PHÁT HIỆN VÀ CÁC VẤN ĐỀ
II. PHÁT HIỆN MỚI VÀ CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA
5. Những đặc điểm nghệ thuật của sử thi
Có lẽ lúc này chúng ta chưa có đủ những văn bản sử thi cần thiết để có thể nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ những đặc điểm nghệ thuật của Sử thi Tây Nguyên. Do vậy, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đã đạt được, chúng ta cũng chỉ có thể bước đầu nêu những nhận xét sơ bộ, coi đó như là những gợi ý cho việc nghiên cứu sau này.
Trước nhất, Sử thi Tây Nguyên thuộc loại hình văn học truyền miệng, do vậy ngôn ngữ thể hiện bao giờ cũng có ý nghĩa hàng đầu. Ngôn ngữ sử thi là ngôn ngữ lời nói vần, tức hình thức trung gian giữa ngôn ngữ thường ngày và ngôn ngữ thơ ca. Cũng cần phải nói thêm rằng, lời nói vần không chỉ sử dụng trong sử thi mà trong nhiều hình thức văn học truyền miệng khác, kể cả trong giao tiếp thường ngày. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì các tộc người chưa có chữ viết thì văn học truyền miệng thông qua phương thức lời nói vần là phương tiện dễ nhớ, dễ lưu truyền. Cấu tạo của những lời nói vần thường là đối âm, đối nhịp, thí dụ:
“Sa eõtuh coõ chua, ủua eõbao coõ kjuk”
(Một trăm người vạch luống, hai ngàn người moi lỗ) Hay:
“Dlaêng mnuih kpluk kplak doâk buh, mnuih juõ si knam, tam si muoâr hdam”
(Thấy người đi đi lại lại tỉa lúa, người đen như mây, lô nhô như kiến nhử moỏi).
Ngôn ngữ của sử thi là ngôn ngữ ví von, giầu hình ảnh, nhạc điệu, mượn hình ảnh cây cỏ, chim thú để nói về con người và tâm trạng của con người. Khan Êđê khi mô tả vẻ đẹp của các chàng trai, cô gái đều có cách ví von, diễn tả sinh động: “Anh đi trên đường cái thoăn thoắt như con rắn Prao huê. Anh đi trong đám cỏ tranh nhanh như rắn Prao hơmát. Mỗi khi anh dẫm mạnh vào ngạch cửa làm nhà sàn rung rinh bảy lần”, hay “Nàng đi đủng đỉnh, thân mình uyển chuyển như cành cây Blô sai quá, mềm dẻo như những cành trên ngọn cây, gió đưa đi đưa lại… Nàng đi như chim phụng bay, như chim diều lượn trên không, như nước chảy dưới suối…”.
Khi mô tả tiếng chiêng thì như có cả động tác lẫn âm thanh: “Đánh lên cho tiếng chiêng lan ra khắp xứ, đánh lên cho tiếng chiêng luồn qua sàn xuống đất. Đánh lên cho tiếng chiêng vượt mái nhà vang lên tới tận trời.
Đánh cho khỉ quên ôm chặt cành cây, cho ma quỷ cũng quên làm hại con
người. Đánh cho chuột quên đào lỗ, cho rắn nằm ngay đờ. Cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai ngửng nghe quên ăn cỏ…”.
Tính ngoa dụ, phóng đại là một trong những thủ pháp nghệ thuật của sử thi. Sử thi mô tả đàn “trâu bò đi lúc nhúc như bầy mối kiến”, mô tả nô lệ tôi tớ của tù trưởng “tớ trai đi lại chen chúc nhau ngực sát ngực, tớ gái vú sát vú”, mô tả nhà của các tù trưởng giầu có mái lợp bằng vàng, nền bằng bạc, cầu thang đúc bằng chì…Tính ngoa dụ, phóng đại này không làm cho người nghe, người đọc thấy phi lý, mà nó như hòa nhập một cách tự nhiên với sự kỳ vĩ, hào hứng của không khí sử thi.
Tính kỳ vĩ là một thuộc tính của sử thi của bất cứ một dân tộc nào.
Trước nhất, nội dung của sử thi chứa đựng những biến cố to lớn của dân tộc, là bức tranh toàn cảnh của cả một thời đại. Hơn thế nữa, nghệ thuật phản ánh hiện thực của sử thi là ngoa dụ, phóng đại, cùng với nó là khung cảnh trầm hùng của các hình thức diễn xướng, đôi khi có pha chút tâm linh thần bí, tất cả tạo nên tính thần kỳ, kỳ vĩ của sử thi, rất phù hợp với không khí lịch sử của quá khứ. Có thể nói, nếu không có chất kỳ vĩ, thần kỳ thì cũng không còn là sử thi nữa.
Cũng có thể nói tới cách xây dựng nhân vật anh hùng trong sử thi. Tuy là những người anh hùng không hoàn toàn mang tính cá nhân, mà là đại diện biểu trưng cho cộng đồng, họ mang những dáng vóc, sức mạnh phi thường, mà ở đó cộng đồng ký thác những ước vọng vừa lãng mạn, vừa kỳ vĩ của mình. Tuy nhiên, những người anh hùng như vậy vẫn có số phận, mang dáng vẻ và ít nhiều mang tính cách riêng. Đó là Đăm Xăn không chịu những ràng buộc của xã hội mẫu hệ, bằng những hành động phi thường, chống lại các thế lực thù địch hung bạo như Mtao Grứ, Mtao Mxây, thậm chí chinh phục cả nữ thần Mặt Trời. Xing Nhã lại mang một thân phận khác, trải qua bao tôi luyện để trở thành người anh hùng chiến đấu chống lại tên tù trưởng hung bạo Chi Lơ Bú, quyết trả thù cho cha và cứu mẹ. Lêng, Yang, Tiăng trong Ot Ndrông của người Mnông cũng là những khuôn mẫu người anh hùng, nhưng mỗi người đều có dáng vóc, thân phận, diện mạo riêng. Đó chính là thành công của việc xây dựng những nhân vật anh hùng của nghệ nhân dân gian sáng tạo sử thi.
6. Sử thi Tây Nguyên là sử thi “sống”
Nét khác biệt giữa Sử thi Tây Nguyên với nhiều tác phẩm sử thi cổ điển khác, như Iliat, Ôđitxê, Ramayana, Kalêvala… là hiện nay chúng chỉ tồn tại chủ yếu trên sách vở hay đã bị biến dạng trong các hình thức nghệ thuật khác, còn Sử thi Tây Nguyên vẫn được lưu truyền nguyên bản trong nhân dân, vẫn được nhân dân trình diễn trong các sinh hoạt cộng đồng, vẫn được các thế hệ học hỏi, lưu truyền và không loại trừ cả sáng tạo, hoàn thiện nữa. Như vậy, Sử thi Tây Nguyên vẫn sống đời sống riêng của nó trong lòng đời sống cộng đồng. Đó cũng là nét độc đáo, là vốn quý của Sử thi Tây Nguyên.
Sử thi Tây Nguyên là dạng văn hóa phi vật thể, sáng tạo, lưu truyền thông qua truyền miệng, tiềm ẩn trong trí nhớ của người dân, chỉ khi nào có dịp, như cưới xin, hội hè, mừng nhà mới, đón tiếp khách quý, mừng trẻ nhỏ đầy năm, đầy tháng… thì nghệ nhân mới hát kể sử thi, lúc đó sử thi mới hiện hữu. Như vậy sử thi gắn với nghệ nhân, gắn với sinh hoạt cộng đồng, tức là gắn với con người và xã hội con người.
Trong cộng đồng buôn làng các tộc người Tây Nguyên hiện nay, tuy thế hệ các nghệ nhân thuộc và biết hát kể sử thi cũng đã suy giảm đi nhiều, nhưng hầu như buôn làng nào cũng còn những người thuộc sử thi, ít thì một vài đoạn, nhiều thì cũng một vài tác phẩm. Cá biệt, có những nghệ nhân thuộc từ 3-4 đến hàng chục tác phẩm sử thi. Theo thống kê của chúng tôi, số nghệ nhân ở mỗi dân tộc có hàng chục. Người hát kể sử thi, tất nhiên phần lớn là người già, nam có nhiều, nhưng nữ cũng không phải là hiếm. Chỉ tiếc là độ tuổi của lớp người này đã khá cao, sức nhớ đã suy giảm, nếu chúng ta không kịp thời tổ chức sưu tầm thì tổn thất về di sản văn hóa quý báu này thật khó lường.
Sức nuôi dưỡng nguồn sống của sử thi không chỉ phụ thuộc vào đời sống hữu hạn của các nghệ nhân, mà còn phụ thuộc vào môi trường diễn xướng sử thi. Cách đây chưa lâu, khoảng 4 đến 5 thập kỷ trở về trước, những dịp diễn xướng sử thi trong cộng đồng là khá thường xuyên. Đó là những dịp sinh hoạt cộng đồng, lôi cuốn hàng trăm người tới nghe, nhiều khi thâu đêm suốt sáng. Buổi diễn xướng sử thi có khi ở nơi nhà rông của làng, có khi ở phần khách của ngôi nhà dài, cũng có khi diễn ra trên chòi rẫy vào những dịp nông vụ. Người kể sử thi, tùy theo dân tộc, có thể nằm, có thể ngồi, người nghe ngồi quây xung quanh bếp lửa cháy bập bùng.
Cũng có khi, như ở người Ba Na, khi nghệ nhân cất tiếng hát (Hmon), thì củi lửa phải tắt hết, bốn phía một màn đêm tối bao phủ, vì theo quan niệm dân gian, như vậy thì các thần linh, các nhân vật anh hùng mới trở về cùng với lời hát của nghệ nhân. Người nghe sử thi im phăng phắc, hồi hộp, lý thú dõi theo câu chuyện thoát ra từ lời hát lúc cao giọng trầm hùng, lúc thầm thì tâm sự. Khi diễn xướng, chỉ có lời hát với sự phụ họa của điệu bộ, nét mặt diễn tả tình tiết câu chuyện, tâm trạng nhân vật, hầu như người ta không dùng tới nhạc cụ hay sự bổ trợ nào khác.
Trong các buổi diễn xướng sử thi có phần đơn giản như vậy, bên cạnh người hát, người nghe, còn có những người đến để ngồi học theo kiểu nhập tâm. Họ là những người yêu thích sử thi, có trí nhớ tốt, lâu dần rồi cũng thuộc. Không ít những người hát kể sử thi là do cha truyền con nối.
Nhờ có những người nghệ nhân dân gian này, sử thi mới có thể truyền từ đời này sang đời khác như là dòng máu lưu thông trong huyết quản.
Chỉ tiếc là mấy thập kỷ gần đây, do tác động của nhiều nhân tố xã hội, văn hóa mới, các buổi hát kể sử thi như vậy thưa dần, một phần, các cụ nghệ nhân cao tuổi đã lần lượt ra đi, những lớp trẻ không còn ham thích,
chểnh mảng việc học hát, học kể sử thi, khiến cho Sử thi Tây Nguyên vốn là sử thi “sống”, đang có nguy cơ lâm vào cơn hấp hối. Nếu không kịp thời bảo tồn, giữ gìn sử thi và diễn xướng sử thi trong sinh hoạt cộng đồng, thì con cháu chúng ta sau này may mắn lắm cũng chỉ có thể thấy cái “xác chết” vô hồn của Sử thi Tây Nguyên trên các trang sách mà thôi!