- Cơ tứ đầu đùi Cơ khép
3. Các biện pháp giải quyết bí tiểu.
Khi bí tiểu, bàng quang căng quá mức (có thể chứa tới 2 - 3 lít), nếu không được thông tiểu sẽ có nguy cơ vỡ BQ, hoại tử thành BQ và trào ngược nước tiểu lên thận...
Do vậy việc giải quyết bí tiểu ở bệnh nhân liệt tủy trước hết phải dốc sạch nước tiểu ra khỏi BQ. Có nhiều phương pháp khác nhau và mỗi một phương pháp có chỉ định riêng, có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
3.1. Thông tiểu định kỳ:
+ Dụng cụ: ống thông tiểu (sonde) bằng sắt hoặc bằng cao su (nelaton). Hiện nay hay dùng ống thông Foley cỡ 16 - 18, ống này có ưu điểm ít kích thích niêm mạc niệu đạo, đầu ống thông có quả bóng nhỏ (balon) giữ cố định cho ống thông khỏi tuột.
+ Kỹ thuật: tiến hành đặt ống thông tiểu qua niệu đạo (chú ý phải đảm bảo tuyệt đối vô trùng) sau đó tháo bỏ hết nước tiểu rồi rút bỏ ống thông. Khoảng 5 - 6 giờ sau, khi BQ đầy lại tiến hành đặt lại thông tiểu rồi tháo bỏ ống thông.
Nếu tiến hành đặt thông tiểu định kỳ như nói trên thì trung bình một ngày phải đặt thông tiểu từ 5 - 6 lần. Do vậy phương pháp này có nhược điểm là dễ gây nhiễm trùng và gây tổn thương niệu đạo do đặt đi đặt lại nhiều lần; mất nhiều thời gian và không thể tiến hành suốt thời gian bí tiểu 2 - 3 tháng. Do đó phương pháp này chỉ có tính chất tạm thời, thực hiện vài ngày đầu sau đó phải chuyển phương pháp khác cho thích hợp hơn.
3.2. Đặt thông tiểu lâu dài:
+ Kỹ thuật: tiến hành đặt thông tiểu bằng sonde Foley và lưu ống thông ở bàng quang 5 - 7 ngày. Sau 5 - 7 ngày rút bỏ và đặt lại ống thông mới. Không nên để ống thông quá lâu, cặn vôi sẽ bám vào đầu ống thông, khi rút bỏ ống thông dễ gây chảy máu niệu đạo, dễ gây nhiễm trùng BQ...
- Ông thông tiểu luôn được kẹp lại, cứ 4 - 5 giờ thì mở kẹp cho nước tiểu chảy ra hết. Không được để ống thông tiểu mở liên tục vì sẽ làm cho bàng quang co hẹp thể tích và mất khả năng tiểu tiện phản xạ.
- Khi nào thấy nước tiểu rỉ ra ở miệng sáo, ở chân ống thông, chứng tỏ cơ rối BQ đã hồi phục vận động, tiểu tiện phản xạ đã xuất hiện, khi đó ta có thể rút bỏ hẳn ống thông tiểu.
+ Chỉ định: chỉ định rộng rãi cho tất cả các trường hợp tổn thương tủy. + Chống chỉ định: rò gốc niệu đạo; đứt niệu đạo do chấn thương; viêm tinh hoàn; bỏng bộ phận sinh dục.
+ Biến chứng: là phương pháp được nhiều người ưa chuộng nhưng cũng có nhiều biến chứng như viêm niệu đạo mủ; viêm qui đầu (balanitis); áp xe và rò gốc niệu đạo; viêm tinh hoàn (orchitis).
3.3. Dẫn lưu bàng quang trên xương mu (vesicotomy):
Hohrand (1912) là người đầu tiên tiến hành mở dẫn lưu BQ trên xương mu. Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, phương pháp này được ủng hộ và áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản đối phương pháp này bởi những lý do sau: không ngăn ngừa được nhiễm khuẩn tiết niệu; cản trở sự phục hồi phản xạ co bóp của BQ; gây hoại tử thành BQ do rỉ thấm nước tiểu vào cơ của thành BQ; làm hẹp dung tích và biến dạng bàng quang.
+ Do vậy dẫn lưu BQ trên xương mu được chỉ định như sau:
- áp dụng trong chiến tranh, tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển thương bệnh binh.
- Khi có chấn thương gây đứt niệu đạo; bỏng bộ phận sinh dục ngoài; trong các trường hợp mổ lấy sỏi BQ và tuyến tiền liệt.
3.4. Chọc rò bàng quang trên xương mu:
+ Chỉ áp dụng trong điều kiện người bệnh ở quá xa bệnh viện (như ở hải đảo, rừng núi xa xôi), trong lúc chiến đấu ác liệt mà không có bất cứ phương tiện nào để dẫn lưu nước tiểu trong khi đó BQ căng quá mức đe doạ vỡ bàng quang.
Đây chỉ là biện pháp tình thế, có tính chất cấp cứu, sau đó phải tìm các giải pháp khác.
+ Kỹ thuật: dùng kim tiêm dài 5 - 6 cm, chọc kim ở chính đường trắng giữa cách trên xương mu 2 cm. Sau khi tháo hết nước tiểu thì rút kim. Một ngày có thể chọc 3 - 4 lần và có thể tiến hành 2 - 3 ngày, sau đó tìm cách chuyển bệnh nhân về bệnh viện có chuyên khoa.