4.1. Phù não:
Giập não là nguyên nhân chính dẫn tới phù não. Giập não càng lớn, phù não càng nặng. Phù não sẽ dẫn tới tăng ALNS, biểu hiện đau đầu, buồn nôn và nôn; ứ phù đĩa thị; kích thích tâm thần; mạch chậm, huyết áp tăng cao; thở nhanh nông; rối loạn hô hấp và tim mạch trầm trọng. Tăng ALNS rầm rộ sẽ dẫn tới nguy cơ tụt kẹt não: đẩy thùy thái dương vào khe Bichat; đẩy thùy nhộng tiểu não vào lỗ chẩm và gây rối loạn hô hấp và tim mạch nghiêm trọng do chèn ép hành tủy.
4.2. Chảy máu dưới nhện (CMDN):
Trong chấn thương, CMDN thường do giập não, nhưng cũng hay gặp do tăng tính thấm thành mạch, hồng cầu xuyên thấm vào DNT, biểu hiện:
+ Đau đầu, buồn nôn và nôn.
+ Kích thích tâm thần, dãy dụa, kêu la, vùng dậy chạy khỏi giường; sợ ánh sáng, mắt luôn nhắm, nhức trong hốc mắt.
+ Cứng gáy (+++), Kernig (+) xuất hiện sau 24 giờ. + Dấu hiệu TKKT không có hoặc không phát hiện được.
+ Chọc ống sống thắt lưng (OSTL) thấy DNT màu đỏ máu hoặc phớt hồng. Điều trị: bất động, an thần; thuốc chống co mạch (nimotop); chống phù não... nên chọc OSTL 2 - 3 lần/tuần cho tới khi DNT trong vắt như bình thường.
4.3. Xẹp não:
Xẹp não chủ yếu do mất DNT trong các trường hợp vỡ nền sọ. Xẹp não còn có thể do rối loạn quá trình sản sinh DNT, chúng được sinh ra ít là do ức chế đám rối màng mạch.
Triệu chứng lâm sàng: giống như tăng ALNS, đau đầu buồn nôn và nôn; kích thích tâm thần, dãy dụa; soi đáy mắt không có ứ phù đĩa thị và chọc OSTL áp lực DNT thấp hơn bình thường.
Điều trị: bất động; không truyền dịch chống phù não và không dùng thuốc lợi niệu thẩm thấu. Nên nằm đầu thấp, thuốc an thần, thuốc giảm đau, truyền dịch đẳng trương như glucose 5%, ringer lactat...
4.4. Tụ nước dưới màng cứng:
Là tình trạng ứ đọng DNT nằm giữa màng não cứng và màng nhện. Tụ nước DMC cũng gây đè ép não như máu tụ DMC, nhưng không có triệu chứng đặc trưng nên chẩn đoán lâm sàng thường khó khăn. Chụp CLVT cho thấy khoang dưới nhện vùng tụ nước giãn rộng, biểu hiện: khoảng cách giữa bề mặt của não với mặt trong xương sọ giãn rộng ra, đó là vùng thuần nhất có tỷ trọng giống như tỷ trọng của DNT (4 - 14 HU).
Điều trị: phẫu thuật mở thông khoang tụ nước với khoang dưới nhện của não.
4.5. Tràn dịch não (hydrocephalus):
Tràn dịch não cấp tính do chấn thương thường do máu tụ hoặc giập não gây chèn ép và làm tắc cống Sylvius. Biểu hiện lâm sàng: tăng ALNS, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn; ứ phù đĩa thị 2 bên; mạch chậm và huyết áp tăng cao. Chụp CLVT thấy 2 não thất bên giãn to.
Điều trị: điều trị nội khoa không khỏi phải can thiệp phẫu thuật dẫn DNT từ não thất bên xuống ổ bụng.
4.6. Tràn khí não:
Là do vỡ xoang trán hoặc vỡ nền sọ. Khí từ các xoang (xoang trán, xoang chũm...) hoặc khí từ ngoài vào trong não qua đường vỡ xương sẽ gây đè ép não và có nguy cơ gây viêm màng não. Lâm sàng không có triệu chứng đặc trưng, bệnh
nhân chỉ đau đầu, buồn nôn và nôn, cứng gáy, kích thích tâm thần, vật vã, dãy dụa...
Chụp sọ qui ước đặc biệt là chụp CLVT sẽ thấy khí rải rác trong khoang dưới nhện hoặc tụ trong não thất như một bọc khí lớn gây đè ép não.
Điều trị: bất động; nằm đầu cao, cho thuốc an thần, kháng sinh. Nếu chảy DNT do vỡ nền sọ thì cần nhét gạc (mèche) để ngăn chặn và không cho khí tiếp tục vào trong não.
4.7. Rò dịch não tủy:
Chảy DNT kéo dài qua đường vỡ xương ở nền sọ có nguy cơ gây viêm màng não, áp xe não. Lâm sàng: biểu hiện đau đầu, sốt cao, cứng gáy, nôn và buồn nôn; rối loạn tâm thần, chảy DNT ra mũi hoặc tai.
Điều trị: bất động nằm đầu cao; kháng sinh. Nếu điều trị bảo tồn không kết quả thì cần phải can thiệp phẫu thuật khâu bít đường rò.
4.8. Rò động mạch cảnh trong với xoang hang:
Vỡ nền sọ trước làm gãy xương cánh bướm nhỏ gây rách động mạch cảnh trong (ĐMCT) nằm trong xoang hang. Máu từ ĐMCT qua lỗ rách chảy vào xoang tĩnh mạch hang gây rò động mạch cảnh trong-xoang hang (ĐMCT-XH). Lỗ rách có thể 1 - 2 mm. Triệu chứng lâm sàng như sau:
+ Có tiếng động theo mạch đập như tiếng “cối xay lúa” ù ù ở trong đầu. Tiếng ù ù thường xuất hiện sau chấn thương một vài ngày và tiếng thổi ngày một to dần làm cho bệnh nhân hết sức khó chịu.
+ Mắt lồi: tiếng ù ù xuất hiện một vài ngày thì bệnh nhân thấy một bên mắt ngày một lồi to ra, thị lực giảm. Lỗ rò càng lớn, lồi mắt xuất hiện càng nhanh.
+ Tiếng thổi liên tục và rung miu: khi khám đặt tay và ống nghe lên nhãn cầu sẽ thấy rung miu và nghe thấy tiếng thổi liên tục lan ra xương thái dương. Nếu đè mạnh ngón tay lên động mạch cảnh gốc thì tiếng thổi liên tục và rung miu sẽ mất và mắt lồi sẽ nhỏ lại.
Chụp động mạch não sẽ xác định được lỗ rò.
Điều trị: phẫu thuật làm tắc lỗ rò (phương pháp Brooke) hoặc thắt buộc động mạch cảnh trong.