Định hướng phát triển CTCK Việt Nam

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 136 - 138)

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỔ CHỨC CÔNG TÁC KẾ TOÁN TRONG CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

3.1.2. Định hướng phát triển CTCK Việt Nam

CTCK là chủ thể quan trọng góp phần thúc đẩy TTCK phát triển và phát triển CTCK cũng như các hoạt động của nó là một trong những nội dung được đề cập trong Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ, theo Quyết định này các CTCK phát triển theo định hướng "Tăng số lượng hợp lý,

nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực tài chính cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán,... Đa dạng hoá các loại hình dịch vụ cung cấp trên thị trường, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng các dịch vụ; đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng trên thị trường" [18].

Trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thực tế hoạt động CTCK Việt Nam và xu hướng hội nhập quốc tế, định hướng cụ thể phát triển CTCK đến năm 2020 như sau:

Một là, tăng qui mô CTCK: Với số lượng 105 CTCK như hiện nay là tương

đối nhiều trong bối cảnh TTCK chưa phát triển và kém sôi động, thị phần bị chia nhỏ và có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các CTCK. Theo Luật Doanh nghiệp và qui định về điều kiện thành lập CTCK thì có thể ra đời những CTCK mới tạo thêm cơ hội lựa chọn cho các nhà đầu tư, tạo áp lực cạnh tranh để các CTCK không ngừng hoàn thiện và phát triển, tạo lực đẩy để các CTCK tiến sâu theo định hướng mở rộng hoạt động và chuyên sâu trong nghiệp vụ. Tuy nhiên, tăng qui mô về số lượng CTCK sẽ dẫn đến thị phần bị chia nhỏ, chất lượng dịch vụ chưa hoàn thiện, chạy đua theo phong trào. Định hướng này nhằm đạt tới tăng qui mô của mỗi CTCK bằng việc nâng cao điều kiện thành lập theo hướng qui định vốn pháp định tăng lên cho từng nghiệp vụ hoặc có thể qui định vốn pháp định cho việc thành lập một CTCK để đảm bảo thực sự có đủ tiềm lực tài chính, uy tín và chất lượng.

Hai là, nâng cao chất lượng dịch vụ và hoạt động chuyên sâu: Mục tiêu lâu

dài đối với hoạt động của CTCK là dịch vụ có chất lượng cao cung cấp cho nhà đầu tư, các nghiệp vụ kinh doanh được chuyên sâu và chuyên nghiệp. Định hướng mở rộng qui mô và chuyên sâu trong nghiệp vụ đã và đang được triển khai thực tế tại các CTCK như kế hoạch tăng vốn điều lệ; mở rộng mạng lưới chi nhánh, văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành phố nhằm mở rộng thị phần; tăng cường tính đại chúng, tạo khả năng thu hút vốn rộng rãi đến các nhà đầu tư; phát triển thành ngân hàng đầu tư, tăng cường thế mạnh về môi giới, về tư vấn cổ phần hoá doanh nghiệp,… Để thực hiện tốt định hướng này cần thiết thực hiện tái cơ cấu CTCK theo mô hình tổng hợp (CTCK lớn) và mô hình chuyên doanh (CTCK nhỏ và vừa); thực hiện liên doanh, liên kết giữa các CTCK; thực hiện chính sách về CTCK phá sản, thâu tóm, sáp nhập, mua bán lẫn nhau theo qui luật của thị trường; hoàn thiện khung pháp lý, thể chế cơ bản như Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn; tạo cơ chế cho các cơ quan quản lý độc lập; nâng cao hiệu lực quản lý và giám sát của Nhà nước.

Ba là, nâng cao tiềm lực CTCK: Tiềm lực của các CTCK bao gồm cả năng lực

về tài chính, con người, công nghệ, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm; trong đó, đặt sự phát triển của CTCK trong hệ thống các nhà đầu tư có tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư này tham gia TTCK với tư cách là nhà đầu tư chuyên nghiệp và thực hiện chức năng tạo lập thị trường. Các nhà đầu tư có tổ chức như các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quĩ đầu tư, tập đoàn kinh tế và Tổng công ty có vai trò nhất định tạo nên tiềm lực của các CTCK Việt Nam.

Bốn là, nâng cao yêu cầu về con người: Yếu tố con người luôn có vai trò

quyết định đến sự thành công hay thất bại của một tổ chức đặc biệt đối với CTCK hoạt động kinh doanh trên thị trường cao cấp như TTCK thì nhân tố con người càng trở nên quan trọng và được định hướng đúng đắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán và phải thường xuyên duy trì và nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhất là lãnh đạo các CTCK. Thực hiện định hướng này cần phải thực hiện xã hội hoá đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường và từng CTCK phải xây dựng được các chương trình, tiêu chuẩn và định hướng riêng; các CTCK có thể thành lập trung tâm đào tạo chuyên biệt để đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho công ty và xã hội.

Năm là, nâng cao năng lực và hiệu lực các công cụ giám sát: Đây cũng có thể

coi như biện pháp buộc các CTCK phải thực hiện tốt các qui định về hoạt động kinh doanh, lành mạnh tài chính, chống gian lận tài chính, an toàn tài chính; qui định về tăng cường sự minh bạch và đáng tin cậy, áp dụng chuẩn mực quốc tế. Các CTCK thực hiện thông tin chéo, đánh giá lẫn nhau, kiểm tra chéo giữa các CTCK; kiểm tra quá trình làm giá trên TTCK của các công ty, việc mua bán nội bộ giữa công ty mẹ với công ty con và giữa các công ty con với nhau; kiểm tra quá trình liên doanh, liên kết với các giao dịch nội bộ, đề cao kiểm tra kế toán nội bộ và thực hiện độc lập chức năng của công cụ kế toán trong công tác quản lý và quản trị công ty.

Tóm lại, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong những năm gần đây và sẽ còn tiếp tục phát triển, tạo nhiều cơ hội cho các CTCK phát triển các hoạt động. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với các CTCK nhất là khi TTCK có sự tham gia của các CTCK nước ngoài theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), theo đó các CTCK trong nước phải nỗ lực nâng cao sức mạnh và vị thế của mình với những định hướng cơ bản trên đây.

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 136 - 138)