Một số yêu cầu của công tác giải quyết khiếu nại trong thời gian tới

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 76 - 79)

Trong bối cảnh đất nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, từ những vấn đề đặt ra trong công tác giải quyết khiếu nại hành chính, có thể rút ra một số yêu cầu sau:

1- Tiếp tục nghiên cứu nhằm xây dựng thêm các cơ chế giải quyết khiếu nại để người dân và doanh nghiệp lựa chọn cơ chế phù hợp với tính chất, điều kiện của vụ việc khiếu nại. Kinh nghiệm ở các nước có nền quản trị tiên tiến cho thấy: muốn có một xã hội dân chủ thực sự thì Nhà nước cần đáp ứng một cách tốt nhất các yêu cầu cung cấp dịch vụ công. Riêng đối với giải quyết khiếu nại, ở các nước đó người ta tạo ra nhiều cơ chế để có thể giải quyết vụ việc tùy theo yêu cầu và điều kiện của người khiếu nại. ở Cộng hòa Pháp chẳng hạn, ngoài cơ chế giải quyết của các cơ quan hành chính và tòa án hành chính, người ta còn xây dựng cơ chế “người trung gian hòa giải”. ở Thụy Điển, Đan Mạch và các nước Bắc Âu, ngoài cơ quan hành chính và toà án, người ta xây dựng thêm cơ chế “Thanh tra Quốc hội” để tham gia giải quyết khiếu nại và thực tế đã giải quyết có hiệu quả. Ở Việt Nam, rõ ràng với một cơ chế giải quyết khiếu nại ở cơ quan hành chính còn nhiều khiếm khuyết và một cơ chế giải quyết ở tòa án còn kém hiệu quả là chưa đủ so với yêu cầu thực tế đặt ra. Vấn đề là cần sớm nghiên cứu để lựa chọn và xây dựng thêm cơ chế mới phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa và truyền thống pháp lý của Việt Nam để người dân và doanh nghiệp có nhiều cơ hội lựa chọn.

2- Dân chủ hóa quá trình giải quyết khiếu nại ở các cơ quan hành chính nhà nước.

Thủ tục giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, bảo đảm sự tham gia của luật sư và để người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có liên quan được đối thoại, tranh luận trong quá trình giải quyết khiếu nại. Cụ thể là:

- Mở rộng việc đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại thông qua việc xác định rõ những người tham gia đối thoại gồm người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại, người bị khiếu nại và người có quyền, lợi ích liên quan...; trình tự thủ tục đối thoại.

- Mở rộng vai trò của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính thông qua việc ghi nhận luật sư có quyền đại diện cho người khiếu nại, người bị khiếu nại.

Trong trường hợp cần thiết, người khiếu nại không có khả năng thuê luật sư thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thể mời một trong các cơ quan Hội luật gia, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân... tham gia đối thoại.

- Xác định rõ nghĩa vụ chứng minh thuộc về các bên, không chỉ là người ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Trong đó, các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh nội dung vụ việc; trường hợp cần thiết cơ quan có thẩm quyền giải quyết có quyền thu thập thông tin, tài liệu có liên quan để giải quyết khiếu nại.

- Trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan hành chính thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết những vụ việc khiếu nại phức tạp.

3- Phát huy vai trò của các cơ quan Thanh tra trong giải quyết khiếu nại hành chính: Giải quyết hoặc tham gia giải quyết khiếu nại là một trong những chức năng mang tính truyền thống của các cơ quan Thanh tra từ khi thành lập (23/11/1945) đến nay. Dù thế nào đi chăng nữa, xét cho cùng, đội ngũ cán bộ Thanh tra vẫn là những người có nhiều kinh nghiệm (nếu không muốn nói là nhiều kinh nghiệm nhất) trong công tác giải quyết

khiếu nại hành chính. Các cơ quan Thanh tra cũng được thành lập thành một mạng lưới khá rộng khắp từ Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là về cơ bản, các cơ quan Thanh tra lại không có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại. Chức năng chủ yếu của các cơ quan Thanh tra là thẩm tra, xác minh các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước khi được giao. Trong khi đó, người duy nhất có thẩm quyền giải quyết là thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước thì lại không đủ thời gian và cả kiến thức, kinh nghiệm để giải quyết khiếu nại. Đây là một nghịch lý. Để phát huy được vai trò của các cơ quan Thanh tra, điều quan trọng nhất là xác định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan này trong quá trình giải quyết khiếu nại, đề cao tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của Thanh tra đối với việc giải quyết khiếu nại. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giữa Thanh tra với các cơ quan hữu quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính.

4- Tiếp tục cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao năng lực xét xử của tòa án đối với các vụ án hành chính.

Theo các văn kiện của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, các khiếu nại đều phải có cơ hội được đưa ra giải quyết trước tòa án. Luật pháp Việt Nam cũng đã được sửa đổi theo hướng: tất cả các vụ việc khiếu nại sau khi đã được giải quyết ở cơ quan hành chính đều có thể được khởi kiện ở tòa án. Từ khi thành lập đến nay, hoạt động xét xử hành chính của Tòa án nhân dân đã từng bước được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả.

Theo thống kê của Toà án nhân dân tối cao từ năm 1998 đến hết năm 2008 toàn ngành toà án đã giải quyết 19.861 vụ việc. Tuy nhiên, tỷ lệ xét xử các vụ án hành chính so với tổng số vụ việc khiếu nại còn thấp. Theo báo cáo của 28 tỉnh thì trong 3 năm trở lại đây (2006-2008) trong số 56.788 vụ việc đã giải quyết thì chỉ có 310 vụ việc công dân khởi kiện ra toà án. Nguyên nhân của tình trạng này là do:

- Thẩm quyền của Toà án trong việc giải quyết các khiếu kiện hành chính còn hạn chế. Qua các lần sửa đổi Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, số loại vụ việc mà toà án có thẩm quyền giải quyết tuy có tăng nhưng vẫn chỉ dừng lại ở 21 loại vụ việc.

Trong khi đó các khiếu kiện của người dân xảy ra trong mọi lĩnh vực và ngày càng tăng với số lượng rất lớn.

- Việc thụ lý khiếu kiện hành chính của toà án được thực hiện theo những quy định chặt chẽ, phức tạp hơn của cơ quan hành chính nhà nước nên người dân có tâm lý ngại ra toà và chỉ muốn khiếu nại với các cơ quan hành chính vì thủ tục đơn giản hơn nhiều. Hơn nữa, nhiều vụ việc khiếu kiện nhưng không đủ các điều kiện về giấy tờ, nên không không được Toà án thụ lý giải quyết.

- Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, toà án chỉ xem xét về tính hợp pháp, song các vụ việc khiếu nại liên quan đến các vấn đề do lịch sử để lại đến việc thực hiện chính sách, nhất là chính sách đền bù, giải toả chiếm số lượng tương đối lớn. Đây là những vụ khiếu nại phức tạp, nhạy cảm mà để giải quyết được triệt để, dứt điểm đòi hỏi không chỉ xem xét tính hợp pháp mà cả tính hợp lý của nội dung từng vụ việc cụ thể.

- Tòa án xét xử hành chính là lĩnh vực mới đối với nhiều Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nên kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết loại việc này của một số Thẩm phán còn hạn chế. Trong khi đó việc xét xử các vụ án hành chính đòi hỏi không chỉ có kiến thức về pháp luật mà còn cần kiến thức, kinh nghiệm quản lý hành chính nhà nước liên quan đến các lĩnh vực mà toà án có thẩm quyền giải quyết.

Chính vì những nguyên nhân kể trên, cho nên số lượng các vụ kiện hành chính được giải quyết tại Toà án nhân dân dù có tăng, song vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các khiếu nại tại cơ quan hành chính nhà nước.

Trước tình hình trên thì bên cạnh việc kiện toàn tổ chức hệ thống tòa án; mở rộng thẩm quyền xét xử đối với các khiếu kiện hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khởi kiện hành chính, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và các cơ quan công quyền trước tòa án, chúng ta cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, tích cực nhằm đổi mới, cải cách căn bản cơ chế giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay, nhất là việc đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu nại hành chính.

5- Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính. Cải cách hành chính, bao hàm cả cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính là những điều kiện cơ bản để hạn chế phát sinh khiếu nại và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại. Trong đó cần quan tâm đến việc cải cách ngay chính bộ máy và thủ tục giải quyết các yêu cầu, kiến nghị và khiếu nại của người dân theo hướng gần dân, vì dân và có trách nhiệm với nhân dân. Trong xu thế phân cấp, phân quyền nhất thiết cần phân định rõ trách nhiệm của từng cấp trong giải quyết khiếu nại, kết hợp với việc xem xét, xử lý nghiêm những trường hợp đùn đẩy, né tránh, chậm trễ trong việc giải quyết. Cấp trên không giải quyết thay mà cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nhiệm./.

THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY TS. Trn Văn Sơn Phó V trưởng V II, Văn phòng Chính ph

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(663 trang)