Sự cần thiết của tổ chức công tác kế toán trong các CTCK

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 36 - 37)

f) Các hoạt động khác

1.2.1.1. Sự cần thiết của tổ chức công tác kế toán trong các CTCK

Kế toán ra đời và ngày càng phát triển cùng với sự hình thành, phát triển của nền sản xuất hàng hoá - tiền tệ, nó được phát triển và hoàn thiện từ hạch toán đơn giản hay sự quan sát, đo lường và ghi chép các thông tin định lượng của quá khứ trong một đơn vị, doanh nghiệp. Kế toán trở thành công cụ quản lý kinh tế tài chính quan trọng, hiệu quả và không thể thiếu được trong nền kinh tế phát triển đặc biệt là nền kinh tế thị trường khi mà hàng hoá đa dạng phong phú, trình độ quản lý kinh tế tài chính ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác quản lý, các quốc gia đã Luật hoá công tác kế toán và Luật Kế toán Việt Nam ra đời ngày 17 tháng 6 năm 2003 tại kỳ họp QH11 qui định tại khoản 1 điều 4: "Kế toán là việc thu thập, xử lý,

kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động" [39]. Về mặt lý luận, kế toán là công cụ phục vụ

cho quản lý điều hành, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá các hoạt động và ra quyết định về quản lý kinh tế tài chính, kinh doanh đối với đơn vị kế toán - nơi diễn ra các hoạt động kiểm soát và tiến hành các công việc; diễn ra các nghiệp vụ kinh tế tài chính; do vậy, các đơn vị kế toán cần thiết phải thực hiện việc thu thập, ghi chép, xử lý và cung cấp thông tin, tổng hợp thông tin và lập các báo cáo tài chính. Mặt khác, kế toán với chức năng cung cấp thông tin cần tổ chức quá trình ghi chép, thu thập, phân loại, tính toán, phân tích, tổng hợp và cung cấp thông tin về tình hình kinh tế tài chính của một đơn vị kế toán cho các đối tượng sử dụng.

Tổ chức công tác kế toán là tổ chức hay thiết lập mối quan hệ biện chứng và quan hệ lịch sử giữa các nội dung kế toán hay các đối tượng kế toán trong một đơn vị kế toán. Tổ chức công tác kế toán trong các CTCK cũng chính là việc thiết lập mối quan hệ qua lại giữa các đối tượng kế toán trong CTCK về các loại tài sản công ty

đang nắm giữ; các loại nguồn vốn công ty đang huy động sử dụng; quá trình chi phí và doanh thu đạt được trong từng thời kỳ nhằm cung cấp những thông tin đáng tin cậy cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và các đối tượng sử dụng. Kế toán sử dụng các phương pháp kế toán, phương pháp tính toán thông qua hình thức kế toán thích hợp để phát huy cao nhất tác dụng của kế toán trong công tác quản lý và cung cấp thông tin chất lượng và tin cậy cho các đối tượng sử dụng. Thiết lập mối quan hệ và mức độ liên hệ qua lại giữa các đối tượng kế toán thể hiện trình độ tổ chức công tác kế toán và khi các đối tượng kế toán có mối liên hệ chặt chẽ, có hệ thống theo một trật tự xác định thì khi đó chức năng của kế toán được phát huy tối đa. Từ đó đặt ra sự cần thiết khách quan của tổ chức công tác kế toán đối với tất cả các đơn vị, doanh nghiệp nói chung và đối với các CTCK nói riêng; tuy nhiên tuỳ từng điều kiện cụ thể từng CTCK về trình độ chuyên môn, trình độ tổ chức của các thành viên trong bộ máy kế toán và các trang thiết bị kỹ thuật công nghệ bổ trợ cho công tác kế toán để lựa chọn hình thức tổ chức công tác kế toán cũng như thiết lập mối quan hệ giữa các nội dung kế toán, giữa các bộ phận kế toán với các bộ phận chức năng khác liên quan trong công ty một cách khoa học và thích hợp nhất.

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 36 - 37)