Các giải pháp đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 122 - 126)

III. CÁC GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN

3. Các giải pháp đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân

Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân gắn với việc phát huy quyền dân chủ của nhân dân, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ.

1. Tăng cường và phát huy trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

2. Phát huy vai trò tích cực, chủ động của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, trước hết là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có kế hoạch cụ thể rà soát, phối hợp để giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, tồn đọng không để khiếu kiện vượt cấp; giành thời gian thích đáng cho công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đi cơ sở.

3. Khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sớm kiện toàn tổ chức tiếp công dân ở Trung ương và địa phương theo Đề án Đổi mới công tác tiếp công dân; gắn việc tiếp dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả đối với những trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp hiện nay.

Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị về phương án tổ chức công tác tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người vượt cấp tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

5. Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Ban hành Nghị định về công tác tiếp công dân thay thế Nghị định 89/CP, trong đó có quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, mối quan hệ giữa các cơ quan tại Trụ sở và giữa Trụ sở với các cơ quan theo tinh thần đổi mới đã nêu trong Đề án. Về mặt lâu dài có thể nghiên cứu xây dựng Luật về tiếp công dân.

Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc tiếp dân, xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, vượt cấp lên Trung ương.

- Ban hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo thay thế Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, trong đó có quy định về việc tổ chức tiếp công dân. Cần quy định rõ việc tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước, của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, của các cơ quan tư pháp, của Đảng, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận…bảo đảm sự thống nhất trong các quy định về công tác tiếp công dân.

- Sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Khiếu nại, tố cáo với Luật Đất đai, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Nghiên cứu đổi mới cơ chế giải quyết khiếu nại theo hướng tài phán hành chính để khắc phục những bất cập trong việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính hiện nay; từng bước củng cố, kiện toàn tòa án hành chính các cấp, mở rộng phạm vi và thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của Tòa án nhân dân.

- Sớm ban hành những quy định hướng dẫn thi hành Luật bồi thường Nhà nước để tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước trước nhân dân khi gây ra thiệt hại cho tổ chức và cá nhân.

6. Kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường giám sát các cơ quan Nhà nước thực hiện trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài.

7. Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với các Bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp dân;

phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao trình độ cho cán bộ tiếp dân nhất là ở cấp cơ sở.

8. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong công tác hoà giải, góp phần tích cực giải quyết các tranh chấp từ cơ sở.

9. Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị làm việc cho Trụ sở tiếp công dân.

4. Việc tổ chức thực hiện

4. 1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan rà soát, thông kế đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân;

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan xây dựng Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác tiếp công dân, gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tăng cường cơ sở vật chất cho Trụ sở tiếp công dân

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan về xây dựng Quy chế tiếp công dân thay thế Quy chế tiếp công dân ban hành kèm theo Nghị định 89/CP ngày 7/8/1997 của Chính phủ.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương đảng, Uỷ ban Kiểm ttra Trung ương, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xây dựng, ban hành quy chế phối hợp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương đảng và Nhà nước.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu của các cơ quan, tổ chức và công dân.

4. 2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:

- Rà soát tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiếp công dân trên địa bàn, xây dựng phương án củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác tiếp dân.

- Tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho Trụ sở tiếp công dân của địa phương đảm bảo khang trang, đủ phòng làm việc và các phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ cho công tác tiếp công dân.

- Lựa chọn cán bộ có phẩm chất, năng lực, có trách nhiệm để làm công tác tiếp dân;

thực hiện chính sách đãi ngộ đặc thù cho đội ngũ cán bộ tiếp công dân.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân.

- Chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền pháp luật, triển khai thực hiện nghiêm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và Đề án này.

4. 3. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Bố trí kinh phí cho việc triển khai thực hiện Đề án; chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan trình Thủ tướng

Chính phủ chế độ phụ cấp cho cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường cơ sở vật chất cho Trụ sở tiếp công dân theo quy định của Đề án.

4. 4. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ

Chủ trì phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan hữu quan tăng cường biên chế đáp ứng yêu cầu công tác tiếp công dân; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.

4. 5. Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp tiếp công dân, thực hiện tốt tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.

4. 6. Trách nhiệm của các bộ, ngành

Các bộ, ngành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan rà soát, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân; tăng cường cán bộ, cơ sở vật chất cho cơ quan tiếp công dân.

4. 7. Đề nghị các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban Kiểm ttra Trung ương, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan nhà nước hữu quan xây dựng quy chế phối hợp tiếp công dân, thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước./.

TÌNH HÌNH KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HIỆN NAY

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 122 - 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(663 trang)