Nguyên tắc của thủ tục hành chính là những tư tưởng, nguyên lý chủ đạo mà trong quá trình ban hành quy phạm thủ tục Luật Hành chính và thực hiện thủ tục hành chính phải tuân theo.
1. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật
Nội dung của nguyên tắc này được thể hiện như sau:
- Các quy định về thủ tục hành chính phải do các cơ quan có thẩm quyền han hành; - Việc thực hiện thủ tục hành chính chỉ thuộc về những cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật trao cho thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính; việc thực hiện thủ tục hành chính phải nghiêm chỉnh tuân thủ theo đúng trình tự, cách thức và biện pháp đã được quy định.
- Các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện cần phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Ví dụ: không được phép từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định, không được hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức v.v.
2.Nguyên tắc công khai, minh bạch
- Đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản về thủ tục hành chính và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính;
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Khi tiến hành các thủ tục hành chính cũng phải công khai, trừ trường hợp pháp luật quy định khác hoặc theo yêu cầu hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
3.Nguyên tắc chính xác, khách quan, công minh
Việc thực hiện thủ tục hành chính phải chính xác theo đúng các quy định pháp luật. Cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện thủ tục phải có đầy đủ hồ sơ, căn cứ và có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảm đảm cho các tổ chức cá nhận thực hiện thủ tục hành chính một cách thuận lợi. Việc thực hiện thủ tục hành chính không được thiên vị, cảm tính mà phải bảo đảm công bằng, chính xác cho mọi cá nhân, tổ chức.
4. Nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tham gia thủ tục hành chính
Cá nhân, tổ chức tham gia thủ tục hành chính đều có quyền, nghĩa vụ như nhau trong quá trình thực hiện thủ tục như: quyền yêu cầu cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, quyền được tham gia vào các giai đoạn của thủ tục hành chính, quyền chứng minh, đưa ra chứng cứ. v.v. Các cơ quan hành chính phải đáp ứng đầy đủ và đúng các yêu cầu của cá nhân, tổ chức khi yêu cầu của họ đúng pháp luật.
5. Nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, đơn giản tiết kiệm
Các thủ tục hành chính phải quy định rõ ràng về thời hạn xử lý công việc, kết quả xử lý công việc, số lượng hồ sơ tài liệu hành chính cần thiết để xử lý công việc. Các hình thức thực hiện thủ tục hành chính cũng cần được mở rộng theo hướng đơn giản, dễ tiếp cận cho cá nhân, tổ chức, ví dụ: một số thủ tục có thể thực hiện bằng việc đăng ký trực tuyến (online); thủ tục hải quan điện tử.v.v.
6. Nguyên tắc hợp lý, khả thi
Các quy định về thủ tục hành chính phải phù hợp với thực tiễn khách quan, không đặt ra những đòi hỏi khiến các chủ thể khó đáp ứng nổi. Trong thực hiện thủ tục hành chính, nguyên tắc hợp lý, khả thi thể hiện thông qua việc bảo đảm tính liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính.