- Tổn thương không hoàn toàn dây TK hông to: liệt không hoàn toàn bàn chân và hay gặp hội chứng bỏng buốt.
6. Biến chứng giao cảm trong tổn thương dây thần kinh ngoại vi.
6.1. Hội chứng đau bỏng (causalgie):
Causalgie xuất phát từ chữ Hylạp: causis nghĩa là “bỏng” và algos nghĩa là “đau”. Causalgie là thể lâm sàng đặc biệt, là biến chứng giao cảm thường gặp trong tổn thương không hoàn toàn dây TKNV.
Hội chứng đau bỏng (còn gọi là đau cháy, bỏng buốt) được Oemixen mô tả đầu tiên vào năm 1864. Bệnh sinh của hội chứng causalgie cho tới nay vẫn chưa được rõ ràng. Người ta cho rằng bệnh có liên quan tới tổn thương các sợi thần kinh giao cảm ở trong dây TK. Do vậy mà causalgie hay gặp trong tổn thương không hoàn toàn dây TK có nhiều sợi thần kinh giao cảm như dây TK giữa, TK trụ, dây TK hông to; dây TK chày và tổn thương các rễ C7, C8, D1.
Triệu chứng lâm sàng điển hình của hội chứng bỏng buốt như sau:
+ Đau bỏng: đau bỏng xuất hiện trước hết ở vùng cảm giác mà dây TK đó chi phối (hay gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu các ngón tay...). Người bệnh có cảm giác như “áp thanh sắt nóng vào da”. Hay gặp 2 thể xung huyết và thể thiếu máu.
- Thể xung huyết: đau theo nhịp đập của mạch máu; vùng da xung huyết đỏ, ra mồ hôi.
- Thể thiếu máu: cảm giác đau bỏng, da khô; rối loạn vận mạch biểu hiện da bợt trắng hoặc tím tái, lạnh và không có mồ hôi.
Tiến triển của đau nhận thấy như sau: lúc đầu chỉ đau nhẹ và khu trú ở vùng cảm giác của dây TK; đau tăng khi sờ trực tiếp vào vùng đau. Sau một thời gian đau tăng lên tới mức mà mọi kích thích bên ngoài vào giác quan của người bệnh cũng gây đau dữ dội: Ví dụ như tiếng kéo lê guốc dép của người đi bên cạnh; tiếng gió rít qua khe cửa hoặc tiếng sột soạt khi lật các trang sách của người ngồi bên cũng gây bùng phát cơn đau cho người bệnh. Thậm chí có bệnh nhân kêu thét lên vì đau khi nhìn thấy thầy thuốc gõ búa phản xạ gối cho người bệnh ngồi bên.
+ Cảm xúc vui buồn, tức giận, lo sợ của người bệnh cũng gây cảm giác đau tăng.
+ Triệu chứng “khăn ẩm”: vì đau và cảm giác da khô nên người bệnh bọc tay bằng khăn ướt hoặc nhúng bàn chân vào chậu nước để đỡ đau. Lâu ngày dẫn tới viêm loét da, rối loạn dinh dưỡng, các móng mất độ bóng, khum hình vòm dễ gãy. Thưa xương, thoái hoá xương bàn và ngón (hội chứng Sudeck).
+ Trạng thái tâm thần kinh thay đổi, hay cáu giận; nét mặt luôn cau có; ngại tiếp xúc với mọi người...
6.2. Hội chứng đau giả (phantoma):
Hội chứng đau giả hay còn gọi là “chi ma” chỉ xuất hiện ở các trường hợp cắt cụt chi thể và đau chủ yếu khu trú ở mỏm cụt. Người bệnh có cảm giác như vẫn còn chi thể và luôn luôn phàn nàn là đau buốt đến tận ngón tay hoặc ngón chân mà thực tế chi đó đã bị cắt cụt.
Căn nguyên của hội chứng này vẫn chưa được rõ ràng. Người ta cho rằng do mỏm cụt có quá ít cơ che phủ do đó gây rối loạn cung cấp máu ở mỏm cụt. Để dự phòng hội chứng đau giả, khi cắt cụt chi thể phải cắt dây TK đúng nguyên tắc và đảm bảo đủ cơ che phủ mỏm cụt.
Điều trị bệnh nhân có hội chứng chi ma là tâm lý liệu pháp kết hợp thuốc phóng bế giảm đau. Nếu không khỏi phải phẫu thuật sửa lại mỏm cụt.