ẹinh Trung Kieõn*
Văn hoá Việt Nam với các giá trị phong phú và đặc sắc của nó đã, đang và vẫn sẽ còn là nguồn tài nguyên to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Với ngành du lịch, văn hoá Việt Nam luôn được coi là nguồn tài nguyên quý giá trong hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn. Các giá trị văn hoá Việt Nam, cả truyền thống và hiện đại đang góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc Việt Nam. Phát triển du lịch văn hoá và du lịch sinh thái là định hướng có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì lẽ đó, mọi nguồn lực cần thiết để phát triển đều được huy động. Văn hoá Việt Nam giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của du lịch Việt Nam, hướng tới sự phát triển du lịch bền vững.
Hệ thống các di tích lịch sử - văn hoá - nghệ thuật ở hầu hết các địa phương đang được khai thác cho các hoạt động tham quan, nghiên cứu, tâm linh. Đền, chùa, đình, miếu, lăng tẩm, địa đạo, chiến khu và cả các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ… đã trở thành điểm đến của du khách quốc tế cũng như trong nước.
Có thể khái quát thực trạng khai thác các giá trị văn hoá Việt Nam cho hoạt động du lịch như sau:
Một là: Hệ thống di tích lịch sử, văn hoá nghệ thuật, di tích cách mạng kháng chiến qua nhiều năm được thẩm định, đánh giá, phân loại ở tất cả các địa phương đã cho thấy sự phong phú và đa dạng của nó. Nhiều địa phương có số di tích vừa nhiều vừa độc đáo về loại hình. Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tây, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị… là những địa phương tiêu biểu. Những di tích ở Việt Nam đã hội tụ các giá trị văn hoá truyền thống qua bao biến động lịch sử còn lại đến nay nên càng có ý nghĩa to lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, trong hoạt động du lịch nói riêng. Các di tích ở Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn từ khi được công nhận là di sản văn hoá thế giới đã được khai thác có hiệu quả hơn cho du lịch. Lượng khách đến tăng vọt và kèm theo đó
* Tiến sĩ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội. Việt Nam.
là các dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ sản xuất và bán đồ lưu niệm.
Loại dịch vụ này trong một ý nghĩa nhất định cũng là khai thác các giá trị văn hoá Việt Nam, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách quốc tế. Ở các địa phương khác, nhiều di tích đã được “đánh thức” đem lại hiệu quả rõ nét hơn so với thời kỳ du lịch chưa được đẩy mạnh hoạt động. Đó là những giá trị văn hoá vật thể góp phần quan trọng nhất vào việc hình thành và phát triển loại hình du lịch văn hoá ở Việt Nam. Thậm chí có những địa phương, di tích là nguồn tài nguyên nhân văn chủ yếu để phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu. Ở Bắc Ninh, các đền, đình, chùa, nhà lưu niệm có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch và đó là điểm nổi trội so với một số địa phương khác.
Quảng Nam thu hút khách du lịch cùng với Huế cũng chủ yếu từ việc khai thác các di sản văn hoá mà căn bản nhất là các di tích đang tồn tại hữu thể. Các di tích cách mạng, kháng chiến nổi tiếng như ở Pác Bó, Điện Biên, Tuyên Quang, Củ Chi đã được khai thác có hiệu quả từ khá lâu.
Quảng Trị do lịch sử để lại đã có được chương trình du lịch độc đáo là “du lịch vùng phi quân sự” (DMZ tour) với các di tích: địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương - Bến Hải, Dốc Miếu - Cồn Tiên, Thành cổ Quảng Trị, Tà Cơn - Khe Sanh, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn…
Có thể thấy rằng hệ thống di tích ở Việt Nam thực sự hấp dẫn khách du lịch. Thăm quan, tìm hiểu di tích, khách du lịch thẩm nhận các giá trị văn hoá Việt Nam một cách cụ thể và khá ấn tượng. Tuy vậy, so với tiềm năng vốn có, việc khai thác hệ thống di tích này còn ít ỏi và có phần đơn điệu.Ở hầu hết các di tích, khách chỉ được tham quan, nghe giới thiệu, chụp ảnh và ra về. Song, để tạo những ấn tượng sống động về các giá trị văn hoá của địa phương, của đất nước và con người Việt Nam còn cần đầu tư cả trí tuệ và tiền của, công sức hơn nữa. Và khi nhìn các nước trên thế giới đã áp dụng công nghệ hiện đại vào việc khai thác và bảo vệ di tích nhằm làm nổi bật, nhằm tái tạo lại một số giá trị văn hoá thì ở Việt Nam việc này còn rất ít, sơ sài.
Nhiều di tích có giá trị văn hoá, giá trị nhận thức cao nhưng vì nhiều lý do đã không được khai thác. Đường đến các di tích chưa được tu bổ, tôn tạo hoặc được thực hiện một cách cẩu thả… đều là lý do hiện hữu, thậm chí có địa phương các loại hình du lịch khác lấn át nên di tích càng không được khai thác có hiệu quả tương xứng. Một vấn nạn nữa là tình trạng hoang phế hoá di tích kèm theo tình trạng viết, vẽ và các tác động khác gây tổn hại tới di tích vẫn đang diễn ra không chỉ từ hoạt động du lịch mà còn từ thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm và thiếu tổ chức của các nhà quản lý, nhà chuyên môn, chưa kể đến các tác động xã hội khác.
Hai là: Du lịch lễ hội đã được thực hiện ở các địa phương. Lễ hội truyền thống và hiện đại là sinh hoạt cộng đồng ở những thời điểm mạnh với các cấp độ khác nhau từ làng xóm đến quốc gia. Giá trị văn hoá Việt Nam thể
hiện trong lễ hội rất sinh động và khi lễ hội được tổ chức thường xuyên thì các giá trị ấy được lưu truyền, gìn giữ và phục vụ thực sự cho kinh tế - xã hội của đất nước hôm nay và mai sau. Giá trị văn hoá phi vật thể này hấp dẫn khách du lịch hơn so với các giá trị văn hoá phi vật thể khác.
Song có một thực tế là có những lễ hội rất lớn và kéo dài về thời gian nhưng chỉ thu hút hầu hết khách du lịch nội địa mà lễ hội chùa Hương (Hà Tây) là ví dụ tiêu biểu. Năm 2003, số lượng khách đến trong 2 tháng đầu năm đã tới trên 30 vạn người, trong đó số lượng khách quốc tế rất ít ỏi.
Một số lễ hội khác như lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Cá Ông ở một số địa phương ven biển cũng thu hút khách du lịch nội địa là chủ yếu. Khách du lịch quốc tế có mặt ở các lễ hội này thật thưa vắng. Song cũng có những lễ hội diễn ra ngắn ngủi nhưng khách du lịch quốc tế đến đông hơn như hội Lim (Bắc Ninh), lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên, lễ hội ở Nam Bộ…
Điều đó phản ánh nhu cầu chuộng “lạ” của khách quốc tế từ các lễ hội đó. Các lễ hội này sôi động với nhiều hình thức tế tự, diễn xướng và cả các cuộc thi tài… mà khách du lịch quốc tế ít có dịp tai nghe mắt thấy, và điều quan trọng là các lễ hội này không có gì gần gũi với các lễ hội ở quê hương của du khách. Các nhà nghiên cứu đã cho những ý kiến rất khoa học, sâu sắc về lễ hội và vai trò của nó trong hoạt động du lịch, sự cần thiết phải khai thác các giá trị văn hoá từ lễ hội ở Việt Nam. Song, số lượng khách du lịch quốc tế tham gia vào loại hình du lịch lễ hội trong suốt nhiều năm qua còn khá khiêm tốn. Các công ty du lịch quốc tế lớn của Việt Nam như: Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigon tourist), Công ty du lịch Việt Nam tại Hà Nội (Vietnam tourism - Hanoi), Công ty Điều hành và Hướng dẫn du lịch (Vinatour), Công ty Du lịch dịch vụ Bến Thành (Benthanhtourist), Công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourism)… đều cho những con số khiêm tốn từ khách du lịch lễ hội so với số lượng khách tham gia du lịch tham quan di tích, danh thắng và các loại hình du lịch khác. Du lịch lễ hội ở Việt Nam thu hút đông đảo khách du lịch Việt kiều nhằm đáp ứng nỗi khát khao tìm hiểu và hoài niệm về các giá trị văn hoá Việt Nam.
Song, khi các liên hoan du lịch được tổ chức, mà mở đầu là “Liên hoan du lịch Hà Nội” 1997, 1999, 2001, 2003 rồi “Gặp gỡ đất phương Nam” tại Tp.
Hồ Chí Minh năm 2000, 2002, các Festival Huế 2000, 2002 và 2004; “Liên hoan du lịch đồng bằng Sông Cửu Long” tại Cần Thơ năm 2003… khách du lịch quốc tế đến rất đông. Không chỉ là sự tham gia trong vị thế các đối tác du lịch, những người đến từ các nước khác để trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội kinh doanh mà còn là dịp thẩm nhận các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của Việt Nam với những đặc trưng văn hoá của từng vùng như ẩm thực, văn nghệ dân gian, điêu khắc, hội hoạ, phong tục tập quán, sản phẩm thủ công truyền thống, trang phục… Các liên hoan du lịch này đã thể hiện giá trị văn hoá lễ hội khá thành công. Khai thác giá trị văn hoá cho du lịch theo hướng này đang tỏ rõ hiệu quả nhiều mặt.
Hạn chế ở các lễ hội nói chung, gây phản cảm văn hoá cho khách du lịch là các hiện tượng phi văn hoá như các trò bói toán, cờ bạc, đánh lộn tranh giành chỗ, vệ sinh thực phẩm, cò mồi thiếu trung thực… Lẽ ra trong các lễ hội, ứng xử văn hoá phải là một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà tất cả những người tham dự lễ hội, nhất là khách du lịch mong mỏi và tin tưởng.
Ba là: Trong khi một số nghề và làng nghề truyền thống đã bị mai một đi theo thời gian và cuộc sống hiện đại, nhiều làng nghề truyền thống đã được phục hồi và phát triển trong thời kỳ mở cửa, đổi mới. Sự hồi phục và phát triển của làng nghề truyền thống cũng tạo cho du lịch loại hình du lịch làng nghề. Trên ý nghĩa nhất định, làng nghề truyền thống cũng là nơi lưu giữ và kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam và sản phẩm của làng nghề truyền thống cũng mang dấu ấn văn hoá Việt Nam. Từ những vật dụng, đồ trang trí bằng gốm, sứ, những đồ chạm khảm, tranh vẽ, đến các bức thêu ren, những sản phẩm bằng đồng, đá, mây tre hay những sản phẩm cao cấp hơn như lụa tơ tằm, thổ cẩm, chạm bạc - vàng… những người thợ thủ công Việt Nam không chỉ làm ra sản phẩm có giá trị kinh tế mà có cả giá trị văn hoá. Nhiều sản phẩm thủ công truyền thống hiện nay trở thành hàng hoá, thành đồ lưu niệm để khách du lịch mua sắm và bày để chiêm ngưỡng vì chính giá trị văn hoá, giá trị nghệ thuật của chúng và giá cả của sản phẩm hàng hoá này thường không phản ánh giá thành mà phản ánh giá trị văn hoá ở mức độ khác nhau. Nhìn chung tour du lịch làng nghề được các doanh nghiệp du lịch tổ chức hiện nay đều hướng tới những làng nghề có các sản phẩm đạt các yêu cầu thưởng ngoạn các giá trị văn hoá truyền thống. Khách du lịch rất thích thú khi được tận mắt chứng kiến việc phối màu, phối sợi công phu khéo léo của người thợ dệt lụa, vẽ hoạ tiết lên các sản phẩm gốm sứ hay đưa các đường chạm khắc trên gỗ, trên kim loại… Các địa phương như Hà Tây, Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh… đã chú trọng khai thác du lịch làng nghề. Hà Tây là địa phương có nhiều làng nghề nhất trong cả nước. Đến hết năm 2003, cả tỉnh có 250 làng nghề được công nhận, trong đó có nhiều làng nghề đã thành địa chỉ thường xuyên của khách du lịch như: luạ Vạn Phúc, nón Chuông, thêu ren Quất Động, chạm khảm Chuyên Mỹ, mây tre Phú Nghĩa, rèn Thanh Thuỳ… Các làng nghề nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, gỗ Thiết Úng (Hà Nội), chạm gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), thêu Văn Lâm (Ninh Bình), chạm bạc Đồng Sâm (Thái Bình)… cũng được khai thác có hiệu quả trong du lịch. Hà Tây là địa phương tổ chức hai hội du lịch làng nghề (năm 2001 và 2003 và coi đó như một liên hoan du lịch văn hoá nhằm quảng bá cho làng nghề và các sản phẩm làng nghề với hoạt động du lịch gần xa.
Song, còn rất nhiều làng nghề truyền thống chưa được khai thác cho hoạt động du lịch như một cách quảng bá văn hoá Việt Nam truyền thống. Ở nhiều làng nghề truyền thống, lễ hội hàng năm để tôn vinh nghề và tổ nghề cũng là một cách bảo tồn nghề và các giá trị văn hoá
làng nghề truyền thống, nhưng những lễ hội này chưa được mở rộng để thu hút khách du lịch. Trong thực tế, những làng nghề có hoạt động du lịch có điều kiện bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống và sức sáng tạo trong việc tạo ra các sản phẩm đậm dấu ấn văn hoá cũng được đẩy mạnh hơn. Những sản phẩm thường được các khách du lịch quốc tế đón nhận như những thông điệp văn hoá Việt Nam ở nước ngoài chưa nhiều.
Bốn là: Hiện nay nhiều giá trị văn hoá phi vật thể của Việt Nam được khai thác cho du lịch. Ngoài lễ hội, các hoạt động văn nghệ với loại hình sân khấu truyền thống được khách rất ưa chuộng, tìm đến là múa rối nước, chèo. Nghệ thuật ẩm thực của từng địa phương cũng được khai thác nhưng mức độ hiệu quả chưa cao qua doanh thu của các nhà hàng phục vụ những món ăn truyền thống so với các nhà hàng phục vụ món ăn quốc tế.
Về giá trị văn hoá phi vật thể phải kể đến nhã nhạc cung đình Huế, loại hình được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ cuối năm 2003.
Loại hình này được khách quốc tế ưa chuộng cả về trang phục, diễn tấu, nhạc và nhạc cụ được thể hiện. Nhưng còn những giá trị văn hoá phi vật thể khác được khai thác chưa hiệu quả. Ngoài chiếc áo dài của phụ nữ, các trang phục dân tộc khác chưa được khai thác thường xuyên từ chính những hướng dẫn viên và những người làm du lịch nói chung. Thiếu kiến thức và thiếu sự định hướng, các giá trị văn hoá này đang bị bỏ phí mà lẽ ra đã được giới thiệu một cách sinh động hơn. Khách du lịch cả nội địa và quốc tế khi đi du lịch ở các vùng có đồng bào dân tộc, không phân biệt nổi trang phục của mỗi dân tộc và vẻ độc đáo của nó. Sự bắt chước trang phục của nước ngoài không phải chủ yếu từ khách du lịch nhưng cũng đã từng bị quy kết, là kết quả của sự bùng nổ thông tin, giao tiếp quốc tế nói chung.
Nhìn vào thực trạng khai thác các giá trị văn hoá và bảo tồn các giá trị ấy một cách lâu dài cho hoạt động du lịch nói riêng, cho phát triển kinh tế xã hội nói chung, cần suy nghĩ về những giải pháp tổng thể. Chỉ riêng với hoạt động du lịch, việc khai thác phải gắn liền với bảo tồn sao cho có hiệu quả nhất, cần có những giải pháp sau đây:
Thứ nhất: Sự kết hợp chặt chẽ với các quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, lợi ích, trách nhiệm của hai ngành văn hoá - thông tin và du lịch phải được thực hiện sớm có hiệu quả. Ở cả trung ương và các địa phương, sự kết hợp này vừa mang lại hiệu quả chung vừa có lợi ích của mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân tham gia khai thác và bảo tồn các giá trị văn hoá Việt Nam. Tất cả các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trong cả nước phải được thẩm định bởi chuyên gia của hai ngành và có thể có chuyên gia nước ngoài, chọn lựa khai thác cho hoạt động du lịch. Đã có tình trạng “đóng cửa” di tích vì quyền hạn, lợi ích chưa thoả đáng, rõ ràng. Có những giá trị văn hoá được đánh giá rất cao cần khai thác,