II. PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
2.2. ĐẶC ĐIỂM PHƯƠNG PHÁP HOẠT ĐỘNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
Các phương pháp hoạt động hành chính nhà nước có các đặc điểm sau:
(1) Phương pháp hoạt động hành chính nhà nước thể hiện chính bản chất của mối quan hệ giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Mục đích áp dụng phương pháp hoạt động
hành chính nhằm tác động lên hoạt động hoặc hành vi của các đối tượng chịu sự quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.
(2) Chủ thể thực hiện phương pháp hoạt động hành chính nhà nước chủ yếu là các cơ quan hành chính, cán bộ, công chức và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính.
(3) Được áp dụng trong giới hạn của hoạt động hành chính, chứ không phải trong các hoạt động nhà nước khác (hoạt động xét xử, kiểm sát...), và là hoạt động có tính chất nhà nước chứ không phải có tính chất xã hội;
(4) Phương pháp hoạt động hành chính nhà nướcđược thể hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định (quyết định pháp luật, biện pháp tổ chức - cưỡng chế, mệnh lệnh...) và nhiều phương pháp được pháp luật quy định chặt chẽ.
(5) Nội dung của đa phần các phương pháp hoạt động hành chính nhà nước là phản ánh thẩm quyền của các cơ quan hành chính hoặc người có chức vụ đại diện cho Nhà nước.
Do đó, cần lưu ý rằng, nhiều phương pháp hoạt động hành chính nhà nước là một yếu tố quan trọng của thẩm quyền cơ quan hành chính, thể hiện địa vị pháp lý, vai trò của nó trong hệ thống các chủ thể quản lý và được pháp luật quy định chặt chẽ. Bởi vì, không phải chủ thể quản lý nào cũng được sử dụng một phương pháp bất kỳ và bất luận trong tình huống nào. Ví dụ, không phải chủ thể quản lý nào cũng được áp dụng phương pháp cưỡng chế, và nếu được thì
cũng chỉ được áp dụng những biện pháp cưỡng chế xác định với mức độ nhất định theo quy định của pháp luật. Nhưng có phương pháp quản lý không phải là yếu tố của thẩm quyền cơ quan quản lý, không cần quy định chặt chẽ bằng pháp luật.