Tiến triển của áp xe não.

Một phần của tài liệu Giáo trình phẫu thuật thần kinh học viện quân y (Trang 106)

- Tổn thương không hoàn toàn dây TK hông to: liệt không hoàn toàn bàn chân và hay gặp hội chứng bỏng buốt.

3. Tiến triển của áp xe não.

điều trị kháng sinh sớm, kháng sinh mạnh có phổ tác dụng rộng thì các triệu chứng của áp xe sẽ mất đi, ổ áp xe sẽ nhỏ lại, dần dần teo đi, để lại vùng sẹo xơ hoá. Tiến triển xấu nếu áp xe không được điều trị tích cực, có thể sẽ dẫn đến những khả năng sau đây:

3.1. Viêm màng não mủ:

Do mủ xuyên thấm qua bao áp xe ra khoang dưới nhện của não và lan rộng gây nên viêm màng não mủ. Hay gặp trong các ổ áp xe nằm sát với vỏ não hoặc thành não thất bên, áp xe dưới màng não cứng.

3.2. Vỡ áp xe:

Những ổ áp xe lớn nằm sát thành não thất bên hoặc sát vỏ não, do tăng áp trong bọc áp xe có thể gây vỡ, mủ sẽ lan tràn ra khoang dưới nhện, diễn biến lâm sàng rất nặng, rối loạn hô hấp và tim mạch nghiêm trọng; tiên lượng có thể tử vong.

3.3. Tụt kẹt não:

Những bọc áp xe lớn có vỏ bao dày chắc sẽ bành trướng trong hộp sọ như một khối u gây tăng ALNS rầm rộ, chèn đẩy não và gây tụt kẹt não (đẩy thùy thái dương vào khe Bichat hoặc đẩy thùy nhộng của tiểu não vào lỗ chẩm gây chèn ép vào hành tủy). Đặc biệt chú ý tới áp xe tiểu não vì hố sọ sau rất chật chội nên mặc dù ổ áp xe nhỏ nhưng đã gây rối loạn nghiêm trọng chức phận hô hấp và tim mạch.

4. Chẩn đoán cận lâm sàng.

4.1. Xét nghiệm máu:

Bạch cầu máu ngoại vi tăng cao có thể trên 10.000, tăng BC đa nhân, công thức BC chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng cao.

4.2. Dịch não tủy (DNT):

Nếu ALNS tăng cao hoặc nghi ngờ áp xe tiểu não thì không được chọc ống sống thắt lưng (OSTL) vì có thể nguy hiểm gây tụt kẹt não đe doạ tử vong. Tuy nhiên nếu cần phải chọc OSTL để lấy DNT xác định chẩn đoán thì người ta có thể chọc OSTL với 3 điều kiện chú ý sau: để BN nằm đầu thấp 150 so với mặt giường; dùng kim chọc loại nhỏ có kích thước nòng khoảng 0,3 - 0,5 mm và không rút hết thông kim; khi rút thông kim sao cho DNT không chảy ra thành tia mà chảy từng giọt một. Lấy 5 ml để xét nghiệm.

Kết quả sẽ thấy ALNS tăng cao, DNT có thể hơi đục, tăng protein, tăng bạch cầu trên vài trăm tế bào/mm3, có thể thấy tế bào mủ, glucose giảm thấp.

4.3. Chụp sọ qui ước:

Chụp 2 phim thẳng và nghiêng hoặc chụp tư thế Schuller (để kiểm tra các xoang), có thể thấy hình ảnh viêm xoang; đối với vết thương do hoả khí có thể thấy mảnh kim khí hoặc mảnh xương trong nhu mô não; hình ảnh gián tiếp do tăng ALNS như giãn đường khớp, mòn mỏm yên, dấu hiệu ấn điểm chỉ hay gặp ở trẻ nhỏ.

4.4. Chụp động mạch não (ĐMN):

Trước khi có chụp cắt lớp vi tính, chụp ĐMN là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có giá trị để chẩn đoán áp xe não. Thông qua hình ảnh chèn đẩy động mạch và vùng tăng sinh mạch máu tân tạo người ta có thể xác định được vị trí của ổ áp xe.

4.5. Chụp cắt lớp vi tính (CLVT):

Là phương pháp chẩn đoán hiện đại cho biết chắc chắn vị trí, kích thước ổ áp xe, số lượng một hoặc nhiều ổ; ổ áp xe đơn thuần hay ổ áp xe phức tạp với nhiều ngăn to nhỏ khác nhau.

Trên phim không tiêm thuốc cản quang, dấu hiệu đặc trưng áp xe não là dấu hiệu “vòng tròn”. Vòng tròn đó chính là bao áp xe, có tỷ trọng cao hơn mô não lành nên nhìn rõ hơn. Bên trong vòng tròn là mủ giảm tỷ trọng. Nếu tiêm thuốc cản quang sẽ thấy bao áp xe ngấm thuốc mạnh và nhìn rõ ranh giới của bọc áp xe với tổ chức xung quanh.

Hình ảnh gián tiếp của áp xe là phù quanh bọc áp xe, đẩy đường giữa sang bên và làm thay đổi hình dáng não thất (xoá mất não thất hoặc làm méo mó các não thất bên). Nếu ổ áp xe gây tắc cống Sylvius sẽ thấy não thất bên giãn to.

Một phần của tài liệu Giáo trình phẫu thuật thần kinh học viện quân y (Trang 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)