PHƯƠNG TÂY ĐẾN PHỤ NỮ THÀNH THỊ VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX
III. TÁC ĐỘNG CỦA VĂN HÓA PHƯƠNG TÂY ĐẾN ĐỜI SỐNG PHỤ NỮ THÀNH THỊ VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XX
3. Thái độ của giới trí thức
Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam đã hình thành một đội ngũ trí thức Tây học đông đảo. Họ là những người trực tiếp tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nên đa phần trong số họ có tư tưởng tiến bộ. Hơn ai hết giới trí thức hiểu rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong mọi mặt của cuộc sống và những bất công mà họ phải gánh chịu. Từ các lãnh tụ cho đến các nhà văn, nhà báo đều có những bài viết, những câu chuyện về người phụ nữ: “Tất cả các báo chí muốn đạp cửa buồng the cho người đàn bà ra đường”(28). Ở đâu người ta cũng kêu gọi nữ quyền, ở đâu người ta cũng kêu gọi giải phóng phụ nữ.
Phan Bội Châu (1867- 1940), một sĩ phu yêu nước tiến bộ, là linh hồn của phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, đã có những tư tưởng tiến bộ về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Trong các tác phẩm Tràng giang kinh sử, Hải ngoại huyết thư, Trùng Quang tâm sử, Việt Nam quốc sử khảo…, ông đã viết về cô Liên, cô Chí hay các nữ anh hùng dân tộc như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ấu Triệu, Bùi Thị Xuân... với lòng cảm phục sâu sắc. Ông cho rằng muốn giải phóng phụ nữ thì trước hết phải giải phóng dân tộc, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, phụ nữ cần phải được bình đẳng như nam giới. Theo Phan Bội Châu, muốn vận động phụ nữ cần phải: “1. Mở mang về đường trí thức cho người phụ nữ, 2. Liên kết đoàn thể của người phụ nữ, 3. Chấn hưng chức nghiệp của người phụ nữ, 4. Nâng cao địa vị của người phụ nữ”(29). Những nhận thức của Phan Bội Châu về người phụ nữ là một tiến bộ vượt bậc so với các trí thức đương thời.
Các nhà báo tiến bộ là những người có công rất lớn cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Nguyễn Văn
Bá, Cao Văn Chánh, Trịnh Đình Rư,... những người đã cho rằng: “Quyền bình đẳng nam nữ là một tư tưởng tiến bộ”(30) hay “Đối với vấn đề phụ nữ chỉ còn chuyện giải phóng, giải phóng ở phong tục, giải phóng ở gia đình, giải phóng ở xã hội và hoàn toàn giải phóng”(31).
Các nhà văn cũng lên tiếng phê phán, đả kích những thói hư tật xấu nảy sinh trong xã hội Âu hoá. Họ phác hoạ lên một xã hội đầy những đau khổ và tha hoá của con người bằng những lời văn châm biếm, mỉa mai. Tiêu biểu nhất cho phái này là nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng, người đã có hàng loạt phóng sự và tiểu thuyết như Kỹ nghệ lấy Tây, Số đỏ, Làm đĩ, Giông tố, Lục xì... Bên cạnh đó, có những nhà văn đã lên tiếng bênh vực, thương cảm cho số phận những phụ nữ bị đày đọa, khổ đau, tiêu biểu là Nguyên Hồng, người được coi là nhà văn của phụ nữ và trẻ em, đã tỏ rõ tình cảm ấy qua các tác phẩm như Cửa biển, Những ngày thơ ấu, Mợ Du, Bỉ vỏ...
Phong trào Nghĩa Thục thực chất là một cuộc vận động công khai để tuyên truyền lòng yêu nước, xây dựng nếp sống mới, đề cao vai trò của phụ nữ qua việc kêu gọi họ đoàn kết, góp sức xây dựng xã hội tiến bộ:
“Người giúp của- kẻ giúp công, Làm cho rõ mặt nữ trung anh hào”(32).
Nhìn chung lại, vào đầu kế kỷ XX, dưới chính sách khai thác thuộc địa đã làm nảy sinh những điều kiện mới về kinh tế, xã hội cho sự du nhập và phát triển của văn hóa phương Tây ở Việt Nam. Văn hoá phương Tây có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội, đặc biệt đối với những phụ nữ sống ở thành thị Việt Nam. Văn hoá phương Tây đã làm thay đổi những nếp suy, nếp nghĩ, nếp cảm của người phụ nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử, họ đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh chống lại những tập tục xã hội cũ để đòi các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ, để khẳng định cái tôi, tự cởi trói và giải phóng cho chính mình. Cuộc sống mới đã đem lại cho họ nhiều cơ hội thăng tiến hơn, bình đẳng hơn trong tình yêu, hôn nhân, gia đình và xã hội. Bình đẳng về giới, mang lại quyền lợi và sự tiến bộ cho phụ nữ chính là cái thâu nhận được và là một trong những mặt tích cực nhất của quá trình tiếp xúc, hội nhập với văn hoá phương Tây đầu thế kỷ XX. Một bộ phận trí thức tiến bộ (nam giới) đã đồng tình, ủng hộ tích cực cho phong trào đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây đã không chỉ nảy sinh những mặt tiêu cực trong lối sống, mà còn trong cả cách nghĩ của một bộ phận phụ nữ thành thị. Một mặt, họ tỏ rõ sự mặc cảm, tự ti về văn hóa truyền thống, muốn từ bỏ các giá trị văn hoá truyền thống. Mặt khác, họ đề cao, sùng bái văn hóa phương Tây một cách thái quá, muốn được Âu hóa hoàn toàn, điều này dẫn đến sự lai căng, vong bản. Hiện tượng tiêu cực này đáng bị phê phán và thiết nghĩ đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý để chúng ta tránh vấp phải trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới ở Việt Nam hôm nay.
CHUÙ THÍCH
1. Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông - Tây, Hồ Xuân Hương- Thơ trữ tình, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2001, tr. 39.
2. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002, tr.131.
3. Đào Duy Anh. Sđd, tr. 121.
4. Tam tòng: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử (ở nhà theo cha, đi lấy chồng thì theo choàng, choàng cheát thì theo con).
5. Vô tử (không có con), dâm dật, bất sự cậu cô (không thờ cha mẹ chồng), khẩu thiệt (nói nhiều), đạo thiết (trộm cắp), đố kỵ, ác tật
6. Theo Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam. Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2002, tr. 292.
7. Nhử treõn, tr. 278.
8. Trung tâm ngôn ngữ văn hóa Đông- Tây. Sđd, tr. 38.
9. Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn được viết bằng chữ Hán, Đoàn Thị Điểm dòch Noâm.
10. Nguyễn Song Kim, Nữ sinh, Nữ giới chung, ngày 11- 2- 1918.
11. Sương Nguyệt Ánh, Xã thuyết, Nữ giới chung, ngày 9- 1- 1918.
12. Mục tiêu báo Nữ giới chung, Nữ giới chung, ngày 1- 3- 1918.
13. Đào Duy Anh. Sđd, tr.128.
14. Vũ Trọng Phụng, Toàn tập Vũ Trọng Phụng. Nxb Hội nhà văn, tr.103.
15. Phan Khôi, Luận về phụ nữ tự sát, Phụ nữ Tân văn, số 22, ngày 26- 9- 1929.
16. Đào Duy Anh. Sđd, tr.303.
17. Bài thơ “Thương vợ” của nhà thơ Tú Xương.
18. Tục ngữ Việt Nam.
19. Insun Yu, Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII- XVIII, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1994, tr.
120- 121.
20. Truyeọn Kieàu cuỷa Nguyeón Du.
21. Vũ Trọng Phụng. Sđd, tr.305.
22. Tà áo dài lúc đó được gọi là áo Tân thời.
23. Do ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên cô dâu người Việt xưa thường mặc áo cưới màu đỏ.
24. Bài thơ Bên kia sông Đuốngcủa nhà thơ Hoàng Cầm.
25, 26. Đào Duy Anh. Sđd, tr.209.
27. Dẫn theo bài diễn thuyết của Rabindranath Tagore tại Tokyo ngày 18-6-1916.
28. Vũ Trọng Phụng. Sđd, tr.291.
29. Dẫn theo Đặng Thị Vân Chi, Phan Bội Châu với vấn đề phụ nữ đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu con người và sự nghiệp (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Nhà in Khoa học công nghệ, Hà Nội, 1998, tr.315.
30. Phụ nữ Tân văn, số 3, ngày 16- 5- 1929.
31. Phụ nữ Tân văn, số 14, ngày 1- 8- 1929.
32. Bài hát khuyên đàn bà,Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội,1997, tr.119.