tiếp công dân theo thẩm quyền.
- Trong 4 năm (2005-2008), tình hình tiếp công dân như sau:
Số lượt người Số đoàn đông người Năm
TP.Hà Nội TP.HCM Tổng TP.Hà Nội TP.HCM Tổng
2005 14.741 3.482 18.223 313 97 410
2006 19.188 5.011 14.199 413 141 554
2007 18.068 6.765 24.833 373 171 544
2008 13.686 5.235 18.921 286 97 383
Cộng 65.683 20.493 86.176 1.385 506 1.891
+ Tại trụ sở Tiếp công dân của Đảng và Nhà nước tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp 86.176 lượt người, trong đó có 1.891 đoàn đông người:
Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 35.162 đơn (tính cả 51 đơn tồn năm 2007 chuyển sang là 35.212 đơn), đã xử lý 34.382 đơn (còn tồn 830 đơn), trong đó có 32% đơn đủ điều kiện, 66% đơn trùng lắp, còn lại là đơn không rõ nội dung, địa chỉ, đơn thư nặc danh.
+ Các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đã tiếp 1.079.150 lượt người, khoảng 2.978 đoàn đông người; Các ngành, các cấp đã nhận 89.122 (năm 2007 chuyển sang 3.919 đơn), trong đó có 77.996 đơn khiếu nại và 11.126 đơn tố cáo với 57.031 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước (khiếu nại chiếm khoảng 74% vụ việc; tố cáo chiếm 26% vụ việc).
1.2. Về việc giải quyết khiếu nại:
a. Tình hình chung.
Tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, có những biểu hiện không bình thường, thể hiện như:
- Khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương nhiều và có chiều hướng gia tăng. Công
dân đến khiếu kiện tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội trong năm 2005 tăng 27,7% số lượt người và tăng 17,6% số đoàn đông người so với năm 2004; trong năm 2006 tăng 30,1% số lượt người và 31,9% đoàn đông người so với năm 2005; trong năm 2007 tăng 17,4% lượt đoàn đông người so với năm 2006.
- Tính chất khiếu nại, tố cáo rất phức tạp, tiềm ẩn nhân tố mất ổn định ở một số vùng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhiều đoàn đông người có tổ chức chặt chẽ, không chỉ liên kết trong cùng một địa phương mà liên kết nhiều địa phương với nhau, có người cầm đầu, chỉ huy; có đoàn đã lợi dụng, lôi kéo, xúi giục các đối tượng chính sách, người già và trẻ em đi khiếu kiện; gần đây xuất hiện một số đoàn khiếu kiện đông người là các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, làm cho các cơ quan thẩm quyền lúng túng trong việc xử lý.
- Một số đoàn đông người đi khiếu kiện với thái độ cực đoan, căng khẩu hiệu, biểu ngữ, đả đảo cán bộ lãnh đạo, đả đảo chính quyền địa phương, tố cáo cán bộ có hành vi tham nhũng, lưu lại nhiều ngày ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có hành vi gây rối hoặc đi diễu hành trên đường phố, kéo vào chiếm giữ trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước, nhằm gây sức ép với cơ quan Nhà nước.
- Khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề tôn giáo xảy ra ở nhiều địa phương và tiềm ẩn phức tạp về an ninh, chính trị. Từ năm 1996 đến năm 2007 có 1.520 vụ khiếu nại, trong đó chủ yếu có nội dung đòi lại đất đai, cơ sở thờ tự, tài sản của tôn giáo (835/1.261 vụ, chiếm 66,2%), tập trung ở các tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin lành ...
- Các thế lực thù địch, phản động và một số phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân để chống phá ta dưới nhiều hình thức: kích động biểu tình, bạo động nhằm phục vụ mưu đồ nội công ngoại kích chống phá Việt Nam, núp dưới chiêu bài “cứu trợ dân oan” đòi dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, thường xuyên đeo bám tại các cơ quan Trung ương; thành lập “hội dân oan”
để tập hợp lực lượng, hướng dẫn cách biểu tình tuần hành, cách thức gửi và nhận tiền tài trợ, cách thu tin, hình ảnh để cung cấp cho bên ngoài ....
b. Kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 3 năm (2005-2007):
- Ngoài việc hướng dẫn và tổ chức tiếp công dân theo thẩm quyền, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiến hành thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra việc thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời chấn chỉnh công tác này ở các bộ, ngành, địa phương.
Thanh tra Chính phủ quyết định đã thành lập 42 đoàn thanh tra, tổ công tác về các địa phương để kết luận giải quyết 54 vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và rà soát 394 vụ việc phức tạp, kéo dài do các cơ quan Trung ương chuyển đến ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Các ngành, các cấp đã giải quyết 42.150 vụ việc trong số 57.031 vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 74%.
+ Về giải quyết khiếu nại, đã giải quyết 37.140/50.508 vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 73,5%. Phân tích kết quả giải quyết 12.326 vụ việc khiếu nại của 16 địa phương, bộ, ngành cho thấy: có 2.339 (19%) đơn khiếu nại đúng; 6.202 (50,3%) đơn khiếu nại sai; 3.785 (30,7%) đơn khiếu nại có đúng, có sai.
+ Về giải quyết tố cáo, đã giải quyết 5.010/6.523 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 76,8%. Phân tích kết quả giải quyết 1.981 về việc tố cáo của 26 địa phương, bộ, ngành cho thấy: có 327 (16,5%) đơn tố cáo đúng; 1.001 (50,5%) đơn tố cáo sai; 653 (33%) đơn tố cáo có đúng, có sai.
- Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý hành chính 455 người, chuyển
cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 14 vụ việc 22 người; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 10.767 triệu đồng, 14,168 ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 20.825 triệu đồng, 9 ha đất; minh oan cho 299 người.
1.3. Đánh giá chung.
Tổng hợp kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, tình hình khiếu kiện trong thời gian gần đây vẫn tiếp tục gia tăng, đặc biệt là khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người mặc dù Thanh tra Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ, như trực tiếp làm việc với các địa phương. Điều đó cho thấy chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế từ khâu tiếp dân, đối thoại với dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua tổng kết cũng cho thấy còn tồn tại nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài, qua nhiều cấp giải quyết mà người dân vẫn chưa đồng tình với cách thức giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Thứ hai, việc theo dõi, đôn đốc và bảo đảm thực hiện các quyết giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn nhiều hạn chế.
Từ thực trạng phân tích nêu trên, có thể rút ra vấn đề trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo là chất lượng, hiệu quả giải quyết còn thấp, trong đó thấy rõ nhất là cơ chế giám sát, kiểm tra của các cơ quan hành chính nhà nước chưa thật hiệu quả và kịp thời.
2. Nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế nêu trên.
2.1. Nguyên nhân:
Qua tổng kết thực tiễn, bước đầu có thể đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến vai trò của Thanh tra Chính phủ còn hạn chế trong công tác này như sau:
- Hệ thống văn bản pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.
Qua rà soát, đánh giá cho thấy hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng mâu thuẫn giữa Luật Khiếu nại, tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành với các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, như đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường ... liên quan đến thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thiếu đồng bộ và mâu thuẫn với Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính (sửa đổi, bổ sung) cũng về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Bên cạnh đó, tình trạng các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo nằm tản mát trong nhiều văn bản khác nhau cũng là lý do dẫn đến hiệu quả áp dụng trong thực tế cuộc sống còn nhiều hạn chế.
- Thiếu mô hình tiếp công dân và xử lý đơn thư có hiệu quả.
Có thể nói nguyên nhân này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian vừa qua. Mặc dù, xét theo yêu cầu phân cấp quản lý nhà nước, việc giao cho chính quyền địa phương và các bộ, ngành tự tổ chức công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư thuộc thẩm quyền là cần thiết, tuy nhiên cần có hướng dẫn chung và thống nhất. Thời gian qua, công tác tiếp dân và xử lý đơn thư có khá nhiều khác biệt về mô hình và cách thức tổ chức thực hiện giữa các địa phương và bộ, ngành. Ở nhiều địa phương, công tác này tập trung về cơ quan thanh tra, song cũng có nhiều nhiều địa phương công tác này được giao cho Văn phòng Bộ, cũng có nhiều địa phương, công tác này giao cho Văn phòng UBND. Đây là nguyên nhân làm hạn chế vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc quản lý, theo dõi, đôn đốc và nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Thiếu hệ thống quy trình điều chỉnh các hoạt động từ giai đoạn tiếp công dân, xử lý đơn thư, đến giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo và thanh tra, kiểm tra.
Đây là nguyên nhân làm cho công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thống nhất, khó đánh giá về tính hiệu lực, hiệu quả để từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, việc thiếu hệ thống quy trình cũng gây khó khăn cho việc xác định trách nhiệm, có cơ chế về giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các bên có liên quan trong tiếp dân, xử lý đơn thư, xem xét, xác minh, từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết có hiệu quả.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, mặc dù, ngành thanh tra nói chung đã tiến hành thanh tra giải quyết các vụ việc và thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Khiếu nại, tố cáo, tuy nhiên hoạt động chưa được tiến hành theo một hệ thống quy trình đã được chuẩn hoá. Chính vì vậy, chất lượng kiểm tra, đánh giá còn nhiều hạn chế, việc nắm thông tin, đặc biệt là thông tin về tình hình thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật còn nhiều hạn chế. Do đó, việc đưa ra các biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế.
- Thiếu các biện pháp xem xét, đánh giá và xử lý trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; xem xét trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc này.
Trên thực tế, có nhiều trường hợp, Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp còn coi nhẹ công tác này, việc thực hiện các nghĩa vụ về phía cơ quan hành chính trong các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực phát luật còn chưa kịp thời, đặc biệt là ở cấp cơ sở, bên cạnh đó, các cơ quan hành chính khác có nhiệm vụ giám sát, kiểm tra việc thực hiện cơ quan cùng cấp hoặc cấp dưới chưa được quan tâm đúng mức.
- Thiếu cơ chế bảo đảm tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp trong giải quyết khiếu nại hành chính.
Trong tất cả các nguyên nhân kể trên, đây là nguyên nhân cơ bản nhất ảnh hưởng đến vai trò của Thanh tra Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính. Như đã phân tích trong các phần trên, Thanh tra Chính phủ đã huy động lực lượng và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện triệt để. Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thiếu cơ chế bảo đảm tính độc lập, khách quan và chuyên nghiệp trong giải quyết khiếu nại hành chính.
Theo mô hình hiện tại, người đã có quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính đã bị khiếu nại có thẩm quyền giải quyết lần đầu và thẩm quyền giải quyết các lần tiếp theo thuộc về các cơ quan hành chính cấp trên trực tiếp, trừ trường hợp người khiếu nại khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân các cấp. Mô hình này có ưu điểm là giúp cơ quan hành chính hoặc người có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, song lại tạo ra cho người khiếu nại những e ngại về tính khách quan trong quá trình giải quyết. Thêm vào đó, sự thiếu độc lập giữa người ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính và người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính cũng dễ dẫn đến nguy cơ thiếu khách quan trong quá trình giải quyết, nếu không có một cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ. Xét ở khía cạnh quản lý nhà nước, việc trao cho cơ quan hành chính cả thẩm quyền quản lý và giải quyết khiếu nại cũng dễ dẫn đến tình trạng chậm chễ hoặc thiếu chuyên nghiệp trong quá trình giải quyết.