1. Chân thành không có nghĩa là nghĩ sao nói vậy
Tuy nguyên tắc đầu tiên trong việc thể hiện sự chân thành là trước sau như một, nhưng nếu NTV hiểu chân thành đơn giản như có gì nói nấy, nghĩ sao nói vậy, hoàn toàn không suy nghĩ, khống chế điều chỉnh, tự nhiên thể hiện thì đây quả là điều không ổn. Ví dụ, “Bạn thật ngốc! Ý đơn giản vậy mà cũng không hiểu”; “Bạn làm gì cũng tự cho mình là trung tâm, không hề nghĩ đến người khác,: người ta quan tâm bạn mới là lạ!”,v.v... Tuy những lời nói như vậy là suy nghĩ thật của NTV, nhưng nếu “nói toạc” ra như thế sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của ĐTĐTV, làm cho ĐTĐTV càng căng thẳng, không biết phải làm như thế nào. Sự chân thành mà quá trình tư vấn cần đến là sự chân thành có tác dụng chữa trị và không mang tính phá hoại. NTV có thể thay đổi cách diễn đạt khác như: “Tôi cảm thấy hình như bạn chưa hiểu ý tôi”; "Bạn đã từng nghĩ rằng có lẽ mình chỉ đứng lập trường của mình mà quên đi cảm nhận và cảm nghĩ của người khác. Làm như vậy thì người khác có chấp nhận được không?”. Cách nói uyển chuyển cũng là sự bày tỏ cảm nhận của NTV, nhưng nó lại cụ thể hơn, lý trí hơn và ĐTĐTV dễ dàng chấp nhận hơn so với cách nói trước. Tóm lại, chân thành nên tuân thủ theo một nguyên tắc cơ bản, nghĩa là NTV phải có trách nhiệm với ĐTĐTV, giúp họ trưởng thành và tiến bộ. Vì vậy, nội dung trao đổi của NTV trong quá trình tư vấn phải chân thật, nhưng cần chú ý đến cách thức và phương pháp.
2. Chân thành không có nghĩa là tự mình bộc lộ cảm xúc
Trong quá trình tư vấn, NTV rất có thể gặp phải trường hợp sẽ làm cho mình cảm động. Ví dụ, một NTV từ nhỏ đã phải chịu nỗi đau mất cha mẹ, khi gặp một ĐTĐTV có cảnh ngộ tương tự, rất có thể sẽ tác động lẫn nhau, phát sinh tình cảm yêu mến nhau, cả hai cùng rơi vào đau khổ. Việc thể hiện tình cảm chân thành của NTV này không phải là sai, nhưng nếu anh ta mất quá nhiều thời gian để kể lại việc anh ta đã trải qua nỗi đau mất người thân thì sẽ làm thay đổi mục tiêu tư vấn, đây quả là điều không nên. NTV phải bày tỏ tình cảm của mình một cách thích hợp, mục đích của việc thể hiện sự chân thành là giúp ĐTĐTV trút bỏ được gánh nặng, chứ không phải là mình trút bỏ hay thể hiện lập trường, chủ trương cho bản thân. Ngoài ra, mặt trái của việc thể hiện tình cảm quá mức của NTV không chỉ làm mất thời gian tư vấn quí báu, mà rất dễ làm cho ĐTĐTV nghi ngờ năng lực và quyền uy của NTV. Là một NTV, cần phải rời khỏi vai diễn chuyên nghiệp của mình khi thích hợp, cần phải luôn nhớ trách nhiệm của mình, lúc nào nội
dung tư vấn cũng phải xoay quanh vấn đề của ĐTĐTV.
3. Có phải càng chân thành càng tốt?
Một số người mới vào nghề cho rằng, vì sự chân thành là một đặc tính tốt, cho nên thể hiện nó càng nhiều càng tốt. Thực ra không phải vậy. Đối với một số ĐTĐTV thì sự chân thành quá mức, quá nhiều sẽ làm cho họ khó chịu, nhất là trong thời gian đầu tư vấn. Vì vậy, cho dù đó là sự chân thành có lợi cho ĐTĐTV thì mức độ cũng nên vừa phải, nên thay đổi tùy lúc, tùy người.
4. Phải ngăn chặn phản ứng đề phòng tự phát
Nghĩa là khi kiến nghị, NTV gặp phải sự phản ứng, phủ nhận, công kích của ĐTĐTV, NTV không nên vội vàng giải thích, biện luận hay trực tiếp công kích lại ĐTĐTV, mà nên tìm hiểu ở góc độ khác hay nói rõ kiến nghị của mình.
Thông thường, việc phản ứng đề phòng tự phát của NTV có liên quan đến tâm lý bảo vệ hình tượng và quyền uy của mình trong lòng ĐTĐTV. Với tâm lý này, NTV cũng đặt ra cho mình yêu cầu quá cao, lo sợ ĐTĐTV phát hiện ra khuyết điểm của mình, khi giải thích, xử lý vấn đề nào đó không đến nơi đến chốn thì khó có thể chủ động gánh lấy trách nhiệm của mình. Việc phản ứng đề phòng tự phát rất dễ làm cho mối quan hệ tư vấn xấu đi, làm cho cuộc tư vấn dậm chân tại chỗ. Dưới đây là hai ví vụ về ĐTĐTV không hài lòng với cuộc tư vấn và NTV.
ĐTĐTV: Tôi vốn cho rằng sau khi tư vấn, sẽ nhanh chóng thoát khỏi tâm lý khó khăn này. Nhưng đã hơn một tháng, kết quả vẫn như vậy. Tôi cảm thấy cách thức anh chỉ dẫn cho tôi không có tác dụng”.
NTV: "... Bạn không nên đánh mất lòng tin quá sớm. Tuy chúng ta đã nói chuyện với nhau hơn một tháng, nhưng có mấy lần bạn lại không đến, cho nên thực tế thời gian nói chuyện của chúng ta không nhiều như bạn nghĩ. Vả lại, tôi không thể chắc chắn là bạn có làm đúng những gì chúng ta thoả thuận không?”.
NTV: “Bạn cảm thấy thời gian tư vấn trước đây không hiệu quả, tôi cũng cảm nhận được bạn đang thất vọng, lo lắng. Bạn có đồng ý cùng tôi kiểm tra lại thời gian tư vấn trước đây không?”.
Hiển nhiên, trong loại phản ứng đầu tiên, NTV đã tự bảo vệ mình, vội vàng “đùn đẩy” trách nhiệm, còn đưa ra lời phê bình ĐTĐTV. Nhưng trong phản ứng thứ hai, trước tiên NTV thể hiện sự thông cảm của mình với cách nghĩ và tâm trạng lúc đó của ĐTĐTV, trong trường hợp chưa rõ nguyên nhân, anh ta vừa không trốn tránh trách nhiệm của mình, vừa không tự ôm hết trách nhiệm về mình một cách dối lòng (vì như vậy cũng không phải là chân thành), mà chỉ đề ra ý kiến giải quyết mang tính xây dựng. Cách giải quyết này vừa chân thành, vừa không đánh mất lý trí.
Tóm lại, chân thành là sự thể hiện tự nhiên xuất phát từ nội tâm của NTV, là một tố chất của NTV. Loại tố chất này là kết quả của sự chuyên tâm tu dưỡng, không ngừng
luyện tập, không đơn giản có được từ kỹ xảo. Chân thành được xây dựng trên cơ sở tính lạc quan, tự tin của NTV và sự quan tâm, tình yêu thương đối với ĐTĐTV.
Bài 4. TÔN TRỌNG
TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG à Chương 2. XÂY DỰNG MỐI QUAN HỆ TƯ VẤN TỐT ĐẸP