Chỉ định và chống chỉ định chụp cộng hưởng từ.

Một phần của tài liệu Giáo trình phẫu thuật thần kinh học viện quân y (Trang 31)

4.1. Chỉ định:

Chụp CHT được chỉ định trong chẩn đoán bệnh lý ở não, cột sống và tủy sống; bệnh lý ở xương khớp; lồng ngực; trong chấn thương cột sống-tủy sống cho thấy đầy đủ các tổn thương xương cột sống và tủy.

Trong cấp cứu chấn thương sọ não thì chụp CHT là không cần thiết vì thời gian tạo ảnh CHT mất 45 - 50 phút sẽ ảnh hưởng đến thời gian cấp cứu cho người bệnh.

4.2. Chống chỉ định chụp CHT:

+ Còn dị vật kim khí trong cơ thể.

+ Còn các phương tiện kết xương bằng kim loại trong cơ thể như các clíp để cầm máu ở trong não; các nẹp vít kim loại trong kết xương chi thể và cột sống; máy tạo nhịp tim; răng giả; chỏm xương đùi bằng kim loại...

Chương 2

CHấn thương sọ não Bùi Quang Tuyển

1. Đại cương.

1.1. Phân loại:

Chấn thương sọ não (CTSN) là cấp cứu ngoại khoa thường gặp hàng ngày; nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông, lao động và tai nạn trong sinh hoạt.

Petit J.L. (1774) đã chia chấn thương sọ não làm 3 thể: chấn động não, đụng giập não và máu tụ nội sọ (MTNS).

Nhiều nhà nghiên cứu Hình thái học lâm sàng và Phẫu thuật thần kinh đã cố gắng đưa ra bảng phân loại CTSN một cách chi tiết hơn, đầy đủ hơn và có tính khoa học hơn nhưng trên cơ bản vẫn dựa theo phân loại kinh điển nói trên.

1.2. Cơ chế bệnh sinh chấn thương sọ não:

Có nhiều yếu tố liên quan tới cơ chế bệnh sinh của CTSN như yếu tố cơ học, yếu tố động lực học của dịch não tủy (DNT), yếu tố huyết quản, yếu tố thần kinh thể dịch và yếu tố xung động thần kinh.

+ Trước hết phải có một lực chấn thương vào đầu đủ mạnh mới có thể gây tổn thương xương sọ và não. Do vậy tác nhân cơ học được coi là yếu tố cơ bản, là yếu tố “khởi động” cho các quá trình bệnh lý ở não xảy ra.

+ Trên cơ sở tổn thương não tiên phát (giập não hoặc máu tụ) xảy ra ngay sau chấn thương sẽ dẫn tới tổn thương não thứ phát là do hậu quả của rối loạn vận mạch, rối loạn thần kinh thể dịch... dẫn tới phù não và làm cho áp lực nội sọ (ALNS) tăng cao. Hậu quả tăng ALNS dẫn tới tụt kẹt não. Tổn thương não tiên phát và thứ phát làm cho tình trạng bệnh ngày một trầm trọng hơn.

+ Người ta quan tâm tới 2 cơ chế chấn thương: đầu đứng yên và đầu chuyển động.

- Đầu đứng yên: trong trường hợp bị đánh bằng vật cứng vào đầu (bị ném đá, đập gậy...), tổn thương xương sọ và não (giập não hoặc máu tụ...) thường ở ngay dưới chỗ bị đánh và tổn thương thường không phức tạp lắm. Ngoại trừ trường hợp bị đánh vào vùng chẩm gáy BN có thể tử vong ngay sau khi bị thương.

- Đầu chuyển động: trong trường hợp bị ngã do tai nạn giao thông hoặc ngã từ trên cao xuống... tổn thương xương sọ và não thường nặng và phức tạp.

Khi ngã, đầu chuyển động tăng tốc (accéleration), khi đầu chạm xuống đường bị chặn đứng lại và giảm tốc đột ngột (déceleration) nên hộp sọ thay đổi và biến dạng tức thì dẫn tới vỡ xương sọ.

Khi tăng tốc và giảm tốc đột ngột làm cho não trong hộp sọ trượt trên các gờ xương đồng thời xoay, xoắn vặn, giằng xé gây tổn thương não nặng nề và phức tạp như giập não lớn, giập thân não, đứt rách các mạch máu...

Trong chấn thương mà đầu chuyển động hay gặp tổn thương đối bên (contre coup), ví dụ: chấn thương vùng đỉnh đầu bên trái, ngay dưới chỗ chấn thương có thể giập não nhưng vùng đỉnh bên phải có thể có máu tụ.

Một phần của tài liệu Giáo trình phẫu thuật thần kinh học viện quân y (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)