Một số bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 607 - 610)

ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Ở VIỆT NAM

4. Một số bài học kinh nghiệm

a) Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, cần đặc biệt chăm lo đến phát triển giáo dục phổ thông và chuẩn bị cho thế hệ trẻ đi vào cuộc sống lao động trong một thế giới có những biến đổi thường xuyên và công nghệ giữ vị trí thống trị. Đó chính là trọng tâm của việc phát triển nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam. Bên cạnh việc đa dạng hóa các tổ chức giáo dục, cần chú ý cân đối về nội dung và tăng cường chuẩn bị cho học sinh đi vào cuộc sống lao động, bằng cách chuẩn bị việc làm cho học sinh phổ thông.

Hệ thống giáo dục hiện nay cần phải linh hoạt và mềm dẻo. Cần xây dựng các mô hình học tập mới (ví dụ: các trung tâm học tập cộng đồng) và tạo ra cầu nối để học sinh sau thời gian lao động nghề nghiệp có thể trở về trường đào tạo.

Nhà trường phổ thông hiện nay đặc biệt là cấp PTTH nhất định phải có những chuyển biến quan trọng. Cần phải tiến hành dạy công nghệ, dạy nghề, tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh và coi đào tạo “tiền nghề nghiệp” như là cơ sở cho việc học tập liên tục suốt đời và chuẩn bị đi vào cuộc sống lao động.

Để làm được điều đó cần chú trọng đào tạo về công nghệ và coi đó như là một lĩnh vực cơ bản của văn hóa. Nó cung cấp những tri thức lý luận xác định và phát triển những kỹ năng cần thiết giúp cho học sinh hiểu được thế giới công nghệ xung quanh. Việc tăng cường giáo dục phổ thông với giáo dục kỹ thuật và công nghệ, việc giáo dục hướng nghiệp theo hướng chung tích hợp để hình thành văn hóa xã hội và công nghệ cho học sinh chính là một tất yếu khách quan trên con đường công nghiệp hóa – hiện đại hóa nước ta.

b) Để đạt được điều đó cần hoàn chỉnh hệ thống chính sách quốc gia về giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo yêu cầu của người học và người sử dụng cũng như có chính sách và cơ chế hợp lý trong quản lý các ngành đào tạo nhân lực.

Cần có một hình thức giáo dục hướng nghiệp và kỹ thuật nghề nghiệp thống nhất với các loại hình đào tạo nghề nghiệp khác nhau.

Cần chuẩn hóa và hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, coi giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là điều kiện tiên quyết cho sự hình

thành đội ngũ lao động tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

c) Giáo dục hướng nghiệp phải gắn liền với việc phục vụ yêu cầu xã hội như: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… trong đó trọng tâm phải phục vụ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước và từng địa phương. Công tác giáo dục nói chung và giáo dục hướng nghiệp nói riêng phải trực tiếp phục vụ có hiệu quả cho việc phát triển mạnh nguồn nhân lực con người Việt Nam với yêu cầu ngày càng cao chứ không chỉ giới hạn trong việc thực hiện các mục tiêu có tính cục bộ của công tác giáo dục hoặc trong phạm vi ngành giáo dục.

Hiện nay có sự biến đổi mạnh trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động cũng như tỷ trọng và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cho nên cần nghiên cứu vận dụng nghiêm túc những thay đổi đó để áp dụng vào việc xác lập mục tiêu giáo dục (nhất là việc giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề) mới có thể làm cho các hoạt động này gắn kết với các lĩnh vực lao động, phục vụ cho việc phân bố các nguồn lực đáp ứng các yêu cầu kinh tế trong kinh tế thị trường.

Kết quả nghiên cứu cho thấy việc hướng nghiệp và dạy nghề ở trường phổ thông hiện nay dù với hình thức nào cũng phải hướng vào trọng tâm là hình thành cho học sinh năng lực làm chủ công nghệ cao,

“đi tắt, đón đầu” công nghệ mới. Giáo dục hướng nghiệp cần hướng vào việc giúp học sinh nắm bắt được những yêu cầu của việc sử dụng công nghệ mới.

d) Những điều kiện để giáo dục, hướng nghiệp thành công

Giáo dục hướng nghiệp trong giai đoạn hiện nay của nước ta chủ yếu tập trung vào thế hệ trẻ, nhưng không chỉ giới hạn ở đó mà phải bao quát mọi nguồn lực xã hội. Đây là vấn đề văn hóa - xã hội phức tạp, bởi lẽ không chỉ là vấn đề giáo dục, tư vấn, định hướng cho mỗi cá nhân mà đòi hỏi sự tham gia các lực lượng xã hội, gia đình và các đoàn thể xã hội tương ứng. Hơn thế nữa, công việc này còn đòi hỏi không chỉ phải xây dựng và tiến hành công việc theo các cơ sở khoa học và thực tiễn, mà còn đòi hỏi sự bảo trợ của nhà nước với các hỗ trợ kể cả về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về pháp luật (hiến pháp, luật lao động và các luật khác có liên quan) với cơ chế điều kiện thích hợp.

Như vậy, giáo dục hướng nghiệp đã vượt ra khỏi khuôn khổ, tính chất điều hành của một ngành và phải huy động sự tham gia của toàn xã hội.

Vì thế cần phải có chủ trương và chính sách hoạt động ổn định. Phải vận dụng sáng tạo và kiên trì các tư tưởng chiến lược về quản lý và phân phối lao động xã hội, đi vào cuộc sống tạo đà cho giáo dục hướng nghiệp ổn định và phát triển vững chắc.

- Giáo dục hướng nghiệp muốn thành công phải giáo dục cho thế hệ trẻ tự giác tham gia đào tạo và hưởng ứng các biện pháp phân luồng lao động xã hội, sẵn sàng tham gia vào sự phân bố, điều chỉnh ngành nghề để thích ứng với nhu cầu lao động và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong cả nước.

- Giáo dục hướng nghiệp vừa phải thực hiện những nhiệm vụ đặc thù vừa gắn với quá trình giáo dục và đào tạo nói chung và gắn với việc phân công lao động, giải quyết việc làm phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động nói riêng. Do đó, giáo dục hướng nghiệp cần được nghiên cứu xem xét ở tầm bao quát của phương hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phạm Minh Hạc, Hoạt động lao độnghướng nghiệp của học sinh phổ thông Việt Nam. Trường Cán bộ quản lý Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 1996.

2. Kỷ yếu Hội thảo “Giáo dục phổ thông và hướng nghiệpnền tảng để phát triển nguồn nhân lực”, Chương trình KHCN cấp Nhà nước KX-05. Đề tài: KX-05-09, Hà Nội, 2001.

3. Norbert Lebeaupin, Giáo trình về thanh tra giáo dục Pháp tại Trung tâm Đào tạo Sư phạm quốc tế (CIEP), Paris, 7-2003.

4. Michel Reverchon-Billot, Giáo trình về thanh tra giáo dục Pháp tại Trung tâm Đào tạo Sư phạm quốc tế (CIEP), Paris, 7-2003.

5. Nhà trường hiện đại trên thế giới, Chương trình KHCN cấp Nhà nước KX-07. Đề tài KX-07-08, Hà Nội, 1995.

6.Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

Một phần của tài liệu Văn minh và văn hóa, giáo dục ở việt nam (Trang 607 - 610)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(762 trang)