I. Vấn đề thực thể và chức năng.
2. Các quan niệm khác nhau về bệnh sinh các bệnh cơ thể tâm sinh:
Có rất nhiều quan niệm khác nhau, nhưng tựu trung lại có ba quan niệm được nói đến nhiều nhất.
a) Quan niệm theo học thuyết phân thần của Freud:
Những người theo học thuyết này dùng danh từ bệnh tâm thể. Tên gọi cũng tương tự như bệnh cơ thể tâm sinh nhưng nguyên nhân và cơ chế thì khác hẳn. Họ cho những triệu chứng tâm thể, thể hiện mối xung đột bên trong, chủ yếu mối xung đột giữa một bên là bản năng tính dục đòi thỏa mãn và một bên là lý trí, quy chế xã hội kìm hãm bản năng lại. Kết quả là bản năng bị dồn ép bên trong vô thức và tìm cách trá hình những triệu chứng cơ thể để thoát ra ngoài. Thuyết này rất phổ biến ở phương Tây, nhất là ở Mỹ. Nhưng luận điểm “tính dục lan tràn” này không đúng về mặt triết học lẫn thực tiễn, nên ngày càng bị nhiều người phản đối.
b) Quan niệm theo học thuyết thích nghi của Selye.
Theo trường phái này, bệnh cơ thể tâm sinh là một hình thái lâm sàng của các bệnh thích nghi. Đó là một hình thức phản ứng của cơ thể theo cơ chế nội tiết trước sự tấn công của các kích thích gây căng thẳng khác nhau, kích thích vật lý cũng như kích thích tâm lý. Biến đổi nội tiết lôi kéo theo biến đổi thực thể.
Theo họ, bệnh cơ thể tâm sinh thể hiện sự thất bại trong quá trình thích nghi. Thích nghi dưới mức sẽ phát sinh ra một số bệnh này (đái tháo đường, bệnh Cushing, lao,…). Thích nghi quá mức sẽ phát sinh ra một số bệnh khác (loét dạ dày, hen suyễn, các bệnh dị ứng…).
Thuyết này giúp chúng ta hiểu thêm cơ chế nội tiết trong quá trình phản ứng của cơ thể dưới tác dụng của các sang chấn tâm thần. Nhưng vì quá nhấn mạnh vào cơ chế nội tiết, coi nhẹ cơ chế thần kinh, tâm thần, nên thuyết này trở thành phiến diện, mất cân xứng.
Bản quyền phần gõ này thuộc về YB7 09-15
Trên cơ sở những nghiên cứu của trường phái Paplop (bệnh tâm căn thực nghiệm của Paplop, thuyết vỏ não nội tạng của Bưcop, đường liên hệ ngược của Anokhin,…), các bệnh tâm sinh có thể xuất hiện theo cơ chế sau này:
• Một cảm xúc tiêu cực, một sang chấn tâm thần (hay hồi ức về cảm xúc đối với sang chấn ấy), nếu lặp lại nhiều lần sẽ thông qua hệ thần kinh, chủ yếu qua hệ thần kinh thực vật, và các cơ quan nội cảm thụ, tác động đến nội tạng cơ quan, gây ra ở đấy những biến đổi, những rối loạn.
• Rối loạn nội tạng, cơ quan, tác động ngược lại đến tâm thần làm cho bệnh nhân suy nghĩ, lo lắng, buồn phiền,… Suy nghĩ lo lắng này lại làm cho rối loạn nội tạng, cơ quan nặng lên. Và cứ thế một vòng phản ứng kín được hình thành, tác động qua lại liên tục.
• Chính vòng phản ứng đóng kín và liên tục này làm cho rối loạn nội tạng và cơ quan, lúc đầu mang tính chất chức năng, càng về sau càng mất bù trừ và cuối cùng trở thành tổn thương thực thể.
• Tùy theo nhân cách, trạng thái tâm lý và trạng thái nội tạng, cơ quan, của từng người, mà một sang chấn tâm thần có thể tác động mạnh hay yếu vào cơ quan này hay vào nội tạng khác. Thường cơ quan, nội tạng nào bị tác động mạnh và liên tục sẽ là cơ quan nội tạng mang bệnh cơ thể tâm sinh.
• Bệnh cơ thể tâm sinh thường xuất hiện trên cơ sở những biến đổi thực thể, ít nhiều cố định, cho nên khi hoàn cảnh thay đổi, sang chấn tâm thần không còn tác động nữa, nhưng bệnh vẫn tiếp tục tiến triển như một bệnh thực thể.
Quan niệm về bệnh sinh vừa trình bày ở trên là quan niệm hiện nay được nhiều tác giả chấp nhận.