Những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 117 - 119)

4. Hệ thống báo cáo kế toán

2.3.4. Những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Thông qua nghiên cứu về tổ chức công tác kế toán nói chung, kế toán công ty chứng khoán nói riêng ở một số nước có thị trường chứng khoán phát triển trên cơ sở thực tiễn điều kiện Việt Nam có thể rút ra các bài học kinh nghiệm sau:

Một là, vai trò quan trọng của thông tin kế toán: Hầu hết các nước đều khẳng định vai trò của kế toán trong các tổ chức KDCK, trong đó CTCK là một định chế tài chính hay một loại hình doanh nghiệp tài chính, một tổ chức trung gian chuyên KDCK giữa vị trí đặc biệt quan trọng. Một trong những công cụ quản lý kinh tế có hiệu quả trong các CTCK là kế toán được thể hiện ở thông tin kế toán cung cấp cho các đối tượng sử dụng cho phép các nhà quản lý, nhà quản trị công ty có thể đánh giá được toàn bộ tình hình tài chính, tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của công ty; đánh giá về khả năng thu chi tiền của công ty trong kỳ và dự tính thu chi trong kỳ tới cũng như ở tương lai; thông tin kế toán cung cấp kịp thời cho các nhà quản trị công ty trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh, có những quyết sách kinh tế đúng đắn, hợp lý nhằm nâng cao lợi nhuận, đảm bảo phát triển đi đôi với tăng trưởng và tăng trưởng bền vững.

Hai là, các yếu tố cơ bản của kế toán: Kế toán trong các doanh nghiệp nói chung, các công ty chứng khoán nói riêng ở các nước đều đề cập đến các yếu tố cơ bản của kế toán như là tiền đề cho tổ chức công tác kế toán. Các yếu tố kế toán các nước có thể số lượng khác nhau nhưng nhìn chung chúng là những nguồn lực và kết quả sử dụng các nguồn lực của công ty như: Tài sản, các khoản nợ, vốn chủ sở hữu, thu nhập, chi phí,… Kinh nghiệm từ các nước cho thấy các yếu tố kế toán cần được hạch toán chi tiết, cụ thể hoá trong kế toán phân tích hoặc kế toán quản trị hoặc kế toán chi phí nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ các yếu tố kế toán đồng thời với đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh và tình hình kết quả kinh doanh có hiệu quả cao.

Ba là, về hệ thống chứng từ kế toán: Kế toán các nước đòi hỏi bắt buộc phải phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào các chứng từ kế toán liên quan cho phù hợp làm cơ sở cho việc ghi sổ kế toán và là căn cứ chứng minh nghiệp vụ kinh tế đã

hoàn thành. Kinh nghiệm rút ra từ thực tế vận dụng hệ thống chứng từ của các nước có TTCK phát triển là cần thiết phải qui định thống nhất các loại chứng từ kế toán đối với loại hình CTCK về biểu mẫu và phương pháp ghi chép, luân chuyển. Ngoài ra, các CTCK tuỳ thuộc vào yêu cầu quản lý, qui mô và đặc điểm nghiệp vụ kinh doanh để lựa chọn và xây dựng hệ thống chứng từ phục vụ quản trị công ty một cách có hiệu quả.

Bốn là, về hệ thống tài khoản kế toán: Trong các công cụ quản lý kinh tế, công cụ kế toán có đặc thù riêng và sử dụng các phương pháp riêng để thực hiện vai trò, chức năng trong công tác quản lý phục vụ các nhà quản trị. Một trong những đặc thù riêng có của kế toán đó chính là việc vận dụng phương pháp tài khoản kế toán hay là sử dụng hệ thống tài khoản để hệ thống hoá, xử lý thông tin kế toán từ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng. Ở các nước khác nhau có qui định về hệ thống tài khoản khác nhau về số lượng tài khoản, phương pháp thành lập, ghi chép tài khoản, số hiệu tài khoản,… ví dụ như hệ thống tài khoản kế toán Mỹ thì rất mềm và tạo chủ động xây dựng cho các công ty mà không qui định cụ thể số hiệu từng tài khoản, chỉ qui định khoảng của từng loại; kế toán của Trung Quốc thì qui định tài khoản 4 số cho các tài khoản và do công ty chi tiết theo yêu cầu quản lý. Từ kinh nghiệm tổ chức kế toán CTCK các nước có TTCK phát triển và Trung Quốc cho thấy Việt Nam cần xây dựng hệ thống tài khoản thống nhất cho loại hình CTCK từ danh mục tài khoản cho từng loại, số hiệu các tài khoản, phương pháp ghi chép trên các tài khoản và thực tế từ những năm 2000 chế độ kế toán CTCK đã được Bộ Tài chính ban hành theo Quyết định số 99/2000/QĐ-BTC; Thông tư số 95/2008/TT-BTC sửa đổi, bổ sung, thay thế chế độ kế toán theo Quyết định số 99/2000/QĐ-BTC đã đáp ứng được yêu cầu của công tác hạch toán kế toán trong các CTCK hiện nay.

Năm là, về hệ thống sổ kế toán: Nghiên cứu kế toán các nước có nền kinh tế phát triển và Trung Quốc cho thấy việc sử dụng các loại sổ sách trong công tác kế toán là tất yếu của công tác hạch toán và quản lý. Thực tế công tác kế toán của Mỹ, Pháp và Trung Quốc trong các CTCK sử dụng các loại sổ kế toán khác nhau, nhưng nhìn chung đều có sử dụng sổ kế toán chi tiết hay phân tích và sổ kế toán tổng hợp hay sổ kế toán tổng quát để tổng hợp, xử lý và hệ thống hoá thông tin kế toán theo từng đối tượng phục vụ công tác quản lý và quản trị công ty. Từ kinh nghiệm tổ chức công tác kế toán CTCK các nước vận dụng vào Việt Nam cần hình thành hệ

thống sổ kế toán cho loại hình CTCK theo hình thức nhật ký chung với các loại sổ như: Sổ nhật ký chung (sổ nhật ký), sổ cái, các loại sổ kế toán chi tiết,…

Sáu là, về hệ thống báo cáo kế toán và công tác phân tích báo cáo kế toán:

Báo cáo kế toán nói chung và báo cáo tài chính nói riêng là sản phẩm của qui trình kế toán, từ khi thu thập thông tin kế toán ghi chép phản ánh đến xử lý hệ thống hoá đến tổng hợp cung cấp thông tin bằng các báo cáo kế toán đặc biệt là báo cáo tài chính. Các nước cũng có qui định về tên gọi các báo cáo kế toán khác nhau như Chế độ kế toán trong doanh nghiệp tài chính của Trung Quốc gọi là Bảng tổng kết tài sản nợ, đây chính là Bảng cân đối kế toán trong kế toán Mỹ, Pháp. Ngoài ra trong công tác kế toán CTCK Trung Quốc còn tiến hành phân tích các báo cáo tài chính nhằm đánh giá tình hình tài chính, đánh giá tình hình kết quả kinh doanh trong từng thời kỳ nhất định, tình hình thu chi tiền trong kỳ và xu hướng trong tương lai. Qua kinh nghiệm lập các báo cáo tài chính của các nước và thực tế tại các CTCK Việt Nam cần lập đầy đủ, kịp thời các báo cáo tài chính theo qui định đồng thời công bố công khai các báo cáo tài chính theo qui định của pháp luật, các báo cáo tài chính cần thiết lập như Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các báo cáo kế toán phục vụ công tác điều hành chỉ đạo của các nhà quản trị. Đồng hành với việc lập các báo cáo tài chính, các CTCK nên tiến hành phân tích các báo cáo tài chính nhằm nhận biết, nhìn rõ được thực chất, hiện trạng toàn bộ tình hình của công ty; thấy được năng lực quản lý điều hành của bộ máy quản lý, nhà quản trị công ty.

Tóm lại, công tác kế toán nói chung và tổ chức công tác kế toán trong CTCK nói riêng ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực phù hợp với điều kiện TTCK trong từng thời kỳ. Các CTCK ngày càng đi vào hoạt động ổn định nhất là về công tác hạch toán kế toán với những điều chỉnh về chế độ kế toán bằng các Quyết định, Thông tư hướng dẫn, bổ sung kịp thời của cơ quan ban hành (Bộ Tài chính).

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 117 - 119)