VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA LỄ HỘI TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA DÂN TỘC

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 461 - 464)

BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC

I. VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA LỄ HỘI TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA DÂN TỘC

Lễ hội nhằm thỏa mãn đời sống tâm linh và đáp ứng yêu cầu vui chơi giải trí của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động. Có thể nói, lễ hội là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người và xã hội. Lễ hội như bản thân tên gọi của nó bao gồm hai phần:

phần lễ và phần hội, hai phần này có sự tác động ảnh hưởng qua lại nhau, trong đó phần lễ là phần “linh thiêng”, là tinh thần của lễ hội. Đó là những nghi thức được tiến hành nhằm đánh dấu hay kỷ niệm một sự kiện có ý nghĩa nào đó, nó bao gồm việc cúng tế, rước xách thể hiện sự linh thiêng trang trọng (lễ cúng có thể là cỗ chay, cỗ mặn, phần nhiều là hương hoa,

* Thạc sĩ, Phân viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Việt Nam.

bánh quả, tùy việc, tùy nơi và theo quy định, tập tục của từng địa phương.

Sự linh thiêng trang trọng đó còn được thể hiện ở hoạt động rước xách, có những lễ hội rước trong phạm vi làng, có những lễ hội rước từ làng này sang làng khác theo quy ước đã được định sẵn. Việc rước thể hiện tính cộng đồng lớn lao của mỗi địa phương, mỗi làng xã, đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi người khi tham dự lễ hội đều phải thấy được ý nghĩa của lễ hội và mục đích của bản thân mình khi tham gia lễ hội. Do vậy, họ ý thức được tính linh thiêng, sự trang nghiêm của buổi lễ và điều đó đã thỏa mãn một phần đời sống tâm linh của họ, thỏa mãn những nhu cầu, ước vọng hay một sự thuần khiết, thanh thản trong tâm hồn.

Phần hội là phần vui chơi có tính chất giải trí. Đó là những cuộc vui được tổ chức cho đông đảo người đến dự, tham gia theo phong tục hay phong trào. Tuy mang tính chất giải trí nhưng những trò chơi đó phải gắn liền với ý nghĩa buổi lễ và phù hợp với những sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc, đồng thời những hoạt động vui chơi đó phải có tính giáo dục cao, hướng mọi người vào những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đó là những hoạt động văn hóa - văn nghệ, những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện sự cộng cảm, tính cộng đồng cố kết của làng xã, họ tộc, dân tộc với sự đóng góp hào hứng về vật chất, tinh thần, sự tham gia thành tâm để hưởng thụ và sáng tạo của mọi thành viên. Nhìn chung, các lễ hội thường được hình thành dựa vào một tín ngưỡng nhất định, từ đó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng sinh hoạt văn hóa nhằm tạo nên một tổng thể lễ hội. Vì vậy trong lễ hội phần lễ là phần gốc rễ, phần chủ đạo, còn phần hội là phần phát sinh, phần tích hợp.

Phần lớn lễ hội nước ta là hội làng, chứa đựng tính cộng đồng làng xã, cuốn hút tâm linh con người hướng về cội nguồn như mỗi gia tộc có giỗ tổ, mỗi làng xã có lễ thành hoàng và bao trùm cao nhất là giỗ tổ Hùng Vương của dân tộc Việt Nam ta. Trong đó phần lễ chính nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, thỏa mãn ước vọng, mong muốn của con người trước những khó khăn vất vả trong mưu sinh cuộc sống, đưa đến cho họ sự thanh thản, bình an trong tâm hồn, giải tỏa những u uất bức bối trong lòng. Lễ hội tồn tại được chính là ở tính nhân văn hướng thiện và nội dung giáo dục sâu sắc của nó. Ngoài cái chung của lễ hội là hướng về cội nguồn, đền ơn, đáp nghĩa, tôn vinh cái đẹp, cái cao cả, bày tỏ lòng thành kính ngưỡng mộ, biết ơn các vị thần linh, thành hoàng, tổ tiên đã có công xây dựng làng xã, đất nước, thì lễ hội còn đem đến cho người tham gia sự nhờ cậy, cầu mong giúp đỡ về mặt tinh thần, tâm linh, phản ánh những khát khao, mong mỏi cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Đặc biệt là ngăn ngừa cái xấu, cái ác, làm nhiều điều tốt.

Nói đến lễ hội không thể không nói đến sự đông vui, tính cộng đồng của nó, người ta đến với lễ hội không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà

còn nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, giao lưu học hỏi bởi con người ta rất cần sự vui vẻ để thêm sức mạnh, vượt mọi khó khăn trên những bước đường đời. Do vậy, lễ hội là môi trường giáo dưỡng và rèn luyện rất tốt, thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi từ cụ già, các cô bác cho đến các em nhỏ và đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ngày nay, bên cạnh những lễ hội truyền thống của dân tộc vẫn được bảo tồn và phát huy, xuất hiện thêm nhiều lễ hội quần chúng mới.

Những lễ hội mới này về cơ bản vẫn giữ được bản sắc dân tộc, đồng thời còn khẳng định tính hiện đại của nó phù hợp với thời đại lịch sử mới, lôi cuốn hấp dẫn mọi người tham gia, đặc biệt là lớp trẻ. Trong điều kiện hiện nay những lễ hội đó thực sự có ý nghĩa, bởi nó vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân vừa giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa nghệ thuật, đạo lý của dân tộc cho đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Hơn nữa, thông qua lễ hội mọi người nâng cao trình độ hiểu biết, mở rộng giao lưu, giao tiếp và hơn cả là tính cộng đồng cố kết càng được thắt chặt, mật thiết. Ý thức cộng đồng được tăng cường hơn nữa qua lễ hội.

Chúng ta đều biết rằng, nói đến lễ hội là nói đến sự tập hợp đông người với quy mô rộng lớn nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng và vui chơi giải trí của họ. Một điều dễ nhận thấy là, lễ hội bao giờ cũng là không gian, thời gian biểu dương sức mạnh cộng đồng mạnh mẽ và đông đảo nhất, ở đó mọi người biểu hiện mối quan hệ giao tiếp, ứng xử tốt đẹp giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng; mỗi địa phương, làng xã, dân tộc phô diễn những nét văn hóa đặc sắc của mình, tự hào về truyền thống địa phương, dân tộc và điều đó có tác dụng cổ vũ, động viên nhân dân tích cực lao động tạo ra những giá trị văn hóa mới cho cộng đồng. Bên cạnh đó, lễ hội còn là nơi tốt nhất để rèn rũa ý thức cộng đồng, tăng cường vai trò làm chủ của nhân dân, bởi lễ hội là công việc chung của làng, của nước nên mọi thành viên đều có quyền và nghĩa vụ tham gia tổ chức, quản lý, thưởng thức giá trị tinh thần trong sinh hoạt lễ hội. Nghĩa vụ và quyền lợi đó không chỉ là giữa cá nhân với cá nhân hay với cộng đồng, mà là quyền và nghĩa vụ đối với chính biểu tượng thiêng liêng của làng, địa phương, dân tộc đó. Do vậy, quyền lợi và nghĩa vụ cao cả đó mang tính chất thiêng liêng được mọi người tự giác thực hiện, từ đó hình thành nên ý thức tự quản, ý thức cộng đồng một cách chặt chẽ, tự giác và sâu sắc. Điều đó khẳng định rằng, lễ hội là một sinh hoạt văn hóa tinh thần mang tính tự nguyện, tự giác và phản ánh nhu cầu khát vọng của bản thân mỗi cá nhân, mỗi tập thể cộng đồng.

Trước xu thế mở cửa và hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đang được đặt ra bức thiết, trong đó lễ hội đóng vai trò không nhỏ. Do vậy, trên lĩnh vực văn hóa,

Đảng ta luôn đặt trọng tâm là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Lễ hội truyền thống là một biểu hiện của bản sắc văn hóa dân tộc ta.

Bản sắc ấy không hề bị ảnh hưởng của các tôn giáo, tín ngưỡng ngoại lai, nó luôn mang những nét đặc trưng của dân tộc mình, ngược lại, các tôn giáo, tín ngưỡng khác muốn thâm nhập vào đời sống cộng đồng dân tộc ta thì phải hòa nhập vào bản sắc văn hóa của dân tộc. Và như vậy, lễ hội có một vị trí vô cùng quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhờ đó mà ngày nay, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chúng ta vẫn có thể nhận biết được quá khứ của cha ông để lại thông qua những nghi lễ và những diễn trình của lễ hội. Sở dĩ có được điều đó là bởi xuất phát từ chức năng phản ánh hiện thực và bảo lưu truyền thống văn hóa - một chức năng được coi là quan trọng hàng đầu của lễ hội.

Cùng với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, lễ hội còn là môi trường tốt nhất diễn ra quá trình tiếp biến và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống giữa các thế hệ. Những thế hệ đi trước bảo lưu và truyền lại cho thế hệ đi sau những sinh hoạt văn hóa tinh thần có giá trị về lịch sử và đạo lý sống, về lao động sản xuất và tinh thần thượng võ… của dân tộc. Và nhiệm vụ của thế hệ đi sau là phải tiếp thu một cách tích cực và sáng tạo những giá trị văn hóa đó để rồi tiếp tục bảo lưu và truyền lại cho thế hệ tiếp sau. Đồng thời lễ hội là điều kiện rất thuận lợi để tăng cường giao lưu, hiểu biết giữa chúng ta với bè bạn quốc tế, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển - hòa nhập nhưng không hòa tan.

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 461 - 464)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(762 trang)