SÔNG CỬU LONG TRƯỚC THẾ KỶ X
III. CÁC HÌNH THỨC THỂ HIỆN SƠ KHAI
Cho đến nay, rất nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn tồn tại những “Miếu Ông Tà”, thường là một viên đá cuội, kích thước không lớn lắm, được coi là vật thờ chính. Một vài nơi khác, các mảnh vỡ hoặc còn khá nguyên vẹn của các Linga, Yoni được đặt trong các ngôi miếu nhỏ. Mặc dù có thể cho rằng, đó là dư ảnh của một tín ngưỡng từ
rất xa xưa của tục thờ đá, mối liên hệ thường thấy của chúng với các di tích và di vật khác đưa đến giả thiết rằng, chúng phản ánh tục thờ thần Rudra, một vị thần khủng khiếp, đáng sợ hơn là đáng kính, thường được thờ phổ biến trong dân gian Ấn Độ từ thời cổ xưa, sau này được Hindu giáo phát triển thành vị thần Siva, với biểu tượng phổ biến là Linga. Từ các cuộc khai quật ở Chân Gò Minh Sư thuộc di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) vào các năm 2000-2003 đã phát hiện được rất nhiều viên đá cuội và các viên sỏi nhỏ nhiều màu sắc. Chúng thường có hình thuôn dài, hình hạt đỗ, hoặc hình thuôn dài bị chặt bớt một phần chân. Các viên đất nung hình khối elip cắt đôi góp phần xác định ý nghĩa tôn giáo của các viên sỏi. Trên một vài viên, còn có các vết châm thành hình chữ “ma”, hay hình đinh ba, cho thấy tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự hồi sinh, sinh sôi nảy nở và thờ Siva. Di chỉ này được xác định là một khu cư trú và mộ địa, có thời gian tồn tại khá dài, với một số niên đại C14 của các lớp sớm được xác định từ thế kỉ II tr. CN đến thế kỉ III CN(14) (Lê Thị Liên và những người khác 2002: 852-853). Như thế, có thể giả thiết rằng, trước hết là tín ngưỡng Bàlamôn giáo đã ảnh hưởng tới đời sống cư dân ở đây, trước khi Hindu giáo hoà nhập và phát triển.
2. Linga hiện thực- Biểu tượng của thần Siva dưới hình thức điêu khắc sớm nhất Nguồn gốc của việc thờ Linga là một vấn đề tranh cãi thú vị. Có người cho rằng, Linga được coi là biểu tượng của sự sáng tạo, được người Aryan mượn từ tục thờ cúng sinh thực khí. Nhưng cũng có người cho rằng, Linga chỉ là sự biểu hiện của sự "không có hình dạng" hay là "mọi hình dạng" của thần 'Siva(15) (xem thêm Gupte R. S. 1980: 36-38). Dù thế nào chăng nữa, người ta đã bắt gặp nhiều lối thể hiện hình tượng này khác nhau. Ở giai đoạn sớm, việc thờ Linga hoàn toàn là thờ sinh thực khí. Quá trình quy ước hoá 'Sivalinga dường như chỉ bắt đầu vào giai đoạn Gupta sớm (thế kỉ IV CN)(16) (xem thêm Banerji J. N. 1968: 44, 66). Có lẽ các Linga hiện thực phát hiện ở ĐBSCL đã chứng minh thêm cho nhận định đó.
Tám Linga có hình thức mô phỏng một sinh thực khí nam một cách hiện thực đã được phát hiện. Trong đó 5 hiện vật có kích thước khá lớn và nguyên vẹn phát hiện trước năm 1975 đều thuộc vùng Tranbasac, tập trung nhất ở khu vực Ba Thê-Oc Eo và Bảy Núi(17) (xem thêm Malleret, L.
1959: 380-382). Chúng thường có chân hình vuông hoặc không rõ ràng.
Phần trên thuôn dài, chỏm đầu thuôn tròn, có khi hơi thu nhỏ. Linga phát hiện ở Oc Eo(18) (xem thêm Malleret, L. 1959: Pl. LXXX, a) giống hệt một hiện vật ở Chennittalai, Travancore, được xác định vào thế kỉ I CN(19) (xem thêm Malleret, L. 1959: Pl. LXXX, b, tr. 381). Các chi tiết được chạm nổi mềm mại và tạo cho phần trên có hình thức một khối quy đầu tả thực, đôi khi phình lớn một cách cường điệu, như Linga phát hiện ở Sơn Tô Tự, Bảy Núi(20) (xem thêm Malleret, L. 1959: Fig 51, 2). Lối thể hiện này rất gần gũi với Linga Gudimallam ở Nam Ấn Độ(21) (xem thêm Rao, T. A.G. 1914: tr.
63, 65-68, Pl. II). Lối cường điệu này cũng được thấy khá nhiều trong nghệ thuật Kushana ở vùng Mathura(22) (xem thêm Gerd Kreisel 1986: Abb.6a-c, 7a-b, 175-176). Linga có kích thước lớn nhất thuộc loại này được phát hiện ở Gò Cây Trôm (Oc Eo, An Giang), cao 1, 73m, cho thấy tính chất vĩ đại của biểu tượng (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TP Hồ Chí Minh).
Ba Linga khác, phát hiện sau năm 1975, đều có kích thước nhỏ và được chế tác sơ lược. Một trong số này được phát hiện ở độ sâu 0,75m trong tầng văn hoá cư trú của hố khai quật năm 1994 ở gò Cao Su. Phần trên hình trụ gần tròn, đầu thuôn, chưa thể hiện cột và mí thiêng, có thể đó là sự thể hiện tính chất của một linga tự nhiên. Phần dưới gần có hình vuông, rất thấp, có thể đã bị gãy vỡ. Theo quan điểm của những người khai quật, Linga này trong tình trạng chế tác dở, có niên đại khoảng trước hoặc đầu Coõng nguyeõn(23) (xem theõm Traàn Anh Duừng, Buứi Vaờn Lieõm, Nguyeón ẹaờng Cường 1999: 37). Mảnh vỡ kí hiệu Đa.64 ở Bảo tàng Long An(24) (xem thêm Lê Thị Liên, Hà Văn Cẩn 1994: Phụ lục tr. 27) cho thấy hình thức thể hiện gần với Linga Gò Cây Trôm, mặc dù có kích thước rất nhỏ. Hiện vật ở Nhân Nghĩa, Cần Thơ(25) (xem thêm Lê Thị Liên 1999a), sử dụng đá cuội tự nhiên, cho thấy một hình thức Linga rất sơ khai. Với các vết mài lõm trên thân và kích thước rất nhỏ, nó có thể được dùng như một Daivika Linga, có thể di chuyển được(26) (xem thêm Rao, T. A.G. 1914. II, 1, 76-78). Hình dáng và bề mặt nhẵn bóng của nó có thể đã gợi lên một ý niệm hiện thực cho những người thờ phụng.
Nhìn chung, về niên đại, các Linga hiện thực có thể thuộc vào giai đoạn trước thế kỉ V và là những hình thức điêu khắc Hindu giáo sớm nhất hiện biết ở đồng bằng sông Cửu Long.
3. Thế giới thần thoại Hindu thông qua các biểu tượng
Cũng vào giai đoạn sớm của văn hoá Oc Eo, hầu như rất hiếm các điêu khắc đá có quy mô được phát hiện. Thay vào đó, thế giới thần thoại Hindu dường như được tín đồ thể hiện một cách dễ dàng thuận tiện hơn trên các hiện vật nhỏ. Trong khi vô số các loại đồ trang sức, khuôn đúc và đồ dùng hằng ngày cần được nghiên cứu tiếp tục trong bối cảnh khảo cổ học để xác định tính chất và niên đại, các nhóm di vật vàng phát hiện tại chỗ (in-situ) trong lòng nhiều kiến trúc gạch, cung cấp những chứng cứ phong phuù nhaát.
Vào trước thế kỉ V SCN, một thần điện Hindu giáo, thể hiện chủ yếu bằng các biểu tượng có thể nhận thấy trong các di vật vàng xuất lộ từ khu vực Gò mộ ở di tích Gò Tháp, Đồng Tháp(27) (Lê Thị Liên 1999b). Trong số 321 mảnh vàng nhỏ được phát hiện tại đây, có 299 mảnh có vẽ hình hoặc chữ viết. Ngoài một số ít mảnh quá nhỏ, có hình vẽ chồng chéo nên không phân biệt rõ, đã có thể nhận thấy 65 hình thức thể hiện một hoặc
nhiều hình kết hợp với nhau. Chúng được thể hiện bằng một bút pháp rất thô sơ nhưng sinh động và hồn nhiên. Nhiều hình vẽ mang những ý nghĩa chưa giải thích được, hoặc một hình vẽ khi xuất lộ trong những bối cảnh khác nhau hay kết hợp với các biểu tượng khác nhau sẽ thể hiện những nội dung rất khác nhau. Bước đầu phân tích nội dung của chúng cho thấy, cả Vishnu giáo, Siva giáo, tín ngưỡng thờ phụng tự nhiên, vũ trụ và phồn thực đều có mặt trong cùng một khu vực. Tuy nhiên, từng nhóm cho thấy, mỗi kiến trúc dường như nhấn mạnh tới vị thần này hay vị thần khác, rõ rệt nhất là các biểu tượng thể hiện thần Vishnu, Siva và nữ thần phồn thực(28) (xem thêm Lê Thị Liên 1999b).
Sự hiện diện của thần Vishnu được thấy qua các hoá thân rùa (Kurma), cá (Matsya) và lợn đực (Vahara). Chúng được thể hiện cực kì đơn giản bằng các nét hết sức sơ lược: cá không rõ vây, vẩy, đuôi, hoặc chỉ có phần đầu lớn với con mắt tròn; rùa chỉ có các vạch đơn giản thể hiện chi tiết đầu, bốn chân, các chi tiết của mai rùa không có. (93GT.M1: 9, 13/99: 36A;
93GT.M3: 22, 11/99: 28); hoá thân lợn đực không được thể hiện rõ ràng.
Một hình ở 93GT.M4 có thân người khá rõ, đầu to tròn, mõm không rõ rệt.
Biểu tượng là một bánh xe được thể hiện rất mờ nhạt(29) (xem thêm Đào Linh Coân 1995: Pl. XXXI,8).
Bên cạnh các hoá thân, các biểu tượng và các vật cưỡi của Vishnu được thể hiện cực kì phong phú. Thường thấy nhất là các hình bánh xe (Chakra), ốc (Sankha), bàn chân, rắn, chim thần Garuda. Các hình tượng này trong nhiều trường hợp được kết hợp với một hoặc nhiều biểu tượng khác như mặt trăng, mặt trời, hoa sen, bình nước, v.v… thể hiện một tập hợp khá đông đảo của thần điện Hindu giáo. Riêng ở Gò Tháp, hình bánh xe đã xuất hiện đơn lẻ trên 21 mảnh vàng và thấy kết hợp với các hình tượng khác trên 13 hiện vật với nhiều hình dạng khác nhau(30) (xem thêm Lê Thị Liên 2003: 132, bảng 2.5). Mặc dù rất hiếm hoi, hai hình tượng Vishnu dưới hình thức nhân dạng cũng được phát hiện trong cùng một phế tích kiến trúc (93GT.M4). Điều đó chứng tỏ rằng, những kiến thức về tiếu tượng mặc dù rất phong phú, chỉ hạn chế ở những hình thức đơn giản nhất.
Vào thời kì này, tín ngưỡng thờ Siva ở Gò Tháp được nhận thấy chủ yếu bằng sự có mặt của các Linga và Vajra (đinh ba), với hình thức hết sức đơn giản. Ba mảnh nhỏ vẽ hình Linga gồm hai phần: phần đầu nhọn và to dần xuống dưới, như hình mũi tên hoặc ngọn lửa. Phần thân cũng được thể hiện to dần xuống dưới. Trên một mảnh, dưới chân Linga có một hình chữ nhật nhỏ, thể hiện một hàng rào (Vedika). Những hình thức này thường được thấy trên tiền dập bằng bạc của Ấn Độ (pun-marked coins).
Vajra đơn giản nhất được thấy từ phế tích kiến trúc 93GT.M1, Gò Tháp.
Những hình tương tự cũng được thấy trên các mảnh mai rùa ở hố thám sát TS1, Gò Tháp và điểm R, Oc Eo (xem thêm Lê Thị Liên và những người
khác 2002: 852-853, L. Malleret 1962: Pl. LXXXV, LXXXVII). Bò thần Nandin, vật cưỡi của thần Siva, cũng xuất hiện nhưng chỉ đơn lẻ trên một mảnh vàng ở Gò Tháp.
Sự có mặt của nữ thần Sri hay Lakshmi - nữ thần của sắc đẹp, sự sung túc, thịnh vượng và sự sinh sôi nảy nở - thường được nhận biết nhiều nhất qua biểu tượng hoa sen và cái bình, đôi khi trong bình được vẽ thêm hình hoa sen (Bình Phong Đăng). Ở Gò Tháp chúng có hình thức vụng dại, sơ lược nhất, các cánh hoa thưa thớt, méo mó và khó có thể gọi tên nếu chúng không đi cùng các biểu tượng khác. Dưới hình thức nhân dạng, hầu như hình ảnh nữ thần rất hiếm thấy trên các mảnh vàng. Tuy nhiên, một hình tượng độc đáo được thấy ở 93GT.M5, Gò Tháp, thể hiện bằng những nét vẽ mờ một nửa thân dưới của nữ thần Lajja-Gauri, nữ thần mẹ-phồn thực, trong tư thế ngồi với hai chân dang rộng, phần đầu không có, thay vào đó là một hình chữ thập có một vòng tròn phía trên và một hình Nandipada (biểu tượng có hình dạng như đầu bò có hai sừng cong) bên dưới. Các hình tượng này ra đời rất sớm trong nghệ thuật Ấn Độ, trên hiện vật chất liệu đất nung và đá, thế kỷ II IV CN (xem thêm Carol Radcliffe Bolon 1992: Ills 1-7). Vào thời kì muộn hơn, vị nữ thần này đã được thể hiện dưới hình thức nhân dạng hoàn chỉnh, trên các đầu ngói phát hiện từ Gò Chùa (Long An), Bến Đình (Tây Ninh) (xem thêm Lê Thị Liên 2003:
Bv. 42, H2-H3). Một hình nữ thần trong tư thế ngồi cầm hoa sen cũng được phát hiện trong 93GT.M3.
Các hình tượng nghệ thuật trong thời kì này thể hiện tính chất rất sơ khai của Hindu giáo, mỗi vị thần mang đặc trưng riêng của mình và chưa có sự kết hợp tính năng của nhiều vị trong một.