Khái niệm chung về ý thức

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm thần học (Trang 63)

1. Theo nghĩa rộng

Ý thức là một hoạt động tổng hợp các quá trình tâm thần khác nhau, có đặc tính phản ánh ở mức cao nhất, toàn diện và chính xác nhất hiện thực khách quan. Như vậy, ý thức là đặc điểm của vật chất có tổ chức cao nhất tức là bộ não của con người. Ở súc vật các cấp, hoạt động tâm thần chỉ phát triển đến mức tư duy cụ thể, đơn giản (vượn người). Chỉ ở con người mới có tư duy trừu tượng, và cao hơn là ý thức.

Ý thức không phải bẩm sinh. Bẩm sinh chỉ có khả năng hình thành ý thức nhờ có cấu trúc tinh vi của bộ não. Khả năng này phát triển thành ý thức trong những điều kiện của đời sống xã hội. Điều kiện hết sức quan trọng cho ý thức xuất hiện là lao động và lời nói, với tính chất là phương tiện giao thiệp giữa người và người.

Như vậy, ý thức không phải chỉ là hoạt động tổng hợp toàn vẹn, phức tạp của bộ não, mà còn là sản phẩm của quá trình hoạt động xã hội của con người. Ý thức là toàn bộ sự hiểu biết của con người về thiên nhiên, xã hội và bản thân.

Hoạt động của ý thức là một hoạt động tổng hợp toàn vẹn, phức tạp, cho nên về cơ sở sinh lý học, ý thức cũng là một sự hoạt động tổng hợp toàn vẹn và phức tạp của hệ thần kinh từ cơ quan tiếp thu kích thích ngoại biên cho đến tận cùng của các phân tích quan ở vỏ não, từ hoạt động cung cấp năng lượng hoạt hóa của vùng dưới vỏ đến hoạt động phân tích tổng hợp tinh vi của vỏ não. Vỏ não được hưng phấn phần lớn do ảnh hưởng của làn sóng hưng phấn từ vùng dưới vỏ đến, nhất là từ cấu tạo lưới. Nhưng quá trình hoạt hóa chưa phải là ý thức, nó chỉ là điều kiện, là quá trình cung cấp năng lượng cho vỏ não làm nhiệm vụ phân tích tổng hợp các kích thích hiện tại trong mối liên hệ phức tạp với dấu vết các kích thích cũ. Chính từ quá trình phức tạp này, quá trình huy động một số lượng rất lớn các thành phần khác nhau của vỏ não mà phát sinh ra ý thức.

2. Theo nghĩa trong lâm sàng.

Trong lâm sàng nhất là lâm sàng tâm thần học, ý thức được hiểu theo nghĩa hẹp hơn. Chủ yếu ở đây là nghiên cứu mức độ sáng sủa, tỉnh táo của tâm thần, nghiên cứu mức độ nhận thức của bệnh nhân về bản thân mình và mối liên hệ giữa bản thân mình với môi trường xung quanh.

Vì vậy, trong tâm thần học, khi nghiên cứu ý thức, thường chú trọng vào việc kiểm tra năng lực định hướng của bệnh nhân, bao gồm:

a) Định hướng không gian: Biết mình đang ở đâu, bệnh viện cách nhà bao nhiêu kilomet... b) Định hướng thời gian: Biết ngày, tháng hiện tại, biết tính thời gian nằm viện của mình... c) Định hướng bản thân: nắm được lý lịch về mình, biết trạng thái bệnh tật của mình... d) Định hướng về những người xung quanh: hiểu được nhiệm vụ của những người trong bệnh phòng: y tá, hộ lý, bệnh nhân...

Ngoài ra, còn nghiên cứu các thành phần tâm thần khác liên quan đên sý thức như tri giác (ảo giác), tư duy (tư duy rời rạc), phản ứng cảm xúc (say mê hay sợ hãi), trí nhớ (quên ít hay nhiều sau cơn)…

II. CÁC HỘI CHỨNG RỐI LOẠN Ý THỨC

Thường chia ra hai loại lớn:

1. Các hội chứng ý thức bị loại trừ: 2. Các hội chứng ý thức bị mù mờ:

Cách phân chia này chỉ có giá trị tương đối và có tính quy ước, vì trong thực tế lâm sàng thường gặp 2 khó khăn sau:

3. Có trường hợp triệu chứng thuộc nhiều hội chứng khác nhau lại tập hợp trong một trạng thái rối loạn ý thức (trạng thái mê sảng – lú lẫn, trạng thái hoàng hôn còn đinh hướng…)

4. Có những hôi chứng tâm thần khó nhận định là ý thức có bị rối loạn hay không. Thí dụ: trong hội chứng ảo giác – paranoit, những điều cảm thị và hành vi của bệnh nhân không phù hợp với thực tế, thực tại bị phản ánh sai lệch trong ý thức bệnh nhân và các hiện tượng ấy bệnh nhân không phê phán được.

Một phần của tài liệu Giáo trình tâm thần học (Trang 63)