- Tổn thương không hoàn toàn dây TK hông to: liệt không hoàn toàn bàn chân và hay gặp hội chứng bỏng buốt.
2. Tiến triển của bệnh lao cột sống.
2.1. Giai đoạn xâm nhập (giai đoạn khởi phát):
ổ lao thường xuất hiện ở thân đốt sống (ở gần bờ trước hay bờ sau) tạo thành những hang lao nhỏ; trong hang chứa đầy mủ lao, xung quanh là một vòng thưa xương. Trong giai đoạn này thường đĩa đệm chưa bị tổn thương; tuy nhiên ở một số lao cột sống được khởi đầu bằng sự hẹp đĩa đệm đơn thuần mà không thấy tổn thương trên phim thường hoặc phim chụp cắt lớp vi tính.
2.2. Giai đoạn hủy hoại (giai đoạn toàn phát):
Thân đốt sống bị phá hủy nhiều, do thân đốt sống phải chịu một lực cơ học là trọng lượng cơ thể nên dần dần thân đốt sống bị “sập” trên một phạm vi rộng hay hẹp (có thể ở một, hai hoặc ba thân đốt sống).
ở vùng cột sống thắt lưng tổn thương có thể làm cho các đốt sống chồng lên nhau theo hình chêm và tạo ra gù cột sống, có khi còn làm cho cột sống bị vẹo (scoliose). Đĩa đệm cũng bị phá hủy một phần hoặc toàn bộ.
2.3. Giai đoạn phục hồi (giai đoạn ổn định):
Trong giai đoạn này tình trạng phá hủy xương ngừng lại và thân xương có thể dần dần bị vôi hóa nếu tổn thương nhỏ, chỉ có thể thấy dấu vết duy nhất còn lại là một khe khớp bị hẹp.
Nếu tổn thương nặng nề sẽ hình thành một khối xương chắc giữa hai thân đốt sống kế cận đã bị hủy hoại hoàn toàn làm cho tổ chức xương xốp của hai thân đốt sống áp sát vào nhau.
Tuy những tổn thương này đã ở giai đoạn hồi phục nhưng thực ra không có sự chắc chắn là bệnh đã khỏi hoàn toàn. Bệnh có thể tái phát sau một thời gian “nằm im” có khi 3 - 4 năm, thậm chí hàng chục năm.
3. Triệu chứng lâm sàng.
3.1. Triệu chứng toàn thân:
Có hội chứng nhiễm độc lao ở các mức độ khác nhau: mệt mỏi, chán ăn, sút cân, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm...
3.2. Triệu chứng tại chỗ:
3.2.1. Đau cột sống:
Đau tự phát, lúc đầu đau âm ỉ, rồi tăng dần lên, đau sâu, đau nhiều về đêm. Đau dữ dội khi kích thích vào gai sau đốt sống tổn thương, đau tăng lên khi đè tay lên đầu, lên vai; có thể biểu hiện như đau thần kinh liên sườn, đau dạ dày, đau ruột thừa, đau bàng quang hay có khi đau xuống vùng bẹn...
Tình trạng đau khiến bệnh nhân (BN) không cúi được, muốn nhặt một vật gì dưới đất thì phải ngồi xuống.
3.2.2. Co cứng cơ cạnh sống lưng:
Do đau nên tình trạng co cứng hai khối cơ lưng (như dây thừng) đó là triệu chứng dây cương (Kocnhep).
3.2.3. Tư thế bệnh nhân:
Luôn luôn chú ý giữ yên tĩnh cốt sống. Trong trường hợp lao cột sống cổ, BN dùng tay đặt dưới cằm, một tay ôm sau gáy giữ lấy đầu, đi từng bước ngắn, đầu hơi ngửa. Nếu là lao cột sống lưng thì thân người gấp nhẹ, nếu là lao cột sống thắt lưng thì thân người ưỡn ra sau.
Trong trường hợp có bọc mủ lạnh vùng cơ thắt lưng chậu thì BN đi lết hai bàn chân, khớp háng và khớp gối gấp, thân người ngả về phía trước.
3.2.4. Bọc mủ lạnh:
Khi ổ mủ phát triển ra nông thì nhìn và sờ thấy rõ sưng nề (không nóng đỏ), có dấu hiệu ba động, chọc hút ra mủ loãng.
Nếu bọc mủ ở sâu thì phải làm xét nghiệm X quang và các thủ thuật khác mới có thể phát hiện được.
3.2.5. Gù cột sống:
Gù là do xẹp thân đốt sống phía trước làm cho cột sống gãy góc. Do vậy gù trong lao cột sống là gù nhọn khác với gù trong bệnh còi xương, bệnh gù thiếu niên (Scheuermann) là gù tròn.
Nếu bị tổn thương nhiều đốt sống gần nhau và độ xẹp lớn thì gù nhọn rất rõ và thường thấy ở các đốt sống lưng. ở các đốt sống thắt lưng thì khó thấy gù vì bản thân các đốt sống lưng thường là ưỡn, do đó phải thăm khám kỹ mới phát hiện được.
3.3. Triệu chứng thần kinh:
3.3.1. Đau theo kiểu viêm rễ thần kinh:
Như viêm dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh hông to... nguyên nhân là do các rễ thần kinh bị kích thích vì phản ứng viêm hoặc vì lỗ ghép bị hẹp lại do tổn thương lao đè vào.
3.3.2. Bại hoặc liệt:
áp xe lạnh có thể lan vào ống sống gây chèn ép trực tiếp tủy sống hoặc làm cho màng tủy, thậm chí cả tủy sống bị viêm lao. Theo Hodgson thì có hai nguyên nhân gây liệt trong lao cột sống:
+ Nguyên nhân ngoại lai: các mảnh xương chết, áp xe lạnh, trật khớp vùng đốt sống bị lao chèn ép tủy sống.
+ Nguyên nhân nội tại: viêm màng tủy và viêm tủy sống.
Liệt tủy sống có khi là tạm thời sau đó hồi phục, cũng có khi là vĩnh viễn. Những BN lao cột sống bị liệt nếu không được chăm sóc đặc biệt sẽ có nhiều biến chứng như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, loét điểm tì, suy mòn. Thời kỳ chưa có máy chụp X quang, Pott đưa ra ba triệu chứng là gù, áp xe lạnh và liệt (tam chứng Pott) để chẩn đoán lao cột sống.