GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TRONG CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
3.3.1.1. Những giải pháp hoàn thiện mô hình công ty chứng khoán
Mô hình CTCK Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của nhà đầu tư và phù hợp với giai đoạn đầu phát triển của TTCK nước ta. Tuy nhiên, để mô hình CTCK phù hợp với giai đoạn phát triển cao hơn; hoàn thiện hơn của TTCK Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 thì cần thiết thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng qui mô vốn và nâng cao năng lực hoạt động của các công ty chứng khoán: Sau hơn 10 năm hoạt động, các CTCK Việt Nam theo mô hình chuyên
doanh hay mô hình đa năng một phần cũng đã liên tục tăng vốn điều lệ qua từng thời kỳ để mở rộng hoạt động kinh doanh, điển hình như: Vốn điều lệ của SSI tăng từ 20 tỷ đồng lên hơn 3.511 tỷ đồng; TLS tăng từ 9 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng; MSC tăng tư 6 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng;…Bên cạnh việc đầu tư tăng năng lực tài chính để có điều kiện bổ sung cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị quản lý; tăng khả năng đầu tư tài chính, đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của môi trường KDCK. Các CTCK còn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ các nhà đầu tư, nâng cao năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa trong hoạt động KDCK nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu và lợi ích của nhà đầu tư, tăng lợi nhuận. Mặt khác, đây cũng chính là mục tiêu; định hướng phát triển CTCK nói riêng và TTCK, thị trường vốn nói chung theo quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 02/08/2007 về việc phê duyệt đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn đến 2020, theo đó các CTCK phát triển theo hướng "Tăng số lượng hợp lý, nâng cao chất
lượng hoạt động và năng lực tài chính cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán,… Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ cung cấp trên thị trường, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các dịch vụ; đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng trên thị trường" [18].
Để tăng qui mô vốn các CTCK có thể huy động bằng nhiều cách khác nhau và kết hợp nhiều hình thức huy động nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn, đồng thời đảm bảo được cơ cấu vốn an toàn nhất là vốn khả dụng. CTCK có thể bổ sung vốn từ lợi nhuận thu được trong kỳ phù hợp với chiến lược đầu tư đã được Hội đồng cổ đông thông qua,
đây là một trong những nguồn vốn quan trọng của các CTCK hiện nay. Đối với các CTCK là công ty cổ phần còn có thể huy động vốn bằng việc phát hành cổ phiếu (cổ phiếu ưu đãi và cổ phiếu thường) đây là công cụ huy động vốn đặc trưng của loại hình công ty cổ phần. Hình thức huy động này vừa đảm bảo tăng vốn chủ sở hữu vừa đảm bảo quyền sở hữu của các cổ đông, vì vậy các CTCK cần kết hợp sử dụng các công cụ để tạo ra sự đa dạng về hình thức huy động vốn. Đối với CTCK là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về lâu dài nên chuyển sang hình thức công ty cổ phần và công ty mẹ vẫn nắm giữ tỷ lệ trên 50% vốn chủ sở hữu, như vậy vừa đảm bảo lợi ích của công ty mẹ vừa dễ dàng hơn trong việc tăng vốn của CTCK.
Hai là, tái cơ cấu lại CTCK theo hướng chuyển sang mô hình công ty chứng khoán chuyên môn hoá và công ty chứng khoán tổng hợp: Hiện nay, phần lớn các
CTCK đều đăng ký đầy đủ 4 nghiệp vụ kinh doanh, song chỉ có một vài công ty lớn phát triển đầy đủ cả 4 nghiệp vụ kinh doanh đó còn chủ yếu thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Do đó, trong tương lai cần phải tái cấu trúc lại CTCK tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể từng công ty ở từng giai đoạn để tiến hành trên bốn nội dung sau: Tái cấu trúc về sở hữu (thay đổi hình thái sở hữu); Tái cấu trúc về vốn; Tái cấu trúc bộ máy tổ chức; Tái cấu trúc hoạt động. Với những công ty hạn hẹp về vốn, địa bàn hoạt động, nhân lực, khó khăn trong quan hệ với công ty phát hành có thể thu hẹp hoạt động và tập trung đầu tư vào một hoặc hai hoạt động thế mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh hướng tới một CTCK chuyên môn hoá (công ty môi giới chứng khoán hoặc công ty tư vấn đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán). Với những CTCK có thế mạnh về vốn, nhân lực, có cơ sở khách hàng rộng rãi và có nhiều nhà phát hành tin tưởng có thể mở rộng hoạt động kinh doanh, triển khai các hoạt động dịch vụ mới hiện đại và đảm bảo vai trò tạo lập thị trường - một nhiệm vụ rất quan trọng của CTCK trên TTCK. Các công ty này hướng tới trở thành CTCK tổng hợp thực hiện tất cả bốn (4) nghiệp vụ KDCK đồng thời cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của nền kinh tế thị trường. Thực hiện tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh của các CTCK đẫn đến một số công ty thu hẹp hoạt động chỉ thực hiện chuyên môn hoá một hoặc hai hoạt động có thế mạnh; có công ty đủ khả năng để mở rộng kinh doanh trở thành công ty chứng khoán tổng hợp thực chất là điều chỉnh mô hình CTCK chuyên doanh và mô hình CTCK đa năng một phần cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng CTCK và sự phát triển của TTCK.
Ba là, xây dựng mô hình công ty chứng khoán đa năng toàn phần: Hiện nay,
mô hình CTCK đa năng toàn phần đang được áp dụng ở Mỹ, Đức, Hà Lan, Thuỵ Sĩ là những nước có TTCK phát triển. Đối với Việt Nam mô hình này được xây dựng cho tương lai khi mà TTCK đã đi vào ổn định, phát triển và trình độ quản lý đạt trình độ cao; hệ thống pháp luật được xây dựng đầy đủ, hoàn thiện; các dịch vụ và công cụ chứng khoán phát triển. Khi đó, có thể cho phép các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư (hay là công ty mẹ của CTCK) thực hiện đồng thời nghiệp vụ KDCK với kinh doanh tiền tệ và cũng có thể kết hợp nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhằm phát huy thế mạnh về vốn, chuyên môn, cơ sở vật chất để tiết kiệm chi phí quản lý, tăng khả năng sinh lời của tài sản kinh doanh. Tuy nhiên, để mô hình này đi vào thực tiễn thì các cơ quan chức năng của Nhà nước cần qui định chặt chẽ bằng pháp luật các điều kiện, giới hạn cần thiết và phải có lộ trình phù hợp với sự phát triển của TTCK nói riêng và nền kinh tế nói chung nhằm đảm bảo tính minh bạch, an toàn và hiệu quả đối với bản thân hệ thống ngân hàng cũng như nhà đầu tư.