Tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế do Đảng và Nhà nước Việt Nam khởi xướng chính là một cơ hội to lớn chưa từng có trong lịch sử nước ta để mở rộng giao lưu văn hoá với bên ngoài trên mọi lĩnh vực. Sự giao lưu văn hoá này đã có những tác động to lớn đến VHKD Việt Nam, thể hiện trên các mặt sau:
1. Tác động tích cực
- Tiến trình toàn cầu hoá, quốc tế hoá nền kinh tế đã có những tác động to lớn đến VHKD Việt Nam. Trước hết, tiến trình này đã góp phần làm hoạt động kinh doanh ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhiều loại hình kinh doanh mới ra đời như các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, các hình thức kinh doanh quốc tế. Lợi nhuận thu được từ kinh doanh cũng tăng lên. Điều này càng góp phần khẳng định và nâng cao vai trò của kinh doanh nói chung và doanh nhân nói riêng trong xã hội Việt Nam.
- Tiến trình hội nhập đã mở cửa cho nền kinh tế Việt Nam hoà nhập cùng nền kinh tế thế giới, môi trường kinh doanh được mở rộng, sôi động, cơ hội và thách thức nhiều lên đã tạo điều kiện cho các doanh nhân Việt Nam có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, nâng cao trình độ kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường. Các doanh nhân Việt Nam lần đầu tiên được tiếp xúc với các kỹ năng hoàn toàn mới như Marketing, xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ,… làm phong phú thêm cho kho tàng kiến thức về kinh doanh của người Việt Nam.
- Việc giao lưu với các nền VHKD bên ngoài đã bổ sung thêm những giá trị mới cho VHKD Việt Nam như tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường,… Trong thời đại toàn cầu hoá, quốc tế hoá nền kinh tế như hiện nay, mọi quốc gia đều phải chấp nhận một luật chơi chung, những giá trị chung để cùng hợp tác phát triển. Vì vậy VHKD Việt Nam cũng được làm giàu thêm bằng việc tiếp thu thêm những giá trị mới từ bên ngoài, để hội nhập cùng VHKD các nước.
- Quá trình cọ xát với thị trường nước ngoài đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam, giúp các doanh nhân Việt Nam xích lại gần
nhau, khiến họ kinh doanh không chỉ vì lợi nhuận mà còn để tôn vinh tên tuổi Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các công ty Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng ở nước ngoài như Trung Nguyên, Legamex, Vinataba,... đều khẳng định: mục đích bảo vệ thương hiệu của họ không phải chỉ để thu được lợi nhuận, mà còn để bảo vệ uy tín của dân tộc. Những người Việt Nam đã từng có quá trình sống và làm việc ở nước ngoài chắc đều có thể chia sẻ cảm giác tự hào khi được nhìn thấy dòng chữ Made in Vietnam trên các nhãn hàng bán ở nước ngoài. Sự hiện diện của dòng chữ đó trong các cửa hiệu ở nước ngoài không chỉ đơn thuần là một thành công về kinh tế, mà còn là một thành công về mặt văn hoá của Việt Nam, bởi vì thương mại quốc tế chính là sự chuyển giao sản phẩm và dịch vụ được sản xuất từ một nền văn hoá này cho những người ở nền văn hoá khác sử dụng.
2. Tác động tiêu cực
Để hiểu được tác động tiêu cực của thời kỳ mở cửa đến văn hoá Việt Nam nói chung, và VHKD Việt Nam nói riêng, chúng ta cần nhìn lại đôi chút bối cảnh lịch sử của đất nước.
Suốt thời kỳ phong kiến kéo dài hàng mấy ngàn năm, các triều đại phong kiến nước ta đều tiến hành chính sách bế quan toả cảng, không giao lưu với bên ngoài. Chính vì vậy, người dân Việt Nam gần như không có cơ hội xuất ngoại, hoặc tiếp xúc với người nước ngoài. Người duy nhất có cơ hội ra nước ngoài thời đó là những vị quan đi sứ, mà chủ yếu là sang Trung Quốc. Những chuyến đi này thường kéo dài vài ba tháng, thậm chí đến cả năm và là một nỗi thống khổ cho cả người ra đi cũng như với gia đình họ. Cộng thêm sự căng thẳng vì phải đối phó với bên ngoài, sao cho vừa bảo vệ được quốc thể, vừa giữ được tính mạng mình, không có gì đáng ngạc nhiên khi các quan lại đều ngại ngần khi phải tham gia những chuyến đi như vậy. Tuy nhiên, những chuyến đi này cũng đem lại những lợi ích nhất định, khi một số vị quan đã học lỏm được một số ngành nghề của Trung Quốc, rồi đem về truyền lại cho người Việt Nam như nghề trồng ngô, nghề thêu,…nhưng những cách tân lớn hơn như cách tân về công nghệ, tư tưởng,…đều không được tiếp nhận vì không được triều đình hưởng ứng. Bản thân nhà vua, nếu quốc gia thái bình, cũng hiếm khi bước chân ra khỏi cấm thành, chứ đừng nói đến việc ra nước ngoài. Những người nước ngoài đến Việt Nam rất ít ỏi, chủ yếu là những người đi sứ hoặc thời gian sau này là một số nhà truyền giáo.
Những người này đều bị triều đình giới hạn tiếp xúc với dân chúng, nên phạm vi ảnh hưởng cũng rất hẹp. Nền giáo dục nước nhà lại chủ yếu dựa trên việc “đọc sách thánh hiền”, yêu cầu con người làm đúng những gì người xưa đã dạy, cấm ngặt mọi sự cách tân. Chính vì vậy, người Việt Nam không được chuẩn bị để tiếp xúc với bên ngoài. Những câu chuyện về sự kinh ngạc, thậm chí sợ hãi của người Việt Nam khi lần đầu tiếp xúc với người Pháp vào nửa sau thế kỷ thứ XIX, như tưởng họ là ma quỷ
vì hình thức khác lạ của họ, cho họ là người có phép thần thông vì nhìn thấy các vật từ xa (bằng ống nhòm), thở ra khói (vì hút thuốc lá), giết người mà không cần lại gần (bắn súng)…, đã chứng minh cho sự lạc hậu của nước ta thời đó. Hơn nữa, thay vì ý thức được lợi ích của việc được tiếp xúc với những điều mới từ bên ngoài để tìm hiểu và học hỏi những gì cần thiết, người Việt Nam lại thường có tâm lý nghi kỵ với những điều mới, thậm chí muốn phủ nhận nó để chỉ chấp nhận những gì đã quen thuộc. Đến thời Pháp thuộc và thời bao cấp, sự giao lưu với bên ngoài có nhiều hơn, nhưng tập trung chủ yếu ở thành phố, trong các tầng lớp trí thức, nên ảnh hưởng chưa rộng khắp. Hơn nữa, trong ý thức hệ của người Việt Nam chưa có gì thay đổi. Lịch sử Việt Nam đã cho thấy, hầu hết những người có tư tưởng cách tân, muốn cải cách xã hội không những không được xã hội ủng hộ, hay ít ra cũng khâm phục lòng dũng cảm của họ, mà còn bị dè bỉu, chê bai là chạy theo ngoại bang, lai căng, mất gốc… Chính vì vậy, những nhà cải cách Việt Nam như Nguyễn Trường Tộ, Đặng Huy Trứ,… đều không thành công, những tư tưởng của các ông bị người đương thời quên lãng. Với truyền thống bị cô lập và tư tưởng nghi kỵ bên ngoài như vậy, người Việt Nam luôn không tự tin khi phải giao tiếp với bên ngoài. Chính vì vậy, thời kỳ đổi mới với những giao lưu văn hoá rộng rãi quả đã đem lại một cú sốc lớn cho VHKD Việt Nam. Một mặt, đại đa số người Việt Nam nhận thấy sự cần thiết phải mở cửa, học hỏi những kiến thức mới từ nước ngoài. Hơn nữa, chính sách Nhà nước ta cũng ủng hộ sự đổi mới. Mặt khác, cách suy nghĩ lâu đời không thể một sớm một chiều mà dứt bỏ được. Vì thế, trong phản ứng của người Việt Nam chia làm hai thái cực:
- Một số người Việt Nam không có bản lĩnh văn hoá vững vàng, sa vào trạng thái choáng ngợp trước những thành tựu kinh tế của phương Tây, trở nên sùng ngoại quá đáng, phủ nhận tất cả những giá trị cổ truyền của dân tộc. Những người này phần đông là giới thanh niên làm việc cho các công ty nước ngoài, và những người kinh doanh bằng viện trợ của thân nhân từ nước ngoài gửi về. Việc đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc mình đã làm họ rập theo khuôn mẫu phương Tây trong mọi hành vi, như quá chuộng tiếng Anh, chuộng ngoại ngữ mà bỏ qua tiếng Việt, sinh hoạt xa hoa, lãng phí, kinh doanh chỉ vì lợi nhuận… Thật ra, văn hoá không phải là đồ ăn nhanh (fastfood), để có thể học theo trong một sớm một chiều, mà cần trải qua nhiều thế hệ. Những khó khăn trong việc hội nhập với xã hội nước ngoài của những người nhập cư, trong đó có Việt Kiều, là minh chứng rõ ràng cho vấn đề này. Chính vì vậy, việc bắt chước thiếu chọn lọc của một nhóm doanh nhân Việt Nam chỉ làm nghèo đi đời sống tinh thần của họ và làm yếu đi bản sắc dân tộc trong VHKD Việt Nam. Sự sùng ngoại quá đáng đó còn làm giảm sút uy tín của doanh nhân Việt Nam trong con mắt của những đối tác nước ngoài, vì họ đã từ bỏ bản chất thật của mình để trở thành đồ giả trong con mắt người ngoại quốc.
- Một số doanh nhân khác, trong đó có cả các nhà quản lý, vẫn giữ tư tưởng bảo thủ, hoặc vì không có điều kiện, hoặc vì không muốn thay đổi, nên đã trở nên lạc hậu với bên ngoài. Thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết trong thời kỳ đổi mới, họ dễ bị thua lỗ, bộc lộ nhiều sai sót trong kinh doanh với các đối tác nước ngoài. Những người này vì thế đã góp phần làm VHKD Việt Nam kém năng động, chậm hoà đồng trong tiến trình hội nhập, ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế của Việt Nam mới chỉ bắt đầu, cả văn hoá và kinh doanh Việt Nam đều đang đứng trước những thuận lợi cũng như thử thách to lớn trên bước đường phát triển sắp tới.
Nhằm phát huy được mặt tích cực và hạn chế những yếu tố tiêu cực với văn hoá Việt Nam nói chung và VHKD nói riêng, chúng ta cần ý thức được những điểm mạnh và yếu trong VHKD Việt Nam, để có thể tích cực, chủ động trong hội nhập, đảm bảo xây dựng một nền VHKD Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XXI.
CHUÙ THÍCH
1. Edgar.Schein, Corporate culture and leadership, Jossey Bass Pulishers. SanFrancisco, 1977, tr. 56.
2. Vern Terpstra, Kemneth David, Cultural enviroment of international business, South-Western Publishing Co.Cicinnati, Ohio, USA, 1991, tr. 50.
3. Phạm Xuân Nam (chủ biên), Văn hoá và kinh doanh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996.
4. Phạm Xuân Nam, Sđd.
5. Đỗ Minh Cương, Văn hoá kinh doanh và triết lý kinh doanh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001, tr. 54.
6. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Văn hoá-Thông tin, Hà Nội 2002, tr. 67, 68, 70, 76.
7. Thư Hoài, Lương Văn Can, người thầy của doanh thương, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 7-2003, tr. 72.
8. Đào Duy Anh, Sđd.
9. Trần Hữu Quang, Tâm lý xã hội và khởi nghiệp kinh doanh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn 10-2003.
10. Đoàn Duy Thành, Diện mạo doanh nhân Việt Nam thế kỷ XXI, Trong:Doanh nghiệp Việt Nam thời kỳ đổi mới. Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
tr.87.
11. Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Hoàng Ánh, Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đàm phán ngoại thương của các doanh nghiệp Việt Nam. Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội 2001, tr.87.
12. Đoàn Duy Thành, Sđd.
13. Nhử treõn.
14. Robinson, 72 vấn đề thực tiễn cần lưu ý trong kinh doanh tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Kinh teá soá 2/1996, tr.89.