Ở VÙNG CAO PHÍA BẮC VIỆT NAM (1)
V. NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA NGHI LỄ
Sự thương mại hóa các hoạt động quanh khu điện không phải là sự thay đổi duy nhất đi kèm theo sự nổi tiếng ngày càng tăng của bà đồng. Chúng ta sẽ xem nhận xét sau đây của bà Chương, người thường xuyên đến khu này từ năm 1992 đến nay, về cách thức mà các linh hồn được gọi lên hồi mới đầu so với hiện nay.
“Lúc đó nhà tôi cũng vừa bị nạn xong, nhà tôi đi theo các cụ ra đây gặp cô T. Trước đây, nhà cửa không được như thế này. Cũng nhà này nhưng lợp tranh dột nát, bàn thờ thì không có, chỉ có một bát hương để chốc cái bàn bằng tre thôi, lúc đấy cô ấy chỉ gọi hồn là cô ấy có một. Mỗi người đến có một cốc nước, một tờ tiền lòng thành, cô ấy cầm tờ tiền đó gấp vào và cho vào cốc. Cô ấy xóc trong cốc nước ấy thì tự nhiên là hồn nhập lên, cứ thế là hồn nhà mình phán thôi. […] Hồi đó gọi hồn rất dễ, rất nhiều người gọi được, một ngày cũng phải gọi tới mấy chục hồn, mấy chục người. Lúc đó cô ấy cầm cái. Tôi ra đây lần đầu tiên cuối năm 1992 lúc đó cô ấy mới bắt đầu, đúng là như thế. Tôi cũng cảm thấy không biết là như thế nào nhưng mà cũng thấy hồn nhà mình lên nói rất đúng vì cũng không biết nhà tôi là ai mà cũng không biết gia đình nhà tôi ở đâu. Đến đây chỉ hồn lên nói và đồng thời là mình nghe thấy nó quá đúng với điều kiện thực tế trong hoàn cảnh nhà mình lúc bấy giờ, không có gì sai nên tự nhiên mình cảm thấy có tâm linh”.
Lời nhận xét này (cũng như lời nhận xét của những người được phỏng vấn khác) cho thấy trong những năm đầu tiên, quyền năng đặc biệt của bà T. là không cần thờ cúng thần thánh cai quản các linh hồn và cũng không cần phải có bàn thờ. Khi đó, hầu như các buổi gọi hồn đều không mang tính nghi lễ và ngôi nhà như là nơi để các hồn trú ngụ chứ không phải ở một ngôi đền nào. Gọi hồn nhập vào bà đồng ngày ấy rất dễ, gần như không đòi hỏi lễ vật tôn giáo hay nghi lễ đặc biệt nào; còn ngày nay những nghi lễ như kịch bản mà chúng ta thấy được coi là không thể thiếu được nếu muốn nhập hồn thành công. Cùng với việc thực hiện thể chế hóa (institutionalization), tiếng tăm của bà đồng ngày càng tăng, khách hàng đến từ nhiều nơi và cũng tăng dần, sự thương mại hóa các hoạt động bên lề trong suốt thời gian này, hình thức gọi hồn lên đồng này đã trải qua rất nhiều biến đổi có thể miêu tả là hình thức hóa (formalization), nghi thức hóa và hòa vào truyền thống tôn giáo chủ đạo của người Kinh (hay “sự Việt hóa”).
Dùng cụm từ hình thức hóa, chúng tôi muốn nói đến quá trình hình thành một hệ thống thủ tục dựa trên văn phạm chính thống với số lượng hạn chế các thuật ngữ cố định, vượt ra ngoài những ý niệm không chính thống hoặc tiền chính thống. Một khía cạnh của hình thức hóa là việc chuyển đổi trọng tâm từ những nội dung thực sự sang hình thức. Bàn về những hoạt động lên đồng, ta thấy nổi bật lên vấn đề thủ tục hiện nay gồm các yếu tố mang tính nghi lễ đặc biệt và bắt buộc theo một thứ tự nhất định nhằm đảm bảo mở được kênh liên lạc giữa hai thế giới. Nhiều yếu tố khác nhau cho thấy rõ điều này. Ví dụ như việc lập bàn thờ không chỉ là một hành động bình thường bởi nó bao gồm việc lựa chọn một nhân vật tôn giáo nhất định trong số những vị thánh, các linh hồn, các nhân vật thần thánh và các linh vật được thờ tại các đền thờ bách thần của những truyền thống tôn giáo chính như tục thờ các hồn, thờ cúng tổ tiên, Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Trong trường hợp này, sự lựa chọn Ông Hổ và Ông Lốt ám chỉ sự sùng bái các sinh vật (âm và dương) canh gác thế giới bên kia, còn hình ảnh Phật bà Quan Âm lại nhắc đến các vị thần của Phật giáo, mặc dù chịu ảnh hưởng của các khái niệm về cõi âm và cõi dương của Lão giáo. Sự tồn tại của cái bàn thờ đòi hỏi phải có bài khấn và các đồ cúng (hương, hoa, quả, tiền vàng và đồ hàng mã, v.v) cho các thần và các hồn ngự trên bàn thờ, đồng thời có các hành động xin phép hồn bằng cách xin đồng âm – dương.
Hình thức hóa hoạt động nhập hồn trở thành nghi lễ hóa vì thủ tục của hoạt động này phải tuân theo một thứ tự nghi thức bắt buộc nhất định.
Điều này không chỉ rõ ràng ở việc lau chùi bàn thờ, khấn vái, thắp hương và bày các đồ cúng, mà còn rõ ràng ở các bài khấn, bài kinh được thu thập từ các tín ngưỡng truyền thống khác nhau. Có những bài kinh nhắc đến Đức Phật và những hiện thân của Ngài, cũng có những bài lại trực tiếp nói đến truyền thống lên đồng của Đạo Mẫu. Ngạc nhiên hơn nữa là những yếu tố nghi lễ trong các bài kinh lại ám chỉ những thể thức chính trị nhất định như trong việc định vị chính xác nơi chốn theo sự phân chia hành chính (“tỉnh Hòa Bình, huyện X, xã Y, thôn Z”). Nhưng điều này trở nên dễ hiểu hơn nếu ta xem xét vai trò của khách hàng trong các thủ tục ấy.
Bà Chương, người chúng tôi nhắc đến ở trên, cũng như nhiều khách hàng khác đã đến khu điện thờ này hơn 15 lần. Bản thân một vài người trong số họ cũng chính là người đứng đầu nghi lễ và đóng vai trò hàng đầu trong việc quyết định về thủ tục, thứ tự các yếu tố, bài khấn, bài kinh tụng, chọn đoạn trích. Bà Chương cũng nằm trong số này, còn ông Trương lại là một người đứng đầu nghi lễ khác. Ông Trương đặc biệt tụng kinh rất giỏi, và được các khách hàng khác coi là người hiểu biết về nghi lễ và do đó có thể đưa ra các quyết định rất am hiểu. Những người như bà Chương và ông Trương dựa trên những kinh nghiệm trước đây về các tín ngưỡng tôn giáo truyền thống khác nhau – như Phật giáo, thờ cúng các linh hồn hay lên đồng – làm cơ sở để đảm bảo cho sự thành công và hiệu quả của những
nghi lễ thường là “không có công thức sẵn” và do đó chưa được biết đến.
Vì những người đứng đầu nghi lễ thường là những cán bộ quản lý (đã nghỉ hưu), góp ý về phương thức sắp xếp là công việc có ý nghĩa đối với họ và gây ấn tượng cho những người chứng kiến. Việc phải chờ đợi, kêu cầu và nghỉ lại đôi khi đến vài ngày tạo bầu không khí chia sẻ và thân thiết, trong đó nơi làm lễ và nhà ăn đóng vai trò quan trọng. Mọi người thường quen biết nhau – tên tuổi, hoàn cảnh, quê quán, nguồn gốc địa lý và nơi ở – khi cùng chung mối quan tâm và tín ngưỡng. Nếu vài người tự cho họ là có hiểu biết hay được trời phú cho làm người đứng đầu các nghi lễ, những người khác sẽ chấp nhận sự điều khiển của họ chỉ để thêm cơ hội thực hiện một nghi lễ thành công và hiệu quả.
Bằng việc nghi lễ hóa các thủ tục – làm theo một thủ tục lễ nghi gồm các bước đã được đề ra theo thứ tự cố định, hay “một kịch bản” cho việc thực hiện các nghi lễ – buổi lễ không chỉ bị ảnh hưởng về hình thức (như chúng tôi đã đưa ra trong phần nói về khái niệm của "hình thức hóa") mà cả về ý nghĩa thực của nó(11). Như chúng tôi đã nhắc đến ở phần trước, ngày nay những nhân vật tôn giáo mới được giới thiệu trong buổi lễ, còn như bà Chương nhớ lại hồi năm 1992, các hồn nhập vào bà đồng mà không có lễ lạt gì. Chúng tôi thấy rõ là bà đồng đã mượn một số yếu tố hình thức nhất định từ các tín ngưỡng tôn giáo hiện có, đồng thời đã chuyển các nghi lễ, các vị thần thánh và các linh hồn đến ngự tại bàn thờ của bà. Nhưng điều này lại liên quan đến việc xác định các hồn nhập vào bà đồng. Năm 1992, không có trường hợp ngoại lệ nào đối với hồn của những thành viên đã qua đời của các gia đình hay vị tổ tiên nào mà gia đình đó biết. Những năm 2002 và 2003, nhiều người vẫn gặp được hồn của những người đã quá cố mà họ mong chờ, nhưng cũng có nhiều trường hợp bà đồng bị nhập bởi một nhân vật không thật hoặc không quen biết trong hàng tổ tiên, hoặc thậm chí là bởi một vị thánh hay một vị thần Tứ Phủ. Những ví dụ của trường hợp đầu là các vị Cha ông – người sáng lập ra dòng họ – hay Tổ cô, bà cô chưa chồng theo truyền thuyết kể lại của dòng họ, người không con cái thờ cúng cho, và là người có thể làm hại cho người đang sống, cũng là người đưa ra các câu hỏi khó chịu và nói ra sự thật (mang tính đạo đức). Còn ví dụ cho trường hợp sau là Ông Hoàng Bảy, người có vị trí quan trọng trong điện thờ của Đạo Mẫu. Đôi khi hồn hỏi những câu hỏi đáng xấu hổ hoặc liên quan đến những bí mật (của cá nhân hoặc gia đình), nhưng cũng có một vài dịp những người nghiên cứu được chứng kiến là hồn này – Tổ cô hoặc Ông Hoàng Bảy – yêu cầu người xem rời khu điện thờ để nói riêng với người đến tìm hồn.
Đây không phải là những thay đổi mang tính trung lập mà là sự chuyển đổi theo cả hình thức và ý nghĩa. Ở phần trên, chúng tôi đã nhấn mạnh là quãng thời gian bà đồng – bản thân là một phụ nữ dân tộc thiểu số – bắt đầu thu hút thêm ngày càng nhiều khách hàng người Kinh (hay Việt)
so với những người dân tộc thiểu số, và thời điểm mà người Kinh hiện đã chiếm đa số trong lực lượng khách hàng. Chúng tôi cũng nhận thấy một số khách hàng tự cho mình là những người đứng đầu trong các nghi lễ, người có ảnh hưởng lớn đến việc nghi lễ hóa các buổi lễ. Những người này thường là người Kinh, họ mang sự hiểu biết và kinh nghiệm về tôn giáo và nghi lễ của họ để áp dụng vào nghi lễ do các khách hàng của bà đồng thực hiện, dẫn đến một quá trình có thể gọi là “Việt hóa” (Việt-ization). Với cụm từ mới này chúng tôi muốn nói đến sự hoà hợp tiến bộ các hoạt động tôn giáo mang tính địa phương cao của các dân tộc thiểu số vào dòng chảy các truyền thống tín ngưỡng của dân tộc đa số – dân tộc Kinh, dẫn đến sự biến đổi toàn diện những hoạt động có nguồn gốc thiểu số và mang tính địa phương này(12). Sự “Việt hóa” thể hiện rõ ở rất nhiều hình thức:
cái bàn thờ và đồ cúng, cách hành lễ khi chuẩn bị và trong suốt buổi lên đồng, trong đặc tính của các hồn và thánh thần nhập vào bà đồng và trong những quy định và cấm kỵ về tâm linh do các hồn nói ra. Khi nhận thấy sự chấp nhận tích cực này đối với các nghi lễ của người Kinh, các tác giả không cho rằng có một sự khác biệt cơ bản giữa văn hóa của dân tộc đa số và thiểu số, vì nếu có các sự khác biệt ấy thì cũng có rất nhiều nền tảng nghi lễ chung và sự biến đổi thường xuyên về nghi lễ của cả dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số.
Nền tảng chung có thể nhận thấy ngay từ đầu là ở đền thờ bách thần thường được coi như là của Lão giáo. Trong cuốn sách về các bức vẽ của Lão giáo ở miền Bắc Việt Nam, Phan Ngọc Khuê (2001) miêu tả các đồ cúng lễ, đền thờ Tứ phủ - chủ yếu có nguồn gốc từ nền văn hóa chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, được sưu tầm từ các dân tộc thiểu số khác nhau như Tày, Nùng, Cao Lan - Sán Chỉ, Sán Dìu, Sán Chay, cũng như từ các phân nhóm của dân tộc Dao và Kinh ở những địa phương khác nhau.
Do đó, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy rất nhiều những dấu hiệu về di sản văn hóa-tôn giáo chung này ở trong và xung quanh điện thờ.
Những dấu hiệu này bao gồm các bức họa của các vị thần trong đền thờ của Lão giáo như Ông Hổ (Bạch Hổ) và Ông Lốt (Thanh Long) đã nhắc đến ở trên, rất nhiều những dấu hiệu và chỉ dẫn âm-dương, và các động tác hành lễ để làm hài lòng các linh hồn và thánh thần ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, đức tin vào Thánh Mẫu thường giới hạn trong số những người Kinh ở vùng đồng bằng, những người thường đơn giản liên tưởng việc nhập hồn và lên đồng với tục thờ Mẫu. Những tham khảo về Đạo Mẫu (tục thờ Mẫu), lên đồng và nhập định – cả trên khu thờ cũng như trong suốt buổi hành lễ – chủ yếu là phục vụ cho lượng khách hàng dân tộc Kinh, và do những khách hàng người Kinh, vốn tự cho mình là người đứng đầu trong việc hành lễ, giới thiệu. Theo đó, việc bà đồng ngày càng hay bị các thánh thần thuộc Đạo Mẫu nhập vào chứ không phải là hồn của người thân được mong đợi của các khách hàng như lẽ ra phải diễn ra trong buổi lên đồng, là thiết yếu.
Những tái hợp lẫn lộn như vậy thậm chí còn rõ ràng hơn qua các yếu tố Phật giáo do những người Kinh đứng đầu các nghi lễ đưa ra. Bàn thờ có đặt ảnh của Phật bà Quan Âm – Phật bà của Lòng khoan dung, hay hơn nữa là vị Bồ tát của Lòng trắc ẩn, vốn được rất nhiều người biết đến như người mở ra dòng nữ tu của giáo phái Đại Thừa, người thường được so sánh với hình ảnh của Đức mẹ Mary của Thiên Chúa giáo và Thánh Mẫu trong điện thờ của người Kinh. Mặc dù đối với một số môn đồ, ở một khía cạnh nào đó, Phật bà Quan Âm và Thánh Mẫu có thể hóan đổi cho nhau, hai hình ảnh này cũng bắt nguồn từ những truyền thống tín ngưỡng khác nhau. Phật giáo và sự thờ cúng Phật bà Quan Âm phổ biến rất rộng trong tộc người Kinh, Thái và Tày-Nùng, nhưng hầu như không có trong các dân tộc thiểu số khác như dân tộc Dao, Mường hay H'Mông.
Do đó, quan trọng là các bài kinh trong nghi lễ, hiện nay chủ yếu đều có nguồn gốc từ các bài kinh Phật và thường thêm vào câu khấn thuộc lòng của Đạo Phật (“A di đà Phật”), thường được coi là không thể thiếu để mở kênh liên lạc giữa hai thế giới. Nói cách khác, việc thực hiện các nghi lễ của người Kinh đã trở thành các yếu tố đầy đủ cho quá trình này của lễ nhập hồn – không chỉ cho bản thân họ mà còn cho cả các nhóm dân tộc thiểu số khác.
Chúng ta sẽ lần lượt xem những quy định và cấm kỵ về tâm linh do các hồn và thánh thần nói ra. Nhiều người tìm cách liên lạc với các hồn để tìm lời giải cho các vấn đề khiến họ lo lắng, hoặc hóa giải vận hạn thành may mắn. Ví dụ như những câu hỏi về quá khứ như: Tại sao hồn chết sớm thế? Hồn chết ở đâu? Làm sao chúng tôi có thể tháo bỏ những lời chê trách trong quá khứ? Những ví dụ về thể loại thứ hai thường liên quan đến sức khỏe và tài lộc (hoặc rủi ro). Đôi khi các hồn sẽ trả lời trực tiếp các câu hỏi như vậy, nhưng “cuộc nói chuyện” thường đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau. Các tác giả đã chứng kiến rất nhiều trường hợp hồn đưa ra nhận xét về những thói quen nhất định của khách hàng hoặc các thành viên trong gia đình họ, và về giá trị đạo đức của những lối sống nhất định. Ví dụ như: về việc sử dụng và nghiện thuốc, khách hàng và thành viên trong gia đình họ cũng bị vạch trần là con nghiện thuốc hay rượu. Mặt khác, một số hồn (nam) bản thân khi còn sống cũng nghiện rượu hay thuốc (thuốc phiện, hêrôin) và những người bị chết vì AIDS hay các căn bệnh khác do nghiện gây ra, cũng tỏ ra hối hận và xin vợ con họ tha thứ. Do đó, tác giả rất thú vị khi xem các hồn (nam) nhân cơ hội nhập vào thân thể của người khác để uống rượu và hút thuốc do người nhà của họ mang cho. Các hồn cũng thường phàn nàn về việc chậm liên hệ, cho rằng thời gian dài kể từ khi họ mất đi đến khi được gặp lại (hoặc giữa các buổi gặp) là thái độ thờ ơ không quan tâm xét về mặt hiếu đối với tổ tiên. Đôi khi, họ phàn nàn vì đã không được chôn cất tử tế (đặc biệt là đối với những người bị chết trong chiến tranh) hoặc than vãn là mộ của họ đã bị di chuyển. Trong một trường hợp, hồn đã