TRỊ - XÃ HỘI
1. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của
các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành hoạt động giám sát đối với cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan hành chính nhà nước nói riêng theo những nội dung sau:
Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là liên hiệp tự nguyện của các tổ chức và của nhân dân có quyền và trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Theo đó, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định như sau:
- Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước để báo cáo tại các kỳ họp của Quốc hội
- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân địa phương gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội
- Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để thông báo tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp về những vấn đề của địa phương.
- Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quyền và trách nhiệm của mình tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên đoàn viên và các tầng lớp nhân dân gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của thành viên và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới để phản ánh kiến nghị với các cơ quan của Đảng, Nhà nước cùng cấp.
- Ngoài ra, để bảo vệ và hỗ trợ công dân thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện việc tiếp công dân, tham gia công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc xá theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng nhà nước, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, đặc biệt là tham gia các công tác liên quan đến việc làm trong sạch bộ máy nhà nước, góp phần thực hiện sự giám sát đối với hoạt động hành chính nhà nước, cụ thể như sau:
- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp từ trung ương đến địa phương được mời tham dự các phiên họp của các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp tương ứng (Chính phủ, Ủy ban nhân dân) khi bàn các vấn đề có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thông báo về các hoạt động xây dựng chính quyền, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân địa phương và đề xuất với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân những vấn đề cần thiết.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, xác minh vụ việc tham nhũng, lãng phí, xử lý người có hành vi tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của các của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp thu và phản hồi góp ý, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính
sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Có thể nói đây là hoạt động kiểm soát hoạt động hành chính nhà nước có tính chất xã hội rộng lớn với các quyền và trách nhiệm rất lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất đa dạng:
- Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân
- Thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng
- Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2. Giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội
Các tổ chức chính trị - xã hội được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 là: Công
đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam. Các tổ chức chính trị - xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình.
Hiến pháp năm 2013 quy định rõ các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi của các thành viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội thông qua tư cách là tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận, trong đó có quyền hạn và trách nhiệm tham gia vào các hình thức giám sát của Mặt trận đối với hoạt động hành chính nhà nước.