III. Kiến nghị, giải pháp
2. Thực trạng về tố cáo và thẩm quyền giải quyết tố cáo thời gian qua
2.4. Mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với cơ quan, tổ chức khác trong việc giải quyết tố cáo
Trong hệ thống chính trị, ngoài cơ quan tư pháp, các cơ quan hành chính còn có mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác trong việc giải quyết tố cáo như: hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác, các cơ quan truyền thông v.v...
Hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước bao gồm: Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp và
pháp luật, hệ thống các cơ quan này có chức năng giám sát việc giải quyết tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, mối quan hệ giữa cơ quan quyền lực nhà nước với cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết tố cáo thông qua việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư tố cáo và hoạt động giám sát việc giải quyết tố cáo đối với cơ quan hành chính nhà nước. Để nâng cao hiệu quả giải quyết tố cáo cần hoàn thiện Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Luật Giám sát, Luật Tố cáo theo hướng: quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quyền lực nhà nước trong việc tiếp nhận, xử lý, chuyển đơn, thư tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo do cơ quan quyền lực nhà nước chuyển đến; hoàn thiện những quy định về giám sát việc giải quyết tố cáo như: đối tượng giám sát, phương thức giám sát, chế độ trách nhiệm trong việc thực hiện những kiến nghị, yêu cầu giám sát...
Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác, các cơ quan truyền thông v.v... thực hiện chức năng giám sát xã hội đối với công tác giải quyết tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, mối quan hệ giữa Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội khác với cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết tố cáo được thể hiện qua việc tiếp nhận, xử lý đơn, thư tố cáo và hoạt động giám sát xã hội đối với việc giải quyết tố cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Để nâng cao hiệu quả giải quyết tố cáo, cần hoàn thiện quy định của Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đạo luật khác có liên quan theo hướng: quy định rõ, cụ thể trách nhiệm, trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý đơn, thư tố cáo; phương thức giám sát việc giải quyết tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan hành chính trong việc xử lý đơn thư tố cáo do Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chuyển đến; chế độ trách nhiệm trong việc thực hiện những kiến nghị giám sát v.v...
III. Một số kiến nghị
1. Về thẩm quyền giải quyết tố cáo
Do hiện nay việc quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo dựa trên sự phân cấp quản lý cán bộ là người bị tố cáo là chưa đầy đủ. Đề nghị quy định theo đối tượng có hành vi vi phạm, cụ thể như sau:
- Trường hợp đối tượng bị tố cáo là công dân, cá nhân vi phạm trật tự quản lý hành chính thì thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan có chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực đó.
- Trường hợp đối tượng bị tố cáo là cán bộ, công chức nhưng hành vi bị tố cáo không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì trước hết thẩm quyền giải quyết thuộc về cơ quan có chức năng quản lý nhà nước lĩnh vực đó. Sau đó là xử lý theo quy định của Luật Cán bộ, công chức. Nếu người đó là đảng viên thì còn bị xem xét, xử lý kỷ luật Đảng.
- Trường hợp đối tượng bị tố cáo là cán bộ, công chức và hành vi bị tố cáo liên quan đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ như hành vi tham ô, tham nhũng, lãng phí… thì người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền giải quyết. Nếu hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết. Trường hợp cán bộ, công chức vi phạm là đảng viên thì còn bị xem xét, xử lý kỷ luật Đảng.
Để tránh tình trạng tố cáo kéo dài, dẫn đến không rõ về trách nhiệm giải quyết thì pháp luật cần có quy định về điểm dừng trong tố cáo. Theo quan điểm của chúng tôi thì tố cáo nên giải quyết qua hai cấp: cấp đầu tiên có thẩm quyền giải quyết như trên. Nếu người tố cáo không đồng ý thì cơ quan cấp trên trực tiếp của giải quyết lần hai và đây cũng là lần giải quyết cuối cùng về một nội dung tố cáo.
2. Về sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác giải quyết tố cáo
- Quy định rõ hơn mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc giải quyết tố cáo. Luật Thanh tra và Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định rõ hơn mối quan hệ phối hợp với những nội dung cơ bản sau đây:
+ Trách nhiệm, trình tự, thủ tục, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin khi xử lý đơn, thư tố cáo.
+ Trách nhiệm của cơ quan thanh tra và trình tự, thủ tục chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra và Viện kiểm sát; trách nhiệm giải quyết của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc.
+ Sự phối hợp (trách nhiệm, lề lối làm việc, thủ tục...) trong việc giải quyết những vụ việc có ý kiến khác nhau.
+ Sự phối hợp, cách thức giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động điều tra, thanh tra, nhất là trường hợp có sự trùng lắp khi xử lý một hành vi vi phạm pháp luật.
- Quy định rõ hơn mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với cơ quan công an, Viện kiểm sát; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật tố tụng hình sự.
- Quy định rõ mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với cơ quan Đảng trong việc xử lý tố cáo đối với cán bộ, công chức là đảng viên:
+ Đối với cán bộ, công chức là đảng viên bình thường thì cơ quan thanh tra tiến hành xem xét, xác minh tố cáo về những vi phạm pháp luật của người này sau đó kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật (nếu có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra), đồng thời báo cáo cơ quan kiểm tra, kỷ luật đảng để xử lý về mặt đảng.
+ Đối với cán bộ công chức là đảng viên thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý thì cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng chủ trì phối hợp với cơ quan thanh tra nhà nước xem xét giải quyết tố cáo đó. Hoặc có thể trong quá trình xem xét giải quyết tố cáo một đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước, cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng có thể yêu cầu cơ quan thanh tra tiến hành xem xét làm rõ một hoặc một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo sau đó báo cáo kết quả cho cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng để cơ quan này quyết định xử lý đối với cán bộ, đảng viên đó. Cơ quan kiểm tra, kỷ luật của Đảng sau khi đã có kết luận và xử lý về mặt Đảng sẽ yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý theo pháp luật đối với người bị tố cáo. Để thực hiện được thẩm quyền giải quyết tố cáo trên, các giải pháp đặt ra:
2.1. Tách Luật Khiếu nại, Tố cáo thành 2 luật riêng, xây dựng Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo với nội dung quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo vệ người tố cáo; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức trong giải quyết tố cáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giám sát, xử lý người có hành vi vi phạm.
Quy định giữa tố giác và tin báo về tội phạm (tiếp nhận và xử lý theo Bộ luật Tố tụng hình sự) với tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật (tiếp nhận và xử lý theo Luật Tố cáo). Nghiên cứu biện pháp xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có quyết định, hành vi hành chính sai trái, gây thiệt hại cho nhà nước và công dân; xem xét việc bồi thường thiệt hại cho những người tố cáo đúng.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành chính với cơ quan tư pháp trong việc tiếp nhận tố cáo và giải quyết tố cáo.
- Vấn đề tố cáo nặc danh, mạo danh: thực tế ở nước ta hiện nay tình trạng mất dân chủ, tệ quan liêu tham nhũng vẫn còn xảy ra rất nghiêm trọng, chưa có chiều hướng giảm
và nó đã trở thành “quốc nạn” do đó nhiều trường hợp người dân đấu tranh, tố cáo những vi phạm của người có chức, có quyền nên đã bị trù dập, trả thù rất tàn nhẫn, điều đó đã khiến cho tình trạng tố cáo nặc danh, mạo danh vẫn không giảm, mặc dù Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2005 quy định không xem xét giải quyết tố cáo nặc danh, mạo danh.
Từ thực tế trên, cần có cơ chế tiếp nhận xử lý và giải quyết loại đơn này để phục vụ cho công tác quản lý của lãnh đạo các cấp, các ngành.
- Cần quy định về thời hiệu tố cáo và những trường hợp tố cáo không được thụ lý để giải quyết.
Đây là vấn đề thực tế diễn ra ở nước ta rất phức tạp, có những vụ tố cáo sự việc xảy ra đã mấy chục năm hoặc chỉ nghe lại, nghe tin đồn cũng làm đơn tố cáo, gửi đơn tố cáo tràn lan, vuợt cấp nhưng cơ quan nhà nước vẫn phải tiếp nhận, xử lý giải quyết.
2.2. Nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tập trung vào thanh tra trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính cấp dưới trong việc giải quyết tố cáo; nâng cao vai trò của cơ quan thanh tra các cấp trong việc xác minh, kết luận và đôn đốc kiểm tra việc thực hiện quyết định xử lý người vi phạm.
2.3. Xây dựng quy chế phối hợp giữa Chính phủ với Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đảng quy định thống nhất về việc giải quyết tố cáo đối với cán bộ là đảng viên do tổ chức đảng các cấp quản lý.
2.4. Nghiên cứu xây dựng đề án sáp nhập các cơ quan thanh tra nhà nước với Uỷ ban kiểm tra Đảng nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền, đảm bảo tính thống nhất và nâng cao hiệu quả trong giải quyết, xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật là cán bộ, đảng viên.
2.5. Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về việc giải quyết, xử lý vi phạm đối với các trường hợp tố cáo đông người, tố cáo vượt cấp; lợi dụng quyền tố cáo gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội.
2.6. Trên cơ sở ban hành Luật Tố cáo và giải quyết tố cáo, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ của mình xây dựng các Thông tư hướng dẫn về sự phối hợp thực hiện cũng như các vấn đề về quy trình giải quyết tố cáo hành chính; quy trình xử lý tố cáo tham nhũng.
3. Tăng cường giám sát công tác giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước
Để đảm bảo hiệu quả công tác giải quyết tố cáo thì cần có sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội, đoàn thể và các cơ quan đại diện:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nhất là đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo; xác định rõ tiêu chí, đối tượng, nội dung, phương pháp và thẩm quyền xử lý, có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan có thẩm quyền giám sát; tập trung vào việc giám sát trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đối với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc tiếp nhận và xử lý đơn tố cáo. Xem xét, xử lý, đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với các cán bộ có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo khi phát hiện các cán bộ này có sai phạm.
- Đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận vào hoạt động giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể là: tăng
cường tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, xác định trách nhiệm xem xét, giải quyết, thực hiện những kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận.
- Phát huy vai trò của báo chí trong việc phản ánh, giám sát việc xử lý người có hành vi vi phạm trong các vụ việc tố cáo. Trong thời gian tới cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về báo chí, tạo cơ chế phù hợp để báo chí thông tin kịp thời tình hình giải quyết, xử lý tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước./.