2.1. Rối loạn vận động (RLVĐ):
+ Nếu tổn thương hoàn toàn dây TK, biểu hiện RLVĐ là liệt các cơ mà dây TK đó chi phối. Do cơ đối kháng không bị liệt sẽ co và làm cho biến dạng bàn tay hoặc bàn chân, ví dụ: bàn tay rũ “cổ cò” do liệt dây TK quay; bàn tay “vuốt trụ” do tổn thương dây TK trụ.
+ Nếu tổn thương không hoàn toàn dây TK thì chức năng vận động của dây TK chỉ mất một phần.
2.2. Rối loạn cảm giác (RLCG):
Biểu hiện mất hoàn toàn hoặc không hoàn toàn cảm giác đau mà dây TK chi phối. Thường vùng cảm giác đau bao giờ cũng hẹp hơn vùng phân chia cảm giác về phương diện giải phẫu.
Trong trường hợp tổn thương không hoàn toàn dây TK sẽ có hiện tượng kích thích gây đau tăng hơn ở vùng dây TK chi phối; cảm giác kiến bò (dị cảm) hoặc cảm giác bỏng buốt.
2.3. Rối loạn dinh dưỡng và thần kinh thực vật (TKTV): (TKTV):
+ Rối loạn dinh dưỡng: teo cơ mà dây TK đó chi phối. Muộn hơn có thể loét da, thưa xương, móng tay, móng chân mất độ bóng, khô giòn dễ gãy.
+ Rối loạn bài tiết mồ hôi vùng dây TK chi phối. Lòng bàn tay hoặc bàn chân lúc nào cũng ướt hoặc khô ráp không có mồ hôi.
+ Rối loạn vận mạch: da lạnh, giơ tay lên cao thì trắng bợt, để thõng tay xuống thì tím tái.
2.4. Chẩn đoán cận lâm sàng:
Chẩn đoán điện thần kinh: nếu kích thích điện từ ngày thứ 2 sau tổn thương hoàn toàn dây TK trở đi sẽ thấy sự co cơ giảm dần theo thời gian và mất hẳn không còn sự co cơ ở ngày thứ 12 - 15, nghĩa là không còn hiện tượng dẫn truyền điện, cơ không co, thoái hoá điện hoàn toàn.