Khám tổn thương da đầu và xương sọ.

Một phần của tài liệu Giáo trình phẫu thuật thần kinh học viện quân y (Trang 165)

- Tốt: khi đưa thìa chạm vào miệng, bệnh nhân đưa môi ra đón thìa nước và há miệng ra (gọi là thì môi), khi đổ nước vào, bệnh nhân sẽ ngậm miệng

4.Khám tổn thương da đầu và xương sọ.

Cần khám dưới ánh đèn và nhiều trường hợp phải cắt bỏ tóc bị dính máu để tìm chỗ tổn thương. Có thể thấy những tổn thương sau:

4.1. Bọc máu tụ dưới da đầu:

Ngay chỗ bị chấn thương người ta sờ thấy một khối căng mềm, ấn đau và có biểu hiện dịch dưới tay, đó là bọc máu tụ dưới da đầu.

Xử trí: sau một vài giờ có thể chọc hút bỏ khối máu tụ; sau khi hút xong cần phải băng ép chặt. Trường hợp BN đến muộn, máu dưới da đầu đã đông chắc, hút không được thì phải cạo sạch tóc, gây tê và rạch da để lấy hết máu cục.

Đối với trẻ em, nhiều trường hợp máu tụ dưới da đầu hình thành rất nhanh gây bóc tách cốt mạc xương sọ và toàn bộ da đầu căng bóng. Những trường hợp đó cần phải chọc hút sớm hoặc trích rạch nhiều lỗ để tháo bỏ máu cục. Có trường hợp đến muộn nên da đầu đã bị hoại tử.

4.2. Chấn thương sọ não mở:

Đó là vết thương gây rách da đầu, vỡ xương sọ và rách màng não cứng; dịch não tủy và thậm chí có cả não nát chảy ra ngoài.

Nguy cơ của CTSN mở là nhiễm trùng não-màng não. Do vậy CTSN mở cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Xử trí: cắt tóc và cạo sạch, có thể khâu hoặc băng ép để cầm máu tạm thời, sau đó tiến hành mổ cấp cứu, lấy hết dị vật, xương vỡ, tổ chức não nát và khâu kín màng não cứng trong điều kiện cho phép.

4.3. Vỡ nền sọ trước:

Máu lẫn DNT chảy ra mũi, máu loãng không đông; dấu hiệu “đeo kính dâm” ở một bên hoặc hai bên mắt.

Xử trí: nếu máu chảy nhiều thì phải nhét gạc (mèche) vào ngách mũi sau để cầm máu; nằm đầu cao; kháng sinh.

4.4. Vỡ nền sọ giữa:

Máu lẫn DNT chảy ra lỗ tai, bầm tím quanh tai, liệt dây VII ngoại vi. Xử trí: nếu chảy máu nhiều thì cần phải nhét gạc (mèche) lỗ tai; nằm đầu cao và cho dùng kháng sinh.

Ngoài ra cần phải khám toàn thân để phát hiện xem có tổn thương ngực bụng, cột sống và chi thể không.

Một phần của tài liệu Giáo trình phẫu thuật thần kinh học viện quân y (Trang 165)