Tiếp công dân là hoạt động quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước. Hoạt động tiếp công dân nhằm tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp ý của công dân về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từ đó phát hiện những sơ hở, yếu kém để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Đây là sự cụ thể hoá quyền dân chủ trực tiếp của công dân và quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, thể hiện quan điểm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Thông qua việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh người dân sử dụng như là phương thức hữu hiệu để bảo vệ quyền, lơi ích hợp pháp của mình, đấu tranh chống các hành vi lộng quyền, lạm quyền, mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, tiêu cực của cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước. Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, từ trước đến nay Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân, trong đó xác định rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là người đứng đầu trong việc trực tiếp tiếp công dân và tổ chức công tác tiếp công dân cũng như bố trí cán bộ, đầu tư cơ sở vật chẩt, trang thiết bị cần thiết cho Trụ sở tiếp công dân; trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân... Chính vì vậy, công tác tiếp công dân trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; sửa đổi, bổ sung những chính sách, pháp luật không còn phù hợp; những sơ hở, yếu kém, sai lầm, khuyết điểm trong công tác quản lý, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân Ngay sau khi giành được độc lập, chúng ta bắt tay vào việc xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước dân chủ nhân dân và trong các giai đoạn cách mạng Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng đến xây dựng chính quyền dân chủ, gần dân, trong sạch và tận tâm phục vụ nhân dân, lấy lợi ích nhân dân làm mục tiêu cho mọi hành động của mình, thường xuyên lắng nghe, tiếp thu, tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân. Vì vậy, trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, chỉ đạo và hướng dẫn các cấp các ngành có trách nhiệm tiếp thu các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân. Pháp lệnh quy định về việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1981, Pháp lệnh Khiếu nại, tố cáo của công dân năm 1991 và các nghị định hướng dẫn thi hành các pháp lệnh trên là những văn bản độc lập quy định về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đồng thời có đề cập đến trách nhiệnm của các cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân. Ngày 15/01/1993 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 18-TTg về công tác tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên đến ngày 23/9/1989, Ban Bí thư mới có văn bản riêng chỉ đạo về công tác tiếp công dân, đó là Thông báo số 164-TB/TW về việc tiếp công dân và bảo vệ Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Trong đó quy định Trụ sở tiếp công dân chung của Trung ương Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng (tại Hà Nội) được thành lập “để tiếp cán bộ, đảng viên, nhân dân lên Trung ương khiếu tố, kiến nghị và phản ánh tình hình. Văn phòng Trung ương, Văn phòng Quốc hội
và Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng cử cán bộ có đủ năng lực, thẩm quyền đến Trụ sở để tiếp, xử lý phần việc thuộc cơ quan mình”. Trụ sở được đặt tại số 1 phố Mai Xuân Thưởng (nay chuyển về số 110 Cầu Giấy), năm 1993 thành lập Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh.
Để thể chế hoá chủ trương của Đảng về công tác tiếp công dân, ngày 7/8/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/CP kèm theo Quy chế tổ chức tiếp công dân trong đó quy định rõ về mục đích của việc tiếp công dân; trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương đảng và Nhà nước tại Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh; trách nhiệm của Thanh tra Nhà nước và các cơ quan Thanh tra Nhà nước trong công tác tiếp công dân. Tiếp theo đó, ngày 25/9/1997 của Tổng Thanh tra Nhà nước đã có Thông tư số 1178/TT-TTNN hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/CP, quy định cụ thể về việc tổ chức tiếp công dân của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị; việc tiếp công dân của Thủ trưởng các Bộ ngành, địa phương và việc tiếp công dân của Trụ sở tiếp công dân của Đảng và Nhà nước; mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan thường trực tiếp dân tại Trụ sở; mối quan hệ giữa nơi tiếp công dân, Trụ sở tiếp công dân Trung ương với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngày 01/10/1997 Thanh tra Nhà nước có Quyết định số 1203/QĐ - TTNN ban hành bản quy định về việc phối hợp tiếp công dân, quy định về phạm vi trách nhiệm của các cơ quan thường trực tại Trụ sở tiếp công dân; những nội dung cần phối hợp giữa các cơ quan trong công tác này; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ phụ trách công tác tiếp công dân tại Trụ sở.
Quốc hội đã thông qua Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật sửa đổi bổ sung Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005, trong đó đã giành một chương quy định về công tác này. Trên cơ sở đó các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo nhất là Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 đã quy định chi tiết và hướng dẫn việc tiếp công dân, tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó quy định rõ về trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong việc trực tiếp tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân để nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo; trách nhiệm của người tiếp công dân khi tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo; tiếp tục quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân khi đến nơi tiếp công dân; đồng thời quy định về các điều cấm đối với những người có hành vi cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu đối với công dân, về hành vi gây rối trật tự ở nơi tiếp công dân, vu cáo, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan nhà nước, người thi hành nhiệm vụ, công vụ. Bên cạnh đó, còn quy định về việc xử lý đối với người có hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo.
Nhằm chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân, ngay sau khi Luật khiếu nại, tố cáo được ban hành ngày 16/6/2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2004/QH11 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg ngày 27/10/2004 về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trước đó, ngày 9/10/2001 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo trong đó có việc phối hợp tham gia tiếp công dân.
Trước tình trạng khiếu kiện gay gắt, phức tạp ở một số địa phương, bộ ngành Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành có các biện pháp cấp bách, kịp thời để tổ chức tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngày 6/3/2002 ban hành Chỉ thị số 09/ CT-TW về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong
việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay; triển khai các đoàn để kiểm tra sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số địa phương, bộ ngành và chỉ đạo tất cả các cấp uỷ Đảng phải tự kiểm tra theo Kế hoạch số 01/KH-TW. Tháng 10/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân và nêu ra các giải pháp tiếp tục thực hiện Chỉ thị này.
Tiếp theo đó, ngày 10/01/2008 Bộ Chính trị có Thông báo Kết luận số 130-TB/TW về tình hình, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2006 đến nay và giải pháp trong thời gian tới. Trong Thông báo, đã chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc tập trung tổ chức công tác tiếp công dân, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp, chấn chỉnh công tác quản l ý, đẩy mạnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
- Để phục vụ việc thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội, vai trò của Đại biểu Quốc hội trong nhiều văn bản pháp luật đã quy định về công tác tiếp công dân của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội như: Nghị quyết số 228 NQ/UBTVQH10 quy định về trách nhiệm tiếp công dân của Đại biểu Quốc hội; Nghị quyết số 370/2003/NQ- UBTVQH11 ngày 17/3/2003; Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 về việc thành lập Ban Dân nguyện đã quy định thẩm quyền, trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh.
Với tư cách là cơ quan thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2008 đã tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước trong 03 năm 2006, 2007 và 2008, qua đó đã có những đánh giá về thực trạng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế bất cập trong việc tổ chức thực hiện, chấp hành các quy định pháp luật cũng như những mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý trong các quy định hiện hành từ đó có các kiến nghị về giải pháp xử lý, khắc phục.
- Tại những thời điểm quan trọng diễn ra các sự kiện trọng đại của đất nước cũng như thời điểm xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, với tư cách là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, Chỉ thị chỉ đạo các cấp, các ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với từng thời điểm cụ thể như: phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Hội nghị APEC (năm 2006);
chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tập trung xử lý tình trạng công dân nhiều tỉnh tập trung khiếu nại, tố cáo đông người tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh gây phức tạp về an ninh, trật tự công cộng và làm ảnh hưởng đến việc ổn định tình hình chính trị xã hội (năm 2007); chỉ đạo tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp (năm 2008, 2009).
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp nghe và chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, xử lý nghiêm một số vi phạm được phát hiện trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; trực tiếp chủ trì hội nghị với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có nhiều công dân tập trung khiếu nại, tố cáo ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay một số giải pháp nhằm giải quyết có hiệu quả tình hình khiếu nại, tố cáo đông người.
- Ngoài những văn bản pháp luật nêu trên nhà nước ta còn ban hành nhiều văn bản khác quy định và hướng dẫn về việc tiếp công dân trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể và đến nay chúng ta có hệ thống các văn bản quy định về công tác tiếp công dân của cả hệ thống chính trị.
Nhận xét đánh giá chung về chính sách, pháp luật đối với công tác tiếp công dân:
- Từ trước đến nay Đảng và Nhà nước ta rất coi trong đến công tác tiếp công dân và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật về công tác này. Các văn bản này ghi nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan tổ chức trong việc trực tiếp tiếp công dân và tổ chức công tác tiếp công dân, đồng thời quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với các cơ quan, tổ chức.
- Các cơ quan nhà nước bao gồm các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, cơ quan lập pháp đều phải tổ chức công tác tiếp dân, nhận các khiếu nại, tố cáo kiến nghị phản ánh thuộc phạm vi trách nhiệm. Bên cạnh đó các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội cũng phải tổ chức công tác tiếp công dân như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
- Việc tiếp công dân được tổ chức theo hai hình thức phổ biến, đó là tiếp công dân tập trung theo quy định của Nghị định số 89-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiếp công dân phân tán theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Các quy định về công tác tiếp công dân ngày càng hoàn thiện phù hợp tình tình phát triển kinh tế, xã hội, xu hướng mở rộng dân chủ, yêu cầu hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trình bày các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo, tăng cường trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng trước nhân dân.