TƯ LIỆU MỚI VÀ NHỮNG GIẢI TRÌNH
III. ĐÔI ĐIỀU THẢO LUẬN
1. Về nền cảnh địa hình – sinh thái, các di tích đều nằm trong “khu vực phát triển basalte” từ tây sang đông, trong đó, vùng cao nguyên An Lộc – Lộc Ninh (150-200m) có bề mặt nằm ngang khá bằng phẳng hoặc nhấp nhô lượn sóng nghiêng thoải, với các rãnh xâm thực sâu 10-20m và mạng suối dạng tia phát triển. Trên nền đá gốc basalte phong hóa dạng bóc vỏ, tầng đất đỏ dày10-16m, với tuổi thành tạo cuối Pleistocène sớm (Phạm Hùng, 1978; Nguyễn Ngọc – Phạm Hùng, 1984). Ở Xuân Lộc – Định Quán, địa hình không bằng phẳng, với những miệng núi lửa cổ cao độ 275-440m, cấu tạo hình ellip hơi cong như chữ C với sườn lồi dốc (30-350) và sườn lõm thoải đều (10-150) và các bề mặt dung nham cao độ 200-150m chảy thoải dần về thung lũng (8-100), có nhiều rãnh xâm thực sâu 10-15m, đất nâu đỏ dầy 8-15m phát triển trên nền đá gốc basalte phong hóa (Phạm Hùng, 1978). Trên sơ đồ – bản đồ phân vùng địa mạo, thổ nhưỡng và cổ
địa lý do Lê Đức An (1986, 1989), Phan Liêu (1992) và Hà Quang Hải (1996) xây dựng, toàn khu vực này nằm trọn trong miền cao nguyên – đồi núi và đồng bằng bóc mòn-tích tụ, phân bố ở cực nam của phụ miền cao nguyên, bình sơn Lâm Viên, với đặc điểm chung là cao nguyên và vòm basalte chiếm diện tích rộng, độ cao thay đổi trong khoảng 800-100m, với lớp vỏ phong hóa dày tới 10-30m và lớp thổ nhưỡng màu đỏ nâu-nâu vàng- tím đỏ phì nhiêu; tiếp nối bề mặt đồng bằng bóc mòn lượn sóng, với lớp thổ nhưỡng đỏ vàng-vàng, đôi nơi có tầng kết vón laterite phát triển trên các tầng đá phiến. Mạng lưới thủy văn có dạng tỏa tia điển hình cho các vòm nâng và vòm phun trào. Về cơ bản, basalte núi lửa hoạt động thời Pliocène thượng – Pleistocène hạ (N2 – Q1) tạo nên bề mặt của hai cao nguyên Lộc Ninh – Phước Long và Gia Kiệm – Xuân Lộc – Đất Đỏ. Theo một số nhà khoa học, basalte Xuân Lộc – An Lộc chủ yếu là basalte trẻ phân bố ở phía đông và bắc lãnh thổ (3470km²), phủ trên aluvi thềm III tuổi Pleistocène sớm và bị thềm II cắt vào. Về quan hệ địa chất, hệ tầng basalte trẻ có tuổi Pleistocène giữa, được thành tạo sau các trầm tích của hệ tầng Trảng Bom (aQạ/³ - tb) và cú trước hệ tầng Thủ Đức (amQ²-³ - tđ), với niên đại tuyệt đối K/Ar (olivin) từ 760.000 đến 440.000 70.000 và K/Ar (zircon) là: 650.000 năm (Nguyễn Xuân Hãn – Nguyễn Trọng Yêm, 1991;
Hà Quang Hải, 1996: Sơ đồ phân bố các lỗ khoan sâu – Địa chất – Địa mạo – Cổ Địa lý miền Đông Nam Bộ).
Ngoài các bề mặt địa hình núi lửa còn có các bề mặt bóc mòn san phẳng, với các quy mô, cao độ và tuổi thành tạo khác nhau. Các bề mặt thềm sông cổ nhất trong vùng tương ứng bậc thềm III, cao độ 70-50m ở phớa nam bị phủ gần hết bởi basalte Xuõn Lộc cú tuổi Qạ. Cỏc thềm sụng bậc II cao độ 35-25m cấu tạo vật liệu hệ tầng Thủ Đức tuổi Q²-³, phân bố từ bắc Tây Ninh qua Biên Hòa về Bà Rịa, cũng bị phân cắt tạo địa hình vòm thoải. Điều cần ghi nhận là hoạt động của người xưa ở Đông Nam Bộ thường để lại vết tích liên quan mật thiết đến các bậc thềm cao nguyên dung nham phong hóa đất đỏ, đặc biệt trên bề mặt địa hình dạng vòm basalte và các bề mặt phù sa cổ, các bãi bồi thung lũng dọc các dòng chảy, v.v…
2. Những sưu tập và di vật đơn lẻ có khả năng thuộc thời Đá cũ ở miền Đông Nam Bộ, theo tình trạng nghiên cứu hình thái kỹ thuật học nằm ngoài nền cảnh văn hóa – địa chất, thiếu cơ sở thiết yếu về cột địa tầng hay những trầm tích văn hóa - hóa thạch cổ nhân – cổ sinh tương ứng, hiển nhiên vẫn còn là các phát hiện gợi mở cho các “giả thuyết khoa học” về thời này đặt trong bối cảnh nghiên cứu Đá cũ chung ở cả Việt Nam (Núi Đọ, Núi Nuông, Tấn Mài, Núi Đầu Voi, v.v…) và khu vực Đông Nam Á (các văn hóa Anyathian – Myanmar trên thềm sông Irrawaddi, Tampanian – Malaysia, Patjitan – Indonesia treân theàm soâng Baksoko, v.v…). Dẫu còn nhiều hoài nghi về tuổi “sơ kỳ” của các sưu tập (kết quả phân tích K–Ar mẫu tro núi lửa dưới tầng chứa công cụ Kot Tampan của
Zuraina Majid 1987 và các nghiên cứu của G.Barstra ở Patjitan thập kỷ 70 của thế kỷ XX; của A.E.Matjukhin ở Núi Đọ năm 1991, v.v…); người ta vẫn cứ hy vọng về sự hiện diện thực sự của con người ở Đông Nam Á thời này khi có thông tin của Jacob năm 1975 và Semah năm 1992 về
“dấu vết công cụ của Pithecanthropus” (mảnh tước lớn, hòn ném ở Sambungmachan, Ngebung); hoặc sưu tập cuội dưới lớp basalte có tuổi cổ từ học 73 vạn năm ở Ban Mae Tha, Ban Don Mun (Lampang – Thái Lan) do Per Sorensen và G.Porpe nghiên cứu, “có thể coi đây là di tích xưa nhất thuộc sơ kỳ Đá cũ Đông Nam Á mà hiện nay người ta có thể tin được” (Hà Văn Tấn, 1996).
3. Theo suy nghĩ của riêng tôi, chỉ xét riêng về hình thái kỹ thuật học, các khám phá liên quan đến cái gọi là “Đá cũ” ở miền Đông Nam Bộ, dù chưa thể khẳng quyết tuổi chính xác vì thiếu “nền cảnh văn hóa và địa chất” ở nơi tìm ra chúng (Movius,H.L. 1978 – Matjukhin, A.E. 1991); vẫn có giá trị khi đối sánh hình loại kỹ thuật học của cả sưu tập, đặc biệt của các kiểu hình vẫn gọi là: “biface” hay “cleaver” theo các tiêu chí thống kê loại hình của F.Bordes, với chính hệ giá trị căn bản của các sưu tập nham thạch thời sau ở cả “di chỉ” và “di chỉ – xưởng” lẫn “công xưởng” ở chính Đông Nam Bộ. Mà ở Đông Nam Bộ, với hệ thống kết quả khai đào và nghiên cứu thống kê loại hình từ hàng chục di tích “chuẩn” thời Đá mới hậu kỳ – Kim khí (Cầu Sắt, Suối Linh, Bình Đa, Phước Tân, Cù Lao Rùa, Cái Vạn, An Sơn, Gò Đá, Dốc Chùa, Bình Long, Lộc Hòa, Đa Kai, v.v…), chúng ta dễ dàng nhận thấy sự vắng bóng các “biface” hay “cleaver” của Hàng Gòn 6, An Lộc, Gia Tân, Suối Cả, v.v…; dù ở dạng “sơ phác vật” hay các cố gắng tạo tác phác vật tiến đến hình hài các chế phẩm chuẩn mực. Điều mà nhà khảo cổ Nga A.E.Matjukhin cố gắng thực hiện trong các hố đào Thanh Hóa để phủ nhận tuổi Đá cũ cổ sơ của “di chỉ – xưởng” Núi Đọ và muốn xếp các “biface” và “cleaver” Acheul điển hình ở Núi Đọ vào cùng nhóm sơ phác vật – phác vật hình rìu ở Cồn Chân Tiên và Đông Khối thời đại Đồng (Matjukhin, A.E. 1991), chúng tôi không làm được ở Đồng Nai khi so sánh trực tiếp các di tồn Đá cũ với sưu tập từ hàng chục hố đào “di chỉ – xưởng” và “công xưởng” thời Kim khí. Bởi vậy, các cố gắng phủ nhận sự tồn tại “thời đại Đá cũ” ở miền Đông Nam Bộ nói riêng và ở cả Việt Nam – Khu vực nói chung, trong quan điểm của riêng tôi, cũng còn thiếu nhiều bằng chứng xác thực y như các luận thuyết được gọi là “táo bạo”
khẳng định về “Đá cũ” bản xứ.
4. Trong tình hình hiểu biết hiện nay, ngoại trừ các sưu tập mảnh
“cuội gia công” Hàng Gòn còn tiềm năng khai quật để có thêm bằng chứng địa tầng mới. Các công cụ Suối Quít, đặc biệt kiểu hình có lưỡi theo rìa dọc viên cuội dù cỡ nhỏ giống như là chế phẩm nạo hay cắt- khía, vẫn rất tương đồng với phương thức tạo tác gia công chế phẩm cuội đặc thù “kiểu Sơn Vi” (Sonvi Types) hay theo “Phong cách Sơn Vi” (Sonvi Style) thuộc hậu kỳ Đá cũ. Riêng sưu tập Suối Cả, đặc biệt nhóm công
cụ hình rìu tạo hình rìu lưỡi từ hai mặt hạch cuội, chỉ cần những quan sát căn bản về loại hình – kỹ thuật học ngay từ kiểu dáng và lớp phủ phong hóa, cũng dễ dàng làm ta liên tưởng đến các tiêu bản cổ kính hơn rất nhiều – những chế phẩm “Tiền Sơn Vi” đậm đặc trưng của “Phức hệ rìu tay – công cụ hình rìu” (biface-handaxe-cleaver complex) trước hậu kỳ Đá cũ. Chúng thực sự vẫn là nguồn tư liệu quý, củng cố niềm tin của chúng ta khi định hướng kiếm tìm mới ở miền Đông Nam Bộ và ở cả các vùng – thềm cao hơn, ngược dòng cả hệ thống sông này cả tả ngạn và hữu ngạn, cả miền cao nguyên basalte cổ hơn vùng trung – thượng lưu Đồng Nai ở Nam Tây Nguyên.
Chỉ với ý nghĩa có thể kết gắn chúng cùng loại hình và kỹ nghệ tạo tác dáng thân – rìa lưỡi, chất liệu và nguồn cội nham thạch với “Phức hợp rìu tay – công cụ hình rìu” từng có của Đồng Nai, chúng cũng đáng để ta lưu tâm nghiên cứu và tiếp tục tìm kiếm thêm “đồng loại” trên những “Miền đất hứa” này. Những công cụ Đông Nam Bộ “thực sự tạo ra bằng bàn tay con người và chúng không giống với các kỹ nghệ đã biết ở Đông Nam Á, từ hậu kỳ Đá cũ về sau” (Hà Văn Tấn, 1985).
Kỹ nghệ Đá cũ Đồng Nai, với những chiếc rìu tay ghè đẽo cẩn thận từ hai mặt, như công cụ được E.Saurin gọi là “bifaces” ở Hàng Gòn 6, là “limande” ở Dầu Giây 2 và công cụ “hạnh nhân” ở Gia Tân, Bình Xuân, và ở Suối Cả, Suối Quít gần đây nhất hàm chứa không ít đặc điểm hình loại – kích cỡ (dài trung bình 10-20cm) của nhóm công cụ
“hạch đá đa chức năng” (multi-purpose stone core-tools) trong các kỹ nghệ Đá cũ gọi là “Bifacial Acheulian Industries) (Darvill, T.2002- 2003). Các tiêu bản đặc trưng của Đồng Nai từng được Hà Văn Tấn (1973, 1984, 1985) so sánh với các kỹ nghệ có rìu tay hiện biết ở Đông Nam Á và, theo ông, rìu tay Núi Đọ “quá ít và so với những chiếc rìu tay đã biết ở lưu vực sông Đồng Nai thì được chế tác thô sơ hơn”. Trong kỹ nghệ Bo Ploi ở Kanchanaburi – Thái Lan do các nhà khảo cổ người Thái Vidhya Intakosai và người Hà Lan W.J.van Liere nghiên cứu có các bifaces ghè hai mặt, nhưng “kích thước quá nhỏ”; chỉ có kỹ nghệ Patjitan ở Indonesia có đến 6,32% rìu tay trong sưu tập Von Koenigswald, có những rìu tay đẹp trong sưu tập của G.J.Bartstra (1978). Theo H.L. Movius (1949), sự phát triển rìu tay Patjitan là độc lập và mang kỹ thuật chế tác rìu tay khác phương Tây – “kỹ thuật ghè đẽo dọc” (longitudian flaking technique). Nhưng theo Van Heekeren, trong số rìu tay Patjitan vẫn có chiếc được “ghè đẽo chéo” (criss-cross chip- ping) (Bartstra, G.J. 1976). Ý kiến này được Hà Văn Tấn ủng hộ khi xem xét một số rìu tay ở Bảo tàng Con Người ở Paris: “Những chiếc rìu tay Patjitan… có nhiều nét gần gũi với những chiếc rìu tay vùng lưu vực Đồng Nai. Chúng đều được ghè đẽo cẩn thận hơn những chiếc rìu tay Núi Đọ. Phải chăng giữa chủ nhân đồ đá cũ vùng Đồng Nai và chủ nhân văn hóa Patjitan đã có mối liên hệ nào đó qua vùng Đông Nam
Á Sunda khi cái cầu này còn tồn tại trong thế Pleistocène? Hiện nay, niên đại của văn hóa Patjitan đang được xem xét lại. Thềm cao nhất của sông Baksoko có di tích văn hóa này có thể thuộc hậu kỳ Pleistocène” (Hà Văn Tấn, 1984, 1985).
5. Trong yêu cầu và ước vọng lớn lao ấy của cả khu vực, Đá cũ ở miền Đông Nam Bộ (Việt Nam) và ở cả Việt Nam luôn là vấn đề mới, luôn cần minh chứng địa tầng – cổ sinh tương thích với những giải trình hình thái – kỹ thuật học cầu toàn nhất – “những bằng chứng quyết định” về sự có mặt chắc chắn của con người nơi đây từ viễn cổ, những vết tích còn sót sau biến thiên địa chất Đệ tứ kỷ và “bể dâu” Flandrian mà “Tương lai không gần sẽ trả lời câu hỏi đề ra về cuộc sống con người nơi đây ở thời phía nam nước ta liền dải với Đông Nam Á hải đảo, ít ra với bộ phận Sunda gần gũi đất liền ngày nay nhất” (Phạm Huy Thông, 1985).
CHUÙ THÍCH
1. Các mẫu phế liệu đá giám bằng bằng phương pháp phân tích lát mỏng dưới kính hiển vi phân cực (Lithological Analysis by Polariscopic Microscope) thực hiện tại Viện Địa Chất, Hà Nội và Khoa Địa Chất học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Boriscovsky, P.I. 1977.Một số ý kiến về thời đại Đá cũ ở Việt Nam. Khảo cổ học, số 1: 17-19; 1987.Xác định niên đại Núi Đọ – Khảo cổ học, số 1-2:1-3.
2. Carbonnel, J.P. – Poupeau, G. 1969.Premiers eùleùments de datation absolue par traces de fission des basaltes de l’Indochine meùridionale. Earth and Planetary Science Letters,6:26-30.
3. Darvill, T. 2003,Consise Dictionary of Archaeology. Oxford University Press.
4. Đoàn khai quật Lung Leng, 1999. Báo cáo sơ bộ khai quật di chỉ Lung Leng (Kontum).
Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội, 1999: 120-121.
5. Hà Quang Hải, 1996.Đặc điểm địa tầng Đệ tứ và đặc điểm địa mạo miền Đông Nam Bộ. Luận án Tiến sĩ, Hà Nội.
6. Hà Văn Tấn, 1973. Núi Đọ với một số vấn đề về thời đại Đá cũ Việt Nam và Đông Nam Á. TrongNhững di tích của con người thời tối cổ trên đất Việt Nam: 195-233;
1984. Nghiên cứu thời đại Đá cũ ở Đông nam Á trong thập kỷ 70, trong Thông báo khoa học Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam, tập 2:9; 1985.Miền Nam Việt Nam trong bối cảnh tiền sử Đông Nam Á. Khảo cổ học, số 3: 5-10; 1996.Khảo cổ học Đông Nam Á, những phát hiện đáng quan tâm. Cơ sở đào tạo sau đại học chuyên ngành Khảo cổ học, Hà Nội.
7. Lê Công Tâm – Phạm Đức Mạnh – Phạm Ngọc Thảo, 2004.Điều tra khảo sát khảo cổ học tại vùng lòng hồ thủy lợi Cầu Mới (Đồng Nai). TrongVùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, những vấn đề Kinh tế-Văn hóa-Xã hội, TP Hồ Chí Minh: 350-357.
8. Lê Đức An, 1986.Địa mạo Việt Nam. Lưu trữ Cục Địa chất Việt Nam.
9. Lê Trung Khá, 1976. Về Đá cũ vùng Xuân Lộc (Đồng Nai), trongNhững phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội1976; 1978. Những công cụ Đá cũ mới phát hiện ở miền
Đông Nam Bộ, trong Những phát hiện khảo cổ học ở miền Nam, TP Hồ Chí Minh, 1978: 23-50.
10. Lê Văn Lan – Phạm Văn Kỉnh, 1962. Archaeological Findings in Vietnam, trong Vietnam Advances, 7(12).
11. Lê Xuân Diệm – Phạm Quang Sơn – Bùi Chí Hoàng – những người khác, 1991.
Khảo cổ Đồng Nai.
12. Lưu Văn Du, 1997. Trở lại Đại An, trongNhững phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội, 1997, 76-78.
13. Matjukhin, A.E. 1991, Một số vấn đề tranh luận quanh niên đại của địa điểm Đá cũ (?) Núi Đọ ở Việt Nam. Khảo cổ học, số 1: 69-73.
14. Movius, H.L. 1949, The Lower Palaeolithic Cultures of Southern and Eastern Asia.
Transactions of the American Philosophical Society, n.s., 38 (4), Philadelphia; 1978.
South and East Asia: Anclusion – Early Palaeolithic in South and East Asia – World Anthropology, Paris.
15. Nguyễn Đổng Chi, 1976, Về một hiện vật thuộc thời Đá cũ tìm thấy ở Xuân Lộc, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học , Hà Nội, 1976:46-47.
16. Nguyễn Khắc Sử – Trần Quý Thịnh – Nguyễn Xuân Hóa, 2000. Khai quật di chỉ Lung Leng (Kontum), những vấn đề đặt ra, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học , Hà Nội, 2000: 91-93.
17. Nguyễn Ngọc – Phạm Hùng, 1984,Một số nét về lịch sử phát triển đồng bằng Nam Bộ trong Kỷ thứ Tư – Văn hóa Oc Eo và các văn hóa cổ ở Đồng bằng Cửu Long, TP.
Hoà Chí Minh: 60-65.
18. Nguyễn Trường Đông – Nguyễn Trung Chiến, 2001,Về sưu tập đá ở lớp laterite Di chỉ Lung Leng (Kontum)-Hố B1-C1, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội, 2001: 157-161.
19. Nguyễn Văn Long – Lê Trung Khá, 1977, Về những hiện vật thời Đá cũ mới tìm được ở Vườn Dũ (Sông Bé) và Gia Tân (Đồng Nai). Khảo cổ học, số 4: 4-7.
20. Nguyễn Xuân Hãn – Nguyễn Trọng Yêm, 1991. Hoạt động núi lửa Kainozoi muộn phần lục địa Nam Trung Bộ. Địa Chất, 202-203 (1-4):33-34.
21. Phạm Đăng Kính – Lưu Trần Tiêu, 1973. Những di tích của con người thời tối cổ trên đất Việt Nam, Hà Nội.
22. Phạm Đức Mạnh, 1979. Phát hiện công cụ Đá cũ ở Bình Xuân (Đồng Nai), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học , Hà Nội, 1979:20; 1991.Những di tích khảo cổ học nguyên thủy ở miền Đông Nam Bộ (Việt Nam) trong hai Thiên niên kỷ II-I BC.
(tiếng Nga), Luận án Tiến sĩ, Leningrad; 1995. Hoạt động của Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học Miền Nam 1994-1995, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội, 1995: 26-29; 1995. Những công cụ cuội ghè đẽo đầu tiên thuộc Hậu kỳ Đá cũ ở Nam Tây Nguyên – Khảo cổ học, số 4:15-25;1996. Hoạt động của Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học trong mùa điền dã 1995-1996, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội, 1996: 13-16.
23. Phạm Đức Mạnh – Lưu Văn Du, 1996. Khai quật di tích Cự thạch II ở Hàng Gòn (Long Khánh – Đồng Nai), trong Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội, 1996:
234-236.
24. Phạm Hùng, 1978.Kết quả khảo sát địa chất – địa mạo các di tích khảo cổ ở miền Đông Nam Bộ, trong Những phát hiện khảo cổ học ở miền Nam, TP.Hồ Chí Minh, 1978: 15-22.
25. Phạm Huy Thông, 1977. Điểm những vấn đề mấu chốt của thời đại Đá ở Việt Nam đang chờ được gỡ mối – Khảo cổ học, số 1: 7-16; 1985. Khảo cổ học ở các tỉnh phía nam mười năm sau ngày giải phóng – Khảo cổ học, số 3: 1-4.
26. Phan Liêu, 1992. Đất ở Đông Nam Bộ, Hà Nội.
27. Saurin, E. 1966. Une site archéologique à Dau Giay (province de Long Khanh, Sud Vietnam) – BIRA, 4 (1-2):90-104; 1968.Nouvelles observations préhistoriques à l’ Est de Saigon – BSEI, n.s., T.XLIII, n.1: 1-17; 1971.Le Paleùolithique des environs de Xuan Loc (Sud Vietnam) – BSEI, n.s., 46 (1):49-68.
28. Trình Năng Chung, 2001. Về những công cụ Đá cũ ở di chỉ Lung Leng (Kontum) 2001 – Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội,2001: 154-157.
29. Võ Quý – Ngô Tuấn Cường – Phan Đức Hải, 2003. Khảo cổ học Lâm Đồng, những phát hiện mới – Khảo cổ học, số 2: 33-47.