Theo "Chế độ kế toán trong doanh nghiệp tài chính" hiện hành, báo cáo kế toán của các CTCK gồm: Bảng tổng kết tài sản; Báo cáo kết quả kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Bảng tổng kết tài sản dựa vào đẳng thức kế toán cơ bản: Tài sản = Nợ + Quyền lợi của người sở hữu; căn cứ vào tiêu chuẩn phân loại nhất định và thứ tự sắp xếp các khoản mục tài sản, nợ và quyền lợi người sở hữu vào ngày giờ nhất định. Bảng tổng kết tài sản có ba dạng: Bảng tổng kết tài sản dạng báo cáo; Bảng tổng kết tài sản dạng tình hình tài chính và Bảng tổng kết tài sản dạng tài khoản (Phụ lục số 06).
Báo cáo kết quả kinh doanh bao gồm Bảng lợi nhuận và Bảng phân phối lợi nhuận. Bảng lợi nhuận là bảng tăng, giảm thu nhập hoặc bảng thu nhập phản ánh lợi nhuận CTCK trong một thời gian nhất định; thông qua bảng này người sở hữu, quyền chủ nợ và người sử dụng thông tin có thể đánh giá kết quả kinh doanh và năng lực hưởng lợi của công ty; giá trị đầu tư và năng lực của công ty; hỗ trợ cho nhà quản trị đưa ra những quyết sách kinh tế; hỗ trợ cho công tác đánh giá thành tích và kết quả công tác của các nhà quản trị công ty; dự tính xu hướng phát triển của công ty.
Bảng phân phối lợi nhuận phản ánh tình hình phân phối lợi nhuận của công ty đã thực hiện trong một thời gian nhất định, hoặc tình hình công ty bù lỗ, đây cũng là một bảng biểu động thái bổ sung cho bảng lợi nhuận của công ty chứng khoán.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là bảng báo cáo kế toán phản ánh tình hình lưu chuyển tiền xuất ra và tiền nhập vào của công ty, giúp người sử dụng báo cáo hiểu và đánh giá được năng lực tạo tiền của công ty; đánh giá được nguyên nhân tiền mặt xuất ra và nhận vào; đánh giá năng lực bồi hoàn nợ của công ty; đánh giá khả năng thu, chi cổ tức, cổ phần và phân tích đánh giá lưu chuyển tiền tệ trong tương lai công ty.
2.3.2. Kinh nghiệm tổ chức công tác kế toán công ty chứng khoán Pháp
Trong hệ thống kế toán Pháp, kế toán được chia thành hai loại là kế toán tổng quát và kế toán phân tích. Kế toán tổng quát là kế toán bắt buộc đối với mọi loại hình công ty đều phải thực hiện, trong đó có loại hình công ty chứng khoán (thường là các công ty cổ phần). Nó phản ánh toàn bộ giá trị tài sản, vật tư, tiền vốn, tình hình mua bán, thu nhập, tính toán kết quả một cách tổng quát toàn công ty. Kế toán phân tích phản ánh tình hình chi phí, doanh thu và kết quả của từng loại chứng khoán, từng hoạt động nghiệp vụ, từng loại hoạt động kinh doanh; giá phí, giá thành của từng loại chứng
khoán, dịch vụ cung cấp,… Kế toán phân tích là phương tiện giúp Ban Giám đốc kiểm soát và điều hành có hiệu quả tình hình hoạt động của công ty. Mặc dù có những khác nhau về mục tiêu, phạm vi và phương pháp song kế toán tổng quát và kế toán phân tích có mối quan hệ chặt chẽ với nhau cùng thực hiện chức năng phản ánh và giám đốc quá trình kinh doanh một cách liên tục và có hệ thống.
1. Vận dụng hệ thống chứng từ kế toán
Theo hệ thống tài khoản kế toán tổng quát năm 1982 thì các công ty nói chung, CTCK nói riêng ở Pháp sử dụng các loại chứng từ như hoá đơn bán hàng, séc, hoá đơn tính tiền, phiếu tính lương,… để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh đã thực sự hoàn thành và là căn cứ để tiến hành ghi sổ kế toán.
2. Vận dụng hệ thống tài khoản kế toán
Tại Pháp năm 1982 chế độ kế toán được Hội đồng quốc gia về kế toán soạn thảo và được phê chuẩn theo Nghị định ngày 27/04/1982 của Bộ Kinh tế Tài chính nước Cộng hoà Pháp và được áp dụng từ năm 1984 gọi là Hệ thống tài khoản kế toán tổng quát năm 1982. Các công ty tuỳ thuộc vào qui mô và loại hình hoạt động để lựa chọn một hệ thống tài khoản kế toán thích hợp, đảm bảo việc phản ánh đầy đủ, toàn bộ mọi hoạt động của công ty. Trong hệ thống kế toán Pháp một tài khoản gồm 3 yếu tố: Tên tài khoản là tên của tài sản, vốn,… mà tài khoản phản ánh; Bên trái của tài khoản được gọi là bên Nợ; Bên phải của tài khoản được gọi là bên Có và tài khoản kế toán được mở theo "chữ T". Hệ thống tài khoản của Pháp gồm hai loại chính: Các tài khoản phản ánh tài sản và chi phí, các nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm tăng giá trị tài sản và chi phí được ghi vào bên Nợ của tài khoản, ngược lại ghi vào bên Có; Các tài khoản phản ánh vốn và thu nhập, các nghiệp vụ kinh tế phát sinh làm giảm vốn và thu nhập được ghi vào bên Nợ của tài khoản, ngược lại ghi vào bên Có. Cuối năm tài chính (hoặc cuối một kỳ kế toán) để khoá sổ sách nhân viên kế toán phải khoá tài khoản kế toán bằng cách cộng số phát sinh bên Nợ, số phát sinh bên Có, tìm ra số dư cuối kỳ của tài khoản và thực hiện các tài khoản có số dư Nợ thì đặt số dư Nợ sang bên Có; các tài khoản có số dư Có thì đặt số dư Có sang bên Nợ, khi đó số tổng cộng hai bên sẽ cân đối và ta gạch hai gạch ngang dưới số tổng cộng để khoá tài khoản.
Hệ thống kế toán Pháp năm 1982 sử dụng các sổ kế toán chủ yếu như sổ nhật ký, sổ cái, bảng cân đối tài khoản,…
Sổ nhật ký là sổ kế toán phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh theo thứ tự thời gian và kế toán viên không được ghi xen vào các nghiệp vụ bổ sung; Sổ nhật ký giúp cho việc kiểm tra, đối chiếu đảm bảo tính chính xác của thông tin kế toán (Phụ lục số 07).
Sổ cái là sổ kế toán phân loại các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo nội dung kinh tế. Sổ cái được mở cho từng tài khoản, có thể tập trung tất cả các tài khoản trong một quyển sổ, mỗi tài khoản được sử dụng một số trang nhất định hoặc mỗi tài khoản một quyển sổ hoặc sổ cái tờ rời. Hàng ngày, số phát sinh ở sổ nhật ký phải được ghi vào sổ cái của các tài khoản có liên quan (Phụ lục số 07).
Bảng cân đối tài khoản là sổ kế toán được lập để kiểm soát các số liệu đã được chuyển ghi từ nhật ký qua sổ cái trên cơ sở số phát sinh của các tài khoản trong sổ cái. Bảng cân đối tài khoản đáp ứng yêu cầu: Tổng cộng số dư Nợ đầu kỳ = Tổng cộng số dư Có đầu kỳ; Tổng cộng số phát sinh Nợ trong kỳ = Tổng cộng số phát sinh Có trong kỳ; Tổng cộng số dư Nợ cuối kỳ = Tổng cộng số dư Có cuối kỳ; Số liệu sau khi được kiểm tra trên BCĐTK được sử dụng để lập các báo cáo kế toán (Phụ lục số 07).