cộng đồng trong phát triển đô thị
Các quy hoạch của tỉnh chưa được trình bày trước công chúng, thậm chí là trước chính quyền thành phố. Trong một số trường hợp, quy hoạch phát triển thành phố được trình bày trước “đại diện cộng đồng” nhưng không được đăng tải công khai. Quy hoạch chi tiết (nếu có) được giả định là sẽ được các lãnh đạo phường trình bày trước người dân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án hạ tầng. Trong những trường hợp như vậy, người dân thường được thông báo qua loa đài, đôi khi là trong các cuộc họp. Thông thường, lãnh đạo phường chỉ mời các tổ trưởng tổ dân phố đến dự các cuộc họp (do phòng họp hạn chế về không gian) và sau đó giả định rằng, thông tin sẽ được chuyển đến mọi người dân liên quan. Trong một số trường hợp, người dân có thể xem các bản quy hoạch ở trụ sở phường, một số trường hợp khác thì không. Bản đồ thường không sẵn có, cũng như không có bản đồ thể hiện các dự án hạ tầng được quy hoạch. Cách thức trình bày những quy hoạch này khiến người dân địa phương cảm thấy khó khăn khi xác định xem các dự án có thể ảnh hưởng tới họ như thế nào.
Sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch ở các cấp cao nhất có lẽ sẽ chưa được thực hiện trong tương lai gần. Các quy định về quản lý sử dụng đất đai và quy hoạch xây dựng áp dụng tại các tỉnh trong quá trình sử dụng đất và quy hoạch phát triển đô thị không đòi hỏi sự tham gia của người dân. Pháp lệnh Dân chủ cơ sở có tầm quan trọng về pháp lý thấp hơn so với các luật. Do vậy, mặc dù người dân có thể đóng góp ý kiến cho dự thảo, chính quyền tỉnh chịu trách nhiệm về quy hoạch và luật không yêu cầu trưng cầu dân ý.
Nguồn: Trích dẫn từ một nghiên cứu đánh giá về sự tham gia của người dân và chính quyền địa phương tại bốn đô thị Nam Định, Huế, Thủ Dầu Một và Lạng Sơn, trong tài liệu của Hiệp hội Các đô thị Việt Nam và Konrad-Adenauer Stiftung (2009).
Nhìn chung, các hiệp hội và tổ chức phi chính phủ này vẫn chưa có tiếng nói mạnh mẽ. Lý do chính là không có cơ chế thích hợp để họ tham gia quá trình phát triển chính sách. Diễn đàn Đô thị Việt Nam là nơi chia sẻ ý kiến và thông tin giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cá nhân và nhà tài trợ, để đóng góp cho các chính sách phát triển đô thị. Có thể thấy rằng, có rất ít cơ hội cho các đối tác khác nhau bày tỏ ý kiến của mình ở Việt Nam. Diễn đàn Đô thị Việt Nam là một nơi có thể có vai trò cụ thể. Tuy nhiên, chỉ có một tổ chức phi chính phủ là Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Vương quốc Anh (Save the Children UK), một hiệp hội (ACVN) và một viện quy hoạch nằm trong số 25 đối tác của Diễn đàn Đô thị Việt Nam trong năm 2010 và Bộ Xây dựng tham gia nhiều hơn so với các đối tác khác trong diễn đàn này5.