THỰC TRẠNG TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TRONG CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
2.1.2. Qui định pháp lý cơ bản về công ty chứng khoán Việt Nam
CTCK Việt Nam được thành lập theo qui định của pháp luật Việt Nam, là một tổ chức tài chính trung gian, một chủ thể quan trọng thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ KDCK trên TTCK. Do đó, CTCK thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện, tức là để tiến hành hoạt động kinh doanh CTCK phải đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật qui định cũng như phải đảm bảo nguyên tắc ứng xử riêng của ngành chứng khoán. Vì vậy, ngoài những đặc thù chung của ngành, pháp luật Việt Nam có những qui định riêng đối với CTCK theo từng giai đoạn cho phù hợp.
Một là, qui định về hình thức sở hữu: Theo các văn bản pháp luật đã ban hành như Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998; Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 về chứng khoán và TTCK và hiện nay là Luật Chứng khoán Việt Nam đều xác định và qui định CTCK là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hoặc công ty cổ phần được thành lập để kinh doanh, cung cấp dịch vụ chứng khoán và được UBCKNN cấp giấy phép kinh doanh [40]. Hiện nay, trong tổng số 105 CTCK có mười (10) công ty là công ty TNHH một thành viên chủ yếu thuộc các NHTM, Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế và chín mươi lăm (95) công ty là công ty cổ phần. Xét về hình thức sở hữu CTCK có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam theo qui định của Luật Chứng khoán cho phép CTCK nước ngoài được phép thành lập dưới hình thức liên doanh, góp vốn cổ phần, công ty 100% vốn nước ngoài, đồng thời Luật cũng cho phép các CTCK nước ngoài thành lập chi nhánh, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam [40]. Trước đó, Chính phủ đã có Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam với tỷ lệ góp vốn cho phép tối đa là 49% vốn điều lệ của CTCK dưới hình thức góp vốn, mua cổ phần, liên doanh thành lập; trước nữa có Quyết định số 139/1999/QĐ-TTg ngày 10/6/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam với tỷ lệ góp vốn cho phép tối đa là 30% vốn điều lệ của CTCK, đến năm 2003 nâng lên 49%. Các hình thức sở hữu khác nhau tác động đến hoạt động của CTCK như về cơ cấu tổ chức và hoạt động, chủ sở hữu, huy động vốn, quan hệ giữa các chủ sở hữu, giữa người sở hữu với người quản lý,… Do đó, trong công tác quản lý và kế toán phải phản ánh, ghi chép, hệ thống hoá và báo cáo chính xác về số hiện có và sự biến động các loại vốn theo từng chủ sở hữu; kế toán cần tổ chức vận dụng đầy đủ các phần hành kế toán theo qui định của pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ tài sản, nguồn vốn cũng như đảm bảo vốn cam kết, đảm bảo cơ cấu và nguyên tắc hạch toán.
Hai là, qui định về qui mô vốn: CTCK muốn thành lập phải đáp ứng yêu cầu về mức vốn pháp định được pháp luật qui định. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa hoạt động của CTCK với các loại hình doanh nghiệp khác. Theo Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 đến Quyết định số 55/2004/QĐ-BTC ngày 17/6/2004 về qui chế tổ chức và hoạt động của CTCK thì mức vốn pháp định là 3 tỷ đồng (môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư) và cao nhất là 22 tỷ đồng (bảo lãnh phát hành chứng khoán), do đó theo Nghị định này thì công ty nào muốn thực hiện tất cả các hoạt động KDCK trên TTCK Việt Nam phải có tổng mức vốn pháp định là 43 tỷ đồng. Theo Luật Chứng khoán Việt Nam, qui định mức vốn pháp định cho hoạt động môi giới chứng khoán là 25 tỷ đồng; hoạt động tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng; bảo lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỷ đồng; hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán là 10 tỷ đồng. Đặc điểm về vốn của CTCK là đặc điểm quan trọng nhất để quyết định CTCK được phép thực hiện hoạt động nghiệp vụ nào trên TTCK và không được thực hiện nghiệp vụ nào, điều đó được thể hiện trên giấy phép hoạt động kinh doanh được cấp theo qui định của pháp luật. Đồng thời đặc điểm này cũng chi phối đến tổ chức công tác kế toán của các CTCK, thể hiện ở việc huy động vốn đảm bảo số vốn đã cam kết, đảm bảo cơ cấu vốn, nguyên tắc hạch toán và chế độ báo cáo về vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, vốn khả dụng. Như vậy, đặt ra cho tổ chức công tác kế toán phải ghi chép, phản ánh, hệ thống hoá và báo cáo chi tiết theo yêu cầu quản lý công ty về các loại vốn của CTCK nhằm đảm bảo duy trì mức vốn qui định và ngày càng phát triển tăng vốn điều lệ của công ty, vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Ba là, qui định về điều kiện thành lập CTCK: Ở Việt Nam, khi Luật Doanh nghiệp ra đời có hiệu lực ngày 01/01/2000 thì các qui định về vốn pháp định đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được bãi bỏ, các doanh nghiệp chỉ cần đăng ký vốn điều lệ tại Sở Kế hoạch Đầu tư. Tuy nhiên, với các CTCK thì phải đáp ứng điều kiện về vốn pháp định và các điều kiện khác khi thành lập là yêu cầu tất yếu, vì đây là một loại hình kinh doanh có những đặc thù riêng và có tác động rộng lớn tới nền kinh tế và xã hội. Do đó, pháp luật Việt Nam qui định các điều kiện để thành lập CTCK theo từng thời kỳ phát triển của TTCK Việt Nam như sau:
- Điều kiện về vốn pháp định: Theo Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày
28/11/2003 cho từng hoạt động của CTCK và tổng số vốn pháp định một CTCK thực hiện tất cả các hoạt động là 43 tỷ đồng Việt Nam; theo Luật Chứng khoán thì tổng số
vốn pháp định một CTCK thực hiện tất cả các hoạt động KDCK theo qui định là 300 tỷ đồng Việt Nam, tăng 7,5 lần, số liệu cụ thể được thể hiện trong Bảng 2.1.
- Điều kiện về nhân sự: Theo Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003
qui định "Giám đốc, phó giám đốc (Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc), các nhân viên
kinh doanh của CTCK phải đáp ứng đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề KDCK do UBCKNN cấp" [17]. Theo Luật Chứng khoán Việt Nam qui định cụ thể các vị trí chủ chốt của CTCK như Giám đốc (Tổng giám đốc) phải có kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán ít nhất ba (03) năm và có kinh nghiệm quản lý điều hành tối thiểu ba (03) năm; đối với Phó giám đốc (Phó tổng giám đốc), Giám đốc, Phó giám đốc chi nhánh yêu cầu tối thiểu là hai (02) năm,…; Luật còn qui định số người hành nghề chứng khoán cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh tối thiểu là ba (03) người [40]. Đây là nhân tố then chốt quyết định đến sự tồn tại và phát triển của CTCK; đồng thời nguồn nhân lực kế toán, tài chính sẽ quyết định chất lượng hoạt động của bộ máy kế toán, quyết định tính hữu ích của thông tin kế toán cung cấp cho các nhà quản lý, nhà đầu tư và các đối tượng khác.
- Điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ: Hệ thống công nghệ
thông tin hiện đại, các thiết bị máy móc sẽ giúp hoạt động của CTCK và TTCK về nhận và truyền lệnh mua, bán chứng khoán; thực hiện thanh toán bù trừ; công bố thông tin, xử lý thông tin,… Theo Nghị định số 144/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 qui định còn chung chung "các CTCK phải có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật" [17]; còn Luật Chứng khoán qui định cụ thể như sau [40]:
Quyền sử dụng trụ sở làm việc tối thiểu một năm, trong đó diện tích làm sàn giao dịch phục vụ nhà đầu tư tối thiểu 150 m2.
Có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc KDCK, bao gồm: Sàn giao dịch phục vụ khách hàng; thiết bị văn phòng, hệ thống máy tính cùng các phần mềm thực hiện hoạt động giao dịch chứng khoán; trang thông tin điện tử, bảng tin để công bố thông tin cho khách hàng; hệ thống kho, két bảo quản chứng khoán, tiền mặt, tài sản có giá trị khác và lưu giữ tài liệu, chứng từ giao dịch đối với CTCK có nghiệp vụ môi giới, tự doanh chứng khoán.
Hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo qui định của pháp luật. Có hệ thống an ninh, bảo vệ an toàn trụ sở làm việc.
CTCK được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và hệ thống công nghệ thông tin vừa “xoá bỏ” được hạn chế về địa lý, vừa giảm chi phí, giảm rủi ro; vừa có thể mở rộng phạm vi hoạt động của CTCK, đáp ứng mục đích cụ thể của từng đối tượng khách hàng sử dụng dịch vụ của CTCK. Trong công tác kế toán việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp cho công việc thu thập, xử lý và tổng hợp báo cáo của kế toán nhanh, chính xác đáp ứng kịp thời nhu cầu của người sử dụng thông tin.
- Điều kiện về góp vốn thành lập CTCK: Luật Chứng khoán qui định đối với
cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị Toà án cấm hành nghề kinh doanh; đối với pháp nhân thì phải đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn. Cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập phải sử dụng nguồn vốn của chính mình để góp vốn thành lập CTCK.
Việc pháp luật qui định chặt chẽ về điều kiện thành lập CTCK sẽ góp phần hạn chế sự gia tăng số lượng CTCK, đảm bảo các CTCK được thành lập thực sự có năng lực về tài chính, nhân sự và cơ sở vật chất khác cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Bốn là, qui định về nghĩa vụ của CTCK Việt Nam: Các CTCK Việt Nam thực hiện nghĩa vụ theo Điều 59 của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 qui định CTCK được tổ chức dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần theo qui định của Luật Doanh nghiệp và Điều 71 qui định CTCK phải có các nghĩa vụ sau: Thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan; quản lý tách biệt chứng khoán của từng nhà đầu tư, tách biệt tiền và chứng khoán của nhà đầu tư với tiền và chứng khoán của CTCK; ký hợp đồng bằng văn bản với khách hàng, cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin cho khách hàng; ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước lệnh của CTCK; thu thập, tìm hiểu thông tin về tình hình tài chính, mục tiêu đầu tư, khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng, đảm bảo các khuyến nghị, tư vấn đầu tư của CTCK cho khách hàng phải phù hợp với khách hàng đó; tuân thủ các qui định bảo đảm vốn khả dụng theo qui định của Bộ Tài chính; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên công ty; lưu giữ đầy đủ các chứng từ và tài khoản phản ánh chi tiết, chính xác các giao dịch của khách hàng và của công ty; thực hiện
việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo qui định của Bộ Tài chính; tuân thủ các qui định của Bộ Tài chính về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán; thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê, nghĩa vụ tài chính theo qui định của pháp luật; thực hiện công bố thông tin theo qui định tại Điều 104 của Luật Chứng khoán và Thông tư 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010 về việc công bố thông tin trên TTCK của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Qui định về nghĩa vụ của CTCK như trên đây có ảnh hưởng lớn đến tổ chức công tác kế toán CTCK từ khâu tổ chức thu nhận thông tin và hạch toán ban đầu, tổ chức xử lý và hệ thống hoá thông tin và tổ chức cung cấp và công bố thông tin nhằm phản ánh chính xác, đầy đủ và minh bạch tình hình kinh tế tài chính của công ty; tách bạch trong hạch toán các nghiệp vụ liên quan giữa công ty với khách hàng để kế toán có thể xác định được lượng tiền, chứng khoán của khách hàng cũng như của CTCK ở những thời điểm cần thiết cho công tác quản lý, kiểm tra và kiểm soát nhất là thời điểm lập Báo cáo tài chính.