- Tốt: khi đưa thìa chạm vào miệng, bệnh nhân đưa môi ra đón thìa nước và há miệng ra (gọi là thì môi), khi đổ nước vào, bệnh nhân sẽ ngậm miệng
2.2.5. Dây thần kinh sọ não:
Khám cấp cứu CTSN chỉ cần khám dây thần kinh số VII và số III. Các đôi dây thần kinh sọ não (TKSN) khác người ta chỉ có thể khám và xác định tổn thương khi BN đã tỉnh táo, tiếp xúc được và cùng phối hợp khám với thầy thuốc.
Nhắc qua giải phẫu: dây TK mặt là dây hỗn hợp gồm dây vận động và dây trung gian VII’ Wrisberg (gồm các sợi cảm giác và thực vật). Thực tế trong khám CTSN, người ta chỉ khám dây VII vận động. Nhân của dây VII vận động nằm ở cầu não, dây thoát ra ở rãnh hành-cầu. Các sợi vận động của dây VII chia ra 2 nhánh: nhánh trên vận động cơ mày và cơ vòng mi làm cho mắt nhắm kín, khi nhánh này bị tổn thương thì mắt bên đó nhắm không khít gọi là dấu hiệu Charles-Bell (+). Nhánh dưới vận động cơ vòng môi, cơ cười; khi nhánh này tổn thương mồm sẽ bị kéo lệch sang bên lành.
+ Khám vận động dây VII: nếu BN tỉnh: bảo BN nhắm mắt để kiểm tra nhánh trên và huýt sáo, nhăn răng để kiểm tra nhánh dưới. Nếu BN hôn mê sâu (hôn mê độ III) ta quan sát xem có bị lệch nhân trung hoặc có dấu hiệu “cánh buồm” không ? Do cơ vòng môi một bên bị liệt, cơ vòng môi bên lành khoẻ hơn sẽ kéo nhân trung và miệng bị kéo lệch sang bên lành (dấu hiệu nhân trung). Nếu BN mê sâu, khi thở ra, khí ra cả đằng mũi và mồm làm cho má bên liệt phồng lên khi thở ra và lõm khi hít vào (gọi là dấu hiệu cánh buồm). Lệch nhân trung và dấu hiệu cánh buồm là tổn thương nhánh dưới. Nếu BN hôn mê vừa (hôn mê độ II) thì người ta có thể khám bằng cách dùng 2 ngón tay ấn mạnh vào góc hàm hai bên của BN, bệnh nhân sẽ nhăn mặt lại và khi đó quan sát thấy miệng BN bị kéo
lệch về một bên (dấu hiệu Marie - Foix).
+ Nhận định kết quả: tổn thương dây thần kinh số VII chỉ có ý nghĩa chẩn đoán định khu (hình 1).
- Liệt dây thần kinh VII trung ương (liệt mặt TW) biểu hiện lâm sàng là tổn thương nhánh dưới của dây VII, miệng bị kéo lệch về bên lành. Định khu: tổn thương bán cầu đại não đối bên, cụ thể là tổn thương từ vỏ não tới nhân của dây VII ở cầu não (bó vỏ - nhân). Thường liệt mặt cùng bên với liệt nửa người, nghĩa là đối bên với bán cầu não bị tổn thương (hậu quả có thể do giập não hoặc chèn ép do máu tụ).
- Liệt dây VII ngoại vi (liệt mặt ngoại vi) biểu hiện lâm sàng là tổn thương cả 2 nhánh trên và nhánh dưới
(hình 2). Tổn thương nhánh trên biểu
hiện mắt nhắm không kín là do cơ
Hình 1: Định khu tổn thương
vòng mi bị liệt (dấu hiệu Charles-Bell +). Tổn thương nhánh dưới biểu hiện miệng bị kéo lệch về bên lành.
Định khu: tổn thương dây VII ngoại vi là tổn thương từ chỗ dây vừa thoát ra khỏi rãnh hành-cầu (đoạn trong sọ) và đoạn dây TK đi trong xương đá. Do vậy vỡ nền sọ giữa hay bị tổn thương dây thần kinh VII đi trong xương đá với biểu
hiện liệt mặt ngoại vi cùng bên.
+ Dây thần kinh III (dây vận nhãn chung: nervus occulomotorius):
Nhắc qua giải phẫu: nhân dây III nằm ở trung não, dây thoát ra ở cuống đại não, mặt trước trung não. Dây chạy từ tầng sọ sau ra tầng sọ giữa rồi chạy vào thành ngoài xoang tĩnh mạch hang. Khi tới khe bướm thì phân ra 2 nhánh: nhánh trên vận động cơ thẳng trên, cơ kéo mí trên. Nhánh dưới vận động cơ thẳng dưới, cơ chéo bé và cơ thẳng trong. Nhánh dưới tách một nhánh chạy vào hạch mắt và từ hạch mắt có sợi phó giao cảm chạy vào cơ mi (dây mi ngắn) tác dụng làm co đồng tử.
Trong CTSN thường gặp dấu hiệu giãn đồng tử một bên do tổn thương nhánh thần kinh phó giao cảm. Giãn đồng tử vừa có ý nghĩa chẩn đoán vừa có ý nghĩa tiên lượng (xem khám đồng tử).