(VNĐ) Số lượng công ty CK

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 69 - 71)

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TRONG CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

(VNĐ) Số lượng công ty CK

Số lượng công ty CK (Công ty) Tỉ trọng (%) Dười 100 tỷ 37 35,2% Từ 100 tỷ đến dưới 300 tỷ 32 30,5% Từ 300 tỷ đến dưới 1.000 tỷ 30 28,6% Từ 1.000 tỷ trở lên 6 5,7% Tổng cộng 105 100%

* Số liệu thống kê từ các công ty chứng khoán (Phụ lục số 01)

Qua Bảng 2.2 ta thấy qui mô vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng là 35,2% với 37 công ty, qui mô vốn điều lệ dưới mức vốn pháp định (300 tỷ) là 65,7% với 69 công ty và chỉ có 6 công ty có qui mô vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên với tỷ lệ 5,7%.

Về nhân sự và kết quả hoạt động: Trong các CTCK, số lượng nhân viên đủ điều kiện hành nghề KDCK tăng nhanh phù hợp với sự tăng trưởng của các CTCK theo từng giai đoạn; cụ thể, năm 2005 tỷ lệ nhân viên đủ điều kiện hành nghề/tổng số nhân viên là 298/638, năm 2006 là 336/1.083, năm 2007 là 1.180/4.387, năm 2008 là 2.059/5.046 và năm 2009 là 2.154/4.897 [52]. Về kết quả hoạt động của các CTCK phụ thuộc nhiều vào tình hình TTCK và đây là đặc thù của hoạt động KDCK. Thể hiện khi giá chứng khoán trên thị trường tăng thì hầu hết các CTCK đều có lãi, trong đó nhiều công ty lãi rất cao; ngược lại, khi thị trường giảm giá mạnh thì nhiều CTCK thua lỗ, đặc biệt đối với những CTCK có thị phần nhỏ. Chẳng hạn, năm 2005 các CTCK đạt lợi nhuận sau thuế trên 170 tỷ, năm 2006 đạt trên 804 tỷ, đặc biệt năm 2007 đạt trên 3.300 tỷ; tuy nhiên, đến năm 2008 khi thị trường sụt giảm, các CTCK thua lỗ tới hơn 3.200 tỷ [52]; năm 2009 và 2010 thì đa phần các CTCK thua lỗ trừ một số công ty lớn như SSI, TLS, AGR, APG. Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế lũy kế chín (9) tháng đầu năm 2010 của SSI đạt khoảng 568 tỷ; CTS lỗ trên 15 tỷ, HPC lỗ trên 42 tỷ, KLS lỗ 203 tỷ, BVS lỗ 74,6 tỷ [52].

Đánh giá những tồn tại và nguyên nhân: Cùng với sự phát triển của TTCK, CTCK ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng, qui mô và chất lượng hoạt động;

triển khai ngày càng đầy đủ và đa dạng các loại hình nghiệp vụ kinh doanh, doanh thu tăng mạnh hàng năm, hoạt động chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, có thể nhận thấy CTCK Việt Nam đa số còn non trẻ và đối với mục tiêu trong định hướng chiến lược phát triển TTCK và CTCK vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.

Một là, số lượng CTCK tăng nhanh, không đảm bảo hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro hệ thống: Số lượng CTCK tăng đột biến những năm 2006, 2007 đã tạo cơ hội kinh doanh và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thị trường. CTCK giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn khi tham gia thị trường, tăng lượng cầu cho TTCK, hỗ trợ nhiều cho tiến trình cổ phần hóa DNNN tăng cường hàng hóa cho thị trường. Tuy nhiên, do tính nóng vội và không có chiến lược, tính chuyên nghiệp thấp nên nhiều tổ chức, cá nhân thành lập CTCK bất chấp hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và khả năng huy động vốn. Kết quả là nhiều công ty ngay sau khi thành lập và hoạt động đã thua lỗ, không huy động đủ cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh, vốn hóa thị trường của các CTCK Việt Nam thấp. Với 105 CTCK, Việt Nam đang đứng đầu các nước trong khu vực về số lượng CTCK (so với Trung Quốc 107, Singapore 24, Indonesia 93, Malaysia 35, Philippines 55, Thailand 39); tuy nhiên, qui mô TTCK Việt Nam lại nhỏ hơn nhiều so với qui mô TTCK khu vực cả về giá trị vốn hóa và giá trị giao dịch. Chẳng hạn, về tổng giá trị giao dịch ngày năm 2008 của Malaysia gấp khoảng 38 lần Việt Nam (382/10,5); hay Indonesia gấp khoảng 40 lần Việt Nam (456/10,5); Thailand gấp khoảng 45 lần (469/10,5). Về giá trị vốn hóa năm 2008 của Malaysia gấp khoảng 15 lần Việt Nam (187/12,5); hay Indonesia gấp khoảng 8 lần Việt Nam (98,8/12,5); Thailand gấp khoảng 10 lần (102,5/12,5) [52].

Hai là, năng lực của các CTCK: Năng lực nói chung của các CTCK còn những hạn chế nhất định, chưa chuyên nghiệp trong qui trình nghiệp vụ. Về nghiệp vụ, nhiều công ty chưa thực hiện tốt qui trình nghiệp vụ kinh doanh; nghiệp vụ kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro; quá tập trung coi trọng hoạt động tự doanh trong khi quản trị rủi ro thiếu chuyên nghiệp dẫn đến nhiều công ty thua lỗ nặng năm 2008, 2009 và 2010. Đối với các nghiệp vụ khác, nhiều CTCK triển khai những nghiệp vụ kinh doanh chưa được hướng dẫn như giao dịch ký quĩ, hoạt động Repo, hoặc chưa được cấp phép trong khi thiếu qui trình giám sát cần thiết. Về nhân sự, nhân viên hành nghề đã phát triển nhanh về số lượng nhưng luôn biến động và chất lượng còn hạn chế. Đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn về tài chính doanh nghiệp, phân tích tài chính và pháp luật để thực hiện tư vấn và thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh

phát hành, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp, tư vấn phát hành, niêm yết hoặc quản lý quĩ còn quá mỏng và yếu. Nhân viên cao cấp, quản lý điều hành luôn thiếu hụt hoặc chất lượng thấp không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các công ty cạnh tranh không lành mạnh về nguồn nhân lực chất lượng cao. Về cơ sở vật chất, tổ chức mạng lưới hoạt động còn hạn chế về qui mô, chủ yếu tập trung ở thành phố lớn. Công nghệ thông tin phục vụ đa dạng nhu cầu của nhà đầu tư ngày càng hiện đại nhưng thiếu đồng bộ. Một số công ty nhỏ vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, thao tác thủ công, gây khó khăn, chậm trễ, không an toàn trong tác nghiệp, quản lý và giám sát tài khoản của nhà đầu tư. Về tiềm lực tài chính, tiềm lực tài chính các CTCK Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực, chỉ có 6 CTCK có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, điều này hạn chế hoạt động bảo lãnh phát hành và chức năng tạo lập thị trường. Về tính tuân thủ pháp luật, các công ty đã dần ý thức được việc tuân thủ và hoạt động theo pháp luật, nhưng vẫn còn vi phạm có tính hệ thống phải xử phạt, cung cấp những dịch vụ chưa được pháp luật cho phép và hướng dẫn, dẫn đến tranh chấp giữa CTCK với nhà đầu tư, trong khi chưa quản trị tốt rủi ro và bảo đảm an toàn tài chính.

Ba là, hệ thống chỉ tiêu giám sát bảo đảm an toàn tài chính đối với CTCK còn thiếu, không phù hợp. Hiện nay, qui định về bảo đảm an toàn tài chính đối với CTCK là phải đảm bảo tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng nợ điều chỉnh không xuống dưới mức 5%, tức là hệ số đòn bẩy tối đa không vượt quá 20:1; đồng thời tổng nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 6 lần, tức là hệ số đòn bẩy không vượt quá 6:1. Như vậy, về cơ bản chỉ tiêu an toàn tài chính thực tế áp dụng là vốn nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 6 lần. Tuy nhiên, chỉ tiêu này mới chỉ khống chế hệ số đòn bẩy mà không đề cập đến mức độ rủi ro trong hoạt động kinh doanh của CTCK như rủi ro thị trường, rủi ro nghiệp vụ, rủi ro tín dụng,... Chỉ tiêu này tỏ ra không phù hợp với thực trạng TTCK Việt Nam khi các CTCK quá tập trung đầu tư vào hoạt động tự doanh và hoạt động tín dụng; cả hai hoạt động này đều tiềm ẩn mức độ rủi ro cao khi TTCK đảo chiều theo hướng sụt giảm. Nhìn chung, hoạt động quản lý và giám sát CTCK vừa qua tập trung nhiều vào năng lực tạo ra lợi nhuận; tuy nhiên dưới góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, trước hết quan tâm đến nguy cơ đổ vỡ phát sinh từ những rủi ro trong hoạt động của CTCK, vì vậy cần thiết xác định đầy đủ mục tiêu quản lý và xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính hiệu quả.

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 69 - 71)