Những bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 457 - 460)

III. CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ĐỚI VỚI VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

3. Những bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên

- Trong quá trình tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thường xuyên phối hợp với cơ quan Nhà nước hữu quan để nắm thông tin, tình hình, diễn biến của vụ việc cũng như quá trình giải quyết của cơ quan nhà nước. Đối với những vụ việc bức xúc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc kiến nghị cơ quan Nhà nước hữu quan xem xét, giải quyết, còn đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức thành viên nào thì trao đổi, thảo luận với tổ chức thành viên đó để thống nhất nội dung kiến nghị và thường xuyên trao đổi thông tin, tài liệu để nắm diễn biến của vụ việc trong quá trình giải quyết của cơ quan nhà nước.

- Thông qua việc thực hiện quy chế phối hợp công tác với các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên và tích cực cử đại diện tham gia các đoàn công tác của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, bức xúc, những điểm nóng về khiếu kiện ở địa phương. Đối với những tranh chấp trong nội bộ nhân dân, trước khi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức thành viên để cử cán bộ, đoàn viên, hội viên đến hoà giải nhằm hạn chế phát sinh ngay từ cấp cơ sở, khu dân cư. Ở cấp cơ sở, đối với những khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn thì Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp có trách nhiệm tham gia góp ý, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, đôn đốc Uỷ ban nhân dân giải quyết đứt điểm, không để khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên cấp trên. Đối với những vụ việc phức tạp, nổi cộm ở địa phương thì Mặt trận Tổ quốc cần chủ động kiến nghị và đề xuất ý kiến giải quyết với các cấp uỷ Đảng, chính quyền để nhanh chóng giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

3. Những bất cập, hạn chế của hoạt động giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên .

Thực hiện giám sát nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đối với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của các cơ quan, tổ chức nhà nước trong những năm qua đã có một số kết quả bước đầu thể hiện qua những phát hiện, kiến nghị hợp tình, hợp lý của Mặt trận và được chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền ở cơ sở tiếp thu, được nhân dân hoan nghênh, tin tưởng. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì thì việc giám sát của Mặt trận nói chung, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nói

riêng còn nhiều hạn chế, tồn tại và có thể nói đây là khâu yếu nhất của Mặt trận hiện nay.

Có thể nêu một cách khái quát là:

Một là, cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của Mặt trận còn thiếu và chưa cụ thể nhất là về phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức, cách thức tiến hành giám sát và cơ chế xử lý kết quả giám sát. Những quy định về giám sát nói chung, giám sát khiếu nại, tố cáo nói riêng của Mặt trận trong Hiến pháp, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác mới chủ yếu là những quy định có tính chất chung, và chủ yếu quy định quyền năng giám sát, chưa có những quy định cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm, cơ chế, hậu quả pháp lý, cũng như những điều kiện đảm bảo cho hoạt động giám sát của Mặt trận. Nhiều nội dung quan trọng trong nhiệm vụ giám sát của Mặt trận chưa được quy định cụ thể như việc phối hợp tham gia các đoàn giám sát, kiểm tra của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp thì trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận bao gồm những vấn đề gì, hậu quả pháp lý của các kiến nghị của Mặt trận đến đâu chưa đuợc quy định rõ.

Còn thiếu những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của Mặt trận và trách nhiệm trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của Mặt trận. Do đó, chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát khiếu nại, tố cáo của Mặt trận còn rất thấp, chưa đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân.

Hai là, hoạt động giám sát khiếu nại, tố cáo của Mặt trận trong thực tế còn hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao. Giám sát phần nhiều mới được thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến rất nhẹ nhàng tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát, chưa có những phương thức giám sát đúng nghĩa và giám sát hầu như mới chủ yếu ở cấp cơ sở còn cấp tỉnh, huyện và Trung ương còn ít và thiếu cơ chế. Nhiều đề xuất, kiến nghị của Mặt trận liên quan đến vụ việc khiếu nại, tố cáo và những sai sót trong giải quyết chưa đuợc cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết và trả lời, mặc dù những phát hiện, kiến nghị của Mặt trận là rất chính đáng như phát hiện việc giải quyết không không đúng thời hạn, không bảo đảm về quy trình thủ tục và thẩm quyền, văn bản trả lời không đúng quy định (thay vì quyết định là một bản thông báo) v.v… và những yêu cầu đó đã có quy định cụ thể của pháp luật.

Ba là, phạm vi đối tuợng bị giám sát trong thực tế của Mặt trận còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, thậm chí là bỏ trống. Mặt trận mới chủ yếu tham gia giám sát được một số hoạt động của cơ quan chính quyền, còn đối với hoạt động của cơ quan dân cử và tư pháp thì chưa đuợc bao nhiêu.

Bốn là, bản thân Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa của công tác giám sát này, xem nhẹ quyền giám sát của chính mình, nói nhiều làm ít, hoạt động giám sát đôi khi chỉ gói gọn trong hoạt động của Uỷ ban Mặt trận, chưa lôi kéo, phát huy tổng hợp sức mạnh các tổ chức thành viên tham gia hoạt động giám sát, còn né tránh, ngại va chạm với các cơ quan Nhà nuớc. Điều kiện kinh phí, con người, năng lực cán bộ thực hiện việc giám sát còn hạn chế.

Năm là, sự thiếu quan tâm và ý thức trách nhiệm chưa cao của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là nguyên nhân làm cho sự tham gia giải quyết và giám sát việc khiếu nại, tố cáo của Mặt trận Tổ quốc còn bị hạn chế. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được cơ quan nhà nước hữu quan quan tâm giải quyết đúng chính sách, pháp luật. Nhiều trường hợp giải quyết qua loa, chiếu lệ, kết quả giải quyết thiếu tính khả thi, không phù hợp với thực tiễn, phải huỷ, sửa nhiều lần. Trong 3 năm từ 2002 đến năm 2004 có 4.681 đơn gửi đến Chính phủ và Thanh tra Chính phủ khiếu nại quyết định giải quyết cuối cùng của các bộ, ngành, địa phương. Trong số đó Thủ

tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra lại 64 vụ việc thì có đến 34 quyết định phải sửa (chiếm 53%). Đối với tố cáo, sự hạn chế thể hiện ở việc xử lý không nghiêm túc, thậm chí có trường hợp bao che cho người bị tố cáo. Nhiều người dân tố cáo cán bộ tham nhũng, điều tra, xét xử cho người bị oan, ức hiếp nhân dân nhưng cơ quan có thẩm quyền không tiến hành kiểm tra hoặc tiến hành quá chậm nên việc xử lý không nghiêm minh hoặc để nhân dân bất bình, các cơ quan báo chí phản ánh, các đoàn giám sát của Trung ương vào cuộc thì mới được xem xét giải quyết như vụ tranh chấp 2 con trâu ở tỉnh Yên Bái, vụ vay nợ ngân hàng của ông Phạm Văn Cường ở thành phố Nam Định, vụ vi phạm đất đai ở thị xã Đồ Sơn thành phố Hải Phòng, ở huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, vụ lấn chiếm lòng hồ thủy điện Ialy ở tỉnh Đồng Nai ...

Sáu là, công tác tiếp dân trong hệ thống Mặt trận còn đơn giản, chưa được tổ chức đúng quy củ. Nơi tiếp dân chủ yếu là kết hợp ở nơi làm việc. Đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh trở xuống hầu hết đều là kiêm nhiệm, chưa được đầu tư chuyên sâu, lề lối làm việc còn nặng về hành chính hóa chủ yếu là tiếp nhận đơn thư rồi chuyển đi. Hệ thống sổ sách theo dõi, cập nhật thông tin chậm và thiếu tính chính xác. Tình trạng cấp cơ sở và cấp huyện dân ít đến vì việc xử lý đơn thư hiệu quả thấp trong khi đó cấp trung ương và một số địa phương nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thì lại quá tải trong việc tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân nhất là vào dịp bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, đại hội Đảng, họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Bảy là, việc phối hợp giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân tại các bộ, ngành tuy có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Vẫn còn tình trạng giải quyết kéo dài, không dứt điểm, có sự đùn đẩy, né tránh của các cơ quan chức năng; một số cơ quan chưa quan tâm giải quyết, trả lời theo quy định pháp luật đối với đơn, thư của công dân và văn bản kiến nghị của Mặt trận. Ví dụ, ở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2009, đã nhận được hơn 3.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đã nghiên cứu xem xét, chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền hơn 2.400 đơn, nhưng chỉ nhận được hơn 50 ý kiến trả lời. Những trường hợp không giải quyết và trả lời thì Mặt trận chỉ có thể kiến nghị tiếp mà pháp luật chưa có quy định về chế tài cụ thể để bắt buộc giải quyết và trả lời. Mặt khác, trong khâu này, Mặt trận Tổ quốc còn rất lúng túng, có sự nể nang, né tránh, ngại va chạm với chính quyền, sợ chính quyền gây khó khăn nhất là việc cấp kinh phí cho hoạt động. Có tình trạng Mặt trận chạy theo chính quyền.

Tám là, sự phối hợp cũng như tạo điều kiện của các cơ quan tổ chức có liên quan để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia giám sát chưa thường xuyên.

Việc phối hợp giám sát với các đoàn giám sát chỉ như đi “tháp tùng” mà chưa biết rõ quyền hạn, trách nhiệm của Mặt trận đến đâu. Giám sát phần nhiều mới được thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến, kíến nghị, đôi khi còn né tránh, ngại va chạm. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và ý kiến, kiến nghị của cử tri tuy đã có tiến bộ nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu; vẫn còn tình trạng giải quyết kéo dài, không dứt điểm, chưa quan tâm giải quyết, trả lời theo quy định pháp luật đối với đơn, thư của công dân và văn bản kiến nghị của Mặt trận gửi đến.

Nguyên nhân ca nhng tình trng nêu trên:

- Có thể thấy, công tác giám sát nói chung, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên đối với các cơ quan nhà nước còn yếu có nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ quy định của pháp luật về giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chỉ là phát hiện, kiến nghị, chưa có các hình thức chế tài, nhất là các chế tài chính trị để bảo đảm sự tôn trọng và thực thi nghiêm các ý kiến của Mặt trận.

- Đảng, Nhà nước còn thiếu sự quan tâm, đầu tư, nghiên cứu và chỉ đạo thuờng xuyên đối với nhiệm vụ giám sát nói chung, giám sát khiếu nại, tố cáo của công dân của Mặt trận. Trong hệ thống chính trị nuớc ta, giám sát (dù là giám sát mang tính công quyền hay giám sát mang tính nhân dân) với tư cách là một phương thức thực thi quyền lực của nhân dân lao động còn chưa đuợc nghiên cứu đầy đủ và triển khai có hiệu quả trong việc thiết kế, vận hành của hệ thống chính trị. Mặt khác, do trình độ phát triển kinh tế - xã hội và trình độ dân trí chưa cao nên những đòi hỏi và yêu cầu về quyền làm chủ thông qua chức năng giám sát của Mặt trận đối với hoạt động của cơ quan Nhà nuớc chưa trở thành - công việc thường xuyên, áp lực của nhân dân, của các thành viên trong Mặt trận đối với vấn đề này cũng chưa mạnh mẽ.

- Mặt trận còn thiếu sự chủ động phối hợp thuờng xuyên với các cơ quan Nhà nuớc và sự phối hợp thống nhất hành động với các thành viên. Hoạt động của Mặt trận nói chung và hoạt động giám sát của Mặt trận nói riêng chỉ cộng huởng sức mạnh và phát huy hiệu quả mạnh mẽ khi Mặt trận xây dựng và hoàn thiện các quy chế phối hợp với các cơ quan Nhà nước đồng thời tạo đuợc cơ chế phối hợp thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong Mặt trận. Nếu không có những quy chế và cơ chế phối hợp thì hoạt động của Mặt trận sẽ trở lên lẻ loi, không phát huy đuợc sức mạnh của tổ chức liên minh chính trị, không còn là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân và xa rời tính chất nhân dân.

- Do những hạn chế trong cách bố trí cán bộ Mặt trận của các cấp uỷ Đảng và do môi trường, điều kiện, kinh phí hoạt động hạn chế của Mặt trận vì vậy nhìn tổng quan có thể nhận thấy rằng: trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận còn nhiều hạn chế; bản lĩnh chính trị của cán bộ nhìn chung chưa cao, chưa tuơng xứng yêu cầu thời kỳ mới nói chung và chưa đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám sát nói riêng.

- Số luợng cán bộ quá ít, không đảm bảo đáp ứng hiệu quả cao các chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, đặc biệt là chức năng giám sát - một chức năng rất quan trọng của Mặt trận trong hệ thống chính trị nuớc ta.

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 457 - 460)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(663 trang)