II. CÁC PHƯƠNG THỨC BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN TRONG HOẠT ĐỘNG HÀNH CHÍNH
2.1.1. Quyền khiếu nại và điều kiện thực hiện khiếu nạ
Quyền khiếu nại trong hoạt động hành chính được hiểu là quyền của cá nhân, công
dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức, viên chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại QĐHC, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ nhất, chủ thể của quyền khiếu nại trong hoạt động hành chính là cá nhân, cơ quan,
tổ chức có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi QĐHC, hành vi hành chính.
Thứ hai, quyền khiếu nại hành chính là quyền bảo vệ quyền lợi, ích hợp pháp của cá
nhân, tổ chức trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Thứ ba, đối tượng khiếu nại hành chính là QĐHC, hành vi hành chính của chủ thể
quản lý, có tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức..
Thứ tư, quyền khiếu nại hành chính là quyền tự quyết của chủ thể có quyền khiếu nại
và luôn được thực hiện bằng hành vi chủ động tích cực.
Thứ năm, quyền khiếu nại hành chính phản ánh bản chất dân chủ trong mối quan hệ
giữa nhà nước và công dân trong hoạt động hành chính.
Quyền khiếu nại của cá nhân, tổ chức trong hoạt động hành chính được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cụ thể do pháp luật quy định:
i) Điều kiện về chủ thể khiếu nại:
- Người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.
- Quyền khiếu nại là quyền bảo vệ quyền chủ thể. Cá nhân, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại khi có căn cứ cho rằng QĐHC hoặc hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, chỉ những người có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động
trực tiếp bởi QĐHC, hành vi hành chính mới có quyền khiếu nại và thực hiện quyền khiếu nại.
- Người khiếu nại phải là người có năng lực chủ thể quan hệ pháp luật, họ có thể tự mình
thực hiện khiếu nại hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại. Khi ủy quyền cho
người khác thực hiện việc khiếu nại thì người có quyền khiếu nại vẫn được xem là họ đã thực hiền quyền khiếu nại của mình. Người được ủy quyền chỉ thay mặt người có quyền khiếu nại để trực tiếp tham gia các quan hệ pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại, người nhận ủy quyền không được ủy quyền lại. Trường hợp người có quyền khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện quyền khiếu nại, người này có quyền ủy quyền cho người khác thực hiện khiếu nại.
ii) Điều kiện về đối tượng khiếu nại
Đối tượng khiếu nại hành chính, gồm: QĐHC, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật đối với cán bộ, công chức.
Quyết định hành chính là đối tượng khiếu nại phải thỏa mãn các dấu hiệu sau đây: - Là văn bản áp dụng pháp luật;
- Do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành;
- Có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;
Hành vi hành chính là đối tượng khiếu nại được xác định là hành vi của cơ quan hành
chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật đã tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức
để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
iii) Điều kiện về hình thức khiếu nại
- Việc thực hiện khiếu nại do người có quyền khiếu nại tự quyết định, không bị phụ thuộc vào ý chí của bất kì chủ thể nào.
- Người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại bằng hình thức đơn khiếu nại hoặc bằng hình thức khiếu nại trực tiếp.
- Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại. Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ
ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu vụ việc có nhiều người cùng khiếu nại thì đơn khiếu nại đó phải có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì được người tiếp nhận khiếu
nại hướng dẫn viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản. Người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản có nội dung theo quy định về đơn khiêu nại.
Nếu nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và
hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại;. Người người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện. Người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản có nội dung đơn khiếu nại
iv) Điều kiện về thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là khoảng thời gian do pháp luật xác định mà trong khoảng thời
gian đó, người có căn cứ cho rằng QĐHC hoặc hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình được thực hiện quyền khiếu nại.
Theo pháp luật hiện hành, thời hiệu khiếu nại đối với QĐHC, hành vi hành chính là 90 ngày (đối với quyết định kỉ luật là 15 ngày), kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được QĐHC, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Khiếu nại của cá nhân, tổ chức sẽ không được chấp nhận giải quyết nếu không đáp ứng các điều kiện trên đây. Ngoài ra, việc khiếu nại cũng sẽ không được thụ lí giải quyết nếu vụ việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại; Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.