TU BỔ VÀ BẢO QUẢN HAI VỊ THIỀN SƯ Ở CHÙA ĐẬU

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 145 - 149)

Chùa Đậu có tên chữ là Thành Đạo Tự, hay chùa Pháp Vũ trong hệ thống Tứ Pháp nằm ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Theo bia Dương Hoà thứ 5 (1639) đặt tại đây, chùa Pháp Vũ được xây dựng từ triều Lý (thế kỷ XI-XII). Tuy nhiên, do tu sửa nhiều lần nên hiện nay chùa chỉ còn dấu ấn của thời Lê - Nguyễn. Bên cạnh những hiện vật rất có giá trị của chùa như: 6 bia đá, 2 chuông đồng, 2 bài thơ nôm (thế kỷ XVII - XVIII) chép trên biển gỗ, 1 cuốn sách đồng, những điêu khắc gỗ ở hành lang nhà Tiền đường, 55 hoành phi câu đối, còn có nhiều pho tượng bằng đất, bằng đồng và đặc biệt có 2 pho tượng mà trước đây đặt trong 2 am nhỏ bên trái và phải cạnh chùa, tương truyền là của 2 thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Vì những giá trị trên, nên ngay từ năm 1960, chùa Đậu đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng. Tư liệu công bố đầu tiên về chùa Đậu trong cuốn “Pagodes, Temples et maisons de culte de Hadong - Hà Đông thắng cảnh (chữ Hán)” (Những chùa, đình và nhà thờ của Hà Đông - Phong cảnh Hà Đông), chỉ nói vài dòng về 2 vị thiền sư này và coi là 2 xác ướp (momie).

Cuối tháng 4-1983, do yêu cầu của Văn phòng 10 thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Viện Khảo cổ học được phân công xuống để xem xét lại gác chuông của chùa Đậu vì lúc đó bị hỏng nặng và đánh giá thêm giá trị của những hiện vật còn lưu giữ ở chùa. Ngày 3-5-1983, đoàn công tác của Viện Khảo cổ học về chùa lần đầu tiên. Ngay hôm đó, tôi đã phát hiện qua vết nứt trên trán và mặt của thiền sư Vũ Khắc Minh có xương sọ ở bên trong. Chính vì vậy, tôi đã quyết định xin phép các cấp lãnh đạo ở

*Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Viện Khảo cổ học. Việt Nam.

Trung ương và địa phương để đưa thi hài thiền sư Vũ Khắc Minh về Bệnh viện Bạch Mai chụp X quang, nhằm chứng minh đây là thi hài của thiền sư đã tịch nguyên dạng, không hề có cốt bằng kim loại hoặc gỗ ở bên trong. Sáu phim X quang đã chứng minh cho điều đó và chúng tôi đã đặt cho phương thức mai táng này một tên gọi mới: tượng táng (làm thành tượng để táng), hay thiền táng (táng trong tư thế ngồi thiền), để phân biệt với các táng thức khác như: thổ táng, hoả táng ,thuỷ táng, thiên táng, huyền táng...được phát hiện ở trên thế giới. Qua nghiên cứu, chúng tôi biết được vết nứt trên trán và mặt của thiền sư Vũ Khắc Minh đã có ngay từ trước năm 1983. Trong 2 bức ảnh tư liệu số 00894 và 00928 chụp năm 1931 hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội và ảnh chụp trong cuốn Những chùa, đình và nhà thờ của Hà Đông - Phong cảnh Hà Đông xuất bản năm 1932, chúng tôi thấy tượng còn bóng nước sơn, không hề có vết nứt nào. Như vậy, chỉ sau vài chục năm, do tượng để trong am cạnh chùa rất ẩm ướt nên đã tạo vết nứt. Riêng vết nứt ở 2 đầu gối, theo lời cụ Nguyễn Văn Sơn (người xã Nguyễn Trãi) nói với tôi vào tháng 6- 1983, “...khoảng đầu những năm của thập kỷ 40 có 2 người ngoại quốc tới xem pho tượng. Chúng đã dùng ba toong đập vỡ đầu gối để xem bên trong có xương không? Sau đó các cụ trong làng đã dùng sơn ta để trát lại...”. Nay vết nứt này đang có xu hướng nứt rộng và dài ra... Một tài liệu khác khẳng định rằng: “... Trận lụt năm 1893 làm hỏng tượng Vũ Khắc Trường, con cháu đã đắp lại mà một trong những người đó là ông Vũ Văn Tuyển”? Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy tượng Vũ Khắc Trường ngoài sơn ta còn được đắp thêm nhiều đất, độ cản quang quá lớn, không thể nghiên cứu được trên phim X quang.

Bên cạnh việc nghiên cứu bằng X quang, đo đạc các đoạn cơ thể theo phương pháp nhân trắc học tượng Vũ Khăc Minh, chúng tôi còn được Tiến sĩ Lê Nguyên Sóc ở Viện Hóa công nghiệp đã tiến hành nghiên cứu chất bồi bằng phương pháp “Quang phổ phát xạ vùng tử ngoại” và phương pháp “Nhiễu xạ tia Roentgen”. Các kết quả thu được hầu như phù hợp với ý kiến của chúng tôi đã nêu ra trước đây: chất bồi là đất gò mối, mịn, tơi, trộn với sơn sống và mùn cưa, giấy dó giã nhỏ.

Do cả 2 pho tượng bị xuống cấp trầm trọng, nên đầu năm 2003, Dự án tu bổ, bảo quản hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại Chùa Đậu, huyện Thường Tín, Hà Tây đã được phê duyệt, với tổng kinh phí: xấp xỉ 330 triệu đồng. Đây là dự án mà cơ quan chủ quản đầu tư là UBND tỉnh Hà Tây, còn Sở VHTT Hà Tây là đơn vị chủ đầu tư. Bộ VHTT đã giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam làm cơ quan lập thiết kế và phương án thi công. Nhóm công tác trực tiếp gồm 5 thành viên: PGS.TS. Nguyễn Lân Cường (chủ nhiệm Dự án), hoạ sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân, các nhà điêu khắc Phạm Xuân Sinh, Nguyễn Ngọc Lâm, và kỹ sư Nguyễn Mạnh Hà. Nhiều cán bộ khác của Viện 69, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp,

Viện Bảo tàng Mỹ thuật, Sở VHTT Hà Tây, Nhà máy kính Đáp Cầu, HTX Công nghiệp Từ Vân, Đông Anh... cũng tham gia từng phần của Dự án.

Bên cạnh đó là Ban Quản lý dự án và Ban Cố vấn với nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu có tên tuổi như: GS.TSKH. Lưu Trần Tiêu, GS. Trần Quốc Vượng, TS. Đặng Văn Bài, TS. Phạm Quốc Quân, TS. Lại Văn Hòa, nhà sử học Dương Trung Quốc...

Dự án được khởi công ngày 184-2003 và kết thúc vào ngày 3-11-2003.

Ông Đặng Văn Tu, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Hà Tây đã đề nghị tư tưởng chủ đạo của việc tu bổ và bảo quản là: “Giữ gìn truyền thống dân tộc thể hiện qua chất liệu chủ yếu bằng sơn ta, kết hợp với các phương pháp hiện đại (diệt khuẩn, chụp X quang, bảo quản trong môi trường khí Nitơ...).

Gắng tu bổ với đúng nguyên bản ban đầu có nghĩa là hỏng đâu sửa đấy.

Trong khi tu bổ tượng gốc của thiền sư Vũ Khắc Minh, chúng tôi đã phát hiện ở đầu gối phải và phần đáy của tượng có những rãnh nhỏ, to do côn trùng và vi sinh vật làm huỷ hoại. Nếu không kịp thời xử lý thì chỉ sau một thời gian ngắn nữa pho tượng gốc sẽ bị hỏng trầm trọng. Các nhà khoa học của Viện 69, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành bơm thuốc vào trong tượng bằng phương pháp aeroson và xông để diệt vi sinh vật, côn trùng ở bên trong và ngoài tượng. Muốn bảo đảm sự gắn kết bền vững của 2 loại sơn cũ và mới ở các vết nứt trên đầu, mặt và 2 đầu gối, chúng tôi đã mở rộng thêm vết nứt mỗi bên khoảng 10mm và sâu 1mm, rồi mới gia cố bằng vải màn trộn sơn sống, phủ lên phần này. Thực hiện được biện pháp này sẽ đưa độ bền vững của pho tượng gốc từ 50 năm lên tới hàng trăm năm. Với kỹ thuật truyền thống: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như: sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất, chúng tôi đã tiến hành 14 lớp sơn và thếp vàng đối với tượng gốc Vũ Khắc Minh.

Những chỗ thếp vàng cũ còn tốt chúng tôi vẫn giữ nguyên. Trong khi phủ các lớp sơn, chúng tôi đã phát hiện ra pho tượng nguyên bản này đã được tu bổ hai lần. Lớp trong thếp vàng, còn lớp ngoài thếp bạc.

Đối với phần hốc mắt, và hàm trên do bị nứt vỡ nhiều nên chúng tôi đã gia cố thêm cho bền vững bằng cách đưa vải màn có tẩm sơn ta vào qua các khe nứt. Qua lỗ thủng sẵn có ở sau gáy, chúng tôi cũng đổ sơn sống vào để cố định bề mặt trong tạo cho vỏ bao chắc chắn, tránh sự xâm nhập của vi sinh vật và côn trùng. Toàn bộ pho tượng sau khi tu bổ nặng: 7,5 kg (trước khi tu bổ là 7 kg).

1. Đổ khuôn tượng thiền sư Vũ Khắc Minh bằng thạch cao để làm tượng đối chứng

Mục đích của công đoạn này là để sau này mọi người thấy được trước khi Nhà nước tu bổ tượng thì thực trạng của pho tượng cổ thiền sư Vũ Khắc Minh bị hư hỏng ra sao. Đây là một công đoạn rất khó khăn, vì nếu không thận trọng sẽ có thể làm nứt, gẫy pho tượng gốc. Chúng tôi đã bàn

bạc, quyết định dùng đất sét, thạch cao đổ khuôn từng phần của tượng sau đó mới chắp ghép lại. Kết quả pho tượng đối chứng được hoàn thành đúng như dự án, không hề ảnh hưởng tới pho tượng gốc. Pho tượng này được phủ 11 lớp sơn và thếp bạc, làm lại các vết nứt vỡ ở đầu, mặt và 2 đầu gối, giống như pho tượng gốc khi chưa tu bổ để tiện việc đối chứng. Toàn bộ pho tượng nặng 20 kg.

2. Tạo tượng đất thiền sư Vũ Khắc Trường để đổ khuôn

Với tượng thiền sư Vũ Khắc Trường, do trận lụt lớn vào năm 1893 ngập am đặt tượng, nên pho này bị hỏng nặng. Tính đến nay đã là 111 năm, chất liệu bồi của thiền sư bắt đầu bị huỷ hoại và làm nứt vỡ ở nhiều chỗ.

Đằng sau tượng, nhìn rõ phần giá gỗ làm trục đỡ cho pho tượng đã bị mục nát. Vùng quanh thắt lưng cũng bị nứt. Để bảo đảm an toàn cho pho tượng Vũ Khắc Trường, chúng tôi thấy không thể tiến hành đổ khuôn trực tiếp trên tượng gốc. Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi đã quyết định tiến hành nặn một pho tượng bằng đất sét giống tượng thiền sư Vũ Khắc Trường, có bổ xung thêm phần chân trái và 2 bàn tay theo các ảnh chụp từ năm 1931- 1932. Sau đó đổ khuôn pho tượng đất này để tạo pho tượng đối chứng thiền sư Vũ Khắc Trường bằng thạch cao. Chúng tôi cũng tiến hành đổ khuôn thạch cao 2 xương đùi, 2 xương chày, xương đốt bàn tay phải để đặt vào tượng đối chứng cho giống với pho tượng Vũ Khắc Trường trước lúc tu bổ.

Pho tượng được phủ 14 lớp sơn và nặng 30 kg.

Pho tượng chính thiền sư Vũ Khắc Trường bị hỏng nặng, do đó phải gia cố bằng bó sơn ta và vải màn (phần thân), giấy dó (phần đầu) cùng các phụ gia như đất sét, mùn cưa. Kết quả có được một vỏ bọc chắc chắn bao ngoài pho tượng cũ. Với mục đích làm giảm nhẹ trọng lượng pho tượng, chúng tôi đã gỡ bớt đất trong lòng tượng. Phần chân và tay bị hỏng nặng nhất, làm rời ra cả 2 xương đùi, 2 xương chày, 1 xương đòn phải, 1 xương sên bên phải, 1 răng cửa trong bên trái nhuộm đen và 1 xương đốt bàn tay bên phải. Chúng tôi đã tiến hành đo đạc và chụp X quang xương đùi, xương chày, xương đòn, xương sên và răng (vì đã rời ra ngoài) tại Khoa X quang Bệnh viện Tâm thần Trung ương để tìm hiểu chiều cao, giới tính, tuổi, tình trạng sức khỏe và bệnh lý... Qua nghiên cứu được biết: xương sọ, xương đùi, xương chày, xương mác còn khá nguyên vẹn, nhưng xắp xếp lộn xộn: xương chày bên phải lắp sang bên trái và ngược lại. Xương mác của cả 2 ống chân lại được đưa lên xếp cùng với cả 2 xương cánh tay.

Xương sườn và đốt sống đã bị tiêu. Theo nghiên cứu của chúng tôi (trên xương, trên phim X quang và độ mòn của răng cửa...) thì thiền sư Vũ Khắc Trường là một người đàn ông trên dưới 40 tuổi, cao khoảng 1m 65. Không có bệnh lý thể hiện trên xương. Sau đó tiến hành xông thuốc lần 2 toàn bộ pho tượng rồi phủ xương bằng dung dịch PVC. Đưa lại các xương vào trong tượng và bao kín toàn tượng. Chúng tôi đã tráng sơn ta ở mặt trong tượng và dùng tre sóc đã được ngâm tẩm, kết hợp với vải màn để làm cốt

đỡ ở bên trong tượng. Đáy tượng được gia cố thêm bằng gỗ mít và bọc vải màn ở bên ngoài, làm cho pho tượng bền, chắc. Dùng sơn ta phủ lên toàn bộ pho tượng, với độ dày không vượt quá 3 mm. Chúng tôi đã tiến hành phủ sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc mà chỗ dày nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng thiền sư Vũ Khắc Trường nặng 31 kg.

Một nhiệm vụ quan trọng của dự án này là vấn đề bảo quản 2 pho tượng sau khi đã tu bổ. Trong dự án đầu tiên, chúng tôi dự định dùng máy Munter để bảo quản 2 pho tượng cổ. Nhưng trong cuộc họp ngày 12-9-2002, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau khi thảo luận kỹ giữa các nhà khoa học của Viện Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, Viện 69 Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Tổng hợp Hà Tây, chúng tôi thấy cần thiết phải thay đổi việc dùng thiết bị Munter bằng việc sử dụng môi trường khí trơ (Nitơ và CO2) có khí Nitơ. Phương pháp này vừa tiết kiệm được kinh phí vừa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và nhà chùa. HTX Công nghiệp Từ Vân, Đông Anh đã đảm nhận việc làm 2 khám bằng gỗ mít. Các phần của khám được liên kết với nhau bằng mộng và đinh tre. Bên ngoài sơn son thếp vàng. Nhà máy kính Đáp Cầu cũng đã đúc những tấm kính dày 1cm đúng với kích cỡ của dự án để Viện 69 Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lắp ráp thành hộp kính kín, nặng 120kg. Hòm kính được lắp 2 van nạp và xả khí (loại van 1 chiều). Và đưa khí Nitơ vào bằng phương pháp

“ủuoồi khớ”.

Ngày 3 tháng 11 năm 2003, khí Nitơ được bơm vào hộp kính, đây là công đoạn cuối cùng của dự án. Như vậy là đúng 6 tháng rưỡi, Dự án tu bổ - bảo quản 2 pho tượng cổ Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại Chùa Đậu, huyện Thường Tín, Hà Tây đã khép lại.Dự án của chúng tôi đã được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, tiết kiệm, đúng tiến độ và đạt kết quả đáng khích lệ. Chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về sự thành công của việc tu bổ và bảo quản 2 pho tượng cổ, mặc dầu có những phát sinh trong quá trình tu bổ. Có được thành công này, trước hết phải nhắc đến sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Trung ương và địa phương đã về tận Chùa Đậu để nghe và góp ý kiến trực tiếp cho dự án. Nhiều cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, nhiều nhà khoa học, nhiều nghệ sĩ đã đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào sự thành công của dự án. Với riêng anh em chúng tôi thì còn có một nguyên nhân nữa đó chính là những kinh nghiệm đã thu được cách đây hơn 10 năm khi chúng tôi lần đầu tiên phục nguyên lại pho tượng cổ ở chùa Phật Tích...

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 145 - 149)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(762 trang)