Những ưu điểm cơ bản

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 119 - 122)

4. Hệ thống báo cáo kế toán

2.4.1. Những ưu điểm cơ bản

TTCK Việt Nam được hình thành và hoạt động hơn 10 năm, bước đầu đi vào hoạt động, phát triển đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam cũng có những biến động không ngừng theo những qui luật riêng và chưa thực sự trở thành TTCK phát triển theo đúng nghĩa của nó; thể hiện ở các chủ thể tham gia trên TTCK còn thiếu chuyên nghiệp, tính thanh khoản còn thấp. Các CTCK Việt Nam đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động và phát triển của TTCK đặc biệt khi qui mô thị trường, số lượng nhà đầu tư tăng cao; đồng thời CTCK cũng đóng góp quan trọng trong tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tư vấn phát hành đối với tổ chức phát hành và đào tạo công chúng. Đây là kết quả tổng hợp mọi mặt hoạt động và quản lý của các CTCK mà then chốt là khâu tổ chức công tác kế toán được thể hiện trên những ưu điểm cơ bản sau:

Một là, đối với quản lý vĩ mô:

Để chuẩn bị cho TTCK ra đời năm 2000, các cơ quan Nhà nước liên quan như Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực chuẩn bị các tiền đề và điều kiện để TTCK hoạt động và một trong những điều kiện đó là thành lập các CTCK. Theo đó, CTCK Việt Nam được thành lập và hoạt động trên cơ sở Nghị định số 04/1998/QĐ-UBCK3 ngày 13/10/1998 của Chủ tịch UBCKNN, về mặt tài chính kế toán Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành chế độ kế toán áp dụng thống nhất cho các CTCK theo Quyết định số 99/2000/QĐ-BTC ngày 13/06/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, đảm bảo có hành lang pháp lý về công tác kế toán cho loại hình CTCK và đảm bảo sự thống nhất về công tác kế toán từng công ty và quản lý theo ngành. Sau tám (8) năm triển khai thực hiện, chế độ kế toán này bước đầu đáp ứng được các yêu cầu quản lý và trở thành công cụ hữu hiệu trong việc tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực KDCK nhất là về công tác kế toán, đồng thời đã cung cấp thông tin quan trọng cho công tác quản lý và điều hành của CTCK cũng như TTCK nói chung.

Trong quá trình CTCK hoạt động và vận dụng chế độ kế toán CTCK theo Quyết định số 99/2000/QĐ-BTC đã phát sinh nhiều nội dung dần dần không còn phù hợp với giai đoạn phát triển mới của TTCK; do đó đặt ra nhu cầu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chế độ kế toán CTCK cho phù hợp. Chính vì vậy, đến ngày 24 tháng 10 năm 2008 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 95/2008/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng đối với CTCK thay thế Quyết định 99/2000/QĐ-BTC ngày 13//06/2000 càng

khẳng định điều đó. Thông tư 95/2008/TT-BTC qui định đầy đủ bốn (4) phần, gồm: Hệ thống chứng từ kế toán và thống nhất về mẫu các loại chứng từ, phương pháp ghi chép các yếu tố trên chứng từ; qui định thống nhất hệ thống tài khoản, phương pháp ghi chép, phản ánh trên các tài khoản; qui định các hình thức tổ chức công tác kế toán để các CTCK vận dụng cho phù hợp; qui định số lượng, mẫu biểu và phương pháp ghi nhận, xác định và trình bày các chỉ tiêu trên hệ thống báo cáo tài chính vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các CTCK áp dụng vừa đáp ứng yêu cầu quản lý theo ngành một cách chặt chẽ và thống nhất. Cũng nhằm hoàn thiện hơn nữa chế độ kế toán CTCK theo Thông tư số 95/2008/TT-BTC, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 206/2009/TT-BTC ngày 27/10/2009 – Hướng dẫn kế toán giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ, Thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 06/11/2009 – Hướng dẫn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày Báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, Thông tư số 162/2010/TT-BTC ngày 20/10/2010 – Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư 95/2008/TT-BTC đã đáp ứng công tác hạch toán kế toán các đối tượng mới và dần dần tiến tới phù hợp với Chuẩn mực kế toán quốc tế. Công tác kiểm tra thường xuyên và định kỳ công tác lập và công bố thông tin của các CTCK theo qui định của pháp luật. Việc công bố thông tin của CTCK được qui định tại Thông tư số 38/2007/TT-BTC ngày 18/4/2007 của Bộ Tài chính và Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/01/2010 đã đáp ứng những nhu cầu về hiện trạng và những thay đổi liên quan đến CTCK phục vụ kịp thời công tác quản lý của CTCK và của Nhà nước. Về cơ bản Thông tư số 95/2008/TT-BTC và các Thông tư hướng dẫn kèm theo phù hợp với hệ thống pháp lý về kế toán, các văn bản pháp lý về chứng khoán, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của công tác kế toán, phản ánh đầy đủ hơn các nghiệp vụ phát sinh của CTCK, đáp ứng được yêu cầu quản lý của nội bộ công ty cũng như công tác thống kê, báo cáo của cơ quan Nhà nước.

Hai là, đối với công ty chứng khoán:

Kế toán CTCK (trách nhiệm của Kế toán trưởng) đã vận dụng chế độ kế toán CTCK theo Thông tư số 95/2008/TT-BTC một cách cụ thể và thống nhất về phương pháp chứng từ kế toán; thể hiện ở việc vận dụng hệ thống chứng từ Nhà nước ban hành và những hướng dẫn cụ thể về ghi chép các yếu tố, luân chuyển, bảo quản và lưu trữ vào thực tế của các CTCK; đảm bảo phản ánh đầy đủ, toàn bộ các nghiệp vụ

kinh tế tài chính phát sinh, quản lý chặt chẽ tình hình biến động vốn và nguồn vốn của công ty. Hướng dẫn các bộ phận vận dụng hệ thống tài khoản kế toán và hệ thống sổ kế toán theo hình thức Nhật ký chung hoặc hình thức kế toán trên máy vi tính phù hợp với đặc điểm của các CTCK. Qua đó đáp ứng được yêu cầu về hệ thống hoá thông tin kế toán từ các chứng từ kế toán đã phản ánh theo từng đối tượng kế toán, theo từng chỉ tiêu kinh tế tài chính phục vụ kịp thời cho quản lý và góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Việc vận dụng hình thức tổ chức công tác kế toán vừa tập trung vừa phân tán trong hầu hết các CTCK là phù hợp, hơn nữa nó đã được vận dụng rất linh hoạt khi các CTCK thu hẹp hoạt động, hạn chế về qui mô hoặc mở rộng hoạt động, tăng cường qui mô. Các CTCK vận dụng hệ thống báo cáo kế toán đặc biệt là báo cáo tài chính có sự trợ giúp của máy vi tính trong công tác kế toán đã đảm bảo yêu cầu về cung cấp thông tin và hiệu quả cao hơn. Chất lượng công tác kế toán được nâng lên và đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính, quản trị nội bộ trong công ty. Công tác kiểm tra kế toán được quan tâm và tiến hành thường xuyên từ khi thu nhận thông tin ban đầu đến quá trình hệ thống hoá, xử lý thông tin và cung cấp thông tin cho nhà quản lý hoặc các nhà đầu tư. Kiểm tra từng phần hành kế toán cũng như toàn bộ qui trình kế toán đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng thông tin kế toán, nâng cao uy tín, thương hiệu của CTCK trên thị trường - một trong những tiêu chuẩn, thước đo hàng đầu đối với khách hàng, là cơ sở cho sự tồn tại, phát triển và tăng trưởng của CTCK hiện nay.

Một phần của tài liệu Tổ chức công tác kế toán trong các công ty chứng khoán việt nam (Trang 119 - 122)