Tổ chức công tác kiểm tra kế toán trong CTCK

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 62 - 64)

f) Các hoạt động khác

1.2.3.6. Tổ chức công tác kiểm tra kế toán trong CTCK

Tổ chức công tác kiểm tra kế toán là một nội dung của tổ chức công tác kế toán trong các CTCK nhằm đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan, đáng tin cậy của thông tin kế toán; kiểm tra việc tổ chức chỉ đạo công tác kế toán trong công ty; kiểm tra trách nhiệm cá nhân từng nhân viên kế toán, đặc biệt là trách nhiệm và quyền hạn của Kế toán trưởng; kiểm tra kết quả công tác kế toán trong mối quan hệ đối chiếu với các bộ phận liên quan trong công ty,… Tổ chức kiểm tra kế toán được tiến hành kịp thời được coi là một nhân tố hay biện pháp giám sát vừa chấn chỉnh, vừa ngăn chặn những hiện tượng sai sót nhầm lẫn trong công tác kế toán đảm bảo tuân thủ đúng các qui định của pháp luật và được thể hiện tại Khoản 10, điều 4, Luật Kế toán "Kiểm tra kế toán là xem xét, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về kế

toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán" [39].

Để tổ chức kiểm tra kế toán nhà quản trị có thể sử dụng nhiều hình thức, phương pháp kiểm tra kế toán khác nhau phù hợp với nội dung và tính chất từng đợt hay từng lần kiểm tra. Tuỳ thuộc vào tiêu thức lựa chọn công tác kiểm tra kế toán được phân loại khác nhau như: Căn cứ vào chủ thể kiểm tra kế toán có nội kiểm và ngoại kiểm; căn cứ vào phạm vi kiểm tra kế toán có kiểm tra toàn diện và kiểm tra chuyên đề; căn cứ vào thời gian tiến hành kiểm tra kế toán có kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ; căn cứ vào tính chất kiểm tra kế toán có thể tự kiểm tra và bắt buộc;….

Công tác kiểm tra kế toán trong nội bộ các CTCK cần tuân theo các nội dung sau:

Một là, tổ chức hướng dẫn nhân viên kế toán tự kiểm tra: Trên cơ sở chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên kế toán, kế toán phụ trách các bộ phận hoặc kế toán

trưởng phải thường xuyên cập nhật và hướng dẫn nghiệp vụ cũng như nội dung kiểm tra kế toán trong công tác kế toán của từng nhân viên kế toán nhằm đảm bảo độ tin cậy của số liệu kế toán từ chi tiết đến tổng hợp và thông tin kế toán cung cấp. Nếu mỗi nhân viên kế toán tự kiểm tra phần hành kế toán của mình đầy đủ, kịp thời thì quá trình xử lý và cung cấp thông tin kế toán đảm bảo độ tin cậy cao và đây là vấn đề rất quan trọng trong công tác quản lý nhất là quản lý kinh tế tài chính CTCK.

Hai là, tổ chức kiểm tra theo từng loại, mức độ của nội dung kiểm tra: Căn cứ vào loại kiểm tra như kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ; kiểm tra toàn diện, kiểm tra chuyên đề; kiểm tra do bản thân công ty tiến hành, kiểm tra do cơ quan chức năng bên ngoài thực hiện để xác định những nội dung cần kiểm tra cho phù hợp. Căn cứ vào chủ thể kiểm tra như nhân viên kế toán tự kiểm tra đối với nội dung kiểm tra ban đầu, kiểm tra điều kiện ghi nhận nghiệp vụ phát sinh, chi tiết theo từng đối tượng kế toán quản lý; kế toán trưởng kiểm tra đối với các bộ phận kế toán, kế toán công ty thành viên, chi nhánh, phòng giao dịch; kiểm tra của đoàn kiểm tra kế toán CTCK với công ty thành viên, chi nhánh, phòng giao dịch; kiểm tra của các đơn vị chức năng như thanh tra tài chính, thanh tra thuế, kiểm toán nhà nước,…

Ba là, tổ chức kiểm tra kế toán nội bộ công ty: Trước hết công ty phải xây dựng kế hoạch và chế độ kiểm tra kế toán trong toàn công ty (cả Hội sở chính, các chi nhánh, công ty con, các đơn vị phụ thuộc, phòng giao dịch, đại diện ở nước ngoài…) nhằm tạo động lực cho các bộ phận chủ động tự kiểm tra thường xuyên, đơn vị và bộ phận cũng chủ động trong hoạt động kinh doanh. Xây dựng qui trình tổ chức kiểm tra kế toán nội bộ dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty được thực hiện bởi bộ phận chuyên trách hoặc do nhân viên kế toán kiêm nhiệm. Kiểm tra kế toán nội bộ công ty chủ yếu kiểm tra việc ghi chép nhằm đảm bảo tính chính xác, trung thực, khách quan, hợp pháp của thông tin kế toán; kiểm tra việc tổ chức và chỉ đạo các nội dung tổ chức công tác kế toán trong công ty gắn với trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng; kiểm tra kết quả công tác kế toán trong mối quan hệ qua lại của các bộ phận chức năng khác trong công ty. Kiểm tra nội bộ về kế toán đảm bảo sự thận trọng trong từng giai đoạn của chu trình kế toán, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng thông tin kế toán cho các đối tượng sử dụng. Công tác kiểm tra kế toán nội bộ phải được duy trì thường xuyên, liên tục, có hệ thống và không ngừng được cải tiến và hoàn thiện theo các bước như lập kế hoạch hoặc xây dựng, ban hành qui chế kiểm tra; thực hiện và tổng kết công tác kiểm tra kế toán nội bộ công ty.

Tóm lại, các CTCK muốn tổ chức tốt công tác kiểm tra kế toán đòi hỏi các nhà quản trị nói chung và nhân viên kế toán nói riêng cần nắm vững các qui định, chế độ kế toán tài chính, kỷ luật thanh toán hiện hành để kiểm soát tình hình tuân thủ pháp luật trong từng bộ phận thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh của công ty. Hiểu rõ về qui trình tổ chức kinh doanh các nghiệp vụ kinh doanh của công ty, đặc thù của lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, nắm chắc giá cả thị trường, nắm chắc chu trình kế toán để kiểm tra, giám sát được thường xuyên, logic, khoa học và hợp lý. Tổ chức công tác kiểm tra kế toán trong các CTCK ngày càng có vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài chính kế toán, nhất là trong nền kinh tế thị trường phát triển và hội nhập quốc tế nhằm đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cập của thông tin kế toán cung cấp đối với từng CTCK cho đến toàn bộ hệ thống và nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(197 trang)
w