Sự điều chỉnh của pháp luật về cán bộ, công chức

Một phần của tài liệu LUAT HANH CHINH TOM TAT (Trang 33 - 34)

II. CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC – CHỦ THỂ CƠ BẢN CỦA LUẬT HÀNH CHÍNH VIỆT NAM

2.Sự điều chỉnh của pháp luật về cán bộ, công chức

Từ năng 1945 đến trước khi có Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998, pháp luật Việt Nam về cán bộ, công chức chủ yếu được điều chỉnh bởi sắc lệnh của Chủ tịch nước, các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, điển hình là Sắc lệnh Sắc lệnh 76/SL ngày 20/ 5/ 1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Quy chế công chức Việt Nam; Nghị định 169/HĐBT ngày 25/5/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về công chức nhà nước.

- Pháp lệnh cán bộ, công chức ban hành ngày 26/2/1998 quy định hệ thống về cán bộ, công chức và quyền lợi, nghĩa vụ; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức. Để thực hiện Pháp lệnh này, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/1998/NĐ- CP ngày 17/01/1998 về tuyển dung, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 96/1998/NĐ- CP, Nghị định 97/1998/NĐ-CP hướng dẫn về việc nâng ngạch, bổ nhiệm, phân cấp quản lý và các chính sách đối với cán bộ, công chức như khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, điều động, luận chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức.

Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 được sửa đổi, bổ sung năm 2003. Pháp lệnh sửa đổi đã bổ sung them một đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở vào phạm vi điều chỉnh của chế độ công chức (cán bộ, công chức cấp xã), đồng thời tách công chức là những người làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội với viên chức đảm nhiệm công việc chuyên môn làm việc trong các đơn vị sự nghiệp và quy định về chế độ công chức dự bị. Để thi hành Pháp lệnh này, Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung như Nghị định số 114 về công chức cấp xã, Nghị định số 115/2003/NĐ_CP về chế độ công chức dự bị, Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước, Nghị định 117/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang… Pháp luật trong giai đoạn này đã tạo ra một hệ thống pháp luật khá đồng bộ, toàn diện điều chỉnh về chế độ công vụ và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Để đáp ứng được công cuộc cải cách hành chính và kiến tạo một nền hành chính chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, xây dựng nhà nước pháp quyền, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật cán bộ, công chức ngày 13/11/2008 và Luật viên chức ngày 15/11/2010 (hai luật này được sửa đổi, bổ sung năm 2019). Sự ra đời của hai đạo luật này đánh dấu một bước tiến mới trong xu hướng điều chỉnh chuyên biệt về chế độ công vụ nhà nước đối với cán bộ, công chức, hoạt động nghề nghiệp của viên chức nhà nước.

Một phần của tài liệu LUAT HANH CHINH TOM TAT (Trang 33 - 34)