TRÊN ĐầU NGƯờI
Tính trên cả nước, diện tích sàn bình quân/người tăng nhanh trong thập kỷ qua: từ 9,7 m2 năm 1999 lên 16,7 m2 năm 2009 (toàn quốc). Con số trung bình này có xu hướng không thể hiện được sự chệnh lệch trên thực tế về không gian sống giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn. Hơn 10 năm qua, mặc dù nhiều đơn vị nhà ở lớn được xây dựng mới nhưng tỷ lệ nhà ở có diện tích dưới 15 m2 ngày càng tăng, chiếm tới 14% nhà ở toàn quốc. Tổng cộng có 17,4% hộ gia đình tại đô thị sống trong các đơn vị nhà ở có diện tích bình quân 6 - 10 m2/người và 4,8% sống trong các căn nhà ở có diện tích bình quân dưới 5,0 m2/người. Theo đánh giá nghèo đô thị năm 2010 ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh30, không gian sống bình quân là 15,7 m2 ở Hà Nội, 17,7 m2 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tỷ lệ hộ gia đình và người độc thân sống trong các căn nhà chật chội dưới 7 m2/người ở hai thành phố tương ứng là 26% và 31%. Cụ thể, tỷ lệngười dân di cư sống trong diện tích dưới 7 m2 (62%) là hoàn toàn khác so với tỷ lệ người dân đăng ký thường trú sống trong diện tích dưới 7 m2 (17%) ở hai thành phố này. Trong số người dân di cư, 1/3 sống trong không gian dưới 4 m2/người. Ở Việt Nam, có lẽ hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, các gia đình có nghệ thuật sống “trên từng centimet”. Trong các căn nhà nhỏ, không gian sống được tận dụng một cách rất thông minh, với các phòng đa chức năng (chức năng thay đổi theo ngày/đêm), không gian được phân chia linh hoạt bằng các vách ngăn và gác lửng được xây để mở rộng không gian sinh sống. Ngoài ra, do điều kiện khí hậu, người dân có thể cơi nới không gian tiếp giáp bên ngoài để phục vụ nhu cầu sinh sống, làm việc hằng ngày31. Như vậy, số liệu về diện tích bình quân trên đầu người phải được hiểu theo điều kiện khí hậu và văn hóa nhà ở cụ thể.