PHỤC NGUYÊN THIỀN SƯ CHUYẾT CÔNG Ở CHÙA PHẬT TÍCH

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 149 - 152)

Tới thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, ai trong chúng ta cũng phải sững sờ trước vẻ đẹp của pho tượng Adiđà - pho tượng đá cao 1m86, tượng phật

lớn nhất của thời Lý còn giữ lại được ở nước ta. Nhưng đây chỉ là phiên bản thạch cao, còn pho tượng gốc đặt tại chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Theo tấm bia đá “Vạn Phúc đại thiên tự bi” dựng năm Chính Hoà thứ 7 (1686) cho biết: “Vua thứ ba nhà Lý (tức Lý Thánh Tông), vào năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057), đã dựng cây tháp báu cao nghìn trượng, lại cho dựng pho tượng mình vàng cao 6 thước”.

Ngôi chùa chính được dựng vào năm Thông Thuỵ thứ tư (1037), đời vua Lý Thái Tôn. Năm Chính Hoà thứ tám (1687) đời vua Lê Hy Tôn có trùng tu lại. Năm Thiệu Trị, nhà Nguyễn (1846) lại sửa chữa một lần nữa. Chùa được xây dựng với quy mô khá lớn với trăm toà, gác chuông và trăm pho tượng gỗ… Chùa đã bị tiêu hủy năm 1947, trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Ngày nay ở chùa, ngoài tượng Adiđà chỉ còn lại một số di vật như 10 con thú đá phủ phục trước chùa, 32 cây tháp, cuốn sách đồng giới thiệu vài nét về kinh Bát Nhã, ao rồng, giếng rồng với một phù điêu đầu rồng to nhất của thời Lý từ xưa tới nay thần Kinari, chân tảng có chạm khắc dàn nhạc và nhiều hiện vật khác bằng đất nung như mào phượng, gạch có đề rõ niên hiệu thời Lý(1).

Ngày 17-4-1991, Viện Khảo cổ học cùng cán bộ Phòng Văn hoá Thông tin huyện Tiên Sơn, đã về chùa Phật Tích để nghiên cứu thực trạng di hài mới được chùa trưng bày mà ở địa phương có người gọi là

“Phật Tổ”. Theo lời Ban Di tích Phật Tích, thì cách đó vài năm, kẻ gian đã cậy cửa tháp Báo Nghiêm - tháp cao nhất của vườn tháp ở Phật Tích, hòng tìm kiếm vàng, bạc… Chúng đã vứt ra một vại sành có nắp bị vỡ và di hài bó cốt. Tháp Báo Nghiêm dựng năm Chính Hoà 13 (1692), cao 4 tầng. Mặt tháp có chạm tượng Phật ngồi trên toà sen. Chiếc vại đựng di hài mặt ngoài trang trí rồng vẽ bằng phẩm màu có niên đại rất gần đây, không thể so sánh với niên đại của tháp. Vì đường kính vại rất nhỏ, chứng tỏ di hài bó cốt được đặt ở một chỗ khác, sau đó mới đưa vào tháp. Sau đó một thời gian, tôi lần tìm gặp được cụ Nguyễn Chí Triệu.

Cụ chính là sư bác ở chùa Phật Tích trước năm 1947, sau đó cụ tham gia bộ đội. Cụ khẳng định với tôi: “Hồi ở chùa ngày nào tôi cũng mở cửa khám để lau sạch pho tượng của sư tổ. Khám có chạm rồng và hoa văn rất đẹp ở bên ngoài, phía trong có 2 cánh cửa, mở ra thì thấy ngài ngự tại đó, chân xếp bằng tròn theo thế ngồi thiền, hai tay đặt trước bụng, lòng bàn tay ngửa...”. Lần tìm trong tài liệu ảnh của Viện Thông tin KHXH, chúng tôi tìm được bức ảnh mang ký hiệu 7956 chụp năm 1930 và có chú thích bằng tiếng Pháp: “Khám gỗ chạm trổ thếp son giữ tượng nhà sư Chuyết Công”. Trong sách Phật lục của Trần Trọng Kim thì khẳng định rõ đó là “khám thờ tổ đệ nhất bó cốt làm tượng”(2). Vậy ai đã đưa nhục thân vào tháp. Theo ý kiến của chúng tôi, có thể là vị sư trụ trì của chùa (đã mất vào giữa những năm của thập kỷ 80, thế kỷ XX). Phải chăng vì thấy chùa bị đốt, nên sư cụ đã dấu nhục thân vào tháp Báo Nghiêm (?).

Ngày 10-10-1992, bà Nguyễn Thị Lan, Phó ban Di tích chùa Phật Tích chính thức đề nghị tôi đứng ra tổ chức việc phục nguyên lại pho tượng cổ, kinh phí rất hạn hẹp do phật tử ở Hà Nội và thập phương đóng góp.

Thu lượm lại những mảnh vỡ, tôi đếm được 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi. Những mảnh bồi về chất liệu không khác lắm với chất liệu của pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh. Đó là sơn ta, mùn cưa, đất và vải màn...

Đặc biệt, chúng tôi phát hiện được 7 đoạn dây đồng đã rỉ xanh, có chỗ gắn chặt giữa chất bồi và xương. Như vậy, chắc chắn rằng các đệ tử đã lấy xương của thiền sư, dựng khung và bồi ra bên ngoài để tạo tượng.

Điều này khác với kỹ thuật tạo tượng thiền sư Vũ Khắc Minh là sau khi tịch các đệ tử bồi ngay sơn ta và các phụ gia lên bề mặt ngoài của thi hài. Mặt tượng bó cốt Chuyết Công thật ra chỉ còn lại từ má đến cằm.

Nhưng thật may mắn, trong số di cốt thu được, chúng tôi tìm thấy 2 xương mũi, dính với một phần xương trán và xương chung quanh vùng ổ mắt phải, một xương hàm dưới và tấm ngang của xương hàm trên. Trong khi tiến hành dựng lại pho tượng, chúng tôi phát hiện rằng, hoá ra chiều rộng góc hàm, miệng, mũi, chiều cao từ môi dưới xuống cằm của pho tượng bó cốt cũ là không đúng với khuôn mặt thật của thiền sư. Thí dụ, chiều rộng xương hàm dưới là 95 mm, trong khi đó chiều rộng cùng kích thước này trên tượng chỉ có 90 mm. Vì có được kích thước của ổ mắt phải, chiều cao và rộng của sống mũi, độ lồi của vùng giữa 2 mày và các kích thước của xương hàm dưới, cho nên chúng tôi quyết định dựng lại bộ mặt của thiền sư theo phương pháp Ghê-ra-xi-mov (phục chế lại mặt theo xương sọ).

Dựa vào cấu tạo của khuyết hông to, xương hàm dưới, mỏm chũm, một đoạn của đường khớp sọ, độ gắn liền ở đầu các xương chi, nhiều huyệt chân răng của xương hàm dưới đã liền lại do rụng răng từ lâu, chiều dài xương đùi, xương chày, chúng tôi cho rằng, đây là hài cốt của một người đàn ông chừng 65-70 tuổi, cao 1m59.

Tôi thành lập nhóm công tác gồm: họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, hai nhà điêu khắc trẻ là Bùi Đình Quang, Nguyễn Đình Hiển và tôi - người chỉ đạo trực tiếp công trình này. Được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh), Phòng Văn hóa huyện Tiên Sơn, ngày 12 tháng Giêng năm 2003, chúng tôi đã chuyển 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi về Hà Nội để phục dựng lại thiền sư. Anh em trong nhóm bàn nhau mãi là có nên làm cốt ở bên trong tượng không? Nếu không làm cốt thì đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một pho tượng không làm cốt đỡ. Cuối cùng, chúng tôi nghiêng về ý kiến sau để làm sao cho pho tượng có cấu trúc như pho tượng Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu (Hà Tây). Sau khi tính được chiều cao cơ thể, chúng tôi suy ra được chiều cao ngồi. Từ đó dựng lại tượng nhà sư ngồi thiền bằng đất sét. Tiếp theo, chúng tôi đổ khuôn thạch cao các mảng khuôn, rồi gỡ các mảng khuôn, phá tượng đất. Bồi sơn ta, lót vải màn, rắc mạt cưa trộn sơn ta tất cả là 10 lớp ở mặt trong của khuôn. Tiếp đến là công đoạn gắn xương của thiền sư vào phía trong của khuôn đúng vị trí giải phẫu bằng chất liệu sơn ta

trộn mạt cưa. Sau đó, chúng tôi phá khuôn thạch cao, gỡ các mảng bó cốt và gắn thành hình tượng thô. Đã tạo được hình tượng thô chúng tôi tiến hành

“bó” 2 nước, “hom” 3 nước và “thí” 2 nước. Giai đoạn cuối cùng là thếp bạc và quang dầu 2 lần.

Sáng 1-5-2003, nước quang cuối cùng đã phủ kín pho tượng, kết thúc gần 3 tháng rưỡi lao động say sưa và đầy sáng tạo của cả nhóm chúng tôi.

Tượng có chiều cao ngồi 76,3 cm, nặng 10 kg và hiện đặt tại nhà Tổ chùa Phật Tích, để đón bà con phật tử và khách thập phương tới chiêm ngưỡng.

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 149 - 152)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(762 trang)