DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
III. Ý NGHĨA CỦA HÁT ĐỐI ĐÁP TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ DÂN TỘC VIEÄT NAM
1. Hát đối đáp là một hoạt động văn hoá giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam
a. Hát đối đáp phản ánh cuộc sống lao động nông nghiệp nghèo, vất vả nhưng lạc quan của người Việt.
Những câu hát vui vẻ giữa nam nữ thanh niên bao giờ cũng tạo nên một sự phấn chấn không chỉ với người tham dự mà còn với tất cả những người có mặt ở xung quanh. Nó góp phần động viên khích lệ tinh thần người lao động, giúp họ giảm bớt nhọc nhằn, thêm yêu đời, thêm yêu công việc.
b. Hát đối đáp thoả mãn nhu cầu giao tiếpgiữa người với người, đặc biệt giữa thanh niên nam nữ, thoả mãn nhu cầu trao đổi tình cảm, kiến thức, thi thố và bộc lộ tài năng, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nhu cầu giải trí, vui cười… Khi mà đời sống văn hoá văn nghệ còn hết sức nghèo nàn, ngoài một vài hình thức như múa rối, chèo, tuồng… lâu lâu mới diễn một lần, thì hát đối đáp là hình thức văn nghệ phổ biến rộng rãi nhất của người Việt.
Không phải chỉ vì nó có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mà còn vì, nhà nhà, người người đều ít nhiều thuộc một số câu hát: “Chợ nào chợ chẳng có cau, Người nào chẳng biết vài câu huê tình…”. Điều đó khiến khoảng cách giữa người hát và người nghe không lớn: Ai cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia cuộc hát. Và những lời ca xuất phát từ chính cuộc sống, ước mơ của người bình dân, đồng điệu với tâm hồn họ, thay họ nói những nguyện vọng, tình cảm thầm kín thành lời. Những câu hát trêu chọc, vui đùa thoả mãn tinh thần lạc quan của họ. Yêu đời, hóm hỉnh, hài hước, hay cười và thích cười cũng là một trong những đặc trưng về mặt dân tộc học của người Việt!. Nó kết tinh được những giá trị lớn: trữ tình, trí tuệ, hài hước giàu tính nhân văn, do vậy hát đối đáp đã được người bình dân đón nhận một cách hết sức hào hứng.
c. Hơn ở bất cứ đâu, hát đối đáp là một pho lịch sử tinh thần, phản ánh đời sống tâm hồn, tình cảm và trí tuệ của người Việt. Nó là một cuốn từ điển về tình yêu đôi lứa, là bức tranh sinh động và chân thực về
hiện thực tâm hồn, là những dòng nhật ký về mọi cung bậc của tình yêu – một tình cảm quan trọng góp phần làm nên giá trị đời sống tinh thần con người. Nó là diễn đàn để tuổi trẻ phát biểu một cách dân chủ những quan niệm, những khát vọng về tình yêu mãnh liệt và chung thuỷ – ước mơ muôn thuở của nhân loại... Nó đã lấp được một khoảng trống lớn mà văn học chính thống từng để lại. Qua những quan điểm được phát biểu công khai, nó góp phần điều chỉnh những hành vi tình cảm phù hợp với đạo đức truyền thống nhờ sự hỗ trợ của sức mạnh công luận.
Các nhà thơ, nhà văn lớn của dân tộc ta đều có sự học tập sáng tạo đối với hát đối đáp dân gian, và chính họ cũng đã góp phần trau chuốt, nâng tầm cho những lời ca dân tộc. Hát đối đáp là nguồn cảm hứng vô tận không chỉ cho các tác phẩm thơ Nôm trung đại mà còn cho văn chương, âm nhạc, hội hoạ, sân khấu, điện ảnh… hiện đại.
2. Hát đối đáp phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hoá của người Việt Là một loại nghệ thuật nguyên hợp, hát đối đáp phản ánh nhiều mặt về đời sống văn hoá của người Việt. Nội dung của những lời ca không chỉ cho ta biết về phong cảnh, sản vật một số vùng, miền; nhận thức của người xưa về xã hội, vũ trụ; đời sống, quan niệm, khát vọng tình cảm, lối tư duy và khả năng ngôn ngữ, trình độ sáng tạo âm nhạc, thơ ca… mà còn cho ta biết một số vấn đề về dân tộc học, cũng như phong tục tập quán của người Việt:
tục mời trầu, tục cưới xin, nộp cheo, dạm hỏi, kết bạn, v.v… Và đỉnh cao của âm nhạc, thơ ca dân gian, thể thức, lề lối sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian chính là dân ca Quan họ. Hát đối đáp góp phần làm nên màu sắc, hình thái phong phú và độc đáo của những hội hè ở làng quê Việt Nam.
Qua hình thức sinh hoạt văn nghệ này, ta có thể hiểu thêm về một số nét truyền thống văn hoá dân tộc như âm nhạc, trang phục…
3. Vai trò của người phụ nữ trong hát đối đáp
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ phải chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi, bất công do quan niệm trọng nam khinh nữ của Nho gia đã ăn sâu trong đời sống, trong tiềm thức của mỗi người. Nhưng trong hát đối đáp, vai trò của họ hoàn toàn bình đẳng với nam giới. Họ có thể định giá, thưởng phạt đối với các chàng trai. Họ chủ động mời các chàng trai cùng hát với mình hoặc tỏ bày tình cảm một cách công khai, không e dè, mặc cảm. Họ được quyền đố và đáp, giống như nam giới, và trong cuộc đọ tài, đọ trí, đọ tình này, họ đã bộc lộ tài năng chẳng kém gì nam giới.
a. Trong hát đối đáp, phụ nữ đã thể hiện được vai trò chủ động của mình. Nhiều khi, người chủ động tạo nên cuộc chơi chính là các cô gái.
Ta có thể hình dung đang lúc mọi người mải mê làm đồng khi mặt trời đứng bóng, bỗng nghe một cô gái véo von: “Bây giờ quá Ngọ sang đông, Cơm trưa chẳng có quẳng chồng xuống ao. Bao giờ được bát cơm vào, Thời
em cởi áo xuống ao mò chồng”. Chắc chắn lời hát táo bạo, tinh nghịch này sẽ làm rộ lên những tiếng cười. Một chàng trai từ thửa ruộng bên kia không thể cầm lòng trước lời hát tếu táo của cô gái, đáp lại: “Thấy em là gái má hồng, Trông người thế ấy sao nỡ quẳng chồng xuống ao? Nhà chồng tội nghiệp làm sao, Mà em lại quẳng xuống ao mất chồng?”. Người con gái hát tiếp: “Em nói thế thôi chứ em vẫn còn không, Quê chàng có phải ở Bồng, chàng ơi! Mỗi người mỗi ngả, mỗi nơi, Hôm nay lại được nối lời nước non”.
Cứ thế, cứ thế, những lời đối qua đáp lại cất lên làm nên một cuộc hát.
Khi vào cuộc chơi, theo quy ước bất thành văn, các cô gái thường là người hát trước. Nếu hát rồi, mà các chàng trai chưa đáp lại, thì các cô khiêu khích:
“Hò… ơ…! Đến đây không hát thì hò, Chẳng phải con cò nghển cổ nghe kinh.
Con cò còn biết nghe kinh, Huống chi bạn bậu làm thinh không hò?”. Đối thủ của các cô gái là những chàng trai rất đáng yêu. Họ “vụng chèo” nhưng “khéo chống”. Họ lập tức chống chế: “Hò… ơ…! Câu hò anh đựng ba vò, Anh quên đậy nắp, nó bò hết trơn!”. Những lời đối đáp tinh nghịch này ắt hẳn đã tạo ra một không khí rất vui, rất trẻ.
b. Trong hát đối đáp, phụ nữ có thể công khai bày tỏ tình cảm cuûa mình
Tình yêu vốn không được trân trọng, đề cao trong giáo lý nhà Nho. Cả Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo đều chủ trương tiết dục, cấm dục, diệt dục. Bởi vậy, trong suốt hàng nghìn năm phong kiến, tình yêu luôn bị lên án, bị vùi dập, kiềm toả. Nếu sách vở của nhà Nho có nói về tình yêu, thì lập tức, nó bị coi là dâm thư, bị đưa ra làm đối tượng để chỉ trích, phê phán, răn đe, cấm đoán.
Trong lúc ở phương Tây, từ thế kỷ XV, người ta đã phục hưng những giá trị văn hoá thời cổ đại Hy – La, trong đó có vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tình yêu là những giá trị được thăng hoa, kết tinh thành nhiều kiệt tác văn học, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc… thì ở Việt Nam, ngay đến kiệt tác Truyện Kiều mãi đến thế kỷ XVIII –XIX mới ra đời, cũng vẫn bị các bậc cha mẹ xem là dâm thư, loạn thư, đưa ra dùng để răn dạy, cấm đoán con trẻ: “… Làm gái chớ có Thuý Vân, Thuý Kiều”.
Mặc dù giai cấp phong kiến có quan điểm chính thống như vậy, nhưng trong dân gian, tình yêu lại có một sức sống mãnh liệt. Ca dao, dân ca đã thể hiện tình yêu ở mọi khía cạnh một cách vô cùng tài hoa, tinh tế. Và ở đó, không chỉ có cánh đàn ông, mà chị em cũng có quyền công khai bộc lộ, tỏ bày tình cảm của mình. Điều này chẳng những rất gần với tư tưởng cấp tiến của phương Tây, mà còn hiện đại hơn cả phương Tây, vì nó đã dành chỗ đứng cho người phụ nữ. Và nó cũng phù hợp với truyền thống trọng nữ của cư dân vùng nông nghiệp lúa nước như người Việt, hợp với tín ngưỡng thờ “Mẫu” của một số dân tộc anh em trên đất Việt.
Những người phụ nữ khi tham gia hát đối đáp, đã thể hiện những bài ca trữ tình với một sự mãnh liệt và sâu sắc.
Mặc cho hiện thực là sự nghiệt ngã của luật lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” đã làm bao đôi lứa phải chia lìa trong đau đớn, ấm ức, thậm chí uất hận, nhưng trong các cuộc hát, các chàng trai và các cô gái vẫn mặn nồng thề thốt yêu đương, nguyện cùng nhau chung thuỷ trọn đời. Đó không đơn thuần là những công thức thơ, những lề luật mang tính ước lệ của một cuộc chơi. Đó chính là những khát vọng nồng cháy như mạch nước ngầm ẩn sau cái bình lặng của những cuộc đời đơn giản, nhẫn nại, cam chịu. Bởi con người không chỉ có khát vọng về tình cảm mà còn có khát vọng được bộc lộ tình yêu. Hát đối đáp giúp con người giải toả những đè nén, bế tắc, bức xúc về tâm lý và tình cảm.
c. Hát đối đáp đã góp phần bộc lộ một trí tuệsắc sảo thông minh của người phụ nữ
Nhiều câuứng tác của các cô gái đã khiến các chàng phải nể phục. GS.
Hoàng Tiến Tựu đã kể một trường hợp như vậy. Có chàng trai nọ tên Kỷ trêu một cô lái đò tên Nhẫn: “Nước lên nhân nhẫn bờ rào (rào là sông), Người ta sang cả, em còn cầm sào đợi ai?”. Cô Nhẫn tức khắc đáp lại: “Nước lên nhân nhẫn bờ rào, Em còn đợi người tri kỷ cầm sào cho em sang”.
Chẳng những trả lời một cách xác đáng câu hỏi của chàng trai, cô còn khéo léo kéo tên chàng vào sóng đôi với tên mình trong câu hát. Một lời đáp rất trọn vẹn về nội dung, chỉnh về nghệ thuật, khiến chàng trai không thể không ngưỡng mộ(10).
Lại có trường hợp, các chàng thử tài các cô bằng những câu đố lắt léo:
“Thấy em hay chữ anh hỏi thử đôi lời, Rằng em có biết ông Trời họ chi?”.
Đó gọi là “ụng”, lại cú tờn là “Trời” thỡ ắt phải cú hoù. Đõy là một cõu hỏi tinh quái và rất thông minh, bởi từ thuở khai thiên lập địa, người Việt gọi đấng cao xanh tối thượng của vũ trụ là “ông Trời“ mà có ai nghĩ đến chuyện “ông” chưa đầy đủ “tính danh”. Với câu hỏi hóc búa này, các chàng trai tưởng chừng mình đã nắm chắc phần thắng trong tay, bởi đối phương chỉ còn có nước… bí. Thế nhưng, ngay cả trong tình huống này, các cô gái cũng không chịu thua. Họ bình tĩnh đáp: “Anh ghé tai kêu Đất cho Đất “ơi!”, Rồi em đây sẽ nói họ ông Trời cho anh nghe”. Ứng khẩu nhạy bén như vậy thật tuyệt!
Sự sắc sảo, thông minh của người phụ nữ còn thể hiện ở ngay chính các câu hỏi. Dù không được đến trường như nam giới, nhưng các cô gái có thể hỏi kiến thức kinh sử, đố chữ đố nghĩa thông thạo chẳng kém gì các bậc mày râu. Chẳng hạn qua lối chơi chữ ở bài hát sau:
Nữ: - Trong trăm thứ dầu thứ dầu chi là dầu không thắp, Trong trăm thứ bắp, thứ bắp chi là bắp không rang?
Trong ngàn thứ than, thứ than chi là than không quạt?
Trong ngàn thứ bạc, thứ bạc gì là loại bạc không đổi không tiêu?
Trai nam nhi anh đối đặng, em trao giải lụa điều cho anh.
Bằng lối chơi chữ đồng âm khác nghĩa, bài ca chuyển từ sự vật đến tinh thần, tình cảm, quy tụ chung về một điểm kết. Cô gái ướm lòng, dò ý chàng trai một cách cực kỳ khéo léo, phê phán sự bạc tình để ngầm nhắn nhủ sự thuỷ chung. Chàng trai đã bắt được nhịp cung đàn ấy. Họ gặp nhau ở chỗ cùng chung một quan niệm về hai chữ chung thuỷ trong tình yeâu:
Nam: - Trong trăm thứ dầu, thứ nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp.
Trong trăm thứ bắp, thứ lắp bắp mồm, lắp bắp miệng là bắp khoâng rang.
Trong ngàn thứ than, thứ than hỡi, than hời là than không quạt.
Trong ngàn thứ bạc, thứ bạc tình, bạc nghĩa là bạc không đổi khoâng tieâu.
Trai nam nhi anh đối đặng, gái em chừ tính răng?
Người hỏi thông minh, tài trí, người trả lời cũng rất tài trí, thông minh.
Dù nói về bất cứ cái gì, bất cứ đề tài gì thì cuối cùng, hát đối đáp cũng vẫn quay về với tình yêu lứa đôi, với khát vọng hạnh phúc muôn thuở. Giấc mơ hạnh phúc vẫn là chủ đề vĩnh cửu quán xuyến trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian: từ những bài ca dao, dân ca, truyện cổ, trường ca đến kiến trúc, hội họa và âm nhạc.
Kỳ lạ thay, một đất nước giặc giã liên miên như đất nước Việt Nam với biết bao bất hạnh, đau thương và bao chiến công oanh liệt, nhưng, những bài ca hay nhất còn lại trong tâm khảm, trong lòng người giữa chốn nhân gian lại là những bài ca nói về tình yêu lứa đôi. Dù thương, dù nhớ, dù giận, dù hờn… chung quy vẫn chỉ là những khát khao của con người hướng về hạnh phúc. Thế mới biết năm tháng gọt giũa tất cả, bào mòn tất cả, nhưng cái còn lại muôn đời vẫn là tình cảm lứa đôi - rất cũ, rất lâu đời, thời đại nào cũng có, mà vẫn luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn. Và trong cái thế giới tình cảm thiêng liêng ấy, người phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được rằng: mình là một nửa ngọt ngào, không thể thiếu được của tình yêu, hạnh phúc.
Như vậy, chính các cuộc hát đối đáp đã tạo nên một mảnh đất nhỏ bé, trong đó, người phụ nữ thời xưa được hưởng sự dân chủ và quyền bình đẳng với nam giới, một điều rất hiếm có trong xã hội phong kiến đầy thiên kiến, bất công đối với họ. Mặc dù mảnh đất ấy nhỏ bé, nhưng cũng đủ cho họ có dịp để có thể phô bày tài năng của những giọng ca, bộc lộ một trí tuệ sắc sảo, thông minh, một tấm lòng nhân hậu, sự hài hước, hóm hỉnh, tài ứng đối linh hoạt không thua kém nam giới của mình.
Nếu thuở xưa, người phụ nữ được học hành như các đấng nam nhi thì biết đâu trong nền văn học Việt Nam, không phải chỉ có một Hồ Xuân Hương, một Đoàn Thị Điểm, mà còn có nhiều nữ sĩ tài ba khác. Và hiện thực cuộc sống hôm nay đã chứng minh về khả năng nhiều mặt của họ.
Như vậy, cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ ngoài ý nghĩa xã hội đem đến quyền sống, quyền tự do, bình đẳng cho chị em, thì nó còn có một ý nghĩa nhân văn lớn lao: Nó đã góp phần giải phóng cho những tài năng của người phụ nữ, những người đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống, thay đổi bộ mặt đất nước và bộ mặt thế giới hôm nay.
Và ở Việt Nam, theo chúng tôi nghĩ, tiền đề của việc giải phóng này, tiền đề của tư tưởng nam nữ bình quyền, chính là vai trò của người phụ nữ trong hát đối đáp.