Việc xử lý tố cáo hành vi tham nhũng

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 360 - 365)

Thực trạng xử lý tố cáo hành vi tham nhũng thời gian qua nổi lên một số vấn đề như

sau:

Một là, Việc xử lý tố cáo và theo dõi kết quả xử lý tố cáo hành vi tham nhũng cơ bản vẫn được thực hiện tương tự như xử lý tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Hiện nay có một thực tế là việc phân tách đơn tố cáo hành vi tham nhũng với đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật khác đang gặp khó khăn do quan niệm về tố cáo hành vi tham nhũng còn chưa rõ ràng, thống nhất. Thanh tra Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định tố cáo hành vi tham nhũng cũng như việc phải theo dõi riêng tình hình xử lý tố cáo hành vi tham nhũng.

Vì vậy, việc xử lý tố cáo nhìn chung vẫn được thực hiện như xử lý tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Các bộ, ngành, địa phương khi báo cáo công tác phòng chống tham nhũng với Chính phủ cũng chỉ báo cáo chung số liệu về số đơn tố cáo đã nhận được, số vụ thuộc thẩm quyền, số vụ được giải quyết, kết quả phát hiện, xử lý sai phạm qua giải quyết tố cáo... mà không báo cáo cụ thể được số liệu tố cáo hành vi tham nhũng trong tổng số tố cáo hành vi vi phạm pháp luật nói chung (Rà soát các báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của bộ, ngành, địa phương gửi Chính phủ trong các năm 2007, 2008, 2009). Riêng có bộ phận xử lý đơn của Thanh tra Chính phủ theo dõi được số đơn tố cáo hành vi tham nhũng đã nhận được và phân tích chi tiết theo từng hành vi tham nhũng bị tố cáo. Ví dụ như trong hai năm 2007-2008, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận, xử lý 108.386 đơn thư các loại, trong đó có 35.370 đơn đủ điều kiện xử lý (đơn không đủ điều kiện xử lý là các trùng, đơn đã được xử lý, đơn không rõ nội dung...). Tổng số có 1.904 đơn tố cáo; 4.727 đơn kiến nghị và 2.791 đơn phản ánh. Có 1.688 đơn có thông tin tố cáo về các loại hành vi tham nhũng, gồm:

+ Tham ô tài sản: 970 đơn + Nhận hối lộ: 331 đơn

+ Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản: 128 đơn

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi: 125 đơn

+ Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi: 28 đơn

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi: 15 đơn + Giả mạo trong công tác vì vụ lợi: 8 đơn

+ Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi: 38 đơn

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi: 10 đơn

+ Nhũng nhiễu vì vụ lợi: 15 đơn

+ Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi: 20 đơn.

Đối tượng bị tố cáo là cán bộ cơ quan nhà nước ở Trung ương là 69 người; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 230 người; cấp quận, huyện là 145 người; cấp xã phường là 154 người; còn lại là những đối tượng khác (Tổng công ty, công ty nhà nước, hội, hiệp hội...)

(Số liệu nêu tại Báo cáo ngày 13/3/2009 của Văn phòng Thanh tra Chính phủ chuẩn bị theo yêu cầu của Tổng thanh tra tại Văn bản số 337/TTCP-C.IV ngày 24/2/2009 để báo cáo Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thanh tra nhà nước 2 năm 2007 – 2008).

Hai là, Hầu hết các cơ quan nhà nước nhận được tố cáo hành vi tham nhũng đều tiến hành xử lý một cách độc lập mà không có sự phối hợp, liên kết, trao đổi thông tin trong xử lý tố cáo hành vi tham nhũng.

Tình trạng này rất phổ biến vì người tố cáo thường gửi cùng lúc đơn thư tố cáo đến nhiều cơ quan khác nhau. Các cơ quan Nhà nước lại không có sự trao đổi thường xuyên về kết quả xử lý của cơ quan mình đối với đơn thư tố cáo của cơ quan mình nói chung và tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng và cũng không có hệ thống dữ liệu chung về xử lý đơn tố cáo để các cơ quan nhận đơn có thể biết thông tin về vụ việc trước khi xử lý tố cáo.

Do đó đã dẫn đến tình trạng xử lý chồng chéo, trùng lắp, thậm chí mẫu thuẫn nhau, nhất là trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, cùng một đơn tố cáo nhưng kết quả xử lý tố cáo của các cơ quan khác nhau lại khác nhau...

Ba là, Việc xử lý tố cáo hành vi tham nhũng bằng điện thoại và thông điệp dữ liệu còn gặp một số vướng mắc, khó khăn.

Hiện còn nhiều địa phương chưa tổ chức được việc tiếp nhận tố cáo hành vi tham nhũng bằng điện thoại và thông điệp dữ liệu mặc dù tất cả 63 tỉnh, thành phố thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng. Người dân chưa thực sự được thuận lợi khi muốn tố cáo hành vi tham nhũng bằng điện thoại hoặc thông điệp dữ liệu.

Nguyên nhân một phần do thiếu các đường dây nóng, hộp thư điện tử phục vụ cho việc tiếp nhận tố cáo hành vi tham nhũng nhưng một phần còn là do cơ chế xử lý tố cáo hành vi tham nhũng bằng các hình thức này vẫn còn bất cập.

Khoản 3, Điều 42, Nghị định 120/2006/NĐ-CP có quy định: Ngay sau khi nhận được tố cáo qua điện thoại, bằng thông điệp dữ liệu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo phải tiến hành xác minh lại họ tên, địa chỉ của người tố cáo theo thông tin người tố cáo cung cấp, áp dụng theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Trên thực tế, việc xác minh lại họ tên, địa chỉ của người tố cáo là rất khó khăn, nhất là đối với các cơ quan ở Trung ương. Ví dụ như Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ nhận được điện thoại của công dân tố cáo lãnh đạo UBND xã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt đất công. Để xác minh được họ, tên của người tố cáo trong trường hợp này thì phải cử cán bộ xuống tận xã, đến tận địa chỉ do người gọi điện cung cấp để xác minh. Vì nếu thông qua chính quyền xã hoặc kể cả thông qua Thanh tra cấp huyện để xác minh thì rất dễ ảnh hưởng đến người tố cáo. Hoặc nếu không gặp trực tiếp mà chỉ kiểm tra tên và địa chỉ thì chưa đủ điều kiện để xử lý tố cáo vì thực tế có rất nhiều trường hợp tố cáo mạo danh, người gọi điện thoại đã cung cấp tên và địa chỉ của một người có thật, nhưng khi gặp trực tiếp mới biết là người này không tố cáo. Thời gian vừa qua, nhiều trường hợp Cục Chống tham nhũng chưa làm được việc xác minh họ tên, địa chỉ của người tố cáo bằng điện thoại và thông điệp dữ liệu mà mới chỉ tập trung xử lý được một số vụ tố cáo lớn.

Bốn là, trong một số hành vi tham nhũng, việc phân định tố cáo hành vi tham nhũng với tố cáo tội phạm tham nhũng còn chưa rõ ràng, ảnh hưởng đến việc xử lý tham nhũng.

Hầu hết tố cáo hành vi tham nhũng hiện nay là tố cáo những hành vi có thể cấu thành tội phạm tham nhũng. Qua số liệu phân tích của Thanh tra Chính phủ trong 2 năm 2007-2008 nêu trên, có thể thấy tỷ lệ hành vi tham nhũng bị tố cáo thuộc nhóm tội phạm tham nhũng theo quy định của Bộ luật hình sự là rất cao (chiếm 95%). Chỉ có 83 đơn trên tổng số 1688 đơn (5%) là tố cáo hành vi tham nhũng không thuộc nhóm các hành vi có thể cấu thành tội phạm tham nhũng. Trong số trường hợp tố cáo những hành vi có thể cấu thành tội phạm tham nhũng thì hầu hết là tố cáo tội phạm tham nhũng vì rất ít trường hợp

hành vi tham nhũng bị tố cáo là chưa đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự (ví dụ như tham nhũng dưới 500.000 đồng và không gây hậu quả nghiêm trọng...).

Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, tố cáo hành vi phạm tội do các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (Điều 60). Do đó, các trường hợp tố cáo tội phạm tham nhũng sẽ phải được chuyển cho Cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát. Nhưng trên thực tế, nhiều trường hợp lại được xử lý chuyển cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước để xem xét, giải quyết như tố cáo thông thường. Sau khi xem xét, nếu phát hiện đúng là có dấu hiệu phạm tội thì cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước mới chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra. Ví dụ như Cục Chống tham nhũng đã tiến hành một số cuộc thanh tra xuất phát từ đơn tố cáo như:

- Thanh tra tại Tổng công ty Miền trung thuộc Bộ Xây dựng (Tổng thanh tra quyết định tiến hành thanh tra theo đơn tố cáo và phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật). Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng và kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

- Thanh tra tại Công ty Cao su Tân Biên (Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra theo đơn tố cáo). Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, phát hiện và kết luận một số đối tượng có hành vi tham nhũng và kiến nghị Thủ tướng xử lý chuyển cơ quan điều tra.

Năm là, Quy định về thủ tục xử lý tố cáo hành vi tham nhũng còn có những bất cập, nhất là hiện vẫn chưa có quy trình nghiệp vụ thống nhất về xử lý tố cáo nói chung và cũng chưa có quy trình xử lý tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng tương ứng với từng hình thức tiếp nhận tố cáo hành vi tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được quy trình xử lý đơn tố cáo để thực hiện thống nhất trong cả nước (hiện mới có dự thảo Thông tư quy định quy trình tiếp dân và xử lý đơn, đang lấy ý kiến trên cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ). Tuy nhiên nếu quy trình này được ban hành thì đối với tố cáo hành vi tham nhũng cũng chỉ giải quyết được một số hình thức tiếp nhận, đó là trường hợp công dân tố cáo trực tiếp và gửi đơn, còn tố cáo hành vi tham nhũng bằng điện thoại và thông điệp dữ liệu thì vẫn chưa có quy trình để xử lý thống nhất.

Sáu là, còn có sự khác biệt trong xử lý tố cáo hành vi tham nhũng giữa quy định của pháp luật và quy định của Đảng, nhất là đối với đối tượng thuộc diện Trung ương quản lý.

Đảng viên khi bị tố cáo vi phạm pháp luật cũng đồng nghĩa với việc bị tố cáo vi phạm điều lệ Đảng. Do đó, việc xử lý tố cáo hành vi tham nhũng của Đảng viên nhất thiết cũng phải dựa trên các quy định của Đảng về xử lý tố cáo. Ví dụ như trước đây, việc xử lý tố cáo đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý thì ngoài việc căn cứ quy định của pháp luật thì còn phải căn cứ vào Quy định số 52-QĐ/TW ngày 5/5/1999 của Bộ Chính trị (Khóa VIII); còn hiện nay thì phải căn cứ Quy định số 190-QĐ/TW ngày 29/9/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về giải quyết tố cáo đối với đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý.

Theo Quy định số 190-QĐ/TW, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy thuộc Trung ương... khi nhận được đơn thư tố cáo đối với đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý thì chuyển đến Ủy ban kiểm tra Trung ương để tổng hợp, nghiên cứu, phân loại, đề xuất hướng xử lý; những nội dung tố cáo không thuộc trách nhiệm giải quyết trực tiếp của mình thì Ủy ban kiểm tra chuyển đến cơ quan, tổ chức có trách nhiệm để kịp thời xem xét, giải quyết.

Như vậy, với quy định như trên thì đơn tố cáo đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý trong đó bao gồm cả tố cáo hành vi tham nhũng sẽ được tập trung vào một đầu mối để xử lý là Ủy ban kiểm tra Trung ương chứ không phải chuyển ngay đến cơ quan có

thẩm quyền.

Bảy là, Các cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng nhưng việc phản ánh thông tin về hành vi tham nhũng qua báo chí, phương tiện truyền thông chưa được coi là một hình thức tố cáo hành vi tham nhũng.

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều trường hợp báo chí, cơ quan truyền thông đã có những tin, bài, phóng sự phản ảnh về hành vi tham nhũng và qua đó giúp cơ quan chức năng kịp thời, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc tham nhũng.

Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Cục chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ thường xuyên điểm báo để tìm kiếm những thông tin phản ảnh về hành vi tham nhũng. Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng còn phát hành tài liệu điểm báo hàng tuần, gửi đến các cơ quan chức năng chống tham nhũng, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng địa phương... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra khi một thông tin về hành vi tham nhũng được nêu trên báo hoặc truyền hình thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng là như thế nào. Hiện nay, hầu hết các thông tin đó đều được quan tâm, được sử dụng để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên đó lại không được coi là tố cáo hành vi tham nhũng và đương nhiên sẽ không được xử lý, thụ lý, giải quyết theo trình tự, thủ tục quy định đối với tố cáo hành vi tham nhũng. Trong khi đó các bài báo, phóng sự... đều có tác giả cụ thể (không thể là nặc danh, mạo danh) và việc đưa hành vi tham nhũng lên phương tiện thông tin đại chúng cũng là một biện pháp để tác giả bài báo, phóng sự... báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi tham nhũng.

Do đó, nếu báo chí, các phương tiện truyền thông đưa tin về một hành vi tham nhũng được coi là một hình thức tố cáo hành vi tham nhũng thì có nghĩa là phải có một cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý tố cáo đó theo một trình tự, thủ tục nhất định (có thể là trình tự, thủ tục riêng, khác với các hình thức tố cáo khác) từ đó vụ việc được xem xét, giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn nhiều. Mặt khác, đây cũng sẽ là một chính sách thiết thực để thúc đẩy, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông nói riêng và vai trò, trách nhiệm của xã hội nói chung trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tám là, cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng còn chưa cụ thể, chưa tạo động lực mạnh mẽ để người dân tham gia đấu tranh, chống tham nhũng.

Năm 2009, Văn phòng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đã tổ chức 02 đợt biểu dương 26 người có thành tích trong công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có một số người được biểu dương do đã có thành tích tố giác các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, nhìn chung, cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng hiện nay còn ở dạng nguyên tắc, chung chung. Cơ chế bảo vệ chưa thực sự khiến cho người tố cáo yên tâm nhất là khi tố cáo những vụ tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, tổ chức mà mình đang làm việc hoặc địa phương nơi mình đang sinh sống. Cơ chế khen thưởng cũng chưa thực sự động viên bản thân người tố cáo cũng như chưa tạo được động lực để thúc đẩy người khác cùng tham gia đấu tranh chống tham nhũng, nhất là trong những vụ việc mà người dân đã đóng góp nhiều công sức, giúp các cơ quan chức năng phát hiện những vụ việc tham nhũng lớn, thu hồi được nhiều tài sản về cho Nhà nước.

Thấy được hạn chế đó, ngày 12/5/2009, Chính phủ đã có Nghị quyết số 21/NQ-CP ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Công an dự thảo Quyết định của thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế

Một phần của tài liệu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước KHIẾU NẠI, TỐ CÁO HÀNH CHÍNH - CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP (Trang 360 - 365)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(663 trang)